[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 10: Ánh Sáng Đến Nước Nga

27-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2059 lượt xem

Vào một thời điểm thuận lợi, công tước Swientopelk đã trao tặng cha Giaxintô hòn đảo Gedan, nơi anh em xây dựng một cơ sở tạm trú, đồng thời cũng dùng làm Tu viện cho cộng đoàn. Cơ sở bé nhỏ này đã được dâng kính cho thánh Nicolao. Sau đó, cha Giaxintô thông báo một quyết định mà mọi người đã chờ đợi lâu nay. Vâng, đã đến lúc cha từ giã Pomerania!

Anh Bênêđíctô háo hức hỏi: “Cha đi Phổ phải không, thưa cha? Cha thực sẽ đi giảng dạy tại một đất nước hoang sơ thế sao?”

Cha Giaxintô dịu dàng nhìn anh Bênêđíctô. Đây quả là một người tốt lành, luôn hăng say phục vụ Chúa, bất cứ giá nào!

“Con ơi, con cũng thích nước Phổ phải không?”

“Vâng, thưa Cha. Lúc này, con nhận ra đất nước phương Bắc này có nhiều linh hồn cần được cứu giúp.

Cha Giaxintô mỉm cười. “Được lắm, vậy thì con cũng sẽ đi Phổ, nhưng chưa phải lúc này, con có biết tại sao không?”

Anh Bênêđíctô lắc đầu. “Không, thưa cha. Con chẳng biết chút gì cả.”

“À, bây giờ con chưa thể đến nước Phổ được vì ta dự định đặt con làm Bề trên của Tu viện tại Gedan. Nào, con hãy quỳ xuống để cha chúc lành cho con.”

Dù không hiểu chuyện gì, nhưng anh Bênêđíctô vẫn quỳ gối xuống. Chắc là cha Giaxintô chẳng có ý ủy thác Tu viện thánh Nicolao cho anh đâu! Nhưng một lúc sau anh Bênêđíctô nhận ra vấn đề không phải như vậy. Vâng, trong khi cha Giaxintô và các anh Florian và Godinus lên đường truyền giáo, thì anh Bênêđíctô vẫn phải ở lại Gedan. Công việc quan trọng anh phải làm bây giờ là tuyển mộ thêm các tu sĩ để giúp cho việc truyền giáo giữa những người Phổ này.

Tất nhiên, cha Giaxintô biết rằng khi cha bổ nhiệm anh Bênêđíctô làm Bề trên ở Gedan, cha đã trao cho anh một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với trọng trách mà anh Herman đảm nhận tại tại Friesach hoặc anh Henry đảm nhận tại Olmütz. Vì dù Pomerania không còn là một vùng đất ngoại giáo nữa, nhưng người dân ở đó chưa có được một đức tin vững mạnh. So với nước Áo hay Moravia, tại vùng đất dọc theo bờ biển Baltic này, thật khó để mà tìm ra ơn gọi tu trì. Nhưng cha Giaxintô tin rằng cứ kiên trì cầu nguyện và hy sinh thì phép lạ có thể xảy ra. Vì vậy, trước lúc chia tay, cha khuyên anh Bênêđíctô rằng: hãy luôn sẵn sàng tín thác vào Cha trên trời – phải thi hành hoặc chấp nhận theo thánh ý của Người. Nhờ đó, chắc chắn bất kỳ công việc nào mà anh thực hiện sẽ được ơn phúc gấp trăm. Và một khi anh đã dạy cho những anh em trẻ biết sống đời thánh hiến, thì sẽ có biết bao hoa trái tốt đẹp cho chính họ và cho các linh hồn ở phương Bắc này!

Vài ngày sau, cha Giaxintô chúc lành lần cuối cho vị Bề trên mới và hứa hai năm nữa sẽ trở lại Gedan. Rồi cùng với hai anh Florian và Godinus, cha lên đường đi tới nước Nga.

Hai tu sĩ trẻ hết sức háo hức được lên đường, vì từ khi còn nhỏ, họ đã nghe biết quốc gia láng giềng phía đông của Balan vốn là một cánh đồng truyền giáo mầu mỡ. Nói thế không có nghĩa là nước Nga hãy còn là một đất nước ngoại giáo, vì thực tế đất nước này đã đón nhận đức tin Kitô giáo vào khoảng năm 955 rồi.

