[Thánh Vinh Sơn Phêriê] Chương 15: Vinh quang dành cho bậc thánh nhân

06-07-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2165 lượt xem

Suốt quãng thời gian 69 năm, vị Tông đồ vĩ đại của thế kỷ XV đã phải chiến đấu trong trận chiến đau thương của cuộc đời. 50 năm sống đời dâng hiến khổ hạnh, và 20 năm du thuyết khắp Châu Âu, như thánh Phaolô, để loan báo về Vương Quốc của Đức Kitô trên trần gian, thánh Vinh Sơn làm nảy sinh tâm tình sám hối tốt lành nơi nhiều tâm hồn – một cuộc trở về thánh thiện và hạnh phúc. Và như thế, một vận động viên phải được tán thưởng, một chiến binh phải được nghỉ ngơi, một nhà chinh phục phải được đội vòng hoa chiến thắng. Đất Brittany đã được chọn, và thành Vannes là nơi được nhận lấy hơi thở cuối cùng của con người này và lưu giữ hài cốt của ngài.

Khi thấy thánh Vinh Sơn lâm trọng bệnh và sức khỏe của ngài mỗi ngày một suy giảm nhanh hơn, các môn sinh khẩn nài ngài quay về quê hương của mình. Họ hy vọng khí hậu của vùng Valencia sẽ giúp ngài hồi phục và hơn nữa, họ muốn quê hương xứ sở sẽ được quyền hưởng những thánh tích của ngài. Thánh Vinh Sơn không muốn làm phiền lòng những người đồng hành với mình vì đi ngược lại ý muốn của họ. Những ngày cuối tháng Ba năm 1419 đang gần kề, khi rời bỏ công tước Brittany và các lãnh sự của thành phố, thánh Vinh Sơn ra khỏi thành Vannes vào ban đêm để tránh sự chú ý của người dân. Nhưng những dự định của Thiên Chúa đã được thể hiện cách tỏ tường cho thánh nhân cùng các bạn đồng hành, đó là thánh nhân phải an nghỉ tại thành phố ngài vừa rời bỏ. Và ngay buổi sáng hôm sau, lúc trời vừa tảng sáng, cả đoàn người kinh ngạc thấy mình vẫn đang đứng ở cổng thành Vannes, dù đã di chuyển cả đêm hôm trước. Lúc này, thánh nhân quay lại nói với những người cùng đi rằng: “Anh em à, chúng ta hãy thôi nói về việc quay về Tây Ban Nha, vì các anh em đã thấy rõ rằng, Thiên Chúa muốn tôi sống những ngày cuối đời tại nơi này.” Và mọi người chỉ còn biết đáp lại lời của thánh nhân trong nước mắt. Sau đó, khi bước lại vào cổng mà cả đoàn đã đi qua tối hôm trước, thánh Vinh Sơn hô lớn: Haec requies mea in saeculum saeculi – “đây là chốn yên nghỉ của tôi muôn đời” (Tv 131,14). Dân thành nhanh chóng nhận ra ai vừa bước vào cổng thành; họ chạy nhanh đến với vị Tông đồ mà họ không mong gì hơn là được giữ ngài lại, trong khi chuông nhà thờ rung lên những hồi vui sướng chào mừng thánh nhân trở lại. Phu nhân công tước Brittany ra gặp thánh Vinh Sơn và dẫn ngài đến nhà của một phú hộ quyền quý tên là Preulin để ngài có một nơi ở tiện nghi hơn ở nhà của Robin Scarb. Song, thánh nhân không chấp thuận lời đề nghị đó. Thay vì khuyên bảo dân thành sám hối như vẫn thường làm, thánh Vinh Sơn chỉ nói cho họ biết rằng ngài sắp qua đời và muốn mọi người cầu nguyện cho mình. Những lời này đã làm cho cả thành phố chìm vào nỗi ưu phiền và sầu khổ, và ngay lập tức, họ tha thiết khẩn nài Thiên Chúa để xin Người kéo dài cuộc sống cho tôi tới Người.

Trong những ngày chờ Chúa gọi về, vị Tông đồ thánh thiện được lệnh phải nằm yên trên một chiếc giường – cho đến lúc này, thánh nhân vẫn chỉ quen ngủ trên một tấm ván sơ sài hay trên đám cành cây khô. Ngài vâng phục cách khiêm nhường. Một cơn sốt dai dẳng, cùng với những cơn đau kinh khủng, hành hạ ngài. Ngài cảm nhận nỗi đau khổ đó trên từng chi thể của mình và như thể ngài đang thở những hơi thở cuối cùng. Các bác sĩ đã không bỏ sót phương thuốc nào hầu có thể cứu lấy mạng sống quý giá ấy, song thánh Vinh Sơn lại tuyên bố rằng, tất cả đều vô hiệu. Ngài từ chối mọi thứ thuốc giúp ngài giảm bớt sự đau đớn, và điều duy nhất các bác sĩ có thể làm đó là tha thiết xin các môn sinh của thánh nhân năn nỉ ngài cởi bỏ tấm áo nhặm ngài đã mặc suốt nhiều năm trời.

Thánh nhân tràn ngập niềm vui trong khi chịu đựng các đau khổ. Tiếng reo mừng trong tim tỏ rạng trên gương mặt thanh bình và tươi sáng. Các cơn đau chưa bao giờ làm biến dạng gương mặt bình an của thánh nhân, và cũng chưa bao giờ khiến ngài than phiền hay tỏ bất kỳ thái độ mất kiên nhẫn nào. Nhưng trái lại, thánh Vinh Sơn coi việc chịu đau khổ ấy là niềm hạnh phúc lớn nhất vì được nên giống Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh. Ngài an ủi các môn sinh đang đứng khóc xung quanh giường bệnh của mình, và khuyên bảo họ lần cuối về đức ái, sự hiệp nhất, lòng khiêm nhường, sự sám hối, những công việc hãm mình phạt xác, lòng hăng say tiến đức và trung thành với Đức Kitô. Ngài cũng hứa là sẽ cầu nguyện cho họ.

Mười ngày trước khi thánh Vinh Sơn qua đời, Đức Giám mục thành Vannes và các lãnh sự của thành phố đến xin ngài chúc lành. Ngài đón tiếp các vị cách nhã nhặn với nét mặt tươi vui. Hôm đó là ngày 25 tháng Ba. Thánh nhân chúc lành và hứa sẽ phù hộ mọi người khi ngài về trời. Từ giờ phút đó trở đi, ngài hoàn toàn chìm đắm trong thinh lặng, hồi tâm và cầu nguyện. Ngài thực hiện những hành vi sám hối thường nhật như thể mình là một tội nhân đầy tội lỗi. Vào ngày thứ Hai tuần Thánh, thánh nhân lãnh nhận các bí tích sau cùng và ơn đại xá cho giờ phút lâm chung. Sau khi rước Của Ăn Đàng, thánh nhân ao ước được ở một mình trong vài giờ để có thể tự do hơn mà tâm tình cùng Đấng Chí Thánh.Vào thứ Ba, những cơn đau trở nên cực kỳ nghiêm trọng đến nỗi ngài chỉ còn nói được thôi. Thấy vậy, mọi người hỏi xem ngài muốn được chôn cất ở đâu. Thánh Vinh Sơn đáp: “Nếu có tu viện nào của Dòng Đa Minh ở Vannes, thì tôi xin được chôn dưới chân anh em mình; bằng không, xin nhờ Đức Giám mục và công tước Brittany định liệu cho.” Cơn sốt trở nên dữ dội suốt đêm hôm đó và kéo dài đến tận sáng hôm sau cho nên thánh Vinh Sơn không còn nói thành tiếng nữa. Ngài ra hiệu cho một tu sĩ giúp cho ngài bằng những lời suy niệm thánh và đọc cho ngài nghe bài Thương Khó của Đức Kitô, trong khi ngài ôm chặt cỗ thánh giá vào ngực với một lòng yêu mến tha thiết hơn bao giờ hết. Rồi thánh nhân sốt sắng kết hợp với những lời phó dâng linh hồn. Khi kết thúc việc đạo đức đó, các đường nét trên khuôn mặt thánh Vinh Sơn bỗng biến đổi, vầng trán của ngài tỏa rạng sự hân hoan thánh thiện, và một luồng sáng chiếu tỏa trên nét mặt và trong đôi mắt của ngài: Thiên Đàng đang mở ra cho ngài, và ngài trông thấy Vua Vinh Quang, Đức Nữ Vương Vô Nhiễm Thiên Đàng, cùng các thiên thần lộng lẫy chói lòa, và cả các vị thánh bổn mạng cũng đến để đón ngài nữa. Thánh nhân chắp tay như khi cầu nguyện và hôn cây thánh giá đang cầm trên tay. Sau đó, thánh nhân mở to mắt hướng về trời, ngài cất lên những lời này, In manus tuas, Domine, commendo spiritum meum – “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con” (Xc. Tv 30,6), và phó linh hồn vào tay Chúa. Những sự việc này đã xảy ra vào chiều thứ Tư tuần Thánh, tức ngày 5 tháng Tư năm 1419.

Ngay khi linh hồn của thánh Vinh Sơn bay về trời, thân xác của ngài mặc lấy một diện mạo mới đẹp hơn, tươi tắn và rực rỡ đến độ tựa hồ hình bóng của vinh quang bất diệt. Thân xác ngài, vốn hằng ngày chịu đựng bao khổ cực do chay tịnh và đánh tội, nhiệm nhặt trong áo nhặm và lao nhọc trong suốt cuộc đời tông đồ rao giảng, nay trở nên đầy đặn và sáng ngời, như thể ngài còn đang sống vậy. Trái ngược hoàn toàn với nét mặt kinh hoàng mà thân xác theo lẽ thường sẽ như thế, gương mặt tươi vui của thánh Vinh Sơn khiến cho những ai nhìn vào ngài cảm thấy trong lòng dâng tràn cảm xúc yêu mến và chút ghen tỵ thánh thiện. Biết bao giọt lệ đã rơi trên thi thể linh thánh này! Không gì có thể làm nguôi ngoai cả thành phố khi họ mất đi bảo vật quý giá là thánh Vinh Sơn, và họ bắt đầu sùng kính thi hài của ngài. Họ hôn đôi tay và đôi chân của thánh nhân, đồng thời chạm vào vầng trán với tâm tình đạo đức riêng của mỗi người; lời tán tụng ngài không ngớt trên môi toàn thể dân chúng.

Trong khoảnh khắc linh hồn thanh khiết của thánh Vinh Sơn lìa bỏ thân xác, các cửa sổ trong căn phòng nơi ngài trút hơi thở cuối cùng bỗng mở tung, và một đàn chim nhỏ từ đâu bay vào. Chúng chỉ lớn hơn những con bướm một chút, rất đẹp và trắng hơn tuyết. Những chú chim nhỏ đó tràn ngập không chỉ cả căn phòng, mà toàn bộ ngôi nhà. Khi thánh nhân dứt hơi thở cuối cùng, đàn chim liền biến mất, song, chúng để lại nơi đó một hương thơm thật ngọt ngào, dễ chịu. Mọi người đều cho đó là các thiên thần, xuất hiện dưới hình những chú chim nhỏ trắng muốt, để tiếp rước linh hồn thánh Vinh Sơn vào chốn khải hoàn Thiên Quốc.

Một sự việc kỳ diệu, phi thường khác được các nhân chứng kể lại là đã xảy ra đồng thời với sự kiện trên đây. Gioan Liquillic xứ Dinan có giữ vài cây nến thánh Vinh Sơn dùng trong các thánh lễ, ông bảo quản chúng cẩn thận trong một chiếc hộp để trong phòng và khóa lại kỹ lưỡng. Vào ngày 2 tháng Hai năm 1419, vì lòng sốt mến muốn tôn kính đặc biệt Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, ông Gioan đi lấy những cây nến này để thắp lên, song, chúng đã biến đâu mất. Ông ra sức tìm nhưng vô vọng. Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc cho ông đã xảy ra vào ngày 5 tháng Tư cùng năm đó, ông tìm thấy tất cả số nến trong chiếc hộp của mình, và chúng đang cháy sáng một cách kỳ lạ! Ông liền gọi vợ mình vào để chứng kiến cảnh tượng kỳ diệu này, nhưng cả hai lúc này không hiểu ý nghĩa của sự việc đó. Sau này, khi hai ông bà biết rằng, đó chính là ngày thánh Vinh Sơn qua đời, thì sự việc kỳ diệu, phi thường ngày nào mới sáng tỏ.

Những cuộc bàn thảo gay gắt về nơi chôn cất của thánh Vinh Sơn nảy sinh khi có câu hỏi rằng, ai sẽ được phép lưu giữ những di hài quý báu của thánh nhân. Các anh em cùng Dòng mong ước được di dời thi thể ngài về tu viện Valencia, nơi ngài được bổ nhiệm, hoặc ít là dời về một trong những nhà gần nhất của Dòng trong thành Vannes, vì hiện tại chưa có cơ sở nào của Dòng ở đây. Đối lại, các tu sĩ Phanxicô lại không chịu như thế, họ nói rằng, vì tình liên đới giữa hai dòng Phanxicô và Đa Minh đòi buộc cả hai Dòng phải lo lắng cho nhau, tương thân tương ái ở bất kỳ nơi nào mà một trong hai Dòng chưa có tu viện, cho nên phải bàn giao việc tìm nơi chôn cất thi hài thánh Vinh Sơn cho anh em Phanxicô, vì chưa có tu viện Dòng Đa Minh nào trong thành Vannes. Song, Đức Giám mục – sau khi nhớ lại lời trăng trối của thánh Vinh Sơn trước lúc qua đời với cha Ives xứ Millereu và công tước Brittany, đã truyền rằng, thi hài của thánh nhân phải được chôn cất trong nhà thờ Chánh tòa. Vì lẽ đó, Đức Cha truyền đóng cửa ngôi nhà đang đặt thi hài thánh và cắt đặt lính canh khu vực này; ngài còn ra lệnh cử hành thánh lễ an táng vào giờ chiều, lúc mặt trời lặn. Một đoàn rước long trọng, trang nghiêm gồm có Đức Giám mục thành Vannes và Saint Malo, các giáo sĩ dòng và triều, cùng với hàng quý tộc và dân chúng, cùng tháp tùng thi hài của thánh nhân về nhà thờ Chánh tòa. Người ta quàn thi hài của thánh Vinh Sơn ở giữa lòng nhà thờ, với gương mặt và đôi tay để lộ ra ngoài. Sáng hôm sau, khi các nghi thức an táng long trọng kết thúc, Đức Giám mục thành Vannes đích thân mang thi hài thánh Vinh Sơn vào đặt trong một hầm mộ làm bằng đá cẩm thạch, đối diện với Ngai Giám mục, gần bàn thờ chính.

Nhiều phép lạ đã sớm tỏ lộ vinh quang của con người thánh thiện này. Vào buổi chiều ngày cử hành tang lễ, một người mắc bệnh phong hủi được chữa lành tức khắc khi anh vừa phủ phục lên phiến đá đặt phía trên ngôi mộ của thánh Vinh Sơn. Rất đông người bệnh cũng làm như người phong hủi đó và cũng được khỏi bệnh khi ra về. Guyard kể lại: “Bốn trăm người đã được khỏi bệnh, chỉ cần nằm lên chiếc giường nơi mà thánh Vinh Sơn qua đời.” Người thợ điêu khắc xây mộ cho thánh Vinh Sơn cũng được ơn chữa lành. Chân của anh bị thương rất nặng, không phương thuốc trần gian nào hiệu nghiệm, dù anh đã cố gắng chạy thầy chạy thuốc. Cuối cùng anh phải chạy đến cầu viện với thánh Vinh Sơn. Anh khẩn khoản: “Hỡi người bạn hữu của Thiên Chúa, hỡi cha thánh Vinh Sơn lòng lành, xin cầu cùng Chúa cho con!” Vừa dứt lời, cơn đau lập tức biến mất, và chỉ trong vài ngày sau đó, vết thương được lành lặn và anh hoàn toàn bình phục. Những trợ giúp đắc lực của thánh Vinh Sơn đã làm gia tăng lòng sùng kính của dân chúng dành cho ngài, và để thỏa lòng tôn kính thánh nhân, người ta xây cất một bàn thờ phía trên ngôi mộ của ngài. Nhiều bàn thờ khác cũng được dựng lên trong các thánh đường Dòng Đa Minh để tôn vinh thánh Vinh Sơn. Tiến trình phong thánh cho thánh nhân cũng sớm được xúc tiến, song có nhiều vấn đề xảy ra làm cho tiến trình bị hoãn lại. Cuối cùng, Đức Thánh Cha Calíttô III chính thức công bố sự thánh thiện của người tôi tớ Chúa vào ngày 29 tháng Sáu năm 1455 và ấn định lễ kính vào ngày 5 tháng Tư để kỷ niệm ngày thánh nhân qua đời. Đức Giáo hoàng này chính là người được thánh Vinh Sơn nhiều lần nói tiên tri rằng, sẽ nhận được vinh dự lớn lao là được bầu làm Giáo hoàng. Đấng kế vị Đức Calíttô III, Đức Giáo hoàng Piô II, ban hành Sắc lệnh phong thánh đó. Buổi lễ tôn phong hiển thánh cho thánh Vinh Sơn được cử hành hết sức trọng thể tại thành Vannes. Thi hài của thánh nhân được rước ra từ hầm mộ. Thi hài vẫn còn nguyên vẹn như ngày ngài qua đời. Người ta đặt thi hài thánh nhân phía trước bàn thờ để mọi tín hữu có thể kính viếng. Nhiều phép lạ được thực hiện khiến dân chúng càng thêm lòng tin kính và sùng mộ. Một năm sau đó, các thánh tích được di dời sang một hầm mộ khác xứng đáng hơn và cũng vừa vặn hơn để bảo quản các thánh tích này. Nhiều lễ hội lớn cũng được tổ chức nhân dịp đó, và có rất nhiều các nhân vật quan trọng tham dự.

Dân thành Vannes đã hơn một lần suýt làm mất thi hài thánh nhân. Vào khoảng giữa thế kỷ XVI, một quân đoàn Tây Ban Nha được vua Philípphê II phái đến để giúp bảo vệ thành phố chống lại những cuộc tấn công của phe lạc giáo. Các giáo sĩ của nhà thờ Chánh tòa rất mong được thể hiện lòng biết ơn với vị chỉ huy, tướng Don Juan d’Aguilar, nên đã trao tặng ông một mảnh xương sườn lớn của thánh Vinh Sơn. Song, các quân sĩ lại hiểu nhầm là lấy toàn bộ thi hài. May mắn thay, các kinh sĩ được thông báo kịp thời. Suốt đêm, họ đem chôn giấu chiếc hòm đựng thánh tích. Sự việc này được giữ kín suốt nhiều năm trời, từ 1590 cho đến 1637, và bị Đức Giám mục Vannes phát hiện. Các thánh tích sau đó được kiểm định lại và di dời lần thứ hai vào ngày 6 tháng Chín. Hằng năm, người ta tổ chức lễ hội vào ngày đó để kỷ niệm sự kiện này.

Trong suốt nhiều năm cách mạng khó khăn và hỗn loạn, đánh dấu thời điểm kết thúc thế kỷ, dân thành Vannes may mắn đoạt lại được các thánh tích của thánh Vinh Sơn Phêriê từ tay bọn cướp phạm thượng, những kẻ làm giàu bằng việc xâm phạm các thánh đường và bàn thờ để cướp đi những vật dụng thánh. Thi hài thánh nhân luôn được xem là bảo vật quý giá của nhà thờ Chánh tòa Vannes. Thời gian không làm sút giảm lòng sùng kính của dân Brittany dành cho vị Tông đồ vĩ đại và cũng là vị thánh bổn mạng hiển vinh này. Hằng năm, vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Chín, người ta kiệu các thánh tích của thánh Vinh Sơn đi khắp các đường phố Vannes. Cùng đi kiệu với các thánh tích, có người dân, quân đội và các quan tòa, cùng một đám đông rất dân chúng từ các vùng lân cận tuôn đến. Đặc biệt khi gặp cảnh tai ương, các thánh tích của thánh Vinh Sơn lại được mang đi rước khắp thành để khơi dậy niềm hy vọng và lòng sùng mộ của người dân. Chỉ có các linh mục mới được vinh dự kiệu các thánh tích. Những ngôi nhà nằm hai bên đường đoàn rước đi qua đều treo màn trắng xóa. Trong nạn dịch tả năm 1857, người ta tổ chức một cuộc rước như thế tại Vannes. Tuy thành phố bị nạn dịch tàn phá dữ dội, nhưng mọi người vẫn gìn giữ những việc đạo đức này; và nhờ vậy nạn dịch đã được giảm bớt.

***

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com