[15/9 Đức Mẹ Sầu Bi] Hiệp Thông Mầu Nhiệp Thập Giá Đức Kitô

14-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2951 lượt xem

Hr 5,7-9; Ga 19,25-27

Tin Mừng theo thánh Gioan.

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.


Giáo hội hôm nay kính nhớ Đức Mẹ với tước hiệu Đức mẹ Sầu bi, nhưng đoạn Tin Mừng được chọn đọc trong ngày lễ kính Đức Mẹ lại không có bất kỳ mô tả nào về sự đau khổ của Mẹ. Chỉ có hình ảnh Đức Maria đứng dưới chân Thập giá và hoàn toàn toàn im lặng. Một bài hát khá quen thuộc diễn tả thời khắc này: “Mẹ đứng đó, tâm hồn tê tái sầu…”

Mẹ Maria đứng đó, dưới chân thập giá có làm cho Con Mẹ vơi bớt đau đớn không? Chắc là không! Mẹ đứng đó, dưới chân thập giá có cứu được Con Mẹ khỏi chết không? Không! Vì sau khi trối Đức Mẹ cho người môn đệ, như Tin Mừng Gioan viết, Đức Giêsu đã trút hơi thở. Vậy Mẹ đứng dưới chân thập giá có ý nghĩa gì? Hành động của Mẹ chỉ có ý nghĩa khi được nối kết với hành động của Con. Mẹ đứng đó, không phải để “tâm hồn tê tái sầu” mà là để thông phần vào hành động cứu độ của Con Mẹ.

Hình phạt khổ giá – biểu tượng của sự dữ, căn nguyên gây đau khổ cho nhân loại đã bị khuất phục. Tình yêu đã chiến thắng bạo lực. Đức Giêsu từ chối dùng uy quyền, sức mạnh để thực hiện công trình cứu độ, cho dù Xatan đã từng cám dỗ Người như thế trong hoang địa (x. Mt 4,1-11), cho dù các môn đệ mong muốn “lửa từ trời thiêu đốt” khi có kẻ chống đối (x. Lc 9,54), cho dù các thượng tế, kinh sư và kỳ mục có buông lời thách thức“Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27,42)

Bằng con đường tình yêu, Đức Giêsu thực hiện công cuộc cứu độ để dẫn đưa nhân loại tiến tới hoà giải với Thiên Chúa. Nhờ máu và nước từ nơi cạnh sườn bị đâm thâu của Người, nhân loại được quy tụ và liên kết với nhau trong cùng một Hội thánh. Những lời trăn trối của Đức Giêsu trên Thập giá thật sự có ý nghĩa, vì đó là thời khắc Hội thánh được khai sinh. Đức Maria dưới chân Thập giá là biểu tượng của Hội thánh. Thông phần đau khổ với Con, Mẹ thực sự đau đớn. Sự hiện diện đau khổ của mẹ dưới chân Thập giá còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Mẹ Sầu Bi là hình ảnh tượng trưng cho Hội thánh chịu bách hại: đau đớn, quằn quại để sinh ra vô số con cái (x. Kh 12,2).

“Thưa Bà, đây là con của Bà.” Lời trăn trối Đức Giêsu nói với Mẹ của Người, cũng chính là lời Người nói với Hội thánh. Khi xưa, bà Evà – “mẹ của chúng sinh”, đã sinh ra con cái trong tội luỵ, thì giờ đây, nhờ Đức Kitô, Mẹ Hội thánh sinh ra đoàn con trong ân sủng cứu độ.

“Đây là mẹ của anh.” Người môn đệ được thương mến – truyền thống cho là thánh Gioan, nhận lời trăn trối, đón Đức Maria về nhà, là hành động biểu tượng cho nhân loại đón nhận Hội thánh làm Mẹ. Chính nhờ Mẹ Hội thánh, đoàn con cái của Chúa không ngừng được sinh ra nhờ ơn Thánh tẩy và hằng ngày được dưỡng nuôi nhờ Mình và Máu Đức Kitô.

Hội thánh bước theo Đức Kitô trên con đường Thập giá và công bố ơn cứu độ phát sinh từ Thập giá. Dẫu rằng, trong lịch sử của mình, Hội thánh có những lúc chưa thực sự hành động trung tín với mầu nhiệm tự huỷ, con đường tình yêu của Đức Kitô. Nhưng tự bản chất, vì được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa, Hội thánh chấp nhận bách hại, từ chối thoả hiệp, khước từ bạo lực. Hội thánh phải chịu đau đớn, nhưng sự đau đớn sẽ sinh ra con cái. Là bí tích của sự hiệp thông, Hội thánh kêu gọi nhân loại và các quốc gia từ bỏ chiến tranh, hoà giải mọi tranh chấp và cùng nhau xây dựng hoà bình.

Cùng với Mẹ Maria dưới chân thập giá, những môn đệ của Đức Kitô theo ơn gọi tận hiến làm chứng cho tình yêu Đức Kitô, loại trừ mọi hình thức bạo lực trong tư tưởng, lời nói, thái độ và hành động. Qua nếp sống huynh đệ, những người sống đời thánh hiến có sứ mạng loan báo cho thế giới biết: con người luôn có khả năng vượt qua những khác biệt để đi đến đối thoại, tha thứ và đón nhận nhau như anh em. Chấp nhận một đời sống kỷ luật, khổ chế và thực thi các lời khuyên Tin Mừng, những người sống đời thánh hiến thông phần vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, để sinh ơn ích là phần rỗi cho các linh hồn.

Lạy Chúa, khi Đức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh Mẫu mà kết hợp với Đức Kitô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Đức Kitô.1

 

Lạy Mẹ Maria – Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, bổn mạng Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, xin mẹ chuyển cầu cho chúng con trước toà Chúa. Amen.




Đọc thêm: Các bài đọc Kinh Sách Lễ Kính Đức Mẹ Sầu Bi

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com