“Ngày nay các thành phố đều đã có nhà thờ và Tu viện,” cha Giaxintô giải thích như vậy khi họ bắt đầu cuộc hành trình. “Nhưng chúng ta vẫn có nhiều việc phải làm, bởi vì qua nhiều thế hệ, các Giám mục và linh mục ở nước Nga vẫn đang sống trong lầm lạc. Giống như rất nhiều Giám mục và linh mục khác ở phương Đông, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, họ chỉ chấp nhận một phần giáo huấn của Hội thánh. Hàng giáo sĩ mà đã như thế thì làm sao giáo dân không sai lầm được! Giáo dân đã được dẫn dắt vào con đường hoàn toàn lầm lạc đến nỗi không còn hiểu biết Chính Đạo.”

Anh Florian nói: “Con có nghe biết về một trong những điều sai lạc ở Phổ. Các linh mục và giáo dân không công nhận Đức Giáo hoàng là vị Đại Diện của Chúa Kitô trên trần thế. Phải như vậy không, thưa cha?”

Cha Giaxintô gật đầu. “Đó mới chỉ là một điểm sai lầm thôi, còn có những sai lầm khác nữa. Chẳng hạn, các Kitô hữu người Nga không tin trong Luyện Ngục các linh hồn được thanh tẩy khỏi vết nhơ tội lỗi, họ cũng không tin bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô ngay lúc vị linh mục đọc Lời Truyền Phép. Cũng thế, họ cho rằng Chúa Thánh Thần chỉ phát xuất từ Chúa Cha mà thôi, chứ không phải từ Chúa Con.”

Hai tu sĩ trẻ im lặng một lúc, rồi anh Godinus chăm chú nhìn người Bề trên yêu quý của mình và nói: “Thưa Cha, chúng ta bắt đầu phục vụ những người đáng thương này ở thành phố nào đây, Moscow hay Smolensk?”

Cha Giaxintô lắc đầu. Moscow và Smolensk là các thành phố ở miền bắc nước Nga, gần như ở cùng vĩ độ với Gedan, nhưng cha quyết định chưa tới đấy. Thay vào đó, cha và những người bạn đồng hành trẻ tuổi của mình sẽ tiến về phía đông nam thành phố lớn Kiev, cách đó khoảng 600 dặm (gần 1000 km).

Cha Giaxintô giải thích: “Này các con, Kiev là thủ đô của nước Nga, đó là một trung tâm nghệ thuật và văn hoá. Thành phố này quả là nơi thích hợp để chúng ta tạo dựng cơ sở.”

Vài tuần sau đó, ngoài vấn đề người Kitô hữu ở Đông Âu và Tây Á phủ nhận thẩm quyền của Đức Thánh Cha, hai anh Florian và Godinus còn biết thêm nhiều điều khác nữa từ cha Bề trên của họ. Chẳng hạn, họ nghe được về những công trình lớn lao mà cha Ceslao, bào huynh của cha Giaxintô, thực hiện ở Bohemia. Hơn bảy năm qua, hai anh em không gặp mặt nhau, thỉnh thoảng nhờ các du khách đến từ Prague mà cha mới biết được tin tức về công việc tông đồ của cha Ceslao.

Một buổi sáng nọ, cha Giaxintô cho biết: “Với tư cách là Bề trên của Tu viện thánh Clemente, cha Ceslao đã làm được những điều phi thường. Vì thế chúng ta hãy tạ ơn Chúa!”

Anh Godinus vội ngước lên và nói: “Đúng vậy sao cha? Thế thì con chắc là chẳng gì có thể cản trở được công trình tốt đẹp ấy!”

Cha Giaxintô mỉm cười. “Cha vẫn chưa kể những chuyện này cho anh em biết sao? Hiện cha Ceslao không còn ở Prague nữa. Năm ngoái, cha đã bàn giao công việc lại cho cha Giêrônimô để đi Breslau. Những ngày này, cha đang giảng dạy tại nhà thờ chính toà theo lời mời của Đức Giám mục Lawrence.”

Cứ thế ba người tiếp tục đàm đạo và các tu sĩ trẻ nghe thêm nhiều điều khác nữa về cha Ceslao. Chẳng hạn, năm 1220, ngay sau khi đến Prague, cha không chỉ thành lập Tu viện thánh Clemente cho các Anh em Giảng thuyết, mà còn xây một nữ đan viện nữa. Sau đó, người ta nhận ra ngài có đặc ân hướng dẫn tâm linh, vì vậy mà nhiều linh hồn tốt lành đã tìm đến nhờ cha chỉ dẫn. Nay một khi đã tạo được uy tín ở Breslau, cha Ceslao cũng đạt được nhiều thành quả như trước kia ở Prague. Trong số các người con tinh thần của cha Ceslao, ta phải kể đến ngài công tước Henry và bà công tước Hedwig của xứ Silesia.

