Cv 10,25-26.43-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
Fr. David Sander, O.P
Hội thánh ở phương Tây phải đối diện thế nào với điều được coi là làn sóng tục hóa đang gia tăng và thường đối nghịch với tôn giáo? Một giải pháp được đề nghị gần đây có tên là Lựa Chọn Biển Đức. Lựa chọn này đòi hỏi điều gì? Nó đòi hỏi một sự rút lui và gia cố. Nếu Hội thánh muốn tồn tại qua mối đe dọa này thì Hội thánh phải ngừng cố gắng đua tranh với những sức mạnh cộng hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và công nghệ, có khả năng phá hủy mọi thứ trên đường đi của chúng. Hội thánh phải rút khỏi thế gian và tập trung vào việc xây dựng căn tính đích thực qua việc thực hiện có hiệu quả những đòi hỏi nghiêm ngặt của Tin Mừng. Như thánh Biển Đức hồi thế kỷ thứ năm đã rút ra khỏi sự suy đồi của thành Roma trước khi đế quốc ấy sụp đổ và thành lập những cộng đoàn đan tu, thì các Kitô hữu ngày nay cũng phải trở nên những cộng đoàn thiểu số nhưng có tính cách sáng tạo, giữ cho ngọn lửa đức tin được sống động.
Kể từ Chúa Nhật Phục Sinh, các bài Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đối diện với một tình huống tương tự như vậy. Trong diễn từ ly biệt, Đức Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ cách thế đối diện với cuộc sống khi không có Người. Sắp tới đây, họ sẽ sống ra sao khi Người bị trao nộp và chịu đóng đinh? Và cả sau này nữa, khi đã trỗi dậy và trở về trong vinh quang với Chúa Cha, Người sẽ hiện diện với các môn đệ bằng cách nào? Đức Giêsu không muốn họ có bất kì một ảo tưởng nào. Thế gian sẽ ghét họ như nó đã từng ghét Người. Họ cũng sẽ đối diện với sự bách hại. Vì thế, Người tập trung vào những vấn đề nội bộ. Các môn đệ sẽ là một cộng đoàn tách biệt. Họ phải tìm thấy căn tính đích thực của mình bằng việc tuân giữ những mệnh lệnh của Người. Nghĩa là họ phải yêu thương nhau. Việc yêu thương kẻ thù không được đề cập đến.
Cộng đoàn Hội thánh mà Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ sẽ thay thế đền thờ cũ nay đã bị phá hủy. Đức Kitô bây giờ là đền thờ mới, là ngôi nhà của Chúa Cha. Nơi bản thân Người, các môn đệ nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Cộng đoàn Kitô hữu là nơi Chúa Cha và Chúa Con sẽ sự ngụ, và chính nhờ Thần Khí mà họ nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Kitô không để các môn đệ mồ côi vì họ là con cái của Thiên Chúa hằng sống trong gia đình mới này – gia đình mà Người đã khai sinh trên thập giá khi trao phó người môn đệ yêu quý của mình cho sự chăm sóc của Thân Mẫu.
Khi mà Tin Mừng ra như tập trung vào những vấn đề cộng đoàn, thì bài đọc thứ nhất, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ lại hướng chúng ta ra thế giới bên ngoài. Hẳn nhiên Hội thánh phải sống căn tính của mình trước khi nỗ lực hoán cải tha nhân. Sau lễ Hiện Xuống, Hội thánh ở lại Giêrusalem và kiên trì với những thực hành làm sáng tỏ căn tính của mình: giảng dạy giáo lý của các tông đồ, để mọi sự làm của chung, cùng nhau cầu nguyện và tham dự việc bẻ bánh trong tiệc Thánh Thể. Những thực hành này xác định căn tính Hội thánh. Một khi ý thức căn tính của mình, Hội thánh cũng phải vâng phục lệnh truyền của Đức Kitô để đi ra với thế giới. Hội thánh không thể khép kín nơi chính mình. “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy không chỉ ở Giêrusalem mà còn khắp cõi Giuđê và Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Sự bách hại khiến các Kitô hữu phải rời bỏ Giêrusalem. Ông Stêphanô bị ném đá vì làm chứng cho Đức Kitô. Rồi không lâu sau đó, ông Philípphê bước vào trong thế giới của những người Samaria thù nghịch để công bố Tin Mừng. Thần Khí sự thật sẽ đưa Hội thánh bước ra khỏi vùng an toàn thoải mái. Nhờ sức mạnh của Thần Khí, ông Philípphê tiếp tục công việc của Đức Giêsu, xua đuổi các tà thần và chữa lành những người đau yếu (x. Cv 8,5-8). Ông Phêrô và Gioan rời Giêrusalem, lên đường đến Samari để ban Thần Khí cho những người Samari đã lãnh Phép rửa (x. Cv 8,14-17). Thậm chí ông Phêrô còn bước vào nhà người dân ngoại, khiến cho những tín hữu thuộc giới cắt bì ngạc nhiên; ông Phêrô đã rửa tội và ban Thần Khí cho cả nhà ông Conêliô (x. Cv 10,25-26.34-35.44-48).
Hội thánh hiệp thông trong cả lời giảng và sứ vụ. Vương Quốc của Thiên Chúa vươn tới những vùng lãnh thổ mới khi Hội thánh có thêm những người hoán cải, chịu phép rửa và nhận lãnh Thần Khí. Sứ vụ truyền giáo ấy phải được tiếp tục để Đức Kitô trở nên ánh sáng cho muôn dân. Lời chứng của Tin Mừng Gioan và lời chứng của sách Công vụ Tông đồ bổ sung cho nhau. Các Kitô hữu phải hiểu biết đức tin của mình và phải sống đức tin đó trước khi họ có thể loan báo Tin Mừng. Bạn không thể rao giảng “yêu thương kẻ thù” nếu trước hết chính bạn không cho thấy bạn có khả năng yêu thương những người anh em mình.
Hội thánh vừa sống chiều kích chiêm niệm và vừa thi hành sứ vụ. Xem nhẹ một chiều kích nào cũng sẽ làm tổn hại đến chứng tá của Hội thánh. Vào một thời điểm sau này trong lịch sử Hội thánh, cha thánh Đa Minh nói rằng chúng ta phải trao cho người khác điều mình chiêm niệm. Chiêm niệm và sứ vụ phải cùng nhau sánh bước. Từ những suy tư trên, có thể nói Lựa Chọn Đa Minh sẽ là điều thích hợp cho Hội thánh!