[27/12 Thánh Gioan Tông Đồ] Người Môn Đệ Đức Giêsu Thương Mến

27-12-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2218 lượt xem

1Ga 1,1-4; Ga 20,2-8

Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Gioan Tông Đồ. Thánh nhân được nhận làm bổn mạng cho Thỉnh Viện Đa Minh. Việc nhận bổn mạng Gioan Tông Đồ, theo tôi biết được, bắt đầu từ thời cha giáo Đa Minh Chu Quang Đương, và vào năm 2013 chính thức được ghi vào Quy chế Thỉnh Viện, số 2 như sau:

Thỉnh viện nhận thánh Gioan Tông đồ làm bổn mạng. Noi theo tinh thần của “người môn đệ Chúa yêu”, các Thỉnh sinh mau mắn và nhiệt thành đáp lại lời mời gọi bước theo Chúa Kitô.

Thánh Gioan Tông đồ là ai? Chúng ta chỉ biết được tiểu sử và sứ vụ tông đồ của thánh nhân qua một số tác phẩm của Tân Ước. Tin Mừng thứ tư, mang tên là Tin Mừng Gioan. Ngoài ra, còn có ba lá thư và sách Khải Huyền cũng được gọi là của Gioan. Toàn bộ đạo lý Kitô giáo được thánh nhân tóm gọn trong câu: “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4,16).

Dựa vào sách Tin Mừng Nhất Lãm và Công Vụ Tông đồ, ta còn có được một số thông tin về thánh Tông Đồ Gioan như sau:

  1. Ông Gioan là con Dêbêđê, quê ở Bethsaiđa, miền Galilê, làm nghề chài lưới, điều ta biết được một cách chắc chắn nhất.
  2. Ông Gioan, cùng với người anh là Giacôbê, đã được Đức Giêsu kêu gọi làm Tông đồ (Mt 4,21; Mc 1,19-20; Lc 5,10).
  3. Ông Gioan thuộc vào số ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu: được chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Mc 1,19-20; Lc 5,10), được dự phần vào cuộc Hiển Dung của Chúa (Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36).
  4. Ông Gioan đã ngăn cản một người không thuộc nhóm môn đệ, mà lại nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ (Lc 9,49).
  5. Ông Gioan,  cùng với Giacôbê, đòi khiến lửa từ trời thiêu huỷ một thành miền Samari đã không chịu đón tiếp Đức Giêsu (Lc 9,54), có lẽ vì thế mà Đức Giêsu đã đặt tên cho là “con của thiên lôi” (Mc 3, 17).
  6. Ông Gioan, cùng với Giacôbê, được mẹ dẫn đến xin Đức Giêsu cho được ngồi hai bên tả hữu trong nước của Người (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40).
  7. Ông Gioan được Đức Giêsu sai đi trước cùng với ông Phêrô, vào Thành chuẩn bị bữa Tiệc Ly (x. Lc 22,8).
  8. Ông Gioan, trong danh sách Mười Hai Tông Đồ, được Tin Mừng Mátthêu và Luca xếp ở vị trí thứ tư (x. Mt 10,1-4; Lc 6,12-16), Tin Mừng Máccô xếp ở vị trí thứ ba (Mc 3,13-19), còn Công vụ Tông đồ xếp ở vị trí thứ 2, ngay sau ông Phêrô.
  9. Ông Gioan luôn đi cùng với ông Phêrô trong các bài giảng Kerypma được thuật lại ở các chương đầu (1, 3, 4 và 8) của Công vụ Tông đồ.

Tin Mừng thứ tư, được gọi là Tin Mừng Gioan, lại không hề nhắc đến tên Gioan Tông đồ. Tác giả Tin Mừng thứ tư chỉ nói đến danh xưng “Người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (Ga 21,20).

Vậy, người môn đệ này là ai?

  1. Người môn đệ này, cùng với một người nữa, đã theo Đức Giêsu sau khi nghe ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Mêsia (x. Ga 1,35-39).
  2. Người môn đệ này đã tựa đầu vào lòng Đức Giêsu trong bữa tiệc ly (x. Ga 13,23).
  3. Người môn đệ này đã đứng kề bên Thập Giá và được Đức Giêsu trao phó thân mẫu Người. (Ga 19,26).
  4. Người môn đệ này đã thấy và đã tin Chúa Phục Sinh, khi cùng với ông Phêrô chạy ra mồ và chứng kiến mồ trống (x. Ga 20,2-8).
  5. Người môn đệ này nhận ra Đức Giêsu trước các môn đệ khác khi Chúa Phục Sinh hiện ra ở bãi Biển Hồ (Ga 21,7).
  6. Người môn đệ này được nhắc đến trong cuộc đối thoại giữa Chúa Phục Sinh và ông Phêrô (Ga 21,20-23).
  7. Cuối cùng, người môn đệ này là chứng nhân về cuộc đời Đức Giêsu và đã viết ra trong Tin Mừng thứ tư (Ga 21,24).

Người môn đệ này chắc chắc là một trong số Mười Hai Tông Đồ, ông có vị trí trổi vượt hơn các Tông Đồ khác.

Nối kết với các dữ kiện của Tin Mừng Nhất Lãm, có thể kết luận rằng “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” chính là thánh Tông Đồ Gioan. Chính vì vậy, các điệp ca Kinh Sách và Kinh sáng của lễ mừng hôm nay lấy chủ yếu từ Tin Mừng Gioan, nội dung liên quan đến “người môn đệ Chúa yêu” để áp dụng cho thánh Gioan. Tuy vậy, sự đồng nhất “Người môn đệ Đức Giêsu thương mến” với thánh Gioan vẫn là không chắc chắn. Khi biên soạn các tác phẩm của mình, thánh Gioan đã để một khoảng trống về chính danh tánh của ngài. Đây có lẽ cũng là một điểm đáng cho chúng ta suy ngẫm:

– Trong Tin Mừng Nhất Lãm và trong Công Vụ Tông Đồ, tên của thánh nhân luôn có sự liên kết với Nhóm Mười Hai hoặc với nhóm môn đệ thân tín, hoặc ít nhất với thánh Giacôbê hay với thánh Phêrô, ngài hầu như không xuất hiện độc lập, đứng riêng một mình.

– Trong Tin Mừng Gioan, danh xưng “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” vì không có chắc chắn ám chỉ riêng cho Tông Đồ Gioan, nên danh xưng ấy có thể được áp dụng cho bất kỳ môn đệ nào. Ai theo làm môn đệ Đức Giêsu, thì đều được Đức Giêsu thương mến. Như vậy, thánh Gioan trong chính những tác phẩm biên soạn, dường như đã đánh mất tên mình, hay nói đúng hơn ngài để cho danh hiệu của mình được thuộc về cả cộng đoàn Hội Thánh qua mọi thế hệ.

* * *

Phải chăng chính thánh Gioan đã để lại cho chúng ta bài học về cách thế sống cộng đoàn Đa Minh? Xin Thánh nhân cầu bầu, để chúng ta có thể xây dựng tình hiệp nhất của cộng đoàn bằng con đường ngài đã vạch ra. Amen.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com