Thành phố Vannes không phải là nơi duy nhất nở rộ lòng sùng mộ thánh Vinh Sơn Phêriê. Quê hương của ngài cũng tôn kính ngài không kém. Vào năm 1460, người dân Valencia dựng một nguyện đường tráng lệ bên trong nhà thờ của Anh Em Giảng Thuyết để tôn kính người đồng hương của họ; và trong nguyện đường đó, vào năm 1472, họ dời hài cốt song thân của thánh nhân về. Theo lời tiên tri của thánh Vinh Sơn khi còn là một đứa trẻ, người ta biến ngôi nhà của thánh nhân thành một ngôi đền và đặt vào đó một bức tượng bằng gỗ bách, để tưởng nhớ số mệnh tương lai mà cậu bé thần kỳ tiên báo năm nào. Và công việc đã không thể hoàn thành nếu không có phép lạ. Trong xưởng gỗ không có khúc gỗ nào đủ to để tạo nên bức tượng cả. Cuối cùng mọi người đề nghị lấy đại một khúc cây bách bị đốn hạ trong vườn nhà thánh nhân. Khi khúc gỗ được trao cho người thợ điêu khác, thì thật kỳ diệu, nó bỗng to ra với chiều cao và kích cỡ bằng với một người bình thường.
Năm 1525, các kinh sĩ Vannes trao tặng một vài mẩu xương của thánh Vinh Sơn cho các tu sĩ Đa Minh ở Valencia. Một nghi thức hết sức trang nghiêm được cử hành để đón nhận những thánh tích này. Và cũng trong dịp đó, một bé gái, vốn bị mù bẩm sinh và đau khổ vì cơn sốt dai dẳng, lập tức được sáng mắt và hồi phục sức khỏe.
Năm 1555, lễ kỷ niệm 100 năm ngày phong thánh cho thánh Vinh Sơn cũng được tổ chức tại đây với nghi thức long trọng và uy nghi. Năm 1565, nhân dịp Công đồng tỉnh buộc thực hiện cuộc cải cách phụng vụ, Đức Tổng Giám mục Valencia muốn hạ bậc lễ của thánh Vinh Sơn Phêriê xuống lễ nhớ tự do. Song, dân chúng đã kháng cáo lên Tòa thánh, và thánh Piô V, lúc này đang trên ngôi Giáo hoàng, đã chấp thuận thỉnh nguyện của họ bằng việc công bố Lễ kính thánh Vinh Sơn là lễ buộc và phê chuẩn có tuần bát nhật đi kèm lễ này.
Năm 1594, Đức Clêmentê VIII quy định hẳn: Lễ kính này phải được cử hành trọng thể vào thứ Hai đầu tiên sau tuần Bát Nhật Phục Sinh, khi mà luật chữ đỏ không cho phép cử hành lễ này vào ngày 5 tháng Tư.
Năm 1600, tướng Don Juan d’Aguilar, người được các kinh sĩ nhà thờ Chánh tòa Vannes tặng một chiếc xương sườn của thánh Vinh Sơn, đã trao lại thánh tích này cho nhà thờ Chánh tòa Valencia, nơi thánh tích sẽ được tôn kính cách xứng hợp và quý mến. Cũng trong dịp này, một phụ nữ ốm yếu, suốt 9 tháng trời không thể đi lại được nếu không có đôi nạng, bỗng được khỏi bệnh bằng việc cầu xin thánh Vinh Sơn giúp đỡ. Một người khác bị câm từ lúc mới sinh cũng được chữa lành và có thể nói năng lại được.
