[CN23TN-B] Ơn Sủng Chữa Lành Sự Câm Điếc Tâm Hồn

09-09-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3452 lượt xem

Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại dấu lạ Đức Giêsu chữa cho một người vừa điếc vừa ngọng được khỏi bệnh. Câu chuyện được bắt đầu như sau: “Đức Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh.” Chỉ trong một câu, đã có bốn địa danh được nhắc tới. Biển Hồ Galilê là địa danh quen thuộc. Sứ vụ rao giảng và nhiều biến cố trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu diễn ra quanh bờ Biển Hồ Galilê. Các địa danh còn lại nghe có vẻ xa lạ hơn. Miền Tia, Xiđôn nằm về phía bắc Biển Hồ. Còn Miền Thập Tỉnh, nơi Đức Giêsu làm dấu lạ chữa lành người câm điếc nằm về phía nam Biển Hồ, gần với làng Nadarét. Khi viết Tin Mừng, thánh Máccô chắc là không có chủ đích dẫn chúng ta đi du lịch, thăm quê hương Đức Giêsu. Vậy tại sao trước khi thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành, tác giả lại phải dài dòng kể nhiều địa danh như vậy?

Theo Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ tại miền Galilê và kết thúc sứ vụ của Người tại Giêrusalem, miền Giuđê. Galilê ở miền Bắc, Giuđê ở miền Nam và Samari chen vào giữa đều là những miền đất của người Do Thái. Sau những ngày rao giảng ở Galilê, Đức Giêsu rời bỏ nơi ấy, đi dần xuống phía Nam. Trên con đường tiến về Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua vùng đất của người dân ngoại, tức là các vùng đất mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến: Tia, Xi-đôn và Thập Tỉnh. Tại những nơi này, Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng và làm những dấu lạ. Kể lại nhiều địa danh dân ngoại mở đầu cho câu truyện thì không phải là chuyện tình cờ. Tại Galilê, Đức Giêsu tự xưng mình là Đấng Cứu độ, Đấng đến để giải phóng Israel, giờ đây Người lại đi vào vùng đất dân ngoại. Điều này dường như trái ngược với quan niệm của người Do Thái lúc bấy giờ, vì họ luôn nghĩ rằng Thiên Chúa dành riêng ơn cứu độ cho Dân riêng mà thôi. Với hành động chữa lành bệnh tật cho một người vừa điếc vừa ngọng tại vùng đất dân ngoại, Đức Giêsu cho thấy ơn cứu độ Người mang đến cho nhân loại là ơn cứu độ phổ quát, ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho Israel mà còn cho cả dân ngoại nữa.

– Nếu người ngoại trước đây bị người Do Thái xem là điếc, không thể nghe, không thể đón nhận Lời Thiên Chúa, thì giờ đây họ không còn điếc nữa, họ đã được nghe Tin Mừng do chính Đức Giêsu rao giảng.

– Nếu trước đây, người ngoại bị xem là ‘ngọng’ vì không biết tôn thờ, ca tụng Chúa như dân Israel, thì giờ đây họ đã có thể mở mệng mà loan truyền kỳ công của Thiên Chúa. Sau khi chứng kiến dấu lạ, mặc dù Đức Giêsu ngăn cấm, nhưng họ vẫn loan truyền khắp nơi: Ông Giêsu, “ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Xưa kia trong cảnh lưu đày, ngôn sứ Isaia đã loan báo cho dân được biết họ sẽ được giải phóng, được đưa trở về miền đất hứa. Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Isaia mô tả quang cảnh của ngày trở về tràn ngập niềm vui: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.” Lời loan báo của Isaia giờ đây đã trở thành hiện thực.

– Đức Giêsu không những đã đến để nói Lời Thiên Chúa cho dân Do Thái và cả dân ngoại cũng được đón nhận Tin Mừng. Hơn thế nữa, Người giúp họ hiểu được Lời đã nghe loan báo, tức là làm cho họ không còn điếc nữa.

– Đức Giêsu đã đến để nhân loại có thể nhờ Người mà ca tụng Thiên Chúa cách xứng đáng. Nếu người Do Thái tự hào có đền thờ Giêrusalem, nơi ấy họ độc quyền tôn thờ Thiên Chúa, thì giờ đây Đức Giêsu đã đến, không chỉ người Do Thái mà cả dân ngoại nữa có thể mở miệng lưỡi “thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và sự thật.”

Nếu so với người Do Thái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người, thì tất cả chúng ta đều được xem như là thành phần dân ngoại được dự phần vào cứu độ của Chúa. Bí tích Thánh tẩy người Kitô đón nhận là sự khởi đầu cho việc đón nhận ơn cứu độ này. Ý nghĩa của việc Đức Giêsu chữa người câm điếc được đưa vào trong nghi thức rửa tội trẻ em: linh mục lấy ngón tay cái sờ vào tai và miệng trẻ nhỏ và đọc: “Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, ban cho con sớm có thể đón nghe lời Người và tuyên xưng đức tin để con ca tụng vinh danh Chúa Cha.”

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn huệ mà mỗi Kitô hữu được đón nhận khi lãnh bí tích Thánh tẩy, đó là ơn huệ ‘nghe được và nói được.’ Nghe và nói không theo nghĩa thể lý nhưng là nghĩa thiêng liêng. Qua bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa ban ơn sủng chữa lành sự câm điếc của tâm hồn, cho chúng ta khả năng mở tai để đón nghe Lời Thiên Chúa và mở miệng lưỡi để ca tụng Người cách xứng đáng.

Các Kitô hữu phải đón nhận và sử dụng ân huệ ‘nghe được và nói được’ ấy như thế nào? Đương nhiên, người tín hữu thường xuyên đến nhà thờ, đặc biệt mỗi Chúa Nhật, để lắng nghe Lời Chúa và ca tụng Thiên Chúa. Thế nhưng còn một cách thức khác diễn tả việc chúng ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa và ca tụng Người, đó là sống chứng tá. Về điểm này, ở bài đọc thứ hai, thánh Gia-cô-bê chỉ cho chúng ta con đường sống chứng tá ấy. Thánh nhân nhắn nhủ các Kitô hữu loại bỏ việc đối xử thiên tư, thực hành bác ái, sống quảng đại, nhất là quan tâm đến người nghèo khổ, bất hạnh.

* * *

Lạy Chúa, xin Chúa hãy mở tai chúng con để chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, xin giúp chúng con biết dùng miệng lưỡi để ca tụng Chúa mỗi ngày và làm cho vinh quang Chúa được tỏ hiện nhờ những việc làm phù hợp với giáo huấn Tin Mừng. Amen.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com