[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 12: Những Năm Tháng Đã Qua

03-11-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1410 lượt xem

Anh Martin đã lầm. Khi tiếng tăm về phép lạ của cha Giaxintô được loan truyền ở Kiev, thì các linh mục lạc giáo đã tỏ thái độ ghen ghét tới cực điểm. Quả thế, trước đó cha đã tới hòn đảo này và thấy những người ngoại giáo đang cúi lạy trước một cây đại thụ. Ngài thổi một hơi làm cho cây sồi đó tan thành tro bụi. Khi Con Quỷ hiện ra từ cây sồi, ngài đã đấu tay đôi với nó, rồi ném nó xuống dòng sông Dnieper.

Khi câu chuyện thú vị ấy được kể đi kể lại, một vị linh mục người Nga chỉ trích: “Thật vô lý! Đây chẳng qua chỉ là một trò đùa ngu ngốc mà thôi!” Một vị linh mục khác cũng háo hức thêm vào: “Đúng vậy, cha Giaxintô luôn sử dụng những trò mánh khoé để thu phục dân chúng.”

Vị thứ ba, vốn là cháu của Tổng Giám mục giáo phận Kiev và cũng là người có quyền lực, lên tiếng: “Tại sao chúng ta phải chịu đựng điều này? Nếu có thêm một phép lạ nào như người ta nói nữa, chúng ta hãy báo cho thái tử và xin ngài tống khứ người phương Tây phiền hà này về nước của ông ta.”

Mặc dù những vị khác không ưa gì cha Giaxintô, nhưng họ vẫn còn nghi ngại về kế hoạch của vị linh mục vừa đề xướng, họ nói: “Thái tử rất có thiện cảm với vị tu sĩ phương Tây này, ngài sẽ chẳng bao giờ đuổi ông ta đâu, nhất là khi ông ta đã chữa lành cho cô công chúa bé nhỏ.”

Người cháu của Đức Tổng Giám mục mỉm cười cách nham hiểm và nói: “Có nhiều cách để đối phó với tất cả mọi người, ngay cả với một vị thái tử. Hãy chờ xem.” Cha Giaxintô tiếp tục công việc cứu rỗi các linh hồn ở Kiev như là: chữa bệnh, hoán cải các tội nhân, huấn luyện các tu sĩ trẻ để họ trở thành những tôi tớ xứng đáng của Thiên Chúa. Một ngày nọ, thái tử Vladimir Rurikovitch đến Tu viện mà ông đã xây cất cho các tu sĩ Giảng Thuyết với vẻ mặt bơ phờ, bước chân không vững. Trong hai năm kể từ khi cha Giaxintô đến, đây là lần đầu tiên ông cảm thấy bất an khi đến thăm cha Giaxintô.

Thấy thế, cha Giaxintô ân cần nói: “Thưa Điện hạ, xin đừng quá lo lắng. Thần đã biết mọi chuyện rồi. Đến nước này, nếu thần không rời khỏi Kiev, Điện hạ sẽ có nguy cơ mất ngai vàng phải không?” Với đôi mắt đầy đau khổ, thái tử Vladimir nói: “Đúng vậy, cha Giaxintô ạ. Các linh mục người Nga nắm trong tay nhiều quyền lực chính trị, và họ đang tỏ vẻ giận dữ vì thời gian qua ta đã ra sức bảo vệ ngài. Gần đây, họ lại đe doạ truất phế ta. Ôi, ta phải làm gì bây giờ? Ngài là bạn của ta, và ta không muốn để ngài ra đi! Thế nhưng họ đã dứt khoát lắm rồi.”

