(St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15)
Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu vào hoang địa và ở đó 40 đêm ngày, Người chịu cám dỗ.
Tin Mừng Mátthêu và Luca tường thuật khá dài và chi tiết về biến cố khởi đầu sứ vụ này của Đức Giêsu. Tin Mừng Máccô dùng cho phụng vụ năm B, thuật lại biến cố này rất ngắn gọn, không có chi tiết về ba lần cám dỗ: bánh ăn, danh vọng và kiêu ngạo. Nhưng bù lại, đoạn trích Tin Mừng Máccô hôm nay thêm thêm một chi tiết cho chúng ta biết nội dung lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu:
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).
Trước hết, chúng ta hãy lược qua nội dung của bài Tin Mừng, và thứ đến tìm hiểu sứ điệp Lời Chúa gửi đến chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại.
Ít là có ba chi tiết của nội dung Tin Mừng chúng ta cần phải chú ý:
Thứ nhất, Thánh Thần thúc đẩy Đức Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Chi tiết này thường khiến người nghe ngạc nhiên: tại sao Thần Khí lại đưa Đức Giêsu vào hoàn cảnh hiểm nguy, khi phải đối diện với những cám dỗ như vậy.
– Sự hiện diện của Thánh Thần là để chứng thực rằng mọi sự diễn ra trong cuộc đời Đức Giêsu đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người, đã chia sẻ trọn vẹn bản tính nhân loại, kể cả phải chiến đấu với sự dữ, những thử thách của cuộc đời trần thế này. Trước đó, Người cũng đã đến sông Giođan hoà mình vào đám tội nhân, để xin chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.
– Tin Mừng Mátthêu và Luca nói đến ba lần Đức Giêsu chiến thắng cám dỗ. Máccô không thuật lại tỉ mỉ như vậy, mà chỉ nói ngắn gọn rằng, sau khi Người đã chịu cám dỗ thì đã có các thiên sứ đến hầu hạ Người. Chi tiết này ám chỉ rằng, Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Người đã để cho Thần Khí hướng dẫn và vì thế, Người đã có thể chiến thắng cám dỗ nhờ chính sức mạnh của Thần Khí.
Thứ hai, nơi chốn và khoảng thời gian Đức Giêsu chịu cám dỗ. Nơi chốn hoang địa ở đây không chỉ hiểu về phương diện địa lý, tức là một nơi chốn hoang vắng. Cũng vậy, khoảng thời gian Đức Giêsu chịu cám dỗ không chỉ hiểu theo nghĩa đen là đúng 40 ngày. Nơi chốn hoang địa và thời gian 40 ngày mang những ý nghĩa sâu xa hơn.
– Với hình ảnh Đức Giêsu trong hoang địa để chịu cám dỗ, Tin Mừng Máccô muốn liên hệ đến hình ảnh Ađam và Evà trong vường địa đàng. Hai ông bà đã nghe theo sự xúi dục của con rắn mà bất tuân lệnh Chúa. Đối lại, Đức Giêsu ở trong hoang địa, Người cũng phải dối diện với cám dỗ của Xatan, nhưng Người đã chiến thắng.
– Khi mô tả Đức Giêsu vào trong hoang địa, tác giả Tin Mừng muốn nhắc cho độc giả nhớ về hoang địa sa mạc dân Israel đã phải trải qua để thoát khỏi kiếp nô lệ Ai Cập. Con số 40 mươi ngày Đức Giêsu trong hoang địa được so sánh với 40 năm hoang địa Dân Chúa phải vượt qua trên con đường trở về đất hứa.
– Với hình ảnh Đức Giêsu vào hoang địa, tác giả Tin Mừng gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về thân phận con người. Cuộc đời hiện tại được ví như một hoang địa với nhiều thử thách, cám dỗ mà mỗi người chúng ta phải chiến đấu như chính Đức Giêsu đã trải qua. Về ý nghĩa phụng vụ, con số 40 ngày của Mùa Chay cũng tương ứng với 40 ngày Đức Giêsu trong hoang địa.
Thứ ba, dấu chỉ của triều đại Thiên Chúa. Đức Giêsu chiến thắng cám dỗ là dấu chỉ cho triều đại thiên Chúa đã đến gần. Thời kỳ của Xatan thống trị đã chấm dứt khi Đức Kitô xuất hiện. Lời kêu gọi của Đức Giêsu “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” dành cho những ai mong muốn thoát khỏi thế giới của Xatan để gia nhập Nước Thiên Chúa.
– “Sám hối” có nghĩa là gì? Thưa là nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu đuối, dễ sa ngã của mình trước những cám dỗ. Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm và biết rõ về sự yếu đuối của mình, nhưng lại rất khó để nhìn nhận sự yếu đuối ấy của mình trước mặt Chúa.
– “Tin vào Tin Mừng” có nghĩa là gì? Thưa tin vào Tin Mừng là tin vào chính Đức Kitô. Ai tin tưởng bước đi theo Người, thì có khả năng vượt thắng những cám dỗ.
– Cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trong hoang địa chỉ là khởi đầu của cuộc chiến chống lại sự dữ, cuộc chiến thắng hoàn toàn và cuối cùng của Người là cuộc chiến thắng sự chết. Bài đọc hai trích thư thứ nhất của thánh Phêrô nói với chúng ta như sau:
“Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.” (1Pr 3,18)
Giờ đây, cộng đoàn sẽ bước vào phần cử hành mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Kitô và tuyên xưng rằng cuộc chiến thắng của Người mang lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng sự dữ. Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta không xin Chúa cho chúng ta thoát khỏi kiếp sống trần gian với nhiều thử thách, nhưng xin Người trợ giúp để chúng ta khỏi “sa chước cám dỗ.” Niềm xác tín vào Đức Kitô giúp chúng ta can đảm vững bước trên hành trình trần gian này.