Chẳng bao lâu sau khi nhận các chức vụ mới, bằng mọi phương tiện nhờ quyền của mình, thánh Vinh Sơn đã cố gắng xây dựng sự hiệp nhất Đức Tin dưới một Thủ Lãnh Tối Cao. Hằng ngày, cha khẩn nài “hối nhân danh giá” của cha từ bỏ những yêu sách của chức giáo hoàng, để gạt bỏ hiện tượng kỳ dị là có “hai đầu trên một thân thể”. Nhờ cha hối thúc, một hội nghị khoáng đại bao gồm các giám mục, các thần học gia, các chuyên viên giáo luật được triệu tập để thảo luận những yêu sách liên quan của những nhóm đấu tranh. Với những bài diễn văn lưu loát, chính Đức Bênêđictô tỏ ra có thiện ý, nhưng lại khéo léo tránh né mọi thương lượng hầu có thể kết thúc khó khăn, hậu quả là nhiều Hồng y đã bỏ theo ngài. Khi thấy những cố gắng của mình không thể làm cho Đức Giáo hoàng từ bỏ chiếc mũ ba tầng, thánh Vinh Sơn rất buồn phiền. Cha không thể chứng kiến những tai họa đang nghiền nát Giáo hội mà không rơi lệ. Nơi ở của cha trong cung điện Giáo hoàng bây giờ thành một gánh nặng đối với cha, và cha được phép lui về một tu viện của Dòng tại Avignon.
Vì quá đau buồn nên cha ngã bệnh nặng. Chẳng phương thuốc nào có thể làm thuyên giảm cơn sốt trầm trọng đang thiêu đốt cha; và cha nằm trên giường chờ chết trong suốt mười hai ngày. Trong đêm vọng lễ thánh Phanxicô, ngày 3 tháng Mười năm 1396, cha trở bệnh làm cho những người xung quanh giường cha lo lắng, vì họ nghĩ rằng giờ cuối cùng của cha đã đến. Nhưng lúc này, Thiên Chúa vui lòng chứng tỏ nơi tôi tới Người điều Người đã nói trong sách Gióp: “Đời anh sẽ huy hoàng hơn mặt trời chính ngọ, và tháng ngày tăm tối sẽ trở thành như những buổi bình minh” (G 11,17). Đột nhiên, căn phòng của thánh nhân tràn ngập ánh sáng thần linh. Chúa chúng ta, được tháp tùng bởi vô số thiên thần, các tổ phụ vinh quang, thánh Đa Minh và Phanxicô, đã tỏ mình cho bệnh nhân. Người nói: “Hãy hồi sinh và lòng đầy an ủi, chẳng bao lâu nữa ly giáo sẽ chấm dứt, khi con người từ bỏ điều xấu xa của họ. Hãy đứng lên, và đi giảng thuyết chống lại thói hư tật xấu, vì Ta đã chọn riêng con để làm việc này. Hãy khuyến khích tội nhân thống hối, vì ngày phán xét của Ta đã gần kề”. Chúa hứa ban cho cha ba đặc ân. Thứ nhất, cha sẽ được củng cố bằng ân sủng, sẽ chiến thắng những ngược đãi nổi lên chống lại cha, và trong tất cả các cuộc chiến, Thiên Chúa trợ giúp để cha không bao giờ thất bại. Thứ hai, sau khi giảng thuyết về sự phán xét trên phần lớn Châu Âu và đạt được hoa trái dồi dào cho các linh hồn, cha sẽ kết thúc cuộc đời thánh thiện tại một miền đất xa xôi. Cuối cùng, Người sẽ hướng dẫn cha những điều liên quan đến sứ vụ tông đồ đặc biệt này. Các nhà viết tiểu sử không mô tả, nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra những chi tiết từ mệnh lệnh diệu kỳ của Chúa, vốn đã được vị Tông đồ của chúng ta kiên trì theo đuổi trong ơn gọi đầy nhiệm mầu của mình. Ngừng nói với thánh nhân, bằng cử chỉ yêu thương, Chúa dùng tay phải chạm tới khuôn mặt của cha và nói với cha lần nữa: “Vinh Sơn của Ta, hãy hồi sinh”. Sau đó, Người biến đi. Cái động chạm của Chúa phát sinh hiệu quả. Cha Vinh Sơn đột nhiên cảm thấy được chữa lành và lòng tràn ngập niềm an ủi khôn tả.