Cha Giaxintô đã cố gắng hết sức để trấn an thái tử, từ lâu ngài đã biết trước tình huống này và biết mình sẽ phải làm gì. Đúng thế, ngay cả khi hàng giáo sĩ người Nga có thể nghĩ tốt về ngài đi nữa, thì ngài cũng không nên ở lại Kiev mãi được. Xét cho cùng, ngài chẳng phải là một nhà truyền giáo đó sao? Chẳng phải ngài luôn có ý định sáng lập một cộng đoàn mới, rồi cắt đặt một tu sĩ trẻ coi sóc, và đi tới những cánh đồng truyền giáo mới hay sao? Ngài đã từng làm như vậy tại Friesach, Olmütz, Cracow, Sandomierz, Troppau, Gedan. Giờ đây, ngài sẽ lặp lại điều đó ở Kiev. Anh Godinus sẽ trở thành một Bề trên tài giỏi, cùng với sự trợ giúp của anh Martin.

Cha Giaxintô nói tiếp: “Thưa Điện hạ, chắc hẳn giới giáo sĩ Nga sẽ không phản đối nếu thần để lại hai người anh em trẻ này ở đây chứ?”

Thái tử Vladimir lắc đầu: “Không, họ sẽ không phản đối đâu, cha ạ, vì họ chỉ thù ghét một mình cha thôi. Ta chắc họ sẽ không gây khó dễ cho anh Martin hay Godinus đâu. Vì xét cho cùng, hai thầy này có chữa ai khỏi mù loà, đi qua sông Dnieper mà vẫn khô chân, hay chiến đấu với ma quỷ được đâu!”

Khuya hôm đó, cha Giaxintô quỳ trong nhà nguyện trước pho tượng Đức Mẹ. Đó là một bức tượng bằng bạch ngọc được chạm trổ tinh xảo, nặng chừng 25 kg, là món quà của thái tử tặng cha Giaxintô và cộng đoàn. Trong ánh nến lung linh, nét mặt thanh tú của bức tượng trở nên sống động, rồi đột nhiên cha lấy tay che mặt mình lại. Một nghệ nhân đã tạo dáng cho khối bạch ngọc này trở thành một pho tượng có thể khơi lên tâm tình yêu kính, dù vậy pho tượng này cũng không thể sánh với vẻ đẹp thực sự của Đức Mẹ.

Cha khẩn cầu với Đức Mẹ: “Lạy Mẹ dấu yêu, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, con đã nhiều lần được tận mắt chiêm ngưỡng Mẹ, nhưng cho đến giờ này, con vẫn chưa mường tượng được Mẹ đẹp đến mức nào, vì Mẹ vẫn luôn che dấu không cho con thấy hết vẻ đẹp của Mẹ. Nhưng chỉ khi ở trên Thiên Đàng, rồi mọi thứ sẽ khác! Mẹ ơi, khi nào con có thể lên Thiên Đàng? Khi nào thì con mới được diện kiến Mẹ?”

Ngay lúc cầu nguyện như thế, cha Giaxintô vẫn cảm nhận được Thiên Chúa chưa muốn để cho ngài nghỉ ngơi. Ngài mới chỉ 44 tuổi, và còn có nhiều việc để ngài phải làm ở phương Bắc này! Đất nước Phổ thì còn hoang sơ và mông muội, nước Balan thì bị xâu xé vì nội chiến, nước Nga lại bị ảnh hưởng bởi lạc giáo, rồi cả hai phía Tây và Đông Á thì bị người Mông Cổ man rợ dày xéo. Ôi, có hàng triệu triệu linh hồn đang chờ đợi để được nghe về Thiên Chúa và Thiên Đàng!

Cha Giaxintô ngước nhìn khuôn mặt của Đức Mẹ và thì thầm: “Lạy Mẹ, xin hãy giúp con làm điều gì đó cho họ! Xin đừng bỏ con một mình trên những hành trình này!” Vài ngày sau, cha Giaxintô đặt anh Godinus làm Bề trên Tu viện ở Kiev. Cha chúc lành cho cộng đoàn bé nhỏ, chia tay Thái tử và hoàng gia, rồi cùng với anh Florian đi Cracow, cách đó khoảng 500 dặm (800 km) về phía Tây. Như thường lệ, trên hành trình của mình, hai tu sĩ đã giảng thuyết tại các ngôi làng và thị trấn mà họ đi qua, và gặt hái được nhiều thành công tại miền đông Galicia. Thành phố Lemberg đã hiến tặng đất đai và kinh phí để xây một Tu viện tại đó.

Cha Giaxintô rất vui mừng thông báo cho anh Florian: “Khi tới Cracow, chúng ta có thể cắt cử cha Giêrado trông coi mọi việc. Ôi, chắc bác Ivo của ta sẽ hài lòng lắm đây!”

Nhưng khi hai tu sĩ của chúng ta đến được Cracow, thì tin buồn đang chờ họ. Đức Giám mục Ivo đã qua đời khi đang trên đường tới Rôma. Hơn thế nữa, các anh em Dòng Giảng Thuyết ở Balan đã mất đi một người anh em trong cuộc bách hại đạo. Cha Beranger, người được bổ nhiệm để kế vị Đức Giám mục Ivo, cũng đã qua đời. Cha bị những người ngoại giáo ở Dalmatia sát hại ngay trước lễ tấn phong Giám mục.

Lòng cha Giaxintô quặn đau trước tin buồn về cha Beranger và cha thầm nghĩ: “Ôi, một người anh em thật yểu mệnh, mình cứ ngỡ vừa mới trao tu phục cho anh ấy hôm qua thôi, hướng dẫn anh ấy trong việc học hành để lãnh thánh chức linh mục, lại còn thu xếp để anh ấy đi rao giảng cho dân Dalmatia nữa!”

Nhưng khi cha Giaxintô suy nghĩ về sự ra đi quá bất ngờ của người môn đệ yêu quý, thì một niềm vui lạ lùng chợt bừng lên trong lòng cha. Nếu như Thiên Chúa muốn cho những công việc tốt lành cần phải được tưới gội bằng những giọt nước mắt hy sinh mới được thành công, thì mức độ thành công của những công việc đó sẽ càng lớn lao hơn nữa nếu như hình thức hy sinh đạt tới đỉnh điểm là: ơn tử đạo trong tâm hồn hoặc nơi thân xác! Từ nay, nhờ hồng phúc tử đạo của cha Beranger, chắc chắn sứ vụ của các tu sĩ Giảng thuyết được chúc lành và sẽ thực sự thành công không chỉ ở Balan mà cả ở phương Bắc!

Cha Giaxintô thường cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu như đẹp lòng Ngài xin hãy ban cho con được phúc tử đạo! Lạy Chúa con van xin Ngài!”

Năm tháng trôi qua, tâm trí cha Giaxintô vẫn luôn ấp ủ một niềm hy vọng mãnh liệt được hiến mạng sống cho Chân Lý. Ngài luôn mang niềm hy vọng ấy trong lòng khi cùng với các anh em đi rao giảng cho các linh hồn ở phương Bắc xa xôi, hay trên hành trình dọc theo bờ biển Baltic hoặc các vùng đất phía tây như Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. Ngài luôn mang niềm hy vọng ấy khi đồng hành cùng với các hiệp sĩ Thánh giá trong cuộc Thập Tự Chinh chống lại quân Phổ; hoặc khi thành lập các Tu viện cho Anh em Giảng thuyết ở Plock và Poznan, ở các thị trấn Silesian của Oppeln, Liegnitz, Schweidnitz, Glogau, Brieg và Oels. Và một ngày kia, phúc tử đạo không còn xa xôi hay bất khả nữa. Vào năm 1236, khi cha Giođanô Saxônia triệu tập Tổng hội của Dòng ở Paris, thì lúc này các Kitô hữu ở Tây Âu cũng nhận thấy cơ may được phúc tử đạo đã đến gần.

