Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
Lời Chúa hôm nay bắt đầu với bài đọc trích trong sách Đệ Nhị Luật, còn gọi tắt là Sách Luật, cuốn sách thứ năm trong bộ Ngũ Thư. Sách được viết dưới hình thức những bài giáo huấn của ông Môsê dành cho dân Israel, trước khi dân vượt qua sông Giođan để chiếm Đất hứa.
Sách Đệ Nhị Luật được tìm thấy trong Đền Thờ dưới thời vua Giô-si-gi-a, không lâu trước khi chế độ dân chủ sụp đổ và Israel bị đưa đi lưu đày. Về thời gian biên soạn, nó được hình thành khá lâu sau khi Israel định cư tại đất Can-na-an, được soạn thảo nhằm mục đích kêu gọi Dân Israel quay trở về với với Giao Ước, làm sống lại mối tương quan thân mật với Đức Chúa, như những ngày tổ tiên trong sa mạc dưới sự dẫn dắt của ông Môsê. Đặt vào môi miệng ông Môsê những lời giáo huấn, soạn giả sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở Israel hãy trung tín với Giao ước mà Đức Chúa đã ký kết với cha ông họ tại Khô-rép. Sự trung tín này có nghĩa là – như lời đáp ca cộng đoàn vừa xướng lên – hãy lắng nghe tiếng Đức Chúa và đừng có nghi nan, cứng lòng. Chuẩn bị tiến vào miền đất “chảy sữa và mật,” Israel hiểu rằng họ sắp phải đối diện với thách đố cam go. Thử thách còn tăng thêm khi họ không có sự lãnh đạo của ông Môsê vì Đức Chúa không cho phép ông vào Đất hứa.
Những lời của ông Môsê trong bài đọc một hôm nay là một bảo đảm cho dân rằng Đức Chúa sẽ tiếp tục dẫn dắt Israel qua vị Trung gian của Người. “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em. Anh em hãy nghe vị ấy” Tác giả sách Đệ Nhị Luật, qua miệng lưỡi ông Môsê, khích lệ dân hãy hồi tưởng những biến cố của dân tộc, những gì đã xảy ra trong cuộc xuất hành và những năm tháng của cha ông trong sa mạc. Tổ tiên đã thành công trong cuộc chinh phục Đất hứa vì họ đã lắng nghe và làm theo lời giáo huấn này của ông Môsê:
“Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em” (Đnl 4,1).
Những thánh chỉ và quyết định là lời của Đức Chúa được ban cho dân qua ông Môsê, được tóm gọn trong Thập Điều, còn gọi là Mười Lời. Những lời của Đức Chúa là lời chân thật, lời có sức mạnh giải thoát, lời hướng dẫn Israel tiến vào miền đất “chảy sữa và mật,” tức nơi có sự sống và hạnh phúc. Lời của Đức Chúa luôn là lời trung tín, được bảo đảm bằng hành động của Người.
Mặc dù Israel có thành công trong cuộc chinh phục Đất hứa, thì những biến động lịch sử liên tục sau đó với đầy những đau thương, mất mát lại gợi ý cho dân Israel rằng những lời của ông Môsê về “một ngôn sứ như tôi” sẽ phải được hiểu xa hơn. Những thính giả Do thái tại hội đường ở Caphácnaum hôm nay nhận thấy lời bảo đảm của ông Môsê trở thành hiện thực nơi một con người đang “giảng dạy như một đấng có uy quyền.” Nếu như trong quá khứ, lời uy quyền của Đức Chúa qua trung gian Môsê đã khiến cho sức mạnh của Pharaô phải khuất phục và mang lại sự giải phóng cho Israel, thì lời của Đức Giêsu tại hội đường Caphácnaum hôm nay cũng có cùng một sức mạnh như thế. Lời giảng dạy của Đức Giêsu khiến dân chúng thán phục. Lời của Người ngăm đe các thần ô uế, bắt chúng phải tuân lệnh. Lời của Người mang lại tự do cho người bị sự dữ trói buộc.
Tin Mừng Máccô hôm nay và tiếp theo hai Chúa Nhật nữa còn cho thấy quyền năng của lời Đức Giêsu đối với những bệnh tật thể xác, vốn được hiểu như là hậu quả của sự dữ. Lời của Người cũng luôn được chứng thực bằng hành động. Và vì thế, tiếng tăm của Người lan rộng khắp nơi, không chỉ trong thành Caphácnaum mà còn vươn xa hơn đến những miền xung quanh. Ông Môsê đã truyền cho Dân hãy nghe lời “vị Ngôn Sứ” này. Trong biến cố hiển dung của Đức Giêsu, tiếng từ trời phán với các môn đệ của Người “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời người.” (Mc 9,7)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giáo huấn chúng ta về sức mạnh của Lời Thiên Chúa chứa đựng trong các Sách Thánh. Lời mà chúng ta đọc và được nghe đọc nhiều lần trong ngày. Dân Israel khi xưa cũng thế, họ đã đọc và được nghe đọc Lời Chúa mỗi ngày, họ đeo những thẻ kinh trên trán và may vào tua áo, nhưng rồi họ vẫn không thể giữ được sự trung tín với Lời Thiên Chúa. Hết lần này đến lần khác khi gặp thử thách, Dân đã tỏ ra cứng lòng và bất tuân lời Người.
Mỗi sáng chúng ta khởi đầu ngày mới với thánh vịnh 94:
“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa
Người phán các ngươi chớ cứng lòng.”
Khi xưa, dân Do Thái thường đọc Thánh vịnh này trong nghi lễ lặp lại Giao Ước. Ngày nay trong Kinh Thần vụ, Thánh vịnh này được xướng lên mỗi buổi sáng bắt đầu cho việc đọc và nghe Lời Chúa, để nhắc nhở rằng, chúng ta vẫn luôn có thể thất trung với Lời Thiên Chúa như dân Israel xưa. Vậy đâu là sức mạnh giúp chúng ta có thể trung tín với Lời Thiên Chúa? Dân mới của Thiên Chúa hôm nay may mắn hơn dân Israel xưa! Bởi vì chúng ta có được sức mạnh từ chính ân sủng của Đức Kitô, như lời thánh Gioan đã nói với chúng ta như sau:
“Ngôi Lời đã cư ngụ giữa chúng ta, đầy tràn ân sủng và sự thật. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban cho ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có.” (Ga 1,14c.16a.17).
Giờ đây cộng đoàn chúng ta sẽ bước vào phần cử hành Hy tế Thánh thể của Đức Giêsu và tin tưởng rằng ân sủng của Hy tế ấy sẽ giúp chúng ta trung tín với Lời Thiên Chúa.