Mục Lục
Congregatio Redemptoris Matris – C.R.M.
LTS: Trước đây Dòng được biết dưới tên Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (Congregation of the Mother Coredemptrix – C.M.C.), từ 2017 được đổi tên thành Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. Xt. Thông báo đổi tên Dòng. Bài này được viết trước khi Dòng đổi tên.
Là một thành viên của Dòng Đồng Công, tôi có lý để tự hào về Dòng mình chứ ! Không phải tôi tự hào vì Dòng mình lớn, có bề dày lịch sử, lập được nhiều thành tích cho Giáo Hội hay vì bất cứ lý do nào khác nhưng chỉ đơn giản : đó là một Hội Dòng bản quốc, thuần tuý Việt Nam ; Dòng do người Việt Nam sáng lập ; Dòng dành cho người Việt Nam… Nhưng có lẽ tôi cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng đó là một Hội Dòng rất nhỏ bé, rất non trẻ so với các Dòng “anh chị” trong Giáo Hội, bởi chỉ mới được thành lập từ giữa thế kỷ XX. Trong khuôn khổ của Nội san Giao Lưu này, xin được vắn tắt chia sẻ về Hội Dòng như sau :
1. Đấng sáng lập : Linh mục Đa Minh Maria Trần Đình Thủ, C.M.C.
Sinh ngày 29/11/1906 tại Đồng Quan, Thái Bình. Lãnh Bí tích Thánh Tẩy ngày 08/12/1906 tại nhà thờ Đồng Quan. Xưng tội và Rước lễ lần đầu vào mùa Phục Sinh năm 1914. Năm 1915 dâng mình cho Chúa. Năm 1924 nhập tiểu chủng viện Ninh Cường, Giáo phận Bùi Chu. Năm 1929 học Triết tại Bùi Chu và tại Giáo Hoàng Chủng viện Thánh Anbêtô Nam Định. Năm 1933 học Thần tại Giáo Hoàng Chủng viện Thánh Anbêtô Nam Định. Thụ phong Linh mục ngày 22/05/1937, do Đức cha Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn.
2. Lịch sử
Sơ khởi
Cha sáng lập được ơn soi sáng lập Dòng khi đang còn là giáo sư của Đại Chủng viện Quần Phương (địa phận Bùi Chu, Bắc Việt). Theo như hồi ký của ngài để lại, ngày mà ngài nhận được ơn thôi thúc soi sáng lập Dòng đó là ngày 04 tháng 04 năm 1941, ngày Thứ Sáu Tuần Thụ Nạn, ngày lễ Đức Mẹ Đau Thương (Phụng vụ trước Công đồng Vatican II), là điều mà trước đây ngài không hề nghĩ tới mà chỉ muốn đi vào tu trong một Hội Dòng nào đó thôi. Kể từ lúc ấy, ý định lập Dòng mới đã manh nha rồi hình thành dần qua từng giai đoạn. Năm 1943, cha làm chánh xứ Dương A, cũng tại đây nhiều thanh niên có chí tu đã đến với cha và xứ Dương A trở thành nơi đầu tiên đón nhận và huấn luyện anh em Đồng Công tiên khởi. Ngài tiếp tục thu nhận những người đến xin tu và số người ngày càng đông đến khoảng 40 người, năm 1948, khi ngài đang làm cha xứ giáo xứ Liên Thủy. Nhận thấy tình hình tiến triển tốt, ngày 15 tháng 08 năm 1948, ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, Đức cha Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn đã ký Sắc lệnh cho phép thành lập Hội Truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công (Pia Unio).
Thành lập Dòng
Dòng Đồng Công có tên đầy đủ là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (Congregatio Matris Corredemptricis, C.M.C.), được Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chính thức thành lập theo Giáo luật ngày 02/02/1953 tại Bùi Chu, Bắc Việt. Dòng là Dòng giáo sĩ sống đời tận hiến, chỉ có một bậc tuy gồm 2 thành phần, Linh mục và không Linh mục.