Vua Bela IV của nước Hungary cảnh báo: “Quân Mông Cổ đã sẵn sàng càn quét toàn bộ Châu Âu! Đại đế Batu Khan đang trên đường chinh phục cả thế giới!” Danh xưng Batu Khan đã gieo rắc một nỗi kinh hoàng cho thế giới Kitô giáo, ông là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn tàn bạo – thủ lãnh của người Mông Cổ đã dẫn đội quân man rợ càn quét trên toàn Trung Hoa và Thổ Nhĩ Kỳ vài năm trước đây, rồi đột ngột dừng cuộc viễn chinh về phía tây tại đồng bằng ven biển Crimea. Thành Cát Tư Hãn mất năm 1227, kể từ đó quân Mông Cổ ngừng chiến và đóng quân ở gần Biển Đen. Nhưng nếu đúng theo lời dự đoán của vua Bela thì quân Mông Cổ đang âm thầm phát triển quân đội và Đại đế Batu Khan đã sẵn sàng xâm lăng Châu Âu…

Cha Giaxintô tự nhủ: “Chắc chắn Nga sẽ là đất nước đầu tiên phải chịu đau khổ, quân Mông Cổ sẽ tàn phá mọi thứ ở đó trước khi tấn công sang phía Tây. Ôi, những con chiên đáng thương của ta ở Kiev! Không biết rồi đây các con sẽ ra sao?” Suốt hành trình dài về dự Tổng hội tại Paris, cha Giaxintô thường bàn chuyện này với các bạn đồng hành của mình là cha Giêrado, Bề trên Tu viện Cracow, và cha Martin, vị kế nhiệm Bề trên Godinus tại Kiev.

Cha Martin hoàn toàn tán thành: “Đúng vậy, quân Mông Cổ sẽ thiêu hủy tất cả, chẳng những Kiev mà cả Sandomierz và Cracow cũng sẽ chịu chung số phận.”

“Cả Cracow nữa ư? Không đâu, chắc chắn họ sẽ không bao giờ tiến chiếm đến đó!” Cha Giêrađô sững sờ như muốn bật khóc: “Tại sao ư? Hàng ngàn thanh niên khoẻ mạnh ở Balan sẵn sàng hy sinh, không để cho bất kỳ tên Mông Cổ nào xâm lăng quê hương chúng tôi, làm ô uế các thánh đường, bắt phụ nữ và trẻ em làm nô lệ đâu.”

Cha Martin vội ngắt lời: “Thưa cha, cha quên mất điều này: Hiện nay, Balan không có nhà lãnh đạo thực sự; vì công tước Conrad vùng Masovia đang giao tranh với công tước Henry vùng Silensia. Còn công tước Swientopelk vùng Pomerania, dù được coi là một Kitô hữu, lại xúi giục quân ngoại đạo nổi dậy chống các hiệp sĩ Thánh giá. Ôi, chúng ta đang bị phân hoá nội bộ quá trầm trọng vì những lý do ngu xuẩn, đến nỗi chúng ta không còn có thể đoàn kết lại mà chống trả kẻ thù chung! Có đúng vậy không thưa cha Giaxintô?”

Sau một thoáng do dự, cha Giaxintô chậm rãi gật đầu: “Phải đấy con ạ. Thế nhưng không phải đã tuyệt vọng đâu. Mặc dù hiện nay đang trong tình trạng hỗn loạn, nhưng Balan sẽ vùng lên khi phải đối đầu với hiểm hoạ. Balan sẽ chặn bước tiến của quân Mông Cổ, và như thế Châu Âu sẽ vĩnh viễn không còn bị bọn chúng đe doạ nữa!”

Khi nghe những lời tiên tri đầy nhiệt huyết ấy, cha Martin và cha Giêrađô đưa mắt nhìn nhau lòng đầy kính sợ. Dù cảm thấy phấn khích vì biết được cha Giaxintô là một vị thánh, và hiện giờ Thiên Chúa hẳn đã ban cho ngài ơn thấu suốt về tương lai, nhưng lòng họ vẫn nặng trĩu. Đây là lần đầu tiên họ nhận ra những sợi tóc điểm bạc trên mái tóc của cha, và cả những nếp nhăn nơi khoé mắt và miệng của ngài. Đây là điều họ chưa hề nhận thấy khi khởi hành đi Paris.

