[Chuyện Về Một Nhà Giảng Thuyết] Chương 4: Thiết lập một gia đình mới

31-07-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1854 lượt xem
Nếu như cha Đa Minh trở về Osma sau khi Đức giám mục Diego từ trần và không thường xuyên quay lại vùng lạc giáo Albi cho đến năm 1211, thì cha đã trở lại đây sau bốn năm khi việc giảng thuyết được tập trung tại Toulouse. Khi trở lại vùng này, cha lưu tâm đến cộng đoàn Prouilhe và lập cơ sở tại Fanjeaux. Tuy nhiên, năm 1215, Đức cha Foulques và cha Đa Minh chuyển trụ sở giảng thuyết tới Toulouse và Đức giám mục giao việc giảng thuyết cho cha và các bạn. Bây giờ, chúng ta chuyển đến các sự kiện trong những năm tiếp theo này.

Năm 1215

Ngày 6 tháng Hai năm 1211, Bá tước Raymond thành Toulouse bị tuyệt thông, và tháng Năm sau đó, thành Toulouse bị đặt dưới lệnh cấm. Các giáo sĩ và tu sĩ phải rời thành phố. Vì thế, trung tâm hoạt động của cha Đa Minh là Prouilhe, Fanjeaux, Carcassonne như đã thấy. Nhưng ngày 25 tháng Tư năm 1214, Raymond được hòa giải cùng với Giáo hội. Sau ba năm vắng mặt, các giáo sĩ lại có thể trở về Toulouse cùng với giám mục của họ. Sự kiện này mở cửa cho Đức cha Foulques mời cha Đa Minh tập trung năng lực để giảng thuyết ở đây. Giữa năm 1215, Simon de Montfort cũng lập cơ nghiệp tại thành Toulouse.

Đức cha Foulques trao cho cha Đa Minh một cơ sở phụ thuộc vào kinh sĩ đoàn nhà thờ thánh Stephano và đan viện thánh Sernin. Có thêm các phụ nữ hoán cải bây giờ liên kết chặt chẽ với anh em. Tháng Tư năm 1215, hai người nam thành Toulouse hiến mình cho cha Đa Minh qua lời khấn trở thành tu sĩ. Về điều này, cha Giođanô viết :

Khi ấy, các giám mục đang chuẩn bị đi Rôma dự Công đồng Latêranô, hai người nam ngay thẳng và thích hợp đã hiến mình cho tôi tớ Chúa là cha Đa Minh. Một người tên là Phêrô Seilhan, sau này trở thành bề trên ở Limoges ; người kia là anh Thomas, rất thu hút và có tài ăn nói. Anh Phêrô đã dâng tặng cha Đa Minh và anh em những ngôi nhà rộng lớn, xinh đẹp anh đang sở hữu tại Toulouse gần lâu đài Narbonne. Chính trong những ngôi nhà này mà bây giờ các anh em bắt đầu sống tại Toulouse, và từ lúc đó, tất cả những người sống cùng cha Đa Minh ngày càng hạ mình và nhận lấy lối sống tu trì (Libellus, số 38).

Anh Phêrô Seilhan và anh Bernard thừa kế tài sản này, và ngày 25 tháng Tư năm 1215, các anh đã phân chia. Anh Phêrô trao phần của mình cho cha Đa Minh, thế nên một “tu viện” được thiết lập ở Toulouse. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể viếng thăm tu viện này.




Do Công đồng Latêranô sắp diễn ra, và quân thập tự chinh cùng với Simon de Montfort ẩn trong thành phố, nên Peter Benevento, đặc sứ của Đức Giáo hoàng, người mà cha Đa Minh phải chính thức tường trình, trở về Rôma. Việc giảng thuyết bây giờ chính thức thuộc thẩm quyền của Đức cha Foulques, và ngài đã giao việc này cho cha Đa Minh và anh em của cha :

Nhân danh Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, chúng tôi loan báo cho mọi người, cả trong hiện tại và tương lai, biết rằng, chúng tôi, giám mục Foulques, nhờ ơn Thiên Chúa, làm thừa tác viên khiêm hạ của tòa giám mục Toulouse, để tiệt trừ tận gốc sự đồi bại của lạc giáo, để xua đuổi thói hư tật xấu, để giảng dạy đức tin, và để ghi khắc luân lý lành mạnh vào tâm hồn mọi người ; chúng tôi đặt cha Đa Minh và các anh em của ngài làm những người giảng thuyết trong giáo phận chúng ta. Mục đích của các vị là trở thành các tu sĩ, đi bộ, và giảng thuyết Tin mừng chân lý trong sự thanh bần Phúc âm.[1]

Cũng trong sắc lệnh này, Đức cha Foulques trao tặng một số nhu cầu tạm thời cho cộng đoàn mới lập, đã trở thành một hội giảng thuyết thuộc giáo phận. Như Đức cha Foulques nói về cha Đa Minh là thừa tác viên khiêm hạ của tòa giám mục Toulouse, chúng ta cũng thấy cha Đa Minh nói về mình là Praedicationis humilis minister (thừa tác viên giảng thuyết khiêm hạ). Ngôi nhà anh Phêrô Seilhan tặng trở thành nơi cư ngụ. Bá tước Montfort và Đức cha Foulques cũng cung cấp những nhu cầu cần thiết. Chính các anh em tự giới hạn mình bởi sự thanh bần Phúc âm – nghĩa là sống nhờ của bố thí như những người hành khất. Tuy nhiên, vì chưa có nhà thờ riêng, anh em chưa thể dâng lễ trong nhà của mình, do vậy buộc phải tới các nhà thờ trong thành phố để dâng lễ. Thông thường, đây là nhà nguyện thánh Romain, không xa nơi anh em cư ngụ. Nhà nguyện này sẽ được trao cho anh em vào năm sau. Giữa năm 1215, cha Đa Minh nhận một anh em khác, đó là anh William Raymond. Tháng Tám, anh Gioan Navarre (cũng được biết đến như Gioan người Tây Ban Nha) nhận áo dòng.[2] Thêm một anh Đa Minh khác người Tây Ban Nha tuyên khấn, do đó bây giờ ở Toulouse có ít nhất sáu anh em, có thể còn hơn nữa. Các anh em khác ở Prouilhe gồm : William Claret, Noel, và Vitalis, là những người đã nói ở trên.[3] Như một bằng chứng thể hiện tầm quan trọng của việc học hành mà cha Đa Minh đặt ra, các anh em tiên khởi ở Toulouse bắt đầu tham dự các buổi thuyết trình của Alexander Stavensby, một giáo sư thần học người Anh, cùng với kinh sĩ đoàn nhà thờ thánh Stephano.

Với việc anh Phêrô Seilhan dâng tặng tài sản, cũng như việc chính anh và anh Thomas hiến mình theo cha Đa Minh và các anh em, cùng với sự nhìn nhận chính thức việc giảng thuyết cho giáo phận Toulouse, bây giờ cha Đa Minh tháp tùng Đức giám mục lên đường đi dự Công đồng Latêranô. Trong dịp này, hai vị có thể yết kiến Đức Innocente III để tường trình về tình hình giảng thuyết và để đảm bảo cho tương lai xa hơn.

* Công đồng Latêranô

Đức Innocente III triệu tập công đồng Latêranô IV, công đồng thứ 12 trong lịch sử Giáo hội, ngày 19 tháng Tư năm 1213, và được khai mạc ngày 1 tháng Mười Một năm 1215. Công đồng quy tụ 400 giám mục, khoảng 800 viện phụ hