[Đến Mà Xem 71] Chiếc Lưỡi Không Hư Nát Của Thánh Antôn

11-06-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 4402 lượt xem

Gioan Nguyễn Văn Nghi

Theo gương thánh Antôn,
sử dụng miệng lưỡi một cách khôn ngoan
cho xứng đáng với ơn gọi của mình.

Thánh Antôn Padova hay còn gọi là thánh Antôn Lisbon, theo tên thị trấn, nơi ngài chào đời. Ngài là một trong những vị thánh nổi tiếng nhất của Giáo hội Công giáo, không những được tôn kính ở vùng Padova mà còn được sùng mộ ở khắp nơi trên thế giới. Thánh nhân gần gũi và quen thuộc với nhiều tín hữu qua những tấm ảnh, bức tượng phác họa ngài đang bế Chúa Hài Đồng trong lòng, một tay cầm nhành hoa huệ và cuốn sách tin mừng. Hình ảnh của thánh nhân bế Chúa Hài Đồng trên tay diễn tả về tình yêu và mối liên hệ đặc biệt của ngài với Đức Ki-tô, bông huệ biểu trưng cho sự đơn sơ, thanh khiết của ngài, cuốn Tin Mừng nói đến việc thánh nhân đã hăng say rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

Ngài đã làm nhiều phép lạ trong đời sống trần gian cũng như lúc ngài đã qua đời. Một trong những phép lạ kì diệu nhất liên quan đến chính bản thân của Ngài, đó là: sau khi ngài chết đi, xương thịt đã thối rửa hết, nhưng chiếc lưỡi của ngài vẫn được Chúa gìn giữ khỏi hư nát. Chiếc lưỡi của ngài có gì đặc biệt mà được Chúa gìn giữ như vậy?

Thánh Antôn sinh vào tháng 8 năm 1195 tại Lisbon, kinh đô nước Bồ đào Nha. Cha ngài là Matinô, mẹ là Têrêxa, ông bà thuộc gia đình quí tộc nhưng lại đầy lòng mộ đạo và kính mến Đức Mẹ cách riêng. Lúc thơ bé, Antôn luôn tỏ ra hiền lành, không thường chơi đùa với trẻ lân cận, cậu chỉ ở nhà với mẹ hoặc theo mẹ đi nhà thờ. Vì được nuôi dưỡng trong một gia đình đức hạnh nên lòng mến yêu Chúa sâu sắc nảy sinh trong ngài từ bé. Tuy còn nhỏ nhưng ngài đã biết dùng miệng lưỡi Chúa ban để kêu cầu và chúc tụng danh Chúa. Hầu như ngài không khi nào bỏ giờ kinh hàng ngày. Chuyện kể rằng:

Một ngày mùa hè, ngài được cha sai canh giữ ruộng lúa mì khỏi chim phá. Bỗng An-tôn sực nhớ đã đến giờ đọc kinh tại nhà thờ mà ngài không bao giờ bỏ và ước ao được gặp Chúa Giê-su. Ngài liền gọi bầy chim sẻ lại và nhốt vào một cái lều lộ thiên, cấm không được bay ra phá lúa. Rồi ngài an tâm đi nhà thờ. Lúc trở về ngài thấy bầy chim sẻ vẫn ở trong lều và đồng lúa vẫn an toàn.

Khi lớn lên, ngài đã xin vào dòng thánh Augustinô khi mới 15 tuổi. Tại đây, ngài hăng say học hỏi và nghiên cứu kinh thánh, thủ đắc những tri thức thần học quí giá từ các giáo phụ. Nhưng ý hướng của Chúa muốn ngài đi trên con đường khác, ngài đã rời bỏ Dòng Augustinô để xin chuyển sang Dòng Phanxicô.

Khi sống chung với các anh em, ngài luôn tỏ ra khiêm nhường trước các anh em khác, luôn tỏ ra là một người ít học hành để các anh em khác khỏi phải kính nể, luôn chọn những công việc tầm thường hàng ngày như lau nhà, rửa chén, giặt giũ, phục vụ các anh em khác trong dòng. Không phải vì chỉ chuyên lo làm những công việc tầm thường mà sự đào sâu kiến thức của ngài mất đi, ngài vẫn không ngừng cầu nguyện, học hỏi và nghiên cứu về Thánh Kinh mỗi khi rảnh rỗi. Sau một thời gian sống ẩn mình khiêm nhường, ngài đã được thánh ý Chúa dẫn dắt sang con đường rao giảng Tin Mừng.

Khi rao giảng Tin Mừng, ngài luôn nỗ lực chu toàn nhiệm vụ, hăng say tận tuỵ, rảo khắp các xóm làng, các thành phố, gieo vãi khắp nơi hạt giống lời ban sự sống. Số lượng người tập trung theo nghe ngài giảng đông đến nỗi nhiều thánh đường không chứa hết, ngài phải tụ tập dân chúng ở các cánh đồng. Dân chúng và giới giáo sĩ họp lại, người các thành phố và các thôn xóm lân cận đó tuôn đến, mỗi người cố dành trước một chỗ nơi ở người sắp giảng. Người ta thấy hận thù được hoà giải, người bị giam lâu ngày được trả tự do, của trộm cướp và tiền cho vay nặng lãi được đền bồi, nợ nần và tiền chuộc hoàn trả, các cô gái tội lỗi hoàn lương. Người được xem như là tiếng kèn đồng của lề luật Môsê, là tiếng thét gào của các ngôn sứ, là tiếng rao truyền của các tông đồ, là vị tiền hô của Tin Mừng, là sứ điệp viên của chân lý cứu rỗi. Người lên tiếng giữa Giáo hội, Chúa ban cho miệng người đầy thần trí khôn ngoan và thông minh trí tuệ. Danh tiếng thuyết giảng của người lẫy lừng đến nỗi Đức Giáo Hoàng đã dùng một từ ngữ phi thường, gọi người là Hòm Bia Giao Ước.

Lời giảng của ngài đều làm cho mọi người ngạc nhiên khi thấy một trí tuệ sắc bén và một tài hùng biện văn hoa nơi một con người thận trọng đắn đo, lời lẽ kín đáo đáng phục. Nói với người ít học đơn sơ cũng như nói với người thượng lưu trí thức, người dùng chân lý như tên bắn đánh động họ, người chia sẻ kiến thức phong phú tràn đầy nơi người cho mỗi người đúng mức nhu cầu của họ. Tuỳ địa vị và tuỳ người mà thánh nhân thêm gia vị vào lời nói với thứ muối là tế nhị và hy sinh khi giảng dạy, nên thính giả của người không thể nghe mà không rút ra khỏi lầm lạc nếu đã lỡ lạc vào, không thể ăn năn thống hối nếu là người tội lỗi, không thể không tiến bộ trong việc tốt nếu là người tốt. Không ai ra về mà không mang theo một điều ích lợi. Như sách Những Bông Hoa Nhỏ kể:

Một hôm Antôn được vinh dự giảng trước hội đồng có Đức Giáo Hoàng, các Đức Hồng Y và nhiều vị giáo sĩ cao cấp tham dự. Antôn được ơn Chúa Thánh Thần linh hứng, trình bày đề tài hôm ấy hùng hồn, cao sâu, gãy gọn, rõ ràng. Kết quả là toàn thể mọi người đều sửng sốt và thốt lên rằng: thật xưa nay chưa được nghe ai giảng hay và thấm thía như thế.

Thánh Antôn luôn trình bày lời giảng một cách sống động và thiết thực, vì thế ngài đã đưa rất nhiều người về với Chúa, nhất là những người lạc giáo. Ngài được xem như “ Cái búa của bọn lạc giáo” khi dùng lời lẽ khôn ngoan mà chỉ rõ các điều sai trái trong đức tin của anh em lạc giáo. Trong khi rao giảng, ngài cũng đã được Chúa ban ơn làm phép lạ để đánh tan sự cứng lòng của một số người cố chấp không tin vào lời giảng của ngài. Một lần người ta chê bai và không tin vào lời giảng của ngài, ngài đã đi ra bờ sông gần đó, rồi nói lớn tiếng để đám đông cùng nghe: “Vì các anh tỏ ra không xứng đáng nghe lời Chúa, tôi sẽ giảng cho cá, kể cả các ân huệ để hạ lòng cứng tin của các anh cho ai cũng nhìn thấy”. Rồi hùng hồn người lên tiếng giảng cho cá, cá tập trung thành đàn nghe lời ngài giảng và chỉ rút lui sau khi đã lãnh phép lành của thánh nhân. Một lần khác, lời giảng cũng như lời khuyên của thánh Antôn đã không thuyết phục được một người lạc giáo hư hỏng không tin vào sự hiện diện của Chúa nơi bí tích Thánh Thể. Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa và làm cho con lừa nhịn đói ba ngày không thèm ăn bó cỏ non mà quì lạy Thánh Thể khi thánh nhân kiệu Mình Thánh Chúa đi qua.

Những bài giảng của ngài là những bản văn mang tính thần học và giải thích đạo lý, vọng lại những lời giảng sống động. Trong đó, thánh nhân phác thạo một lộ trình đúng đắn và thích hợp cho đời sống Kitô giáo. Giáo huấn tâm linh trong các bài giảng của ngài rất phong phú và tuyệt vời. Những nét mới mẻ và vẻ đẹp Tin Mừng nổi bật trong các tác phẩm của thánh nhân. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể đọc các tác phẩm này bởi lợi ích tuyệt vời về mặt thiêng liêng mà bản văn mang lại.

Là một bậc thầy trong cầu nguyện, với những kinh nghiệm trong cuộc trò chuyện thân mật cùng Thiên Chúa, ngài đã vạch ra cho chúng ta phương thức cầu nguyện như sau:

– Bước đầu tiên trong việc cầu nguyện là mạnh dạn mở rộng tâm hồn ra với Thiên Chúa, điều này không đơn thuần chỉ là chấp nhận một lời mời gọi nào đó nhưng là mở rộng tâm hồn trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

– Thứ hai là trìu mến thưa chuyện với Thiên Chúa, nhận ra Người đang hiện diện với chúng ta.

– Thứ ba là trình bày một cách tự nhiên nhu cầu của mình với Thiên Chúa.

– Sau cùng là ca ngợi, tán dương và tri ân Thiên Chúa.

Với cách thức cầu nguyện như vậy, mối tương quan của ta với Chúa càng thân thiết hơn, đó là cuộc nói chuyện thân mật của hai người bạn thân luôn kính trọng và yêu thương nhau. Đó không phải là lời xin nhưng là lời thộ lộ tâm tình giữa ta và Chúa để Ngài nâng đỡ, ui an và gìn giữ ta.

Sống giữa đời, thánh nhân đã khôn khéo sử dụng miệng lưỡi Chúa ban cho để ca rao lời Chúa và xin Ngài ban nhiều ơn lành. Đến khi ngài ra đi, Chúa đã muốn giữ gìn chiếc lưỡi đó cho người đời nhớ tới thánh nhân cũng như những lời ngài chỉ dạy. Thánh Bonaventura chứng kiến phép lạ đã hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên bảo nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ”. Chúa cũng muốn dùng phép lạ của ngài để nhắc nhở mọi người hãy biết dùng miệng lưỡi của mình mà kêu cầu danh Chúa khi cần thiết. Đặc biệt, những ai khó khăn nếu biết kết hợp lời cầu nguyện của mình cùng với thánh nhân thì lời cầu nguyện ấy sẽ đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Có biết bao nhiêu người đã được ơn lành khi cầu xin thánh nhân chuyển cầu cho trước mặt Thiên Chúa. Chiếc lưỡi thánh nhân đã cầu xin Chúa nơi trần gian thì nay trên Thiên Đàng, chiếc lưỡi đó cũng sinh nhiều hoa trái hơn khi cầu cho tha nhân bên tòa Chúa.

Lạy thánh Antôn, xưa ngài đã dùng miệng lưỡi khôn ngoan mà ca tụng Chúa cũng như làm phúc cho muôn dân, thì nay xin ngài cũng ban cho chúng con biết sử dụng miệng lưỡi của chính mình mà mưu ích cho bản thân cũng như cất lời ca tụng Chúa, tuyên xưng đức tin giữa đời và đem Chúa đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Amen.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com