Cách thức thờ phượng Thiên Chúa đích thực là đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá Đức Kitô mỗi ngày trong cuộc đời của mình.
Xh 20,1-17, 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25
Trong cuộc đời công khai, Ðức Giêsu nhiều lần tranh luận với nhóm Luật sĩ và Pharisêu liên quan đến Lề Luật và thực hành tôn giáo. Thỉnh thoảng Người cũng chỉ trích gay gắt lối sống vụ luật của nhóm người này, nhưng không đến nỗi có thái độ giận dữ đối với họ. Thế nhưng, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu có hành động nổi giận khác thường. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Người nổi giận như vậy. Ta thử tưởng tượng: Người bước vào khuôn viên Ðền Thờ, tay cầm roi, mặt giận dữ! Người xua đuổi những kẻ bán bồ câu và chiên bò. Người lật nhào bàn ghế, đổ tung tiền của những người đổi bạc và nói với họ “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
Sự nổi giận của Đức Giêsu có vẻ như trái ngược với cách đối xử bao dung mà Người thường có, cách riêng với những người tội lỗi, thu thuế, gái điếm, v.v.. Cũng chính Người đã công bố các Mối Phúc của Tin Mừng, trong đó có “phúc cho ai hiền hoà…”
Tại sao Ðức Giêsu lại nổi giận như thế? Một số người đạo đức khi suy niệm về đoạn Tin Mừng này, đã gọi đây là “cơn giận thánh” của Người. Các chuyên viên soạn thảo ba bài đọc phụng vụ hôm nay hẳn là có ý đưa ra cho chúng ta một sự giải thích sâu xa hơn về hành động nổi giận của Đức Giêsu.
Bài đọc thứ nhất trích sách Xuất Hành nói về việc Thiên Chúa ban Lề luật cho dân qua ông Môsê. Bản luật Người ban chính là Thập điều, hay còn gọi là Mười điều răn. Giới răn đầu tiên và trên hết đó là:
“Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì […] để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: Vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương.” (Xh 20,3-5)
Cơn giận của Ðức Giêsu như được Tin Mừng diễn tả phản ánh “sự ghen tương” của Thiên Chúa của thời Cựu Ước. Đức Giêsu không chấp nhận Dân được Thiên Chúa tuyển chọn, vốn mang danh là “dân thánh”, mà lại có thể đi tôn thờ ngẫu tượng, coi tiền bạc và lợi lộc như “chúa” của mình đến độ biến Đền thờ thành ra nơi buôn bán, đổi chác.
Đức Giêsu tiến vào Đền thờ cùng với hành động xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đó, được xem là hành động thanh tẩy Đền thờ, hay đúng hơn là thanh tẩy một lối sống tôn giáo mang đầy tính trần tục của người Do Thái lúc bấy giờ. Hành động của Người cũng đồng thời tố cáo những giới chức Đền thờ đang lạm dụng tôn giáo để trục lợi.
Để hiểu hơn ý nghĩa của bài Tin Mừng, ta cần lưu tâm đến vị trí của trình thuật trong toàn bộ Tin Mừng Gioan. Trình thuật mở đầu cho ta biết bối cảnh xảy ra sự việc: “Gần đến lễ Vượt qua của người Do-thái” và rồi sau đó là lời Đức Giêsu nói với họ: “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Hai chi tiết này được đặt gần nhau khiến người nghe nghĩ rằng diễn biến Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ hẳn phải rất gần với cuộc thương khó của Người, và như vậy thì trình thuật phải nằm ở phần cuối của Tin Mừng. Các Tin Mừng nhất lãm thật sự đã sắp xếp theo cách đó, trình thuật Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ nằm gần với trình thuật khổ nạn.
Thế nhưng với Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu tiến vào Đền thờ với hành động thanh tẩy được đặt ngay ở chương Hai, tức là vào khởi đầu sứ vụ Đức Giêsu. Như vậy, tác giả Tin Mừng Gioan đã có chủ đích, ngay từ đầu Tin Mừng dẫn đưa độc giả tập trung vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Hành động thanh tẩy Đền thờ này tiên báo cho một hành động thanh tẩy tôn giáo toàn diện hơn được thực hiện bằng chính sự tự hiến của Người trên Thập giá. Lời tuyên bố “cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” báo trước về mầu nhiệm thập giá, về cái chết và sự phục sinh của Người. Chính sự phục sinh của Đức Kitô làm biến đổi hoàn toàn tính chất và cách thức con người thờ phượng Thiên Chúa. Giờ đây con người gặp gỡ Thiên Chúa không cần phải qua trung gian Đền thờ và Lề luật, nhưng qua Đức Kitô. Nói cách cụ thể hơn ai tin và bước theo Đức Kitô là gặp được chính Thiên Chúa.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay gợi ý cho chúng ta thực hành cụ thể thế nào trong đời sống tôn giáo? Giả như giờ đây, Đức Giêsu tiến vào nhà nguyện này, Người có nổi giận với chúng ta không? Chắc là không! Nhà nguyện được được hoàng đẹp đẽ, mọi người dự lễ sốt sắng, cha chủ sự đang thao thao giảng! Lời của Đức Giêsu “đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” xem ra không phải là lời khiển trách dành cho những người thánh thiện!
Vậy, nếu Đức Giêsu có mặt ở đây, người khen ngợi chúng ta chăng? Cũng chưa chắc đâu, nếu chúng ta chú ý đến bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay. Bài đọc thứ hai được chọn thường có nội dung hướng chúng ta đến những điểm thực hành khi liên hệ với bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng. Ngay đầu thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho thấy lời rao giảng của ngài đặt trọng tâm vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô:
“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1Cr 1,22-23)
Mầu nhiệm Thập giá – nguồn mạch phát sinh ơn cứu độ, cũng chính là trọng tâm của mọi cử hành phượng tự Kitô giáo. Nhìn lên cung thánh nhà nguyện, chúng ta thấy Thập giá Đức Kitô nằm ở chính giữa. Thế nhưng mầu nhiệm Thập giá được cử hành trong phụng vụ nối kết thế nào với đời sống thường ngày của các Kitô hữu? Rất nhiều khi chúng ta thật sốt sắng với việc thờ phượng Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Kitô trong nhà nguyện, và rồi Thập giá của Người lại bị lãng quên, khi chúng ta ra khỏi nhà nguyện, trở về với cuộc sống thường nhật bên ngoài.
* * *
Nhờ mầu nhiệm chết và phục sinh của Đức Kitô, con người thờ phượng Thiên Chúa không còn bị lệ thuộc vào Đền thờ Cựu Ước hay bị giới hạn vào những nơi chốn cụ thể. Sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực không chỉ trong nhà thờ, nhà nguyện, mà còn được nối dài vào từng nhịp sống thường ngày của người Kitô hữu. Nói cách cụ thể hơn, thờ phượng Thiên Chúa là đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá Đức Kitô mỗi ngày trong cuộc đời của mình. Amen.