Chẳng bao lâu sau, bốn tập sinh được sắp xếp để đến sống tại Tu viện Santa Sabina, nơi Đức Giáo hoàng Honorius III đã trao tặng cho cha Đa Minh. Và họ cảm thấy rất hạnh phúc.
Cha Giaxintô thốt lên sung sướng: “Thật không thể tin được! Con như trở về với thời thơ ấu. Ôi, cha Đa Minh, thật tuyệt vời làm sao khi con hoàn toàn trao tặng cuộc đời con trong tay cha!”
Cha Đa Minh lắc đầu, nhẹ nhàng sửa lại: “Vào tay Thiên Chúa chứ! Này người anh em, hãy nghĩ xem, không ai trong Tu viện này lại phải từ bỏ của cải, tự do để đến sống, ra đi và làm việc chỉ nhằm làm vui lòng cha. Đúng hơn, chúng ta làm như thế là để làm vui lòng Cha trên trời và trở nên khí cụ xứng đáng nhằm thi hành thánh ý Thiên Chúa.”
Cha Ceslao tràn đầy hy vọng ngước nhìn cha Đa Minh: “Và thánh ý Chúa là một ngày nào đó chúng con sẽ trở về Balan truyền giáo cho chính đồng bào của chúng con có phải không thưa cha?”
Cha Đa Minh mỉm cười và nói cách chậm rãi: “Con có thể làm được thậm chí là nhiều hơn thế. Ngoài quê hương Balan, con còn có thể đến những vùng đất khác nữa. Nhưng khi làm bất cứ việc gì hay đi đến đâu, trước hết con sẽ có nhiều điều để học hỏi. Con có muốn nói gì không? Con đã sẵn sàng để bắt đầu chưa?”
Vị linh mục trẻ tuổi hăng hái đáp lời: “Ồ vâng, thưa cha Đa Minh! Xin chỉ cho chúng con những điều chúng con cần phải biết.”
Từ đó, mỗi ngày bốn tập sinh được đào luyện theo những cách thế và đời sống Dòng Anh em Giảng thuyết. Họ nhận ra rằng một trong những nhu cầu đã thúc đẩy cha Đa Minh thiết lập Dòng chính là sự lan rộng của lạc giáo Albigensê ở nước Pháp. Lạc thuyết Albigensê xuất hiện trước đó 5 năm, khoảng năm 1215, mặc dù trên thực tế có thể sớm hơn thời gian này.
Cha Đa Minh nói: “Nhờ ơn Chúa, năm 1206 cha đã thiết lập một nữ đan viện tại Prouille nước Pháp. Chín phụ nữ quý tộc, tất cả trở lại từ lạc giáo, đã tự nguyện hiến thân sống đời cầu nguyện và hy sinh. Nhờ đó, sứ vụ của Anh em Giảng thuyết được Thiên Chúa thi ân. Này anh em, đây là những điều mà cha muốn mỗi người phải ghi nhớ: người ta có thể giảng thuyết, học hành và nghiên cứu, thậm chí nổi danh về việc đưa các linh hồn về cho Thiên Chúa, nhưng ân sủng để thực hiện những công việc đó không đến từ công trạng của chính họ, trái lại ân sủng mà ta lãnh nhận phần lớn là nhờ những lời cầu nguyện và hy sinh của những tâm hồn ẩn danh.”
Cầu nguyện và hy sinh! Cha Giaxintô và các anh em dần hiểu sâu xa hơn những vũ khí tinh thần này và nguyên do để cha Đa Minh đạt được thành công lớn trong việc đưa các linh hồn về cho Chúa Kitô. Dẫu cho cha Đa Minh cố gắng sống tâm tình sám hối cách kín đáo, nhưng các anh em tập sinh đã hơn một lần thấy cha quỳ trước Nhà Tạm vào lúc nửa đêm và cầu nguyện cho đến sáng. Lại nữa, họ còn phát hiện cha thường xuyên ăn chay và đeo một xích sắt nặng quanh thắt lưng.
Cha Giaxintô nói: “Những chị em ở Prouille đã sống theo Tu luật mà cha Đa Minh đã viết cho họ. Họ cầu nguyện và hy sinh để lời giảng của chúng ta có thể chạm đến nhiều linh hồn. Chắc chắn họ cùng nhau thực hành công việc đó cách liên lỉ. Cha Đa Minh đã trao hiến hoàn toàn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, và không có khổ đau nào là quá sức đối với ngài nếu như điều đó giúp ngài đưa một linh hồn về cho Thiên Chúa. Này anh em! Chúng ta hãy xin ơn để có thể bắt chước người cha thánh đức của chúng ta.”