Sự xuất hiện lạ lùng này, được những nhà viết tiểu sử thánh nhân cổ nhất ghi chép, đáng tin hơn nữa bởi vì chính thánh Vinh Sơn đã khẳng định trong một bức thư viết cho Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIII mười lăm năm sau đó. Khi dùng ngôi thứ ba viết thư cho Đức Giáo hoàng, cha nói: “Một tu sĩ bị bệnh nặng, đã khẩn nài Thiên Chúa chữa lành và làm cho anh có thể thường xuyên và hăng say giảng Lời Chúa như anh vẫn quen làm. Trong khi anh đang cầu nguyện và thiếp ngủ, thánh Đa Minh và thánh Phanxicô hiện ra với anh. Các ngài đang cầu nguyện ở dưới chân Chúa Giêsu Kitô và khẩn khoản nài xin Chúa chúng ta. Sau khi các ngài cầu nguyện xong, Chúa Giêsu Kitô cùng với các ngài hiện ra với vị tu sĩ đang nằm trên giường trong đau đớn. Chúa dùng bàn tay chí thánh của Người chạm đến như thể an ủi anh vậy, đồng thời làm cho anh thấu hiểu, bằng những lời mà chỉ linh hồn nghe được, rằng anh sẽ đi khắp thế giới, giảng thuyết như một tông đồ, như thánh Đa Minh và thánh Phanxicô đã làm, và trước khi tên phản Kitô đến, việc giảng thuyết của anh sẽ đem lại cho loài người một cơ hội do lòng thương xót Chúa ban để thống hối và trở về. Khi được Chúa chạm đến, người tu sĩ này được chữa lành hoàn toàn. Lập tức, anh vui vẻ đảm nhận chức vụ Đặc sứ của Chúa Ki-tô do chính Chúa đặc biệt ủy nhiệm. Đấng Quan Phòng đã vui lòng xác nhận sứ vụ của anh, không chỉ bằng nhiều dấu lạ như Người đã làm với Môsê, nhưng còn bởi quyền bính của Thánh Kinh, như đối với thánh Gioan Tẩy Giả, bởi vì anh cần sự trợ giúp mạnh mẽ như thế, do sứ vụ khó khăn và lời chứng yếu đuối của chính anh”.
Căn phòng nơi thánh Vinh Sơn nhận đặc ân và sứ vụ lạ lùng đã được chuyển thành nhà nguyện, trở thành nơi được tôn kính. Nhà nguyện ấy cùng với cả tu viện đã bị phá hủy trong cuộc cách mạng Pháp.
Trong buổi sáng sau ngày được khỏi bệnh cách lạ lùng, cha Vinh Sơn đã yết kiến Đức Giáo hoàng để xin phép rời thành phố đi giảng thuyết khắp các vương quốc Châu Âu. Nhưng vì không muốn xa rời người mà chắc chắn danh tiếng của vị ấy giúp ích cho sự nghiệp của mình, Đức Bênêđictô vẫn cầm giữ cha trong cung điện giáo hoàng. Vì biết rõ rằng những mạc khải tư phải luôn được quy phục thẩm quyền Giáo hội Chúa, thánh nhân đã khiêm nhường vâng lời, và hoãn việc thực hiện kế hoạch của mình cho đến dịp thuận lợi hơn. Hai năm sau đó, cha từ bỏ các bổn phận của chức Nghiêm sư Thánh điện, và với tính nhẫn nại lớn lao cùng lòng trung thành mẫu mực, cha phục vụ người mà cha xem như là đại diện đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Trong tương lai, để buộc cha gắn chặt với sự nghiệp của các giáo hoàng ở Avignon, giáo phận Lerida và chiếc mũ Hồng y được trao cho cha. Thánh Vinh Sơn đã nhã nhặn nhưng kiên quyết khước từ những vinh dự này. Cha nói: “Tôi cần phải thi hành mệnh lệnh tôi đã nhận từ Thiên Chúa, vì Người truyền cho tôi giảng thuyết về sự phán xét cho tất cả các dân nước”.
