“Anh Em Chỉ Có Một Thầy” (Mt 23,8)

20-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2236 lượt xem

Quốc Trọng

Hôm nay, ngày 20 tháng Mười Một là ngày Nhà giáo Việt Nam, các trường học tổ chức ngày này nhằm tôn vinh người thầy, người cô, những người góp phần vun trồng tri thức nhân loại. Bỏ qua những lạm dụng chính trị, chỉ xét đến ý nghĩa, thì việc làm này là tốt đẹp, mang tính chất giáo dục cho học sinh những bài học nhân bản về việc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, vừa kết nối và làm nổi bật truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam – “Không thầy đố mày làm nên”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Trong những ngày này, người ta vẫn thường nhắc lại cho nhau nghe những mẫu gương nhà giáo nổi bật của dân tộc, như Chu Văn An, Nguyễn Ngọc Ký,… và cả những mẫu gương thầm lặng được báo chí tìm tòi và tuyên dương.

Trong Giáo hội, tại các giáo xứ, các tổ chức giáo dục, cũng nhân dịp này nói lên lời biết ơn dành cho những ai đang dấn thân trong sứ mạng giáo dục đức tin. Đó là các linh mục, tu sĩ, và giáo lý viên; và có cả những người thầy tuy không tham gia trực tiếp vào việc giáo dục đức tin nhưng họ vẫn mang các giá trị Kitô giáo lên bục giảng của mình. Nếu như ngoài xã hội, người ta kể lại cho nhau nghe nhiều mẫu gương, thì nơi Giáo hội, những vị thánh chuyên lo giáo dục như Gioan Bosco, Gioan Baotixita Lasan,… được nhắc đi nhắc lại, để qua những vị này, những nhà giáo dục Kitô giáo biết noi gương người Thầy tuyệt hảo nhất – Thầy Giêsu.

Người Thầy Tuyệt Hảo

Đức Giêsu là một người Thầy tuyệt hảo, vì Người hết lòng yêu thương học trò của mình, dù họ còn nhiều thiếu sót. Học trò của Người là ai? Đó chính là đám đông dân chúng, những người luôn đi theo Người để được nghe Người giảng dạy và nhận được các dấu lạ do Người thực hiện. Đó còn là các môn đệ, nhất là Nhóm Mười Hai. Đối với học trò của mình, Đức Giêsu bao giờ cũng “chạnh lòng thương”. Dịch sát từ gốc splanchnizesthai có nghĩa là “đau lòng, quặn thắt”. Thường thì chúng ta sẽ gặp thấy cảm xúc này ở nơi người mẹ đang quặn lòng trước nỗi đau của người con[1]. Như vậy, khi chạnh lòng thương khi thấy cảnh đám đông, học trò của mình, như đàn chiên không người chăn dắt (xc. Mt 9,35-37), Đức Giêsu đã xem họ như là máu xương của mình. Từ đó, chắc hẳn Người đã nhìn thấu được những nhu cầu thực sự của họ. Đám đông vất vưởng không đơn giản chỉ là họ lầm than, khốn khổ về mặt vật chất, nhưng quan trọng hơn hết, họ lầm than về mặt tinh thần. Chính vì thế, Đức Giêsu mới yêu cầu các Tông đồ “xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (xc. Mt 9,38). Đức Giêsu yêu thương hết thảy mọi người, nên Người sẵn lòng cứu chữa những ai tin nhận Người. Với các dấu lạ chữa lành, các tác giả Tin Mừng đều nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin của người được chữa. Vì họ tin, mà ân sủng Đức Giêsu ban tặng đã chữa lành họ. Sự chữa lành này không dừng lại ở việc phục hồi thể xác, nhưng hơn hết, là việc củng cố đức tin nơi họ. Đức Giêsu yêu thương đám đông thế nào, thì Người càng yêu thương các Tông đồ gấp bội, và Người yêu thương họ đến cùng (xc. Ga 1,13). Vì yêu, Người đã chọn gọi các ông trở nên Tông đồ của mình, trở nên những học trò thân tín nhất để cùng chia sẻ sứ mạng loan báo ơn cứu độ, cho dù các ông là những người đầy khiếm khuyết. Đức Giêsu đã đón nhận các ông với chính con người họ. Các ông như thế nào thì Đức Giêsu trân trọng như thế đó. Vì nếu không như vậy, chắc hẳn các Tông đồ của Người phải là những người có học thức, có địa vị. Nhưng như thế không có nghĩa rằng Đức Giêsu thỏa hiệp với những yếu đuối nơi các ông. Người vẫn sửa dạy các ông một cách đầy kiên nhẫn. Đã nhiều lần Đức Giêsu gọi họ là những kẻ kém lòng tin (xc. Mt 6,30). Đã nhiều phen Người phiền lòng, và trách mắng (xc. Mt 26,45), nhưng luôn kiên nhẫn đầy từ tâm đối với họ.