Vì vậy, bốn tập sinh tha thiết cầu nguyện xin ơn can đảm. Họ cầu xin cho được kiên nhẫn chịu đựng mọi đau khổ mà Thiên Chúa Quan Phòng gửi đến cho họ. Ngoài ra, họ còn cầu xin cho được trở nên khí cụ hữu dụng để thi hành Thánh Ý. Dĩ nhiên điều này có nghĩa là họ phải chịu thêm nhiều đau khổ như cha Đa Minh đã chịu trên thân xác của ngài. Dù vậy cứu được một linh hồn khỏi Hoả ngục mà thôi thì cũng đáng để chịu trăm ngàn hy sinh.
Cha Giaxintô nói đầy xác tín: “Nếu chúng ta kêu cầu Thiên Chúa, Người sẽ ban cho chúng ta lòng yêu mến các linh hồn đến nỗi chúng ta sẽ quên đi mọi đau khổ. Tôi tin chắc đây là lời cầu nguyện mà Thiên Chúa luôn muốn lắng nghe. Đáng tiếc là không có nhiều người nghĩ thế.”
Ngày tháng cứ thế trôi qua. Mỗi sáng, anh em tập sinh tham dự thánh lễ do cha Đa Minh cử hành, và sau này lần lượt do các cha trong cộng đoàn luân phiên đảm trách. Sau đó, vào thời gian quy định, tất cả tụ họp trong nhà nguyện để đọc Kinh Thần vụ. Ngoài ra còn có nhiều thời gian cho anh em đọc sách và học hành riêng.
Trong một lần đi dạo quanh khuôn viên Tu viện, cha Tancred, Bề trên Tu viện Santa Sabina hỏi bốn tập sinh: “Anh em có biết tại sao không?”
Cha Ceslao nghĩ rằng mình biết, nên nhanh nhảu trả lời: “Vì Cha Đa Minh muốn chúng con là những người được huấn luyện kỹ lưỡng để có thể đương đầu với các lạc giáo. Hơn nữa, châm ngôn của Dòng chính là Veritas – Chân Lý. Vì vậy chúng con phải đọc sách và nghiên cứu để có thể trả lời cho những lý lẽ sai lầm. Có phải như vậy không, thưa cha Bề trên?”
Cha Tancred gật đầu. “Đúng rồi! Chúng ta còn có một châm ngôn khác là: Contemplare, et comtemplata aliis tradere. Anh có biết câu này có nghĩa gì không, anh Henry?” Vốn là người giúp việc trước khi vào Dòng, anh Henry, một thanh niên người Tiệp Khắc, ngập ngừng khi phải dịch một câu Latinh trước mặt các cha Giaxintô và Ceslao. Nhưng vì vâng lời, anh chậm rãi trả lời: “Chiêm niệm … và trao cho người khác….hoa trái những gì mình chiêm niệm.”
Cha Bề trên mỉm cười nhìn khuôn mặt đầy căng thẳng của anh Henry. “Đúng rồi. Nhưng anh hãy diễn tả ý nghĩa này bằng chính lời của anh. Chiêm niệm nghĩa là gì?”
Anh Henry lại lúng túng, và một lần nữa anh vâng lời cha Bề trên: “Thưa cha, mỗi sáng con quỳ trong phòng riêng, trút bỏ mọi lo lắng, phiền muộn trong đầu. Con nhắm mắt lại và nhìn vào chính mình. Con cố gắng nhận ra rằng Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn con, từ đó con nỗ lực hết sức để ở lại trong ân sủng của Người.”
“Vậy sao? Thế còn gì nữa không?”
“Đôi khi con chỉ nói “Con tạ ơn Chúa vì Người đã hiện diện ở đây. Lần sau con lại nói những điều khác.”
“Ví dụ như?”
Anh Henry trầm ngâm đôi mắt: “Con thờ lạy Chúa vì Người là Đấng rất tốt lành, thiện hảo. Sau đó con tạ ơn Chúa vì đã dựng nên con và cho con một ngày nào đó sẽ được sống hạnh phúc với Người trên Thiên Đàng.”