Biết được những suy nghĩ của họ, cha Giaxintô mỉm cười: “Phải đấy, các con ạ, cha đã năm mươi mốt tuổi rồi còn gì, ở tuổi này cha Đa Minh của chúng ta đã được tưởng thưởng trên Quê Trời rồi.”

Cha Giêrado liền nài xin: “Nhưng, xin hãy nói là cha sẽ còn ở với chúng con lâu nữa, thưa cha!”

Cha Martin cũng thêm vào: “Đúng vậy, chắc là cha sẽ không để chúng con phải đơn độc đối phó với quân Mông Cổ phải không thưa cha?”

Sau một lúc thinh lặng, cha Giaxintô thở dài rồi nhìn họ và khẽ nói: “Các con ơi, Cha Trên Trời vừa chấp thuận ban cho ta thêm hai mươi mốt năm nữa để phụng sự Người. Hãy cầu nguyện để cha biết tận dụng những năm tháng đó! Vì đó là thời gian hết sức quan trọng cho sứ vụ của chúng ta ở Balan!”

Hơn hai mươi mốt năm nữa! Các cha Martin và Giêrado sẽ không quên được điều này. Quả thế, họ đã kể lại điều này ở bất kỳ nơi nào họ đi qua, đến nỗi không một Tu viện nào ở Balan mà lại không biết rằng cha Giaxintô sẽ sống đến bảy mươi hai tuổi. Bất chấp những khó khăn triền miên mà cha Giaxintô phải gánh chịu vì phần rỗi các linh hồn, nhưng Thiên Chúa sẽ không gọi cha về lãnh phần thưởng thiên quốc trước năm 1257.

Biết được sự thật đầy khích lệ đó, cha Ceslao rất vui mừng, mặc dù trước đó cha đã không còn hy vọng được gặp lại người em của mình. Quả là một thời gian dài dằng dặc kể từ lúc họ chia tay nhau ở Friesach vào năm 1220! Nhưng nếu cha Giaxintô còn sống đến bảy mươi hai tuổi thì…

Cha Celaus nghĩ: “Chắc chắn khi sống đến tuổi cổ lai hy đó, cha Giaxintô sẽ vẫn có thể đến Breslau, hay mình cũng có thể đi Cracow. Được trở lại thăm mái nhà xưa quả là hạnh phúc.”

Tuy vậy, năm tháng trôi qua nhưng dịp may đó chẳng bao giờ đến. Từ năm 1232, cha Ceslao làm Giám tỉnh của Tỉnh dòng Balan và rất bận rộn với công việc ở Breslau. Cha Ceslao chưa có dịp nào thuận tiện đi về phía đông để tới Cracow cả. Vả lại, cha Giaxintô cũng không còn ở Tu viện Chúa Ba Ngôi nữa. Vì tình thế đã bất ngờ thay đổi, cha đã trở lại Nga. Các anh em ở Kiev bầu cha làm Bề trên, và có vẻ như thái độ thù nghịch của các giáo sĩ theo lạc giáo hầu như đã biến mất.

Một ngày nọ vào năm 1237, anh em tu sĩ ở Breslau đề nghị cha Ceslao triệu tập một Tỉnh hội hay một cuộc họp các Bề trên dưới quyền của ngài.

“Thưa cha Giám tỉnh, Tổng hội ở Paris vào năm ngoái
đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến toàn Dòng. Hiện nay chúng ta nên có một cuộc họp tương tự, nhưng ở cấp độ nhỏ hơn để giải quyết sứ vụ tại Balan mà thôi. Có được không thưa cha?”

Cha Ceslao đã đồng ý tổ chức Tỉnh hội tại Sandomierz vào tháng 8 năm 1238. Cha cảm thấy một niềm hạnh phúc khôn tả, vì cuối cùng, sau một thời gian dài chờ đợi, cha cũng sẽ có cơ hội gặp lại cha Giaxintô. Vì là một Bề trên, nên cha Giaxintô buộc phải tham dự Tỉnh hội, phải viết một tường trình chi tiết về việc thi hành sứ vụ cứu rỗi linh hồn ở trong và ngoài Kiev, và lên kế hoạch cho tương lai.