Ngày nọ, cảm thấy buồn phiền vì Đức Bênêđictô vẫn ngăn cản ước ao nồng nhiệt của mình, cha đã cầu nguyện trong nước mắt trước Tượng Chịu Nạn và dâng nỗi phiền muộn của linh hồn lên Chúa. Chúa đã an ủi thánh nhân bằng những lời này: “Vade adhuc expectabo te” [Hãy đến, Ta vẫn chờ đợi con]. Rõ ràng, cha hiểu rằng không nên chống lại sự khẩn khoản của Chúa thêm nữa. Sau đó, Đức Bênêđictô đã cho phép cha bắt đầu thi hành sứ vụ tông đồ khắp Châu Âu, và vì mục đích đó, ngài ban cho cha những năng quyền cao nhất, sau đó, những năng quyền ấy được Công đồng Constance và Đức Giáo hoàng Máctinô V phê chuẩn.
Thánh Vinh Sơn bắt đầu sứ vụ tông đồ mới ở Avignon ngày 25 tháng Mười Một năm 1398.
Vào lúc này, Giáo hội Chúa cần gấp tiếng nói của một tông đồ, tiếng nói của một đấng thánh để cứu Giáo hội khỏi tình thế thảm thương. Vào năm 1378, một cuộc ly giáo nổi lên chia rẽ sự trung thành của các tín hữu giữa hai Giáo hoàng chống đối nhau, và như là thêm vào tai họa này, đối thủ thứ ba xuất hiện vào năm 1409. Đối thủ này đòi quyền bính ngang bằng cho phẩm vị tối cao của chức Giáo hoàng. Những chia rẽ thảm thương này, với nhiều mức độ, đã làm giảm lòng nhiệt thành của dân Kitô giáo và khuyến khích những người khác phạm mọi thứ tội ác với hy vọng không bị trừng phạt. Sự đồi bại của con người đã lên tới đỉnh điểm. Trong một bài giảng, thánh Vinh Sơn phải kêu lên: “Tôi không nghĩ rằng trong thế giới đã từng có quá nhiều phù hoa và hư danh, quá nhiều dơ bẩn như ngày hôm nay; để tìm trong lịch sử thế giới một kỷ nguyên quá gian ác như thế, chúng ta phải trở về với thời ông Nôê và hồng thủy. Quán trọ trong các thành phố và làng mạc đầy những người trụy lạc, đông đến nỗi cả thế giới bị họ làm nhơ bẩn. Tính tham lam và cho vay nặng lãi tăng lên dưới danh nghĩa những hợp đồng trá hình. Tội mại thánh thống trị hàng giáo sĩ, tính đố kị lan tràn giữa các tu sĩ. Tính phàm ăn lan rộng vào mọi tầng lớp xã hội đến nỗi người ta không còn giữ chay trong mùa chay, trong các lễ vọng và các tuần chay ba ngày. Tóm lại, người ta tôn sùng sự trụy lạc đến nỗi những ai muốn phụng sự Thiên Chúa thường bị coi như những thành viên vô dụng và đáng khinh của xã hội.
Nhưng nét tồi tệ nhất trong tình trạng khốn đốn này là các mục tử linh hồn đã rời bỏ con đường bổn phận do ly giáo và hậu quả của nó gây nên, đã không còn làm việc với sự cẩn trọng cần thiết để sửa dạy giáo dân. Wycliff và các đồ đệ của ông, Gioan Hus và Giêrônimô Prague, những người này vừa bị Công đồng Constance kết án. Tội thờ ngẫu tượng thậm chí còn dám ngóc đầu trên các bờ biển Châu Âu một lần nữa và dùng sự đe dọa để giành giật những kẻ bị đánh lừa theo nó. Nhưng chỉ có ít nhà giảng thuyết Tin Mừng, trong khi những người thành thạo khoa tâm linh cũng hiếm.
