Trích từ : Phan Tấn Thành, Hiểu Để Sống Đức Tin, Tập 2 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2009), tr. 240-246, trước đó đã được phát thanh trên Đài Vatican tiếng Việt, ngày 12-1-1997.
Vào dịp đầu năm, có người đi coi tướng coi số để đoán trước tài lộc trong năm mới. Giáo hội bài bác chuyện tướng số vì coi đó là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, xem ra không phải là những con số không có ý nghĩa, bởi vì Kinh Thánh cũng thích dùng các số tượng trưng. Ý nghĩa của các con số như thế nào?
Khi nói tới các con số, thì chúng ta thường hiểu về các số như là dấu dùng để đếm. Nhưng mà trong tiếng Việt, xem ra từ “số” còn có ý nghĩa khác nữa, thí dụ như là số phận, số mạng, số kiếp. Rất có thể là tại vì lúc đầu đã có người gắn liền một con số với định mạng của con người, từ đó mà có những từ ngữ như là số hên số xui, số đen, số đỏ. Thực ra việc gắn liền con số với định mạng đã có ở nhiều dân tộc; từ đó mà có tục lệ bốc số, tướng số v.v.. Việc gắn liền định mạng với con số (số của ngày sinh tháng đẻ, số của nhật kỳ), hoặc với tướng mạo hay với các ngôi sao tinh tú xác thực đến đâu là một chuyện tranh luận giữa các nhà khoa học.
Dưới khía cạnh mục vụ, Giáo hội khuyên can các tín hữu đừng lui tới các thầy bói thầy tướng, có lẽ không phải chỉ vì muốn cho họ đừng phí tiền vô ích cho bằng vì muốn cho họ sống cho ra người trưởng thành. Con người trưởng thành là con người dám lãnh trách nhiệm, dám ăn dám làm; nói cách khác, dám sử dụng quyền tự do và tài tháo vát mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Ngược lại, nếu ai cứ tin mù quáng vào định mạng đen tối thì làm sao họ có thể thăng tiến cuộc sống cho mình và cho xã hội được nữa? Xin lấy một thí dụ: giả như có ông thầy tướng nào nói với tôi rằng: anh sinh vào ngày ấy tháng ấy, cho nên cái số của anh lận đận lắm, suốt đời chỉ đi hốt rác thôi! Nếu mà tôi cứ nhắm mắt tin theo lời ông ta, thì tôi sẽ chẳng lo học hành làm gì, vì có loay hoay mấy đi nữa cũng chắng có thể thoát khỏi cái số đi hốt rác được! Còn nếu tôi bỏ lời thầy bói ra ngoài tai, hay là chẳng cần bao giờ hỏi ý ông ta, thì tôi sẽ tìm các phương thế, mong sẽ làm ăn trông lên. Theo tôi nghĩ, đó là lý do của việc ngăn cấm việc bói toán và các thứ dị đoan khác. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các con số không có ý nghĩa gì.
Các con số không phải chỉ dùng để đếm mà còn là những dấu hiệu để con người trao đổi thông tin cho nhau. Cách thông tin trục tiếp nhất là bằng lời nói; nhưng chúng ta cũng thông tin cho nhau qua các cử chỉ bộc phát tự nhiên (thí dụ: nét mặt tươi cười hay sừng sộ) hay ước định (thí dụ qua cái bắt tay để tỏ vẻ thân thiện). Khi xa cách nhau (về không gian hoặc về thời gian) thì chúng ta thông tin bằng chữ viết (thư từ sách vở). Các con số cũng nằm trong loại ký hiệu để thông tin. Thay vì viết chữ thì ta viết số, chẳng hạn trong các hệ thống mật mã, khi mà số được dùng thay cho chữ! Vì thế không lạ gì mà các con số cũng có ý nghĩa trong đời sống Kitô giáo, cũng như trong nhiều tôn giáo khác. Nó mang tính cách biểu tượng, và được sử dụng như phương tiện truyền thông giáo dục.
Lý thuyết chừng đó đủ rồi. Bây giờ xin cha đi vào cụ thể: trong Kitô giáo, các con số tượng trưng cho cái gì?
Tôi xin bắt đầu bằng con số một. Số 1 là nguyên thủy nguồn gốc của vạn vật. Bên Đông phương, chúng ta đã có dịp nghe câu nói của Lão tử: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.” Bản tuyên xưng đức tin của Kitô giáo bắt đầu bằng câu: “Tôi tin kính một Thiên Chúa.” Số một cũng tượng trưng cho sự hợp nhất đoàn kết, như chính đức Kitô đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho hết các tín hữu được nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, xin cho họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,21-22). Thánh Phaolô đã nêu bật những yếu tố liên kết các Kitô hữu trong thư gửi Êphêsô 4,4-5: “Chỉ có một thân thể, một Thần khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người”.