Cha Tancred tỏ ra hài lòng. Rõ ràng là anh Henry am hiểu sâu sắc về chiêm niệm. Khi hoàn thành năm tập tại Tu viện Santa Sabina, anh sẽ trao cho người khác hoa trái những suy tư giản dị nhưng sâu sắc về Thiên Chúa. Rồi anh sẽ trở thành một Tu sĩ Giảng Thuyết đích thực.
Chắc hẳn anh Henry phải có được bình an trong tâm hồn mới có thể nói cách hùng hồn về đời sống chiêm niệm như vậy. Đối với anh Herman, người bạn đồng liêu và cũng là đồng nghiệp cũ của anh khi còn làm việc trong Toà Giám mục, vấn đề lại khác hẳn. Ngày tháng trôi qua, chàng trai trẻ người Đức này vẫn thường sống với mặc cảm vô dụng và thất bại.
Anh than thở: “Tôi thật ngu xuẩn! Dù cố gắng thế nào, tôi cũng không thể nói năng được như người khác. Ôi, tôi sẽ làm gì đây? Làm sao tôi có thể trở thành một tu sĩ Giảng thuyết tài giỏi được?”
Đó là một vấn đề thực tế. Anh Herman có một tinh thần nhiệt tâm nhưng anh lại gặp khó khăn trong việc học hành và suy tư. Đối với anh, phải nhấc một vật nặng ngàn cân chỉ với một tay thì xem chừng còn dễ dàng hơn là dành 15 phút đồng hồ để suy gẫm Sách Thánh.
Một ngày nọ, anh than thở: “Thưa cha Đa Minh, tại sao cha lại đón nhận con vào Dòng? Con sẽ chẳng làm được gì có ích cho cha, cho dù có sống đến 100 tuổi đi nữa!”
Cha Đa Minh mỉm cười, ngài đề nghị: “Tại sao con không xin “Mẹ” của con giúp đỡ? Nào, chúng ta cùng ra ngoài vườn và xem Bà ấy có thể làm gì nhé.”
“Nhưng thưa cha, chắc chắn mẹ con không ở đó hay bất cứ nơi nào ở Rôma này! Mẹ con đang sống ở Đức. Thậm chí bà ấy còn nói con sẽ không bao giờ trở thành một học giả được.”
Cha Đa Minh vờ như không nghe gì, một tay choàng lấy anh Herman và dẫn anh đi về phía cánh cửa đang mở. Cha Đa Minh chỉ về phía khu vườn tràn ngập ánh nắng và nói: “Nhìn đi, con có thấy gì không?”
Trong tâm trạng bối rối, anh Herman rảo mắt nhìn về phía khu vườn. Nhưng ngay sau đó, anh thất vọng quay lại nhìn vị Bề trên của mình. Rõ ràng mọi thứ vẫn như thường mà: những bụi cây, những dây leo, những khóm hoa và nhiều cây khác, kể cả cây cam mà cha Đa Minh đã trồng vài tuần trước; còn có một bồn nước nhỏ giữa vườn, nơi có những chú chim nhỏ đang vầy nước. Nhưng có điều chắc chắn là chẳng thấy bóng dáng mẹ của anh đâu cả. Và làm sao có thể có được chứ? Vì xét cho cùng, chốn an bình và tĩnh lặng này là nội vi của Tu viện. Không người phụ nữ nào được phép vào đây.
Anh Herman thú nhận: “Thưa cha, con không thấy điều gì bất thường cả. Chắc cha đang nói đùa với con phải không ạ?”
Cha Đa Minh cười hiền hậu. Thật tội nghiệp anh Herman! Anh quả thật là một chàng trai không nhanh trí. “Không, cha không nói đùa với con đâu. Cha chỉ đưa con đến với “Mẹ” của con. Con có thấy không? “Mẹ” con ở đằng kia, chỗ góc vườn có mấy cây ô-liu đấy. Bây giờ con hãy đến ngay đi và xin “Mẹ” giải gỡ những khó khăn của con. Có gì con cứ nói ra hết. Nên nhớ, quyền năng của “Mẹ” lớn hơn quyền năng của bất kỳ thụ tạo nào trên trời dưới đất.”
Tuy vẫn còn hoang mang, anh Herman nhìn về phía cha Đa Minh chỉ. Chợt một tia sáng loé lên trong đầu anh. Người “Mẹ” mà cha Đa Minh ám chỉ chính là Thánh Mẫu Thiên Quốc. Ngai toà của Người ở đằng kia, bên cạnh các cây ô-liu.