Chính tình yêu tha thứ và bao dung đó đã tạo nên điều tuyệt hảo thứ hai nơi Thầy Giêsu: luôn hướng môn sinh đến những giá trị vĩnh cửu. Vì Thầy đã luôn nhìn nhận phẩm giá của mọi người, nhất là những kẻ bé mọn, nên Thầy cũng muốn trò hãy yêu thương những kẻ bé mọn, bởi mỗi khi các trò làm điều gì cho những người này là làm cho chính Thầy (xc. Mt 25,31-45). Đó là một tình yêu không biên giới, không phân biệt; tình yêu kéo dài đến vô tận. Tình yêu vô biên đó đòi hỏi các môn đồ phải lựa chọn Thiên Chúa là tình yêu (xc. 1Ga 4,16) hơn là trở nên tôi tớ tiền bạc. Đứng trước những thực tại nơi cuộc lữ hành trần thế, và giữa bao điều thế gian mang lại để thỏa mãn những yếu đuối nơi con người, Đức Giêsu muốn các Tông đồ, và mọi tín hữu trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa (xc. Mt 6,33-34). Tìm kiếm Nước Thiên Chúa là hướng lòng mình lên những gì thuộc thượng giới (xc. Cl 3,1-2), không dính bén với những thứ chóng qua như sự nghiệp, tiền tài, danh vọng,… Nhưng làm sao có thể đạt được điều đó? Thầy Giêsu cho các môn đồ một cách thức: hãy trở nên như trẻ nhỏ (xc. Mt 18,1-4). Trở nên như trẻ nhỏ là mặc lấy vào mình tinh thần đơn sơ, khiêm tốn, trong trắng, nhất là luôn yêu mến và tin tưởng vào Thiên Chúa. Mến Chúa là yêu người; tin tưởng vào Chúa là đặt Chúa làm trung tâm đời sống mình. Như vậy, trở nên như trẻ nhỏ là bài học về đức ái cao cả, đức ái vươn cao với Thiên Chúa, và mở rộng ra với tha nhân. Bất kỳ ai sống với tinh thần của một trẻ nhỏ, người đó đã tìm được Nước Thiên Chúa.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đây là sự trọn hảo của đức ái, của việc nên như trẻ nhỏ, của việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Đức ái trọn hảo là đức ái dám để bản thân phải hủy đi, để tha nhân được sống và sống dồi dào. Chính Thầy Giêsu đã làm gương trước về điều này, để nhờ sự tuyệt hảo của đức ái nơi Thầy, các học trò cũng sẽ noi theo và sống như vậy. Chữ vừa có nghĩa là thầy, vừa có nghĩa là gương mẫu[2]. Như thế, một người thầy tốt lành không chỉ là người truyền đạt tri thức cho học trò, mà còn phải là tấm gương đời sống nhân đức thánh thiện cho các môn sinh. Chính Đức Giêsu là người Thầy như thế. Bài học của Người chỉ có một nội dung duy nhất là yêu thương, và Người đã làm gương trước về điều đó, khi cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ. Hành vi rửa chân là một giải nghĩa, như thế nào được gọi là tình yêu đích thực. Tình yêu không phải là thứ tồn tại nơi chót lưỡi đầu môi, nhưng phải thúc đẩy con người đạt đến tinh thần tự hủy, dám cúi xuống phục vụ tha nhân mà không tính toán thiệt hơn. “Anh em gọi Thầy là thầy, là Chúa, điều đó phải lắm […] Vậy nếu Thầy là Chúa, là thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,13-14). Tấm gương đó đã trở nên tuyệt hảo nhất khi Thầy Giêsu dang tay trên thập giá, khi Người “dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”, và làm giá chuộc muôn người.

 Người Trò Tuyệt Hảo

Đức Giêsu là người Thầy tuyệt hảo, còn chúng ta, các tín hữu, cách riêng những nhà giáo dục Kitô giáo, có bổn phận phải trở nên những môn sinh tuyệt hảo. Nhưng bằng cách nào? Chữ nếu dùng như một động từ thì có nghĩa là bắt chước, noi theo[3]. Như vậy, khi gọi Đức Giêsu là Thầy, là Sư, các tín hữu được mời gọi noi theo đời sống của Người. Diễn tả điều này, thánh Phao lô dùng từ “nên đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô (xc. Rm 8,29).