Số 2 được dùng để tượng trưng không những cho thiên tính và nhân tính của đức Kitô, mà còn tượng trưng cho tình nghĩa gắn bó keo sơn, tựa như giữa thánh Phêrô và Phaolô, giữa hai giới luật yêu thương (mến Chúa yêu người), giữa chiêm niệm với hoạt động. Đôi khi số 2 cũng tượng trưng cho sự đối chọi, xung khắc hay bổ túc, thí dụ: sáng/tối; hồn/xác; thiện/ác.
Tiếp đến là số 3. Con số này thường được diễn tả ra hình tam giác với ba cạnh đều nhau để tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Văn chương Kitô giáo còn nói tới ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến), ba quan năng nội tại của con người (lý trí, ý chí, ký ức), ba tuổi trong đời người (thiếu niên, trung niên, lão niên) cũng tương ứng với ba giai đoạn tiến triển trong đời sống thiêng liêng (thanh luyện, soi sáng, kết hợp). Trong hang đá, chúng ta thấy có ba vua, tượng trưng cho toàn thể nhân loại gồm bởi ba màu da: trắng, vàng, đen. Các tu sĩ tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm: người ta cho rằng kiềng ba chân khó đổ.
Lão tử nói: “Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.” Như vậy thì chắc là hết số ba thì chẳng còn gì nữa mà nói, phải không?
Tôi không rõ vì sao Lão tử chỉ nói tới một, hai, ba. Nhưng mà ý nghĩa tượng trưng của các con số thì còn dài lắm. Số 4 tượng trưng cho 4 góc trời (tứ phương thiên hạ): đó là hình ảnh mà chúng ta thấy sách Khải huyền sử dụng ở đầu chương 7: 4 thiên thần ở 4 phương mặt đất, giữ 4 ngọn gió. Trước đó, ở chương 4, tác giả đã nói tới 4 con vật (sư tử, bò tơ, mặt người, đại bàng) lấy từ Êdêkiel, và được truyền thống áp dụng cho 4 tác giả Phúc Âm. Một cách tương tự như vậy trong số các giáo phụ, người ta nêu bật 4 vị đại tiến sĩ bên Đông (Basiliô, Grêgôriô Nazianzênô, Gioan kim khẩu, Atanaxiô), và 4 vị bên Tây (Ambroxiô, Giêrônimô, Augustinô, Grêgôriô). Trong khi mà thi ca nói tới 4 mùa trong năm (tứ thời bát tiết) thì văn chương đạo đức nói tới 4 nhân đức trụ: khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ.
Số 5 được nói tới nhiều lần trong Phúc Âm: Ở chương 25 của Phúc Âm thánh Matthêu, ta có dụ ngôn 5 trinh nữ khờ dại và khôn ngoan, hoặc dụ ngôn về nén bạc (kẻ nhận được 5 nén, kẻ 3 nén, kẻ 1 nén), Mt 16,9 kể lại 5 tấm bánh mà từ đó Chúa Giêsu làm phép lạ; và Luca 12,6 nói tới dụ ngôn về 5 con chim sẻ (Lc 12,6). Truyền thống Kitô giáo kính nhớ 5 dấu đinh của Chúa Giêsu, gắn vào cây nến Phục sinh.
Số 6 được thánh Bêđa coi như tượng trưng cho vũ trụ này trong tình trạng chưa được thánh hóa, dựa theo trình thuật của sách Sáng thế: phải chờ tới ngày thứ bảy thì tạo vật mới được thánh hóa chúc lành. Từ đó không lạ gì mà vài giáo phụ coi số 6 tượng trưng cho sự vô đạo khi giải thích con số 666, bí hiệu của con thú nói trong sách Khải huyền, chương 13, câu 18. Dĩ nhiên là còn có những cách giải thích khác, như chúng ta có thể tìm thấy ỏ các bản chú giải Kinh thánh.
Sau số 6 thì tới số 7. Có lẽ con số này mang nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất, phải không?
