Đời Tu và Tử Đạo

24-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2285 lượt xem

“Tử đạo” là gì? Tiếng Việt nói đầy đủ  là “Tử vì đạo”, nghĩa là chết vì đạo, chết vì đức tin, hay còn gọi là “Tuẫn đạo”. (x. “Tử vì đạo,” Từ điển Công giáo, Bs. UB. GLĐT-HĐGMVN (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), xt. “Tuẫn đạo”)

Gốc Hy Lạp martyrs = chứng nhân, người làm chứng, hay  marturion = sự làm chứng

Kinh Thánh: Từ martyrs, marturion được dùng theo nghĩa tôn giáo, áp dụng cả về phía Thiên Chúa và cả về phía con người. Từ này được chuyển dịch ra nhiều ngôn ngữ vẫn giữ gốc Hy Lạp, ví dụ martyr (Latin), martyr (English), martyre (Français) hoặc được chuyễn nghĩa với từ tương đương testimonium (La), testimony (Eng), témoignage (Fra). Đơn cử một vài đoạn Tân Ước tiêu biểu sau đây:

  • Kh 1,5; 3,14: Đức Kitô là “chứng nhân trung thành”
  • Ga 18, 37: Đức Kitô đến thế gian để “làm chứng cho sự thật”
  • Lc 24,48: Đức Giêsu truyền cho các Tông đồ “Chính anh em là chứng nhân” cho sự chết và sự phục sinh của Người.
  • Công vụ Tông đồ (chứng nhân: 5 lần, làm chứng: 24 lần): Các Kitô hữu tiên khởi làm chứng cho Đức Kitô bằng:

1/  Rao giảng về Đức Kitô, đặc biệt công bố sự chết và sự phục sinh của Người (làm chứng cho căn tính và sứ vụ của Người),
2/ Gắn bó với Người trong cầu nguyện, phượng tự (làm chứng rằng Người đang hiện diện sống động và ban ơn sủng cho các tín hữu trong Hội thánh),
3/ Sống theo giáo huấn Người (làm chứng rằng Lời mạc khải của Người là chân lý mang lại sự sống),
4/ Chấp nhận chết vì Người (làm chứng cho ơn cứu độ vĩnh cửu mà Người đã hứa ban: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32).

Vào thế kỷ II : Martyr giới hạn ý nghĩa vào việc làm chứng bằng cái chết (tử đạo). Tuy vậy, các giáo phụ vẫn nới rộng ý nghĩa từ “tử đạo thể lý” – từ bỏ sự sống trần gian vì lòng mến Chúa Kitô, đến ý nghĩa “tử đạo tinh thần”, đặc biệt nơi đời sống các trinh nữ, ẩn sĩ, đan sĩ – từ bỏ đời sống hôn nhân, thế tục vì lòng mến Chúa Kitô, được gọi là “tử đạo trắng” và các nhà truyền giáo – từ bỏ quê hương xứ sở, để đem ánh sáng Tin Mừng đến cho tha nhân, được xem như là “tử đạo xanh” (hoặc tím).

Thời Trung cổ: Thánh Tôma Aquinô nêu lên trong Tổng luận Thần học (II-II, q. 124- a. 1-5) những tương đồng giữa tử đạo đời tu theo 6 khía cạnh:  1/ cả hai là đặc sủng; 2/ cả hai là sự rửa tội lần thứ hai; 3/ cả hai là sự hoàn thiện của đức ái; 4/ cả hai là hiến lễ toàn thiêu; 5/ cả hai là chứng tá đức tin; 6/ cả hai xây dựng Hội thánh.

(Trích trong Phan Tấn Thành, “Chứng tá và tử đạo,” Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11-2018), tr. 75-77)1

1/ Sự tử đạo và ơn gọi tận hiến là đặc sủng Chúa ban cho một ít người, chứ không phải cho tất cả mọi tín hữu. Tất cả mọi tín hữu đều có thể nên thánh, nhưng không phải tất cả đều được ơn tử đạo hoặc được kêu gọi tận hiến. Dĩ nhiên, không phải tất cả các vị tử đạo đều là tu sĩ, và không phải tất cả các tu sĩ đều chịu tử đạo. Dù vậy, giữa đôi bên có nhiều điểm tương đồng, như sẽ thấy sau, và tiên vàn bởi vì là một hồng ân của Chúa ban, một đặc sủng.