Lòng đạo đức của các tín hữu vẫn chưa được thỏa mãn với việc chỉ giữ ngày lễ thánh Vinh Sơn và nâng bậc lễ của thánh nhân; hơn thế nữa, họ cử hành mỗi năm những nghi thức long trọng tưởng niệm những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của ngài. Vào tháng Giêng, họ tổ chức ngày lễ kỷ niệm thánh nhân được Rửa Tội ở giáo xứ thánh Stêphanô với những nghi thức long trọng. Vào ngày 5 tháng Hai, theo phong tục, người ta cử hành thánh lễ trong phòng của thánh Vinh Sơn, được biến đổi thành nhà nguyện, để tưởng niệm ngày thánh nhân khấn dòng. Vào ngày 7 tháng Tư, thánh nhân được tôn vinh bởi phép lạ chữa lành ngài thực hiện cho Dona Blanca. Cuối tháng Sáu, hội mười hai bạn hữu của thánh Vinh Sơn cử hành lễ tưởng niệm ngày thánh nhân được phong thánh. Hội này được chân phước Gioan Micon thiết lập. Mỗi thành viên được giao nhiệm vụ giữ trật tự các đền thờ cung hiến cho thánh Vinh Sơn tại Valencia suốt một tháng. Trong chủng viện của thành phố có lưu giữ một trong những chiếc mũ trùm của thánh Vinh Sơn, bình nước thánh rửa tội cho ngài, quyển Kinh Thánh ngài thường sử dụng, trong đó có các chú thích do chính thánh nhân viết, và một trong những áo choàng (cappa) với mũ trùm đen của ngài. Những bức tượng của thánh Vinh Sơn được nhân rộng ở các góc đường và tại các quảng trường công cộng. Tên của ngài được đặt cho nhiều trẻ em. Chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố quê hương của thánh Vinh Sơn, đã không còn gì để có thể làm vinh danh hơn người con sáng chói nhất của mình nữa.
Chân phước Gioan Pistoia, một tu sĩ Đa Minh cũng được tưởng nhớ vì tài giảng thuyết và các phép lạ của ngài, đã phổ biến lòng sùng kính thánh Vinh Sơn tại miền Tuscane, cả phần còn lại của nước Ý và Dalmatia. Cũng hưởng ứng phong trào đó, tại Prato, nằm giữa Pistoia và Florence, chân phước Xinvéttê Marradi cùng với chân phước Raphaen Phaengia, ngay từ đầu thế kỷ XVI, đã thiết lập một tu viện cho các nữ tu Dòng Ba và đặt dưới sự bảo trợ của thánh Vinh Sơn, cũng là nơi thánh nữ Catarina Rixi cư ngụ.
Một tu sĩ khác cũng phổ biến lòng sùng kính thánh Vinh Sơn ở Sicilia. Vị này đến từ Vannes. Khi thầy chỉ mới 14 tháng tuổi, mẹ thầy, một hôm bị lên cơn điên loạn, đã chặt thầy ra làm nhiều mảnh. Cha của thầy, một lòng tin tưởng vào thánh Vinh Sơn, gom tất cả những mảnh cơ thể của thầy đem đặt lên phần mộ của thánh Vinh Sơn. Lập tức thầy được nối lại cách phi thường. Và đứa bé ngày nào, vì cảm kích ơn cứu mạng, đã gia nhập Dòng Đa Minh, đồng thời dành cả cuộc đời để truyền bá lòng sùng kính thánh nhân, người đã hồi sinh mình cách quá sức kỳ diệu.
Trong số những nhân vật thánh thiện của Dòng có lòng sùng kính đặc biệt vị tông đồ vĩ đại của thế kỷ XV, chúng ta có thể chọn ra chân phước Catarina Lenzi, chân phước Côlumban Rieti, chân phước Lucy Narni, chân phước Mađalêna Panatieri, chân phước Gioan Micon, chân phước Alécxanđơ Capuchi, chân phước Giáo hoàng Bênêđictô XIII – vị này khi gia nhập Dòng đã lấy tên là Vinh Sơn; nhưng cách đặc biệt là thánh Luđôvicô Bêtran, Người làm phép lạ vĩ đại, vị Tông đồ ở Trung Mỹ, cũng là một người con của mảnh đất Valencia như thánh Vinh Sơn. Thánh Luđôvicô đã nhận được từ cha mẹ mình lòng sùng mộ thánh Vinh Sơn Phêriê vốn khích lệ cha mẹ thánh Luđôvicô rất nhiều. Khi phải quyết định ơn gọi của mình, với sở thích sống cô độc, thánh Luđôvicô định sẽ đến đan viện Chartreux; song, lòng yêu mến thánh Vinh Sơn thì mạnh hơn, vì bởi lòng yêu mến ấy thánh Luđôvicô khao khát được gia nhập Dòng của ngài. Khi được chỉ định làm cha Giáo tập, thánh Luđôvicô đã luôn diễn giảng quyển Khảo luận về đời sống tâm linh cho các tập sinh của mình, và tận dụng những ví dụ trong đó để hướng dẫn các tập sinh thực hành các nhân đức. Thánh Luđôvicô thường kết luận thế này sau mỗi bài giảng: “Các con hãy đợi xem, hãy đợi xem trong số chúng ta, ai sẽ có thể bắt chước mẫu gương của người tu sĩ vĩ đại này, nhưng mà chẳng có ai đâu.” Khi được bầu làm Tu viện trưởng, thánh Luđôvicô tham vấn thánh Vinh Sơn, và chính thánh nhân truyền cho thánh Luđôvicô đảm nhận trách vụ đó và thậm chí luôn theo sát thánh Luđôvicô trong các quyết định của ngài, đồng thời cũng hứa bảo trợ thánh Luđôvicô. Chúng ta đều quá rõ thành công của thánh Luđôvicô Bêtran trong việc dùng lời cầu nguyện với thánh Vinh Sơn để chữa bệnh.
Bên ngoài dòng, trong số những nhân vật bày tỏ lòng sùng kính đặc biệt với thánh Vinh Sơn, chúng ta có thể đặc biệt nói đến chân phước Nicôla Factor, một tu sĩ Phanxicô, và thánh Vinh Sơn Phaolô vĩ đại. Theo gương thánh Luđôvicô Bêtran, chân phước Nicôla Factor cũng cầu nguyện với thánh Vinh Sơn Phêriê để chữa lành những người bệnh hoạn, tật nguyền. Một ngày nọ, một thầy trợ sĩ Phansinh đi cùng với chân phước Nicôla Factor đến thăm người bệnh, hỏi kháy ngài: tại sao một tu sĩ Dòng Phanxicô không khuyến khích người ta chạy đến với thánh Phanxicô hay thánh Antôn Pađua, mà lại khuyên người ta chạy đến với thánh Đa Minh và thánh Vinh Sơn Phêriê, vốn thuộc một Dòng khác? Vị chân phước thánh thiện đáp lời: “Cẩn thận miệng lưỡi anh đấy, anh khờ ạ. Trên trời, các vị thánh không tỵ nạnh nhau đâu; ở nơi đó, mọi người đều thuộc về một Dòng duy nhất, chẳng có phân biệt áo dòng nào cả. Tất cả sẽ chỉ mang cùng một y phục vinh quang.”
Thánh Vinh Sơn Phaolô nhận luôn thánh Vinh Sơn Phêriê làm thánh bổn mạng đặc biệt của mình. Mỗi ngày thánh Vinh Sơn Phaolô đều nghiên cứu và thường xuyên mang bên mình quyển Khảo luận về đời sống tâm linh, để có thể nên giống thánh Vinh Sơn Phêriê, không chỉ nơi chính con tim và những hành động của ngài, mà còn để cho tất cả linh mục trong dòng của ngài noi theo.
Trong quyển Cuộc đời của thánh Vinh Sơn Phêriê, cha Teoli, một linh mục thánh thiện, dành rất nhiều trang để thuật lại những trợ giúp đắc lực mà thánh Vinh Sơn dành cho những ai chạy đến cầu khẩn ngài, và những ai làm vinh danh ngài qua những việc đạo đức như tôn kính tượng ảnh ngài, hay cử hành những buổi cầu nguyện đặc biệt và dành các ngày thứ Sáu trong tuần để kính nhớ ngài. Chúng tôi sẽ ghi lại một vài trợ giúp đặc biệt nhất để khuyến khích các độc giả yêu quý năng chạy đến với người cha tốt lành này những khi có nhu cầu về tâm linh hay những nhu cầu thường nhật.
Valencia, thành phố yêu dấu của thánh Vinh Sơn, chưa bao giờ lãng quên ngài, và thánh nhân cũng an ủi thành phố quê hương trong mọi nhu cầu. Chính thánh nhân, qua lời chuyển cầu, đã lôi kéo rất nhiều ơn gọi tu trì thánh thiện; cũng chính ngài, qua dòng thời gian, miệt mài gìn giữ đức tin Công giáo trong lòng thành phố và canh tân đời sống luân lý. Hơn thế nữa, thánh Vinh Sơn còn giúp thành phố tránh khỏi những hình phạt nhãn tiền từ sự công bình của Thiên Chúa, lúc đó đang chực chờ giáng xuống vì những lỗi lầm thành đã phạm.
Năm 1651, Valencia bị rơi vào nạn khan hiếm lương thực. Đang khi nhu cầu lương thực trở nên dữ dội nhất, thì tại Cagliari thuộc Sardinia, có một vài lái buôn lúa mì đang muốn vất bỏ ba thùng đầy ắp ngũ cốc xuống biển. Trong khi đang bàn luận xem nên đến bến cảng nào kế tiếp, thì họ đến tu viện Đa Minh. Lúc này, có một tu sĩ lạ mặt với bộ râu lịch lãm và cao quý tiến lại gần bắt chuyện với họ, vị tu sĩ này nói: “Tôi là dân Valencia, ở Tây Ban Nha. Tôi khuyên các anh nên giong buồm đến đó; các anh sẽ dễ dàng kiếm được một món hời, vì dân thành đang bị nạn đói khủng khiếp.” Họ hứa sẽ nghe theo lời khuyên của vị tu sĩ lạ mặt này. Buổi sáng trước khi nhổ neo, các lái buôn thấy cần phải gặp vị tu sĩ lạ mặt hôm qua để tỏ lòng biết ơn và để có thêm lời khuyên. Họ hỏi thăm một ông thầy làm nhiệm vụ khuân vác, nhưng thầy này chẳng biết gì về vị tu sĩ lạ mặt kia. Thầy nói: “Tôi chưa từng thấy ông thầy nào đến từ Valencia cả.” Sau đó, những người lái buôn ra đi, nhưng khi họ vừa đi được vài bước, họ nhìn thấy một bức tượng thánh Vinh Sơn Phêriê đặt trong một hốc tường rất giống vị tu sĩ lạ mặt đã nói chuyện với họ chiều hôm trước. Cập bến vào ngày 17 tháng Giêng, các lái buôn không quên giải thích cho dân thành hiểu về sự việc kỳ lạ đã xảy ra với họ. Và dân thành Valencia cũng chẳng nghi ngờ gì về việc vị bổn mạng thánh thiện, vì lo lắng cho tình cảnh của họ, nên đã hiện ra với các lái buôn.
Mười lăm năm sau, Valencia lại đối diện với nạn hạn hán. Mọi lời cầu nguyện và hành vi sám hối ăn năn được dân thành dâng lên Thiên Chúa, nhưng không hiệu quả gì. Lúc đó, có một cậu bé khoảng 8 tuổi tên là Vinh Sơn Villarasa, đang phải chịu đựng một cơn sốt ác liệt và sắp chết. Cha mẹ của cậu, vì không đủ can đảm nhìn con mình chết, nên bỏ ra ngoài, để cậu lại cho một trong những người dì săn sóc. Nhưng vào thời khắc người dì kia tưởng rằng cậu trút hơi thở cuối cùng, bà bỗng nghe cậu cất tiếng gọi. Cậu nói: “Dì ơi, thánh kìa!” Người dì hỏi lại: “Con nói gì vậy?” Cậu lặp lại cùng một lời đó: “Dì ơi, thánh kìa!” Nghe thấy tiếng nói chuyện, người thân của cậu và những người khác đang ở phòng kế bên lập tức chạy đến bên cậu và hỏi xem cậu nhìn thấy vị thánh nào. Cậu trả lời: “Đó là một vị thánh mặc bộ áo dòng trắng và đen; ngài chắp tay, mắt hướng về Thiên Đàng, trên đầu ngài có một ngọn lửa cháy sáng.” Qua những lời này, mọi người tin rằng đứa bé đang muốn nói về thánh Vinh Sơn Phêriê, vị thánh mà cha của cậu rất sùng kính. Người cha hỏi cậu bé xem vị thánh đó có nói gì với cậu không. Bé Vinh Sơn trả lời: “Dạ có, ngài nói là con đã được khỏi bệnh và ngày mai trời sẽ mưa.” Hai lời hứa ấy đã trở thành hiện thực. Sáng hôm sau, cha mẹ bé Vinh Sơn dắt cậu đến nhà thờ thánh Đa Minh để dâng lời tạ ơn thánh Vinh Sơn. Cũng vào sáng sớm hôm ấy, một cơn mưa rất lớn đổ xuống thành Valencia, kéo dài suốt 3 ngày liền, làm hồi sinh nơi dân thành niềm hy vọng vào một vụ mùa bội thu. Sự kiện này được tất cả mọi người xác nhận. Vì lẽ đó, dân thành Valencia, để nhớ ơn bảo trợ của người con xứ xở trên trời, từ xa xưa đã khấn vị thánh bổn mạng đáng kính ấy bài thánh thi sau đây:
Hic est qui praevaluit amplificare
Civitatem, quique adeptus est gloriam
In conversatione gentis, gloriosus in
Coelis, et Pater noster, Vincentius. Alleluia.
