Gn 3,1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1,14-20
So với các tác giả Tin Mừng khác, thánh Máccô có một lối trình bày Tin Mừng khá ngắn gọn. Không trích dẫn nhiều Cựu Ước như Mátthêu, không trau chuốt câu văn như Luca, không dùng nhiều điệp ngữ nhấn mạnh như Gioan, tác giả Máccô trực tiếp ngay vào vấn đề cần trình bày với câu chữ súc tích, lời văn ngắn gọn. Đọc Tin Mừng Máccô, người ta có cảm giác như tác giả muốn rút ngắn thời gian. Ra như có một sự cấp bách nào đó, Máccô mong muốn sao cho độc giả của ngài có thể nhanh nhất và dễ nhất, tiếp cận được với sứ điệp của Tin Mừng.
Thánh Mátthêu và Luca bắt đầu Tin Mừng với trình thuật Giáng sinh và thời thơ ấu Đức Giêsu, tác giả Máccô thì lại không như vậy. Mở đầu Tin Mừng, sau khi đề cập thật ngắn gọn sứ vụ của Gioan Tẩy Giả và lời chứng của ông về Đấng Cứu Thế, tác giả Máccô kết thúc sứ vụ của vị Tiền Hô và mở đầu ngay vào sứ vụ của Đức Giêsu: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.” Nối liền sau đó là lời rao giảng của Đức Giêsu, cũng bằng một câu trình thuật thật ngắn gọn:
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Quả thật, chỉ cần chú ý nội dung của lời rao giảng đầu tiên này, ta có thể nhận ra ngay tính chất thôi thúc của sứ điệp Tin Mừng.
“Thời kỳ đã mãn”. Theo niềm tin của người Do Thái lúc bấy giờ, lịch sử loài người chia thành hai giai đoạn: thời hiện tại và thời sẽ đến. Đức Giêsu loan báo thời hiện tại – thời Dân Chúa sống trong sự chờ mong Đấng Cứu Thế đã chấm dứt, vì sự xuất hiện của Người đã mở ra cho nhân loại một thời kỳ mới, thời cánh chung. Chính nơi con người và giáo huấn của Đức Giêsu, “triều đại Thiên Chúa” bắt đầu giữa thế gian. Sự cấp bách mà sứ điệp ngỏ ra không cho phép tác giả Máccô dài dòng với trình bày của mình. Càng ngắn gọn, độc giả càng dễ tiếp cận, dễ lắng nghe sứ điệp và gặp gỡ chính Đức Giêsu là trọng tâm của sứ điệp hôm nay.
Lời kêu gọi “hãy sám hối” cũng thật khẩn thiết, không thể trì hoãn với những ai đang chờ mong ơn cứu độ, đang tìm kiếm ý nghĩa đích thực cho cuộc đời của mình. Đức Giêsu – nguồn mạch ân sủng, ơn cứu độ cho nhân loại, đang hiện diện. Nhưng cần thiết một thái độ sám hối – nghĩa là khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi, yếu đuối và quyết tâm thay đổi hướng đi đời mình, thì người ta mới có cơ may gặp được Đức Kitô, can đảm đáp lại tiếng gọi của Người.
Cuộc đời con người thật ngắn ngủi! Đâu là ý nghĩa của cuộc đời trần gian này? Và sau cuộc sống hiện tại, còn cuộc sống nào khác nữa cho ta hay không? Thánh Phaolô đưa ra lời cảnh báo trong bài đọc thứ hai: “Bộ mặt thế gian này đang biến đi.” Chính Đức Giêsu và giáo huấn của Người là lời giải đáp cho những vấn nạn của cuộc đời trần gian này. Người ta không thể chần chừ cho một sự chọn lựa, một quyết định đời mình: hoặc là cứ mãi bám víu vào thực tại trần gian để có sự bảo đảm trước mắt, hoặc là mạo hiểm lên đường bằng một thái độ “tin vào Tin Mừng”, tức là tin Đức Kitô, đáp lại tiếng gọi của Người. Sự chọn lựa bước theo Đức Kitô đưa người môn đệ đến một chân trời mới bao hàm nhiều thử thách. Sống theo giáo huấn Đức Kitô – con đường đưa đến sự sống thật đời này và đời sau, đòi hỏi người môn đệ sự từ bỏ và hy sinh. Lời mở đầu giới thiệu sứ vụ của Đức Giêsu, “sau khi ông Gio-an bị nộp…” hé mở cho người môn đệ biết sự cam go của hành trình bước đi theo Người. Đức Giêsu cũng sẽ bị nộp vào “tay người đời” như Gioan Tiền Hô. Những ai chấp nhận làm môn đệ Đức Kitô, cũng sẽ phải tiến bước trên con đường thập giá đó.
Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên, đó là các ông: Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan. Được Đức Giêsu ngỏ lời, bốn môn đệ ngay lập tức bỏ chài lưới và người thân mà đi theo Người. Sự dứt khoát và “ngay lập tức” của các môn đệ mang tính chất quyết định cho một hành trình đầy hấp dẫn và mạo hiểm. Theo Đức Kitô không những là từ bỏ nghề nghiệp, nhà cửa, gia đình, v.v., mà các ông còn phải đối diện với một cuộc sống bấp bênh, vì “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).
Các Tin Mừng không tô vẽ hào quang cho sự dấn thân của các môn đệ đầu tiên. Thật vậy, các trình thuật sau đó của Tin Mừng cho thấy các môn đệ phải đối diện với nhiều thử thách, tưởng chừng đến độ bỏ cuộc. Bản thân các môn đệ, nhất là dưới ngòi bút của tác giả Máccô, luôn tỏ ra nhút nhát, u mê, chậm hiểu, kém tin, v.v., và nhiều lần bị Đức Giêsu khiển trách. Bên cạnh thành quả của sứ vụ thấy được nơi Đức Giêsu, các môn đệ cũng chứng kiến Thầy Giêsu bị chống đối, bị loại trừ và bị trao nộp. Niềm hy vọng của các môn đệ dường như bị dập tắt hẳn khi Thầy chịu treo trên thập giá. Các trình thật Tin Mừng đã không dừng lại ở cái chết của Đức Giêsu, nhưng dẫn chúng ta tới sự phục sinh của Người. Chính các môn đệ đầu tiên này sẽ làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô. “Tin vào Tin Mừng” là tin vào Đức Kitô phục sinh sẽ được Máccô trình thuật ở cuối Tin Mừng của ngài. Đức Kitô phục sinh chính là “Tin Mừng” đích thực cho các môn đệ đã tin và đi theo Người. Những ai bước theo Đức Kitô thì sự chết sẽ không còn bi thảm; kết thúc hành trình trần gian, cuộc đời người môn đệ được mở ra với thực tại vĩnh cửu, sự sống đời đời.
Lời mời gọi khẩn thiết của Đức Giêsu và sự mau mắn đáp trả của các môn đệ đầu tiên khích lệ chúng ta trong hành trình theo tiếng gọi của Chúa. Hành trình ấy không thiếu thử thách, chông gai, nhưng tin vào sự dẫn dắt của Thầy Giêsu, chúng ta có đủ can đảm để bước đi trong ơn gọi đời mình. Hy vọng tất cả anh em thỉnh sinh ở đây, không một ai bỏ cuộc trước lời mọi gọi đến ở với Đức Kitô, để được Người dạy dỗ, huấn luyện và biến đổi thành “những kẻ lưới người như lưới cá.” Amen.