Cha Giaxintô hỏi: “Chắc chắn là anh em đã nghe nói về họ rồi, phải không?”

Anh Florian và anh Godinus háo hức gật đầu. Ngài công tước Henry là một trong những nhân vật quan trọng ở Bắc Âu. Về phần bà công tước Hedwig, danh tiếng của bà đã vang xa khắp nơi. Bà quả là một người vợ và người mẹ Kitô giáo đúng nghĩa, vì vậy mà chỉ có đến ngày tận thế chúng ta mới biết cách đầy đủ bao nhiêu lời cầu nguyện và hy sinh mà bà dành cho tha nhân.

Ngày tháng trôi qua, cha Giaxintô và các bạn đồng hành vội vã tiến về thành phố Kiev. Mỗi khi đi qua một thị trấn hay một ngôi làng, họ luôn dừng lại để giảng dạy. Thường có rất đông người đến nghe họ, vì ngay cả những người nông dân ít học cũng khao khát được biết Chân Lý. Cuộc sống của những người nông dân này vô cùng khốn khổ, vì đa số họ là những kẻ làm thuê không công cho các địa chủ. Nhưng một khi họ nghe cha Giaxintô giảng giải về Thiên Chúa và Thiên Đàng thì tình thế bắt đầu thay đổi. Mà tại sao lại không chứ? Cứ nhìn vào sứ điệp đầy khích lệ của cha mà xem! Ví dụ như: dù là một người vừa nghèo vừa dốt nát đi nữa thì cũng có quyền được công lý bảo vệ, chẳng khác gì người hàng xóm có học và có địa vị. Tất nhiên hiếm khi họ tìm được công lý trong thế giới này, nhưng nếu họ tìm được thì quả là tuyệt diệu! Dù vậy, nếu như chúng ta vui mừng vì nhà cầm quyền thế trần biết thi hành công lý cho những người bị áp bức, thì chúng ta lại càng phải vui mừng hơn khi công lý được chính bàn tay Thiên Chúa thực thi! Bởi vì đó là Công Lý Hoàn Hảo và bất tận, không gì có thể cản trở hay triệt tiêu được.

Ngày kia, một thanh niên hỏi anh Florian: “Giả sử con tin được điều thầy nói, thì chẳng còn đau khổ nào trên đời này mà con không chấp nhận được. Nhưng làm sao con biết chắc là có Thiên Đàng? Làm cách nào để con tin một ngày nào đó sẽ không còn những bất công?”

Có nhiều cách khác nhau để trả lời câu hỏi này, nhưng anh Florian chọn cách đơn giản nhất. Anh nói: “Làm cách nào ư? Thì con cứ xin Chúa giúp con tin. Cứ hỏi những người đã khuất, kể cả những bạn bè và thân nhân quá cố của con.”

Chàng thanh niên tròn mắt: “Những người đã khuất ư? Họ có còn làm được gì nữa đâu?”

“Người đã khuất, nếu họ ra đi trong ân sủng Thiên Chúa, thì hoặc là bây giờ họ đang ở trên Thiên Đàng hoặc đang ở Luyện Ngục. Bây giờ, hoặc ít nhất sau này họ sẽ là những vị thánh tràn đầy hạnh phúc. Đương nhiên, họ muốn con được hạnh phúc như vậy. Nếu con lấy hết lòng khiêm tốn mà xin đức tin thì họ sẽ chuyển cầu cho con được ơn ấy. Nhưng con cần ghi nhớ điều quan trọng này, đó là: con phải cầu nguyện liên lỉ, đừng bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi con cảm thấy mọi lời cầu nguyện trên thế gian đều là vô ích.”

Vì cảm thương người thanh niên lạ mặt đang đau khổ, nên trong đêm hôm đó, anh Florian cầu nguyện cho anh ta tha thiết hơn. Anh Florian ngẫm nghĩ, quả thực, có niềm tin vào Chúa thì còn giá trị hơn tiền bạc và quyền lực. Dù một đứa trẻ hay một người tàn phế tuyệt vọng đi nữa cũng có được đức tin này. Mà một khi đã có đức tin thì họ sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc mà không vua chúa nào có thể mua được, hay không một học giả uyên bác nào có thể hiểu thấu được. Càng suy nghĩ về điều này, anh Florian càng gia tăng lời cầu nguyện cho chàng thanh niên anh đã gặp sáng hôm đó, cũng như cho tất cả các linh hồn khác trong miền đất phương Bắc mênh mông này vì họ đang đói khát Chân Lý Thiên Chúa.

