Cầu Nguyện Cho Người Đã Khuất

11-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4229 lượt xem

Đa Minh Martinô Nguyễn Ngọc Huy

Đ ất và trời, cảnh và sắc đang giao mùa. Không còn nữa những ngày ẩm ướt hay sáng nắng chiều mưa, thay vào đó là tiết trời khô ráo pha chút se lạnh của không khí mùa đông từ miền Bắc tràn vào. Mùa nào cũng có cái đặc thù riêng của nó. Vào mùa đông, cũng là lúc mặt trời đang hạ dần xuống điếm thấp nhất về phía nam vào ngày Đông chí, để rồi cao dần lên về phía bắc vào ngày Hạ chí. Tôi ngắm nhìn vạn vật đang trong sự thay đổi tuần hoàn của đất trời. Tôi quan sát vườn hoa muôn loài trong tu viện rộng lớn có tượng Đức Bà đứng giữa mà cảm giác có những bông hoa chưa kịp bung mình hứng đủ ánh sáng thì đã bị đêm đen tĩnh mịch gọi về. Tôi nghĩ về kiếp nhân sinh vắn vỏi. Có nhiều cuộc đời cũng “chưa kịp…” như thế và đã lặng lẽ trở về với bóng tối trong lòng đất tĩnh mịch lạnh lẽo cùng sự thương tiếc và nỗi nhớ khôn nguôi của người ở lại. Khi còn đang trôi nổi trong suy tư về kiếp nhân sinh vắn vỏi, lại có vài ký ức trong tôi cắt ngang.

Tôi cầm trên tay cuốn Tự Thuật của thánh Âu Tinh và nhớ lại đoạn thánh nhân kể về lời trăn trối của thân mẫu người:

Các con có thể chôn xác mẹ ở đâu cũng được. Mẹ chỉ xin các con một điều là dù các con ở đâu, thì hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa.

Câu nói của thánh Mô-ni-ca khiến tôi giật mình vì có những lúc tôi đã quên việc  cầu nguyện cho những người thân yêu qua đời cũng như cho các linh hồn. Cầu nguyện cho phần rỗi các linh hồn không chỉ là cách thể hiện mối tương quan tình thân mà còn là bổn phận của người đang sống đối với người đã khuất, và đi xa hơn nữa, đó là lời tuyên xưng đức tin vào ơn cứu độ của Đức Ki-tô, đang khi “trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.”

Về nguồn gốc, việc cầu nguyện cho những người đã qua đời bắt đầu từ rất sớm. Ngay thời sơ khai của Giáo hội, cộng đoàn Kitô hữu đã ghi tên những người còn sống cũng như đã qua đời lên một danh sách tách biệt hai phần: tên những người còn sống một bên, tên những người đã qua đời một bên, để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Vào thế kỷ VI, tại những đan viện Biển Đức đã có nghi lễ tưởng niệm dành cho những thành viên đã qua đời, thường được cử hành vào Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ở Tây Ban Nha, vào thời thánh I-si-đô-rô (560-636) cũng có nghi lễ tương tự, nhưng được tổ chức vào thứ bảy trước Chúa Nhật thứ hai mùa Chay hoặc trước lễ Hiện xuống. Ở Đức cũng tồn tại nghi lễ cầu nguyện cho những người đã chết diễn ra vào ngày 1 tháng 10. Sau đó, thánh Ô-đi-lô chọn ngày mùng 2 tháng 11, liền kề với ngày lễ các thánh để cầu nguyện cho tất cả các tín hữu đã qua đời.

Việc cầu nguyện cho người đã khuất có nguồn gốc từ thời Cựu Ước. Sách Ma-ca-bê thuật lại việc Giu-đa sau khi đánh bại được quân đội An-ti-ô-cô, đã quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội cho những tử sĩ của mình vì trong áo của họ người ta tìm thấy lá bùa của tượng thần Giam-ni-a: đó là điều luật cấm. Điều quan trọng hơn, ông Giu-đa xin dâng lễ đền tội cho những người này vì tin rằng họ sẽ sống lại. Sang thời Tân ước, ta thấy thánh Phao-lô đã khuyên ông Ti-mô-thê-ô cầu nguyện cho O-nê-si-pho-rô, một cộng tác viên của vị thánh Tông đồ tại Ê-phê-xô (2Tm 1,16-18) và tập tục này được duy trì trong suốt lịch sử hội thánh.

Cầu nguyện cho người đã qua đời là một điều cần thiết vì:

1. Nhiều linh hồn chết trong ơn nghĩa với Chúa, nhưng vẫn đang còn chịu sự thanh luyện

Trong Vương quốc của Thiên Chúa hằng sống – thành Giê-ru-sa-lem trên trời, có những người công chính đã được nên hoàn thiện (Kh 21,27) nhờ được thanh luyện như “băng qua lửa” (1Cr 3, 15). Có nhiều tranh luận và những cuộc bút chiến về sự tồn tại của nơi thanh luyện “purgare” dành cho các linh hồn dù được ơn nghĩa với Chúa nhưng vẫn còn phải chịu những hình phạt bởi tội. Vào thế kỷ IV, thánh Ê-pi-pha-ni-ô chống lại tư tưởng của phái A-ri-ô, khi nhóm này chủ trương không có luyện ngục và cầu nguyện cho những người chết là vô ích. Vào thời Trung cổ, nhiều giáo phái từ chối tin vào sự tồn tại của luyện ngục, như lạc giáo Albigenses, Voudoir.

Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1030 viết:

Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.

Như thế, luyện ngục không phải là nơi chốn linh hồn bị luận phạt, là nơi Thiên Chúa diễn tả tình thương của mình dành cho con người, Người khao khát tẩy rửa các linh hồn để họ có thể thông hiệp trọn vẹn với Người trong Thiên Quốc. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là tình yêu, nên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa còn lớn hơn sự phán xét công minh của Người. Sự chuyển cầu của những người còn sống có thể giúp các linh hồn đang chịu thanh luyện mau chóng đạt đến sự thánh thiện vẹn toàn.[1]

2. Các linh hồn không thể tự cầu nguyện cho mình, mà chỉ còn cậy nhờ vào lời cầu nguyện của các tín hữu

Thánh vịnh 88 (lời than vãn “tối tăm” nhất trong các lời than vãn) là tiếng kêu van từ sâu tận của một tâm hồn đang thổn thức, não nề. “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước thánh nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức”. Đây là lời than vãn của một người còn sống, một tâm hồn tuyệt vọng và “tràn ngập đau khổ”. Tuy nhiên khi thánh vịnh 88 cất lên, ta cảm giác như đang được nghe khúc ai ca của một kẻ đang nằm dưới mồ mả vì vịnh gia liên tục ví mạng sống của mình như “âm phủ gần kề”, thân xác mình như những tử thi khác bị “vùi trong mồ mả”, “bị Chúa quên đi” và “không được tay Ngài săn sóc”. Thật khổ sở, vịnh gia cảm thấy mình bị giam cầm trong vương quốc của kẻ chết, bị khóa chặt trong ngục tù Sheol và chỉ còn một mình trong bóng tối. Lời than vãn “tối tăm” ấy vô hình trung gợi lên những hình dung về trạng thái con người sau khi chết tuy rằng nó còn tương đối mơ hồ.

Trong Cựu Ước, cái chết cũng mang một viễn tượng buồn thảm, nó “thảm” như những gì vịnh gia đã cảm nhận. Các tổ phụ cho rằng người chết xuống âm ti, ở đó không có ánh sáng, những linh hồn phải sống một đời sống trì trệ, không thể ca ngợi Thiên Chúa. Điều này chúng ta cũng thấy rõ trong bài ca của vua Khít-ki-gia. “trong chốn tử vong, không người ca tụng Chúa, và trong nơi âm phủ, chẳng ai ngợi khen Ngài. Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung.” (Is 38,18). Ngoài một đời sống trì trệ và đờ đẫn, các tổ phụ còn cho rằng người chết cũng không thể thực hiện ý định của trần gian và vịnh gia cũng nhắc đến điều này: “Đừng tin tưởng vào nơi hàng quyền thế […]. Họ tắt hơi thở là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.” (Tv 145). Chính Thiên Chúa đã dùng cánh tay của Người lấy lại hơi thở (sinh khí – ruah) là thứ làm cho con người sống.[2] Khi con người xuống âm ti, họ không thể làm được gì cả, họ trông lên Chúa nhưng không thể van xin và ca tụng, họ bất lực trong một đời sống trì trệ, họ chỉ còn biết trông chờ vào tình thương của Thiên Chúa mà thôi.

Theo thánh Tôma Aquinô, những kẻ ở trong luyện ngục mặc dầu ở “trên” chúng ta do tính không thể phạm tội, nhưng vẫn ở tình trạng dưới chúng ta nếu chúng ta xem xét sự đau khổ mà họ phải chịu. Về phương diện này họ không ở trong tình trạng có thể cầu nguyện cho chúng ta, đúng hơn là chúng ta phải cầu nguyện cho họ.[3]

3. Bản chất của Hội thánh là sự hiệp thông

Thánh Âu Tinh cho rằng, linh hồn của những người hiếu trung không bị tách ra khỏi Hội thánh của Thiên Chúa, vì vậy những lời cầu nguyện và việc làm của những người còn sống sẽ hữu ích với những người đã qua đời[4]. Trong Kinh Tin Kính sau khi tuyên xưng “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này” chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm “các thánh thông công”. Thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng, các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất, nên điều thiện hảo của người này được truyền thông cho người khác. Vì vậy mà giữa các “tình trạng Hội thánh” có sự hiệp thông với nhau. Hội thánh lữ hành luôn tưởng nhớ đế Hội thánh đau khổ trong Thánh lễ, bằng lời cầu nguyện và những hy sinh bác ái để chuyển cầu cho họ. Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Đức Kitô, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong đức mến hỗ tương và trong cùng một lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh.[5]

Tóm lại, Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn với những sự mỏng giòn yếu đuối của con cái mình. Ân sủng của Thiên Chúa vẫn tuôn tràn cho những ai sẵn sàng đón nhận. Với lời cầu nguyện và những việc làm hy sinh của các tín hữu dành cho các linh hồn, chúng ta tin rằng các linh hồn trong Hội thánh đang thanh luyện sẽ mau chóng được hưởng Nhan Thánh Chúa. Về phần mình, các ngài cũng sẽ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta khi các ngài đã được hưởng hạnh phúc viên mãn bên Thiên Chúa.

[1] Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina), số 3

[2] x. Sự Chết Đối Với Các Tổ Phụ, Để làm giàu kiến thức kinh thánh (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), tr.127

[3] Summa Theologiae II, q.83, a.11

[4] Thành đô Thiên Chúa XX.9

[5] GLCG số 947, 958, 959

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com