Thành lập chưa được bao lâu thì Dòng buộc phải di cư vào Nam cùng với biến cố 1954 của đất nước, và mãi đến năm 1956 mới có chỗ định cư tại Thủ Đức, Gia Định, để từ đây khởi đầu xây dựng và từng bước phát triển. Nhân sự của Dòng tại Việt Nam hiện nay, tính đến 09/2014 :
- 392 Tu sĩ vĩnh thệ (101 Linh mục + 25 phó tế)
- 92 Tu sĩ hạn thệ
- 21 Tập sinh
- 23 Tiền tập sinh
- 35 Đệ tử
Trụ sở Nhà Mẹ hiện tại của Dòng : số 521, Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
3. Mục đích của Dòng
Ngoài mục đích chung là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá các thành viên qua ba lời khấn (Hiến pháp điều 2), Dòng có mục đích riêng là Phúc Âm hoá những người ngoài Công Giáo, nhất là những người nghèo khổ, bị bỏ rơi trong xã hội đặc biệt xã hội tại Việt Nam (Hiến pháp, điều 3).
4. Linh đạo
“Để đạt được mục đích đó, Hội Dòng chủ trương huấn luyện các thành viên theo linh đạo Đồng Công thể hiện qua việc tận hiến cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria (ad Jesum per Mariam).” Các tu sĩ Đồng Công bước theo Chúa Kitô trên con đường thơ ấu Phúc Âm, sống bé nhỏ, tin cậy phó thác tuyệt đối trong tay Mẹ Maria, như Chúa Giêsu bé thơ trên cánh tay Mẹ để nhờ Mẹ yêu mến Chúa và uốn nắn nên giống Chúa Giêsu hơn (Hiến pháp điều 3).
5. Các hoạt động của Dòng tại Việt Nam
Đồng Công, một Hội Dòng nhỏ bé, có thể ví như bông hoa nhỏ trong vườn hoa muôn sắc của Giáo Hội vậy, nhiều lần tưởng chừng như đã không còn hiện hữu bởi phong ba, bão táp, sâu bọ đục khoét, thế nhưng nhờ bàn tay Chúa quan phòng và sự phù trì của Đức Mẹ, Hội Dòng đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm và đứng vững như ngày hôm nay. Hội Dòng đã phát triển ổn định về mặt cơ sở, cơ cấu tổ chức, đường hướng hoạt động cũng như sĩ số các thành viên.
Hiện nay, Dòng hoạt động truyền giáo trên 10 Giáo phận ở Việt Nam như Long Xuyên, Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà Lạt, Đà Nẵng, Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, v.v., với khoảng 20 tu viện và cộng đoàn. Dòng hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, bác ái, giúp đỡ người nghèo, mục vụ di dân và truyền bá ba mệnh lệnh Fatima. Cách đặc biệt, Dòng tổ chức và cổ võ việc tôn sùng yêu mến Đức Mẹ theo linh đạo của Dòng cho các gia đình tại các giáo xứ ở khắp các Giáo phận với tên gọi “Gia đình tận hiến Đồng Công.”
Về Học viện, Dòng có Học viện mang tên Học viện Đức Mẹ Vô Nhiễm, do Cha Piô Maria Nguyễn Quang Đán (Tổng quyền đương nhiệm, khoá 2011-2016) điều hành với chức vụ Giám đốc Học viện. Học viện này 2 năm mở một khoá Triết học hay Thần học cho các sinh viên của Dòng. Vì nhu cầu học hỏi và lợi ích tương lai của Dòng cũng như tạo bầu khí liên đới với các Hội Dòng “Anh,” Dòng gởi một số anh em theo học tại các Học viện khác như Học viện Đa Minh, Học viện Don Rua và Giáo Hoàng Học viện Don Bosco, Học viện Dòng Phanxicô, Liên Dòng.
Riêng tại học viện Đa Minh, Dòng bắt đầu gởi anh em theo học kể từ niên khoá 2007-2008, đến nay ra trường được 13 anh em (gồm Triết học và Thần học), và một số anh em đã nhận bằng Cử nhân Thần học của U.S.T.. Hiện tại đang theo học tại Trung tâm là 6 anh em, trong đó niên khoá 2014-2015 có 4 anh em, và 2 anh em còn lưu điểm chờ niên học tới trong thời gian thực tập công tác mục vụ.
Xem thêm bài viết: Giới thiệu các dòng tu tại Việt Nam