Cha Ceslao đã đến Tu viện thánh Giacôbê ở Sandomierz khá sớm so với thời gian quy định diễn ra Tỉnh hội. Quả thế, lúc ấy mới là tháng 6 năm 1238, vì vậy ngài không lấy làm lạ khi các Bề trên Tu viện vẫn chưa đến.

Khi cha Ceslao vừa đến, cha Sadoc thưa rằng: “Chúng con đã được tin là các vị ấy đang đến. Chúng con hết sức vui mừng được đón tiếp nhiều anh em linh mục bất chấp đường sá xa xôi để đến đây! Thật con hết sức nóng lòng mong được gặp cha Giaxintô! Con đã được nghe biết bao câu chuyện kỳ thú về ngài!” Trước nhiệt tình của cha Sadoc, cha Ceslao mỉm cười. Tuy vậy, dù đồng ý là Tỉnh hội sắp tới sẽ đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, đặc biệt đây là cơ hội tuyệt vời cho các tập sinh ở Sandomierz được gặp gỡ những cha anh đã gầy dựng nên Dòng ở Balan, nhưng cha Ceslao vẫn hơi lúng túng vì cung cách vô tư và có phần hơi trẻ con của cha Sadoc. Vì lẽ ra cha Sadoc phải hành xử như một người đã ngoài ba mươi, đằng này lại cư xử như thể Tỉnh hội cũng chỉ là một bữa tiệc tùng! Một bữa tiệc để ai nấy có thể gặp gỡ bạn bè chí thiết và tiêu khiển với nhau!

Cha Ceslao đề nghị ngay lập tức: “Này cha Sadoc, hãy kể cho ta một đôi điều về cha đi! Cha đã ở Sandomierz này được bao lâu rồi?”

Cha Sadoc vui mừng trước cơ hội bất ngờ này để được đi dạo và nói chuyện với vị Giám tỉnh vừa đến thăm, và chỉ trong vài phút, cha Sadoc đã kể lại những ngày đầu của mình ở trong Dòng. Dù lối cư xử có vẻ trẻ con ấy, nhưng cha Sadoc thực sự là một nhà truyền giáo dày dạn. Mười tám năm trước, ngài đã lãnh tu phục ở Rôma từ chính tay cha Đa Minh. Sau Tổng hội Bologna năm 1221, cùng với ba người bạn đồng hành, cha được gửi tới Hungary để giảng thuyết, đặc biệt là ở các vùng lãnh thổ biên giới dọc theo sông Danube, nơi sinh sống của nhiều bộ tộc còn xa lạ với xã hội văn minh.

“Ồ, quả là một cuộc đời thú vị, cha ạ, đầy gian khổ mà cũng hào hứng không kém! Thế cha có biết là con đã từng gặp quỷ không?”

“Cha nói sao, cha gặp quỷ à?”

“Đúng thế, cha ạ. Khi con lưu lại một thời gian ngắn ở Hungary, một đêm kia con bỗng thức giấc thì thấy một thằng quỷ đứng sát bên con, bên cạnh nó còn có nhiều thằng khác nữa. Cả bọn nó đang nổi điên la thét, chửi rủa, lại còn khóc lóc thảm thiết khi nhìn thấy anh em chúng con.”

“Tại sao vậy?”

Cha Sadoc sung sướng mỉm cười đáp lại: “Vì chúng biết chúng con đã cứu nhiều linh hồn thoát khỏi hoả ngục. Thậm chí chúng còn khóc lóc và nói như thế này: ‘Hãy nhìn mấy tay truyền giáo kìa, chúng chỉ là một bọn nhóc! Ấy thế mà chúng ta lại thảm bại vì chúng!”

Yên lặng một lúc, cha Sadoc đưa mắt nhìn cha Ceslao lòng đầy hy vọng: “Thưa cha! Đêm ấy quả là một đêm nhớ đời đối với con! Cha có nghĩ là sẽ còn những điều kỳ diệu như thế xảy ra nữa không?”

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com