Lv 13,1-2.45-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45
Từ rất xưa, người ta đã biết đến bệnh phong như là một căn bệnh hiểm nghèo, đáng sợ. Những ai mắc bệnh này thường phải chịu đau đớn, khổ sở: thân mình lở loét, đau đớn trong xương cốt, ngón chân ngón tay rụng dần. Hơn nữa bệnh còn có thể lây lan, nên người mắc bệnh phong thường bị mọi người, kể cả người thân xa lánh, chịu sự cách ly khỏi xã hội. Phải mãi đến năm 1873, bác sĩ Hansen, người Na-uy khám phá ra vi trùng gây ra bệnh phong, từ đó khoa học mới dần dần tìm được phương thuốc chữa trị đặc hiệu.
Theo Lề luật của người Do Thái như được ghi chép trong sách Lê-vi ở bài đọc thứ nhất, những người mắc bệnh phong bị xem là bị nhiễm uế. Họ phải ăn mặc rách rưới và bị buộc phải hô to “ô uế ! ô uế !” để thông báo cho mọi người chung quanh tình trạng bệnh tật của mình. Không những thế, người mắc bệnh phong còn bị liệt vào hạng ‘ô uế’ tinh thần. Người Do Thái quan niệm bệnh tật là hình phạt dành cho kẻ tội lỗi. Quả là một tình trạng khốn quẫn, bi đát cả về thể xác lẫn tinh thần đối với những ai không may mắc phải căn bệnh quái ác này!
“Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch!’” (Mc 1,41)
Người mắc bệnh phong trong Tin Mừng hôm nay có lẽ đã nghe biết danh tiếng Đức Giê-su. Anh đã liều lĩnh vượt qua ranh giới cấm cản của Lề luật, tìm cách lại gần Đức Giê-su để mong được sự chữa lành. Lời van xin của anh khiến Người chú ý. Lời nói ‘tôi muốn’ và hành động ‘đụng chạm’ của Đức Giê-su diễn ra đồng thời: cả hai đều là dấu chỉ biểu lộ lòng thương cảm của Người; cả hai đều có quyền năng chữa lành, làm cho kẻ mắc bệnh phong được sạch.
Theo cách trình thuật của Tin Mừng Mác-cô, phép lạ chữa lành bệnh phong và nhiều phép lạ khác được Đức Giê-su thực hiện vào ngay giai đoạn khởi đầu sứ vụ tại miền Ga-li-lê. Thế nhưng Người lại không muốn dân chúng quá chú ý đến các phép lạ bởi vì chúng chỉ là dấu chỉ giúp cho người ta nhận biết sứ vụ cứu thế của Người. Đức Giê-su mong muốn cứu độ con người toàn diện. Mục đích sứ vụ của Người là: Rao giảng Tin Mừng, công bố triều đại Thiên Chúa đã đến gần và kêu gọi mọi người sám hối (x. Mc 1,14-15). Vì không muốn dân chúng tiếp tục ngộ nhận về sứ vụ của Người, Đức Giê-su cấm người được chữa lành không được nói với ai về trình trạng anh đã được sạch. Quan trọng hơn, qua dấu chỉ chữa lành bệnh tật thể xác, Đức Giê-su muốn anh nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa, nhận biết chính Đấng có khả năng mang lại cho anh sự chữa lành tâm linh, giải thoát tâm hồn anh khỏi tình trạng nhiễm uế do tội lỗi.
Cách thức Đức Giê-su đối xử với người bị bệnh phong là một điển hình diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Đức Giê-su mời gọi người mắc bệnh phong và các thỉnh giả của Người, hãy để cho Lời và ân sủng cứu độ của Người đụng chạm đến cuộc sống. Người ta rất có thể nhiều lần trong đời, mải miết, loay hoay tìm những phương thế giải quyết tình trạng bế tắc của cuộc sống, nhưng lại bỏ quên sức mạnh trợ lực rất cần thiết phát xuất từ lời nói và hành động của Đức Giê-su. Nhất là khi đang phải dối diện với tình trạng cô đơn, quẫn bách, bị coi khinh, bị loại trừ từ nhiều phía, thì nơi duy nhất còn lại người ta cần phải cậy dựa là chính Đức Giê-su – lời giáo huấn của Người trong Tin Mừng và ân sủng của Người ban tặng qua các bí tích. Rồi, cũng rất nhiều khi vì sợ hãi tình trạng tội lỗi của mình, người ta quay ra thất vọng, không còn dám tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Hành động của người mắc bệnh phong hôm nay khuyến khích chúng ta vượt qua rào cản của sự sợ hãi mà đến với Giê-su để xin ơn tha thứ và sự cứu chữa của Người. Đức Giê-su nơi Bí tích hoà giải luôn chờ đón mọi tín hữu với tâm hồn khiêm tốn, sám hối, Người ban cho họ ơn tha thứ, sự hoà giải và bình an trong tâm hồn.
“Vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi” (Mc 1,45).
Không gì có thể ngăn cản niềm vui được công bố, kể cả lời nghiêm cấm trước đó của Đức Giê-su: “đừng nói với ai.” Có thể nói rằng, kẻ được chữa lành bệnh phong hôm nay là nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên của Đức Giê-su, cho dù chính Người không bảo anh làm điều ấy, Người cũng không tuyển chọn anh như đã tuyển chọn các môn đệ. Thế nhưng, anh đã đi rao truyền khắp nơi về ơn huệ vừa nhận được và nói với mọi người về tình trạng lành bệnh của mình. Điều anh làm, ra như đã gây bất lợi cho Đức Giê-su, khi Người không thể công khai vào thành để tiếp tục sứ vụ, mà “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay, tác giả Mác-cô cho hay “dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.” Như thế, việc “ở lại… ngoài thành” còn có một lý do khác và mang lại lợi ích khác cho sứ vụ của Đức Giê-su. Việc rao giảng Tin Mừng không chỉ giới hạn nơi Hội đường Do Thái hay trong thành Ca-phác-na-um mà còn phải được mở rộng cho hết mọi nước mọi dân. Đức Giêsu ở ngoài thành, vì vậy nhiều người có thể dễ dàng kéo đến với Người. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với lời Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ trước đó rằng “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38).
Khởi đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã tuyển chọn các môn đệ để tiếp nối sứ mạng của Người. Sứ mạng ấy được các Ki-tô hữu, cách riêng các Ki-tô hữu giáo dân tiếp tục thực thi nơi chính đời sống dấn thân của mình trong xã hội và qua các hoạt động của Hội thánh. Sứ vụ loan báo Tin Mừng chỉ có sức tác động thực sự đến mọi người khi nó được khởi đi từ sự gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô và kinh nghiệm được giải thoát khỏi tội lỗi, như chính người mắc bệnh phong được Đức Giê-su chữa lành hôm nay. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mở đầu Tông huấn Evangelii Gaudium của ngài như sau: “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Đức Giê-su. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, trống rỗng nội tâm và cô đơn.” (EG 1)
Sau những giờ phút gặp gỡ thân mật với Chúa Giê-su bằng việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể của Người, các Kitô hữu bước ra khỏi nhà thờ, là để đi vào trong thế giới, chia sẻ với mọi người niềm vui ơn cứu độ đã lãnh nhận. Niềm vui ấy lại được các Kitô hữu chứng thực bằng đời sống phù hợp với giáo huấn của Tin Mừng trong mọi tương quan bác ái với tha nhân. Bằng cách này, các Kitô hữu có thể làm cho Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ chúng ta, hiện diện ở khắp nơi, Người “ở lại… ngoài thành”, nhờ đó mà mọi người có thể “khắp nơi kéo đến với Người.”
A.P.___________
GLHTCG số 1503: Lòng thương cảm của Đức Kitô đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành mọi thứ bệnh tật Người đã thực hiện là một dấu chỉ hiển nhiên cho thấy rằng Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Ngài (x Lc 7,16) và Nước Thiên Chúa đã gần kề. Chúa Giêsu không những có quyền chữa lành mà còn có quyền tha tội (x. Mc 2,5-12) : Người đến để chữa lành con người toàn diện, cả xác cả hồn; Người là thầy thuốc mà các bệnh nhân cần đến (x. Mc 2,17).
Lòng thương cảm của Người đối với tất cả những người chịu đau khổ, đã đi đến chỗ Người tự nên một với họ: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36). Tình yêu đặc biệt của Người đối với những người đau yếu, trải qua các thế kỷ, đã không ngừng khơi dậy sự quan tâm đặc biệt của các Kitô hữu đối với tất cả những ai chịu đau khổ phần xác hay phần hồn. Tình yêu này làm phát sinh những cố gắng không mệt mỏi để nâng đỡ những người đau khổ đó.
GLHTCG số 1505: Xúc động trước quá nhiều đau khổ, Đức Kitô không những cho phép các bệnh nhân chạm đến Người, mà còn lấy những đau khổ của chúng ta làm của Người: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Tuy nhiên, Người đã không chữa lành tất cả các bệnh nhân. Những việc chữa lành của Người là những dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đang đến. Chúng loan báo một sự chữa lành triệt để hơn: đó là sự chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhờ cuộc Vượt Qua của Người. Trên thập giá, Đức Kitô đã mang vào thân thể Người tất cả gánh nặng của sự dữ và Người đã xoá “tội trần gian” (Ga 1,29), mà bệnh tật của trần gian chỉ là một hậu quả.
Bằng cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người, Đức Kitô đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới: từ nay đau khổ có thể làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người và kết hợp chúng ta vào cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Người.