– Trước hết, là những người làm giáo dục, người thầy phải học cách đón nhận học sinh với trọn vẹn con người của nó. Giáo viên rất dễ bị cám dỗ cưng chiều, thiên vị đối với những học sinh ngoan, học giỏi. Biến tướng xấu hơn là việc bao bọc cho học sinh có phụ huynh có khả năng bao bọc mình. Thánh Gioan Lasan – Bổn mạng các nhà giáo dục Kitô giáo – đã nói: Your students are living images of Jesus – Chính mỗi học sinh là hình ảnh Đức Giêsu. Như vậy, khi đón nhận các em với toàn bộ con người của mình, nhà giáo dục đang đón nhận Đức Giêsu. Nhưng khi đón nhận trọn vẹn con người đầy thiếu sót của học sinh, người thầy cần đồng hành, sẻ chia với các em. Không chỉ nơi bục giảng với các kiến thức khô khan, mà còn phải vào những khi ngoài giờ học. Mỗi em học sinh, khi sống trong xã hội này, đều chịu tác động bởi xã hội đó. Việc nhìn nhận phẩm giá học sinh đòi buộc người thầy không kết án các biểu hiện, nhưng biết gắng công đi tìm và chữa lành những chấn thương bên trong.

– Không có cách nào hữu hiệu hơn việc giúp các em chân nhận và hướng tìm những giá trị vĩnh cửu, để có thể giúp các em tự bản thân chữa lành những chấn thương của mình. Tình trạng bạo lực học đường cùng những tệ nạn khác nơi học sinh ngày càng có những biểu hiện xấu hơn. Bỏ qua những chấn thương tâm lý, nhất là từ gia đình, người thầy cần phải nhìn nhận rằng, các em đang được giáo dục để quý trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần. Nhất là, với nền giáo dục buộc con voi phải trèo cây giỏi như con khỉ, các em bị buộc phải trở nên những học giả này kia, nhưng đời sống luân lý thì rỗng tuếch. Hậu quả đó, thi sĩ Nguyễn Khuyến gọi là “Tiến sĩ giấy”. Nhà giáo dục Kitô giáo được mời gọi mang các giá trị Tin Mừng vào các lớp học của mình. Trước hết, các nhân đức Kitô giáo phải được lồng khéo léo vào các bài giảng, sau là đến những lời tâm sự, tư vấn, chia sẻ mà người thầy dành cho học sinh của mình. Có như thế, các em mới không vướng vào các tệ nạn xã hội, thầy trò sẽ không sẵn sàng “đấu tay đôi” trên bục giảng, học sinh sẽ không bị biến thành công cụ để chuộc lấy thành tích,…

– Đức Phaolô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Như vậy, người thầy phải trở nên những chứng nhân cho chính những gì mình giảng dạy. Không thể có một người thầy luôn nhắc học sinh phải đoàn kết, trong khi họ lại chia bè kéo cánh với đồng nghiệp. Không thể có một người thầy dạy về trung thực, trong khi họ lại thích nhận hối lộ. Những nhà giáo dục Kitô giáo, đang khi thông truyền các giá trị Tin Mừng vào môi trường làm việc của mình, cần phải trở nên như Đức Kitô và giáo dục với tư cách như những chứng nhân của Đức Kitô. Có như thế, các nhà giáo dục Kitô giáo mới có thể trở thành “muối cho đời” “ánh sáng cho trần gian” (xc. Mt 5,13-14).

Khi nói lên tâm tình biết ơn những người thầy trong Giáo hội, chúng ta cũng cầu nguyện thật nhiều cho các vị ấy, để nơi bục giảng và lớp học của mình, họ luôn sẵn sàng mang gieo rắc những hạt giống Tin Mừng. Cũng thật cần thiết khi ta thêm vào lời cầu nguyện đó ý chỉ cho những người đang giữ vai trò giáo dục nơi học đường, để họ biết tìm kiếm những giá trị làm người đích thực, biết trân trọng phẩm giá và con người của học sinh, biết tìm tòi và tạo điều kiện để học sinh phát triển một cách toàn diện. Cùng với nhau, các thầy cô sẽ xây dựng xã hội Việt Nam dần trở thành một xã hội của tình thương.

[1] Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM., Lc 10, 25-37: Ai là người thân cận của tôi?, http://catechesis.net/lc-1025-37-ai-la-nguoi-than-can-cua-toi-2/  Truy cập ngày 19/11/2018.

[2]  [3] Xt. https://hvdic.thivien.net/hv/s%C6%B0

 

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com