Đúng vậy. Số 7 thường tượng trưng cho sự đầy đủ trọn vẹn, cho nên không lạ gì mà từ Cựu ước sang Tân ước, cũng như trong lịch sử Kitô giáo, chúng ta thấy số 7 được nhắc tới nhiều hơn cả. Ở đầu sách Sáng thế, chúng ta thấy là công cuộc tạo dưng được hoàn tất trong 7 ngày. Tác phẩm chót của Kinh thánh (sách Khải huyền) thích dùng số 7 : ngay từ thị kiến ở chương 1, tác giả đã nói tới 7 giáo đoàn, 7 ngôi sao, 7 đèn vàng, 7 thiên sứ. Trong truyền th ống Kitô giáo, chúng ta nghe nói tới 7 ơn Chúa Thánh Thần ; 7 bí tích, 7 sự đau đớn Đức Bà, 14 mối thương người tức là 7 việc phần xác và 7 việc phần hồn; 7 mối tội đầu đối lại với 7 nhân đức (3 nhân đức đối thần và 4 nhân đức trụ).
Như vậy, theo quan niệm Kitô giáo, số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo chứ không phải là số 10 như là bên Đông ph ương “thập toàn”, phải không?
Trong Kinh thánh và truyền thống Kitô giáo, sự hoàn hảo không phải chỉ được diễn tả qua số 7 mà thôi, nhưng còn qua những số khác nữa, chẳng hạn số 8. Các giáo phụ chú giải rằng Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày tiếp theo ngày thứ bảy trong tuần, vị chi là ngày thứ 8. Các giếng rửa tội được xây theo hình tám góc với ý nghĩa đó: bí tích rửa tội đưa chúng ta thông dự vào cuộc Phục sinh của đức Kitô. Và chúng ta cũng đừng nên quên 8 mối phúc thật.
Sang tới số 9, thì phải nhắc tới 9 phẩm các thiên thần hay 9 tầng trời, nhưng mà ở chóp đỉnh là Thiên Chúa: đó cũng là một cách thức để diễn tả sự sung mãn, hoàn hảo : Thiên Chúa ngự trên chốn cửu trùng, Đấng Chủ tể tối cao.
Số 10 quả là tượng trưng cho thập toàn. Nên biết là ngôn ngữ bình dân quen nói tới 10 Điều răn Đức Chúa Trời, nhưng nguyên bản Do thái thì nói tới 10 lời, nghĩa là gồm tóm hết mọi lời của Chúa rồi. Tuy nhiên, tại sao mà tóm làm 10 chứ không phải bằng số khác? Theo vài học giả, có lẽ lúc đầu chỉ vì mục đích sư phạm: 10 lời tương ứng với 10 ngón tay; mỗi lần tính theo đầu ngón tay thì hãy nhớ tới một lời của Chúa.
Nhưng mà chưa hết đâu: ở Việt Nam khi mua bán có nơi tính chục 10 có nơi tính chục 12. Nói khác đi, số 12 cũng tượng trưng cho sự thập toàn. Một năm chẳng có 12 tháng đó sao ? Dân Do thái gồm bởi 12 chi tộc; do đó Chúa Giêsu cũng chọn 12 tông đồ để xét xử 12 chi tộc Israel. Sách Khải huyền nhân cấp lên cho mỗi chi tộc được 12 ngàn người được tuyển chọn; vị chi là 144 ngàn người tượng trưng cho toàn thể Hội thánh (Kh 7,4). Người phụ nữ nói ở chương 12 đội triều thiên với 12 ngôi sao có lẽ cũng theo ý nghĩa đó.
Nói tới những con số cao hơn, ta có thể nhắc tới số 30, tượng trưng cho tuổi trưởng thành. Chúa Giêsu khởi sự sứ vụ vào tuổi này, bởi vì đó là tuổi mà vua Đavít lên ngôi (2Sm 5,4), ông Êdêkiel được gọi làm ngôn sứ (1,1), và tuổi để làm tư tế (Ds 4,3.23).
Số 40 nhắc chúng ta đến thời gian lừ hành của Israel trên sa mạc, thời gian cầu nguyện của Môsê và Êlia; vì vậy mà Chúa Giêsu cũng vào hoang địa để ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ, Đó cũng là ý nghĩa của Mùa Chay (mùa bốn mươi) trong năm phụng vụ.
Số 50 đưa tâm trí chúng ta đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trùng vào dịp lễ Ngũ tuần của Dân Do thái : 50 ngày sau lễ Vượt qua; 50 gồm bởi 7 lần 7 cộng 1, cả hai đều nói lên sự sung mãn. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù không những tới 7 lần mà là 70 lần 7.