Anh dâng lên Chúa lời cầu nguyện: “Lạy Cha trên trời, xin cho tất cả những người ở Balan nhận được và trân trọng những món quà của đức tin chân thật! Và một ngày nào đó xin cho cả đất nước này hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của Thập Giá – đó là một biểu tượng không chỉ của đau khổ và nhục nhã mà còn của vui mừng và chiến thắng!”

Gần nửa đêm, lúc đứng lên, tâm trí của anh vẫn còn nặng trĩu những suy tư về tình trạng thiếu hiểu biết của hầu hết dân chúng đối với cây thập giá của Chúa: thập giá chỉ gợi nhớ đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chứ chẳng mấy khi đưa họ đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Rồi anh tự nhủ: “Chẳng trách chúng ta ai cũng ngán ngại thập giá. Mình cũng đã từng chạy trốn cho tới khi được cha Giaxintô giải thích mọi sự. Nhưng nay thì mình hiểu hơn một chút về mầu nhiệm tuyệt vời này: Một khi chúng ta sẵn lòng đón nhận thập giá, thì những đau khổ sẽ trở thành vui mừng. Còn khi chúng ta phàn nàn về thập giá và cố gắng tránh né, thì linh hồn chúng ta trở thành nô lệ cho sợ hãi và đau đớn. Và cứ thế cuộc sống chỉ còn là một chuỗi ngày tháng bất hạnh vô tận.”

Khi cùng cha Giaxintô và anh Godinus đọc Kinh Sách và Kinh Sáng, anh Florian đột nhiên nhận ra rằng bầu trời đêm ngoài cửa sổ thật sống động với một vẻ đẹp siêu phàm. Những áng mây rực rỡ muôn màu giăng mắc khắp nơi trên bầu trời khiến cho vùng quê yên tĩnh giờ đây hiện rõ lên từng nét một.

Anh thì thầm với vẻ kinh ngạc: “Những tia sáng phương Bắc tuyệt vời làm sao! Mình đã từng nhìn thấy cảnh tượng này lúc nào rồi nhỉ?” Đúng vậy, bắc cực quang, đó là phép lạ của tự nhiên, thường thấy tại các nước phương Bắc. Bỗng nhiên anh Florian thích thú ngắm nhìn nó với một niềm đam mê kỳ lạ. Trước vẻ rạng rỡ lấp lánh, bóng đêm đã biến mất, và bây giờ cả bầu trời bên ngoài trở nên xinh đẹp lạ lùng.

Sáng hôm sau, chàng tu sĩ trẻ tuổi ấy nói với anh Godinus: “Đây cũng là điều xảy ra cho công cuộc truyền giáo của cha Giaxintô! Suốt bảy năm trời, cha đem ánh sáng Đức Tin Chân Thật vào những vùng đất tăm tối, ngoại đạo để hoán cải các linh hồn. Hai cha Herman và Henry cũng làm những điều tương tự như thế ở Áo và Moravia.”

Anh Godinus nói thêm vào: “Đừng quên cha Ceslao và công việc của ngài tại Prague và Breslau. Cha cũng trở thành ánh sáng đích thật cho nhiều người. Và tất nhiên anh Bênêđíctô của chúng ta cũng sẽ làm được những điều tốt lành như vậy ở vùng viễn Bắc.”

Anh Florian gật đầu. “Còn bây giờ đến lượt của chúng ta. Chúng ta sẽ tới nước Nga. Ôi, người anh em của tôi! Tôi tự hỏi liệu ở đó chúng ta có thành công không?”

Quả vậy, ngài Vladimir Rurikovitch, Thái tử của thành phố Kiev, vốn không tín nhiệm bất kỳ ai trung thành với Đức Gregorio IX, người kế vị của Đức Honorius III trong vai trò Đức Giáo hoàng và Giám mục Rôma. Từ thời thơ ấu, ông đã được dạy dỗ phải coi tất cả những người Công giáo mà ông gọi là “người Công giáo phương Tây” là những kẻ rối đạo. Còn các đồng đạo của ông, được gọi một cách sai lầm là “Công Giáo Đông Phương”, là những người có đức tin chân thật. Do đó ông chỉ phục tùng Đức Thượng phụ Constantinople, thay vì Đức Thánh Cha Gregorio.