Thánh Vinh Sơn đã xem sự khan hiếm người làm việc tông đồ như một trong các tai họa lớn nhất của thời đại và đau đớn khóc than trong Khảo luận về đời sống tâm linh. Theo lẽ tự nhiên, nếu bị lôi cuốn vào tình trạng dửng dưng và tội lỗi, thì lấy gì ngăn ngừa con người ngày càng trở nên đồi bại, khi họ thường xuyên nghe giọng nói dẫn họ bước vào chốn trụy lạc hơn là giọng nói khuyến khích họ tới điều thiện? Những người theo lạc giáo đã lợi dụng tâm trạng tội lỗi này để gieo rắc những sai lầm của họ nơi các tín hữu. Các quận miền núi, nơi các nhà giảng thuyết hiếm khi đi tới, trở thành sân khấu chính cho các chiến công tội lỗi của họ.
Tội lỗi đã giành được ảnh hưởng quá mạnh trên thế giới, nhiệt tâm của những người tốt bị suy giảm, tội ác tăng quá giới hạn, đến nỗi sự kiên nhẫn của Thiên Chúa với các thụ tạo gần như bị hao mòn. Phương dược duy nhất có thể đẩy lui dòng thác tội lỗi là sự thống hối ăn năn, có thể làm cho vị Thẩm Phán công bằng và tối cao nguôi giận. Vì thế, như xưa Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Giôna đến thành Ninivê để hoán cải dân thành bằng cách đe dọa họ sẽ chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, trong thời đại này, Người sai tôi tớ trung thành của Người là thánh Vinh Sơn đi khắp thế giới, để có thể rao giảng về sự phán xét khủng khiếp đang đến gần, và khi linh hồn tràn ngập nỗi khiếp sợ bổ ích, họ phải mở mắt để nhìn thấy những gian nguy, từ bỏ thói quen tội lỗi, mang lấy ách thống hối ăn năn, và nhờ đó tránh được sự trừng phạt thích đáng của Thiên Đàng mà họ đáng chịu vì tội ác.
Theo chúng tôi, Đức Giáo hoàng Piô II đã trình bày điều này trong Sắc lệnh phong thánh cho thánh Vinh Sơn. Ở đó, chúng ta đọc được những lời đáng chú ý này: “Ngày chung thẩm, tức ngày xét xử kinh hoàng, hầu như bị quên lãng, nhưng Chúa Quan Phòng đã muốn phục hồi và điểm tô Giáo hội Người bằng những nhân vật lẫy lừng. Vào thời thuận tiện, Người đã sai thánh Vinh Sơn thành Valencia, thuộc Dòng Anh Em Giảng Thuyết, và là giáo sư thần học tài năng, đi vào thế giới, vì ơn cứu độ các linh hồn. Cha đã công bố tất cả sự hiểu biết về Tin Mừng vĩnh cửu. Tựa như vận động viên cường tráng, cha lao vào cuộc chiến chống lại những chủ trương vô tín, lầm lạc. Cha là Thiên thần của sách Khải Huyền, bay qua các tầng trời để loan báo ngày Phán Xét cuối cùng, để loan báo Tin Mừng cho dân cư trên trái đất, để gieo hạt giống cứu độ trong mọi quốc gia, dân tộc và ngôn ngữ, đồng thời để vạch ra con đường tới sự sống đời đời”.
Cha Teoli nhận xét: “Những lời này diễn tả hoàn hảo hoạt động của thánh Vinh Sơn Phêriê trong suốt hai mươi năm cuối đời. Ngài là một tông đồ, một Tông đồ vĩ đại”. Louis Granada, một nhân vật lừng danh, đã khẳng định táo bạo về thánh Vinh Sơn: “Sau các Tông Đồ đầu tiên, trong số những người hoạt động tông đồ, thánh Vinh Sơn là người đã thu hoạch được nhiều hoa trái nhất trong vườn nho của Chúa”. Những người cùng thời khẳng định rằng, cha thường xuyên có 80.000 thính giả. Khi Chúa chỉ định cha làm Đặc sứ canh tân thế giới, cha đã 49 tuổi. Và trong khoảng 20 năm thực hiện nhiệm vụ thánh thiêng đó, cha đã đi khắp Châu Âu và trong mỗi thành phố, làm cho hàng ngàn người vô tín, lạc giáo và tội lỗi hoán cải, kể cả nhiều người Do Thái cũng đón nhận Đức tin Công giáo.