Như đứa trẻ lúc tan trường, anh Herman sung sướng chạy băng qua khu vườn và quỳ xuống trước một bức tượng nhỏ đặt giữa một chiếc khung đầy hoa và dây leo. Những hoài nghi và sợ hãi bỗng biến mất. Anh đã hiểu ra những gì cha Đa Minh muốn nói đến.
Anh thì thầm: “Lạy Mẹ dấu yêu, xin hãy giúp con. Mẹ biết, con rất tối dạ, con không giỏi giang về việc học hành và nói năng trước đám đông. Ôi, lạy Toà Đấng Khôn Ngoan, Mẹ quyền năng cao cả trên trời, xin ban ơn để con đưa được nhiều linh hồn về với Con của Mẹ! Xin làm cho con trở nên một tu sĩ hữu ích… để cha Đa Minh không bao giờ hối tiếc vì đã đón nhận con vào Dòng!”
Ngay lúc đó anh Herman cảm thấy bình an lạ thường. Rồi anh bắt đầu đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng quen thuộc. Có lẽ anh không mau lẹ trong việc học hành, nhưng ít nhất có một điều anh biết rõ, đó là khiêm nhường cầu xin Đức Mẹ với lòng thành kính, thì Mẹ sẽ lắng nghe.
Anh Herman nghĩ: “Mình sẽ xin phép cha Đa Minh đến đây hằng ngày để cầu nguyện trước ngai toà bé nhỏ này.” Rồi anh thưa với Đức Mẹ: “Mẹ ơi, con làm điều đó chắc Mẹ sẽ vui lắm chứ?”
Pho tượng trong dáng vẻ mộc mạc không có một dấu gì sống động, cũng chẳng có một thị kiến vĩ đại hay những lời truyền phán nào từ trời; nhưng từ nơi sâu thẳm cõi lòng mình, anh Herman cảm thấy mọi thứ đều tốt đẹp. Thánh Mẫu hẳn phải hài lòng và sẽ đến nâng đỡ anh.
Cha Đa Minh cũng có ý nán lại trong vườn để cùng cầu nguyện với người môn sinh trẻ, thế nhưng, lúc đó một thầy tu huynh đến và giục ngài trở lại phòng khách. Đức Giám mục giáo phận Cracow đã đến vì một việc hết sức quan trọng.
Vị tu sĩ thánh thiện mỉm cười, hiểu rõ lý do chuyến thăm của Đức Giám mục. Vài tuần qua, Đức Giám mục Ivo đã dần mất kiên nhẫn và muốn quay về phương Bắc ngay. Ngài đã hoàn thành những việc cần làm tại Rôma lâu rồi. Giờ là lúc ngài nghĩ về Balan. Nếu được, Đức Giám mục mong muốn cùng đi với các cha Giaxintô, Ceslao, và hai anh Henry và Herman trở về quê hương Balan.
Đức Giám mục phân trần: “Tôi biết ba tháng không phải là khoảng thời gian đủ dài cho việc đào tạo một tu sĩ. Tôi quả thật là hơi ích kỷ khi làm như vậy. Thế nhưng tôi phải trở về Balan, cha Đa Minh ạ! Liệu cha có thể sắp xếp được không?”
Cha Đa Minh ngập ngừng. Thực ra, thời gian ở nhà tập chỉ ba tháng là quá ngắn. Theo lẽ thường, cha Giaxintô và các anh em ít nhất phải trải qua một năm chìm đắm trong cầu nguyện và học hành trước khi được tuyên khấn. Sau đó, nếu mọi sự tốt đẹp, họ có thể đi giảng thuyết ở Rôma và những vùng lân cận, trong khi vẫn giữ nếp sống cộng đoàn tại Tu viện Santa Sabina. Họ sẽ ra sao nếu tiến trình đào tạo bị cắt ngắn và lại được sai đến một vùng đất xa lạ chưa biết gì về Thiên Chúa?
Cha Đa Minh chăm chú nhìn Đức Giám mục và nói: “Thưa Đức cha, con hiểu là tình hình Giáo hội ở Balan đang gặp khó khăn, và Đức cha thực sự cần những tu sĩ Giảng thuyết hiện diện.”
Đức cha Ivo gật đầu, nét mặt trầm ngâm. Balan, cũng như tất cả các quốc gia ở phương Bắc khác hãy còn là vùng đất xa lạ với Kitô giáo. Vì thế càng sớm có những con người thánh thiện đến đảm nhận sứ vụ truyền giáo ở đó, thì càng nhanh chóng giải quyết được những khó khăn trên.