Vì vậy, cha Giaxintô phải lo huấn luyện thật kỹ lưỡng cho những anh em trẻ của mình biết chấp nhận tình trạng sẽ bị ngược đãi ở Kiev, thậm chí là phúc tử đạo nữa. Bởi vậy, lần đầu tiên khi nhìn thấy thành phố, tất cả quỳ xuống cầu nguyện xin ơn sức mạnh và can đảm. Chỉ khi đó, họ mới nhận ra được vẻ đẹp của Kiev vươn lên một cách oai vệ từ dòng sông Dnieper, những mái nhà kế tiếp nhau, kéo dài mãi tận những khu rừng âm u huyền bí. Khi nhìn thấy dáng vẻ hùng vĩ của thủ đô nước Nga như thế, thì đồng thời trong lòng họ cũng bừng lên một niềm xác tín mạnh mẽ. Chắc chắn những mái vòm vàng của 400 ngôi thánh đường ở Kiev kia, những ngọn tháp nhọn vươn lên từ các Tu viện nọ, thực ra là biểu tượng của lầm lạc chứ không phải là nét hấp dẫn của tài năng nghệ thuật.

Cha Giaxintô nói cách kiên quyết: “Đi thôi, chúng ta không được trì hoãn một giây phút nào cả. Sẽ còn nhiều gian khổ trong việc truyền giáo ở đây.”

Đúng vậy, ba tu sĩ đã phải hết sức khó khăn để tìm cách vào bệ kiến Thái tử Vladimir. Thế mà khi đã được vào bệ kiến, họ lại bị ông quyết liệt từ chối không cho phép được giảng dạy trong thành phố này.

Cha Giaxintô nhanh chóng đáp lại: “Tâu Điện hạ, chúng thần chỉ muốn được thuyết giảng về Thiên Chúa, thì sao ngài lại từ khước điều đó? Điện hạ cũng là một Kitô hữu cơ mà?”

Thái tử Vladimir nheo mắt lại, và nói cách cứng nhắc: “Ta phản đối chỉ vì quý vị đến từ Rôma, nghĩa là từ ông Giáo hoàng. Đây là nước Nga, ta không muốn cộng tác với ông ấy. Và thưa quý cha đáng kính, xin thứ lỗi vì ta nói thẳng, ta thực sự không thể chào đón quý vị đến Kiev này được. Ta đề nghị quý vị hãy kiếm nơi khác mà rao giảng, và hãy đi ngay tức khắc!”

Nói xong Thái tử bệ vệ đứng dậy, khoác hoàng bào, cúi chào, rồi quay đi và khuất dạng vào cánh cửa bí mật sau chiếc ngai vàng. Ngay lập tức, sáu vệ binh vũ trang tiến đến áp tải các tu sĩ ra cổng hoàng cung. Nhưng trong lúc họ rảo bước trên tấm thảm lộng lẫy dài vô tận, thì bất ngờ một bé gái chừng 10 tuổi xuất hiện. Cô bé mặc áo nhung màu xanh nhạt, đội một vương miện vàng xinh xắn trên mái tóc đen nhánh. Chắc cô bé phải là một thành viên quan trọng của hoàng gia, bởi vì ngay tức khắc sáu vệ binh bỗng dừng lại và cúi sâu chào cô.

Hai anh Florian và anh Godinus ngạc nhiên vì sự việc vừa xảy ra. Đúng đây là công chúa rồi! Quả là xinh đẹp tuyệt trần! Tuy vậy, cha Giaxintô vẫn nhận ra có cái gì đó bất toàn trong vẻ đẹp của cô bé. Bằng cách nào đó, lòng trắc ẩn của cha khiến cha nhận ra cô bé không giống những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Đúng rồi! Ánh mắt của cha chạm phải đôi mắt u ẩn, trống rỗng, vô hồn của một đứa trẻ mù bẩm sinh.

Bất chợt nhà giảng thuyết lừng danh của Cracow tiến về phía cô công chúa trẻ. Với nụ cười dịu dàng trên môi, cha giơ tay chúc lành trên đôi mắt mù loà của cô. Cha thì thầm: “Con ơi, con hãy nhận lấy ân huệ con vẫn hằng mơ ước, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com