Đây người mở rộng Đô Thành,
Cùng dân đối thoại, lại giành vinh quang,
Thiên Đàng vinh phúc hân hoan.
Vinh Sơn dấu ái, cha lành chúng con. Alleluia.
Các anh em Đa Minh ở tu viện Valencia rất thường được phúc nhìn thấy thánh Vinh Sơn từ trời ngự xuống, cùng tham dự các buổi cử hành thiêng liêng, cùng đến phòng ăn, khu nhà ở và nhà nguyện với họ. Chân phước Đa Minh Anadon thuật lại thế này: “Thường thì suốt đêm, thánh Vinh Sơn ở cùng chúng tôi trong khu nội vi, ở bên cạnh phòng cũ của ngài”. Chân phước còn nói thêm: “Có lẽ chúng tôi nên trang hoàng nơi đó bằng vàng và đá quý mới được.”
Thánh Vinh Sơn cũng hiện ra với chân phước Côlumban Rieti, một người có khao khát cháy bỏng được gia nhập Dòng Ba Đa Minh, và đảm bảo với ngài rằng, ước ao của ngài sẽ được chấp thuận. Ngài khuyến khích chân phước Côlumban Rieti hãy dọn mình kỹ càng cho ngày đó. Thánh Vinh Sơn cũng báo tin cho Chân phước Mađalêna Panatieri rằng ngài sắp đến giờ được Chúa gọi về, và khi biến mất, thánh Vinh Sơn để lại nơi phòng chân phước hương thơm kỳ diệu của cõi trời.
Một dịp khác, thánh Vinh Sơn chỉ cho thánh Catarina Rixi thấy cảnh Thiên Đàng – trong sự hiện diện của Đức Kitô – và chỉ cho thánh nữ thấy vinh quang đặc biệt mà các thánh và chân phước của Dòng được hưởng. Trong cơn hấp hối, thánh nữ cầu khẩn thánh Vinh Sơn và đã được ơn kiên vững cho đến cùng nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân.
Thánh Vinh Sơn cũng thường xuyên nâng đỡ thánh Luđôvicô Bêtran bằng các trợ giúp đắc lực. Trong một lần lâm trọng bệnh, thánh Luđôvicô được một người bạn rất thân đến thăm, người bạn này là chân phước Gioan Ribêra, Tổng Giám mục Valencia. Đang khi Đức Tổng đang thăm hỏi thánh Luđôvicô, có một anh em Đa Minh cũng đi vào phòng và ngồi ở một bên giường của thánh Luđôvicô. Anh bắt đầu an ủi thánh Luđôvicô bằng những lời lẽ thân thiết. Người bệnh nhân, đang nằm ở phía còn lại, quên bẵng là mình đang hầu chuyện Đức Tổng, liền quay lưng lại để nói chuyện với anh em Đa Minh kia. Một lát sau, người anh em Đa Minh kia biến mất, thánh Luđôvicô nhận thấy mình đã bất lịch sự với Đức Tổng nên quay lại cáo lỗi, ngài nói: “Xin Đức Tổng đừng giận nhé. Người anh em vừa trò chuyện với con chính là thánh Vinh Sơn Phêriê. Con đảm bảo đó chính là ngài. Ngài đến để báo một tin hạnh phúc nhất mà con hằng mong đợi – ngày được về Thiên Đàng của con đang gần kề.” Và vào giờ phút hạnh phúc ấy, chính thánh Vinh Sơn, cùng với Con Thiên Chúa và Mẹ Rất Thánh của Người đã đến để nâng đỡ thánh Luđôvicô.