2/ Sự tử đạo và đời tu được ví như bí tích rửa tội thứ hai. Khi lãnh bí tích rửa tội, người dự tòng tuyên xưng đức tin trước mặt linh mục và được dội nước trên mình. Khi tử đạo, người tín hữu tuyên xưng đức tin trước mặt lý hình, và được tắm máu đào. Qua cái chết của mình, vị tử đạo diễn tả ra thực tại điều mà được tượng trưng nơi bí tích thánh tẩy, đó là tham dự vào cuộc tử nạn của Đức Kitô (ST III, q.66, a.12) – Việc khấn dòng cũng là một lời tuyên xưng đức tin trước mặt Giáo hội, hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Lời khấn dòng là bí tích rửa tội thứ hai, chết cho thế gian để sống cho Thiên Chúa (ST II-II, q.88,a 11 ad.1). Theo thánh Tôma, lời khấn dòng mang lại công hiệu giống như bí tích rửa tội, nghĩa là sự tha thứ hết các tội (ST II-II, q.189, a.3 ad 3).

3/ Sự tử đạo và đời tu diễn tả đức ái trọn hảo. Sự tử đạo diễn tả lòng yêu mến đối với Đức Kitô cách tuyệt đối. Ba lời khấn dòng cũng nhắm biểu lộ đức ái trọn hảo (ST II-II, q.186, a.6, ad 2). Lời khấn khó nghèo giải thoát con người khỏi những lo âu vật chất, ham mê của cải danh vọng, để mở rộng lòng yêu mến tha nhân. Lời khấn trinh khiết giải thoát tâm trí khỏi đam mê nhục dục ngõ hầu thanh thoát chiêm niệm chân lý. Lời khấn vâng phục giúp con người luôn sẵn sàng kết hợp với ý muốn của Chúa.

4/ Đời tu và sự tử đạo đều là hiến lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Tử đạo là hiến dâng mạng sống vì lòng yêu mến Chúa. Theo thánh Tôma, các tu sĩ thực hiện cuộc hiến tế này qua lời khấn vâng phục, một hành vi tự nguyện dâng hiến ý chí tự do, biểu hiệu cao quý nhất của bản ngã (ST II-II, q.124 a.3, ad 2).

5/ Đời tu và sự tử đạo đều là chứng nhân cho chân lý đức tin và thực hành đức tin. Các tu sĩ dành trót đời để chiêm ngưỡng các chân lý đức tin và tìm cách diễn tả ra cuộc sống hằng ngày. Cuộc đời người tu sĩ trở nên chứng tá cho đức tin. Đôi bên đều đã chiêm ngắm đức tin, và được đức tin nhào nặn cuộc đời. Cả hai đã để cho đức tin chiếu tỏa ra cuộc đời.

6/ Đời tu và sự tử đạo góp phần xây dựng Giáo hội. Các vị tử đạo và các tu sĩ không chỉ tìm cách sống đẹp lòng Chúa và thánh hóa bản thân. Họ còn góp phần vào việc xây dựng Giáo hội nhờ lời cầu nguyện, nhờ gương sáng. Họ góp phần vào việc bảo vệ Giáo hội nhờ việc bảo vệ chân lý đức tin trước những tấn công của thù địch. Đức tin không chỉ là điều thiện của cá nhân, mà còn là công thiện của xã hội. Thánh Tôma đặt sứ mạng của các nhà thần học, các trinh nữ, các vị tử đạo ngang hàng với nhau bởi vì tất cả đều bảo vệ đức tin của Giáo hội. Khi nhìn tấm gương của thánh Athanasiô bảo vệ đức tin Công giáo tại Công đồng Nixea, thánh Tiến sĩ thiên thần nói rằng bảo vệ các tín hữu bằng khí giới tinh thần chống lại lạc giáo và ma quỷ thì cao quý hơn là bảo vệ cộng đoàn khỏi bị tiêu diệt bằng vũ khí vật chất. Các vị tử đạo và các nhà giảng thuyết đều có chung sứ mạng là bảo vệ, nuôi dưỡng đức tin của Giáo hội, bằng những phương tiện khác nhau. Các tu sĩ tuy không hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin của Giáo hội, nhưng họ nâng đỡ đức tin của anh chị em tín hữu nhờ gương sáng và lời dạy dỗ.

* * *

Lạy Chúa, Chúa ban cho Hội thánh nhiều chứng nhân anh dũng đã hiến dâng mạng sống mình để làm chứng con đức tin, nay xin Chúa cũng tăng thêm đức tin cho chúng con và giúp chúng con trung thành với ơn gọi thánh hiến, để làm chứng cho Chúa. Amen.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com