Ngày nọ, Đức Tổng Giám mục thành Valencia mời thánh Luđôvicô đến thăm và ở lại đó một thời gian. Do không thể đi, thánh Luđôvicô bèn gửi một tu sĩ khác trong Dòng đến để thay ngài hầu chuyện với Đức Tổng, thánh Luđôvicô đảm bảo với Đức Tổng rằng người anh em này sẽ mang lại cho Đức Tổng nhiều kinh nghiệm thiêng liêng tuyệt vời. Và quả thực thế, Đức Tổng đã được trải nghiệm sự ngọt ngào kỳ diệu khi đàm đạo với người tu sĩ kia, và qua từng lời của người này, Đức Tổng cảm thấy trong lòng nhen nhóm ngọn lửa yêu mến thiêng liêng cách sống động. Khi ra về, vị tu sĩ này để lại cho người khách của mình tràn đầy niềm an ủi và sự kinh ngạc; chưa bao giờ, kể cả với thánh Luđôvicô Bêtran, Đức Tổng được trải nghiệm ơn phúc dồi dào bởi trời tuyệt vời đến thế. Khi Đức Tổng trở về Valencia, điều quan tâm đầu tiên của ngài là phải đến tu viện Đa Minh để được đàm đạo lần nữa với người tu sĩ đã ở cùng ngài trong thành phố. Đức Tổng gọi thánh Luđôvicô lại để xin gặp vị tu sĩ kia, ngài nói rằng ngài đã cảm thấy được an ủi rất nhiều nhờ vị tu sĩ đó, không thể diễn tả được bằng lời. Thánh Luđôvicô trả lời với Đức Tổng: “Con hoàn toàn tin lời Đức Tổng, vì người anh em đó chính là thánh Vinh Sơn Phêriê, thánh nhân đã vui lòng đến gặp để tiếp thêm ân sủng của Chúa cho Đức Tổng. Âu đó cũng là phần thưởng và sự chứng thực mà thánh Vinh Sơn muốn ban cho Đức Tổng vì Đức Tổng đã đem lòng sùng kính ngài.”
Một nữ đan sĩ khác thuộc một đan viện nổi tiếng ở Prouille, miền Nam nước Pháp, lần nọ bị lâm cơn nguy kịch do bệnh tình trở nặng, nhưng được chữa lành cách lạ lùng bởi việc cầu xin thánh Vinh Sơn Phêriê. Chúng ta cũng đọc thấy trong quyển Cuộc đời của Mẹ thánh Anê Giêsu có một nữ đan sĩ thuộc tu viện Đa Minh ở Langeac sắp qua đời vì tuổi cao sức yếu. Thánh Vinh Sơn đã hiện ra với chị, an ủi chị và hứa bảo trợ chị trong dự tính gia nhập dòng của chị.
Lúc này đây, chúng ta hãy cùng nhau tin tưởng vào vị thánh tuyệt vời của chúng ta. Chúng ta hãy vinh danh ngài bằng cách thực hành lòng sùng kính ngài với những công việc đạo đức riêng. Và chúng ta hãy chạy đến cùng ngài trong mọi nhu cầu vật chất hay tinh thần. Người cha của chúng ta, một người cha hết sức tốt lành và quyền năng, sẽ nghe lời ta khẩn nguyện, sẽ ban cho ta mọi điều ta cầu xin và sẽ giải thoát chúng ta nữa.
“Chúc tụng Chúa cùng với các Thiên thần và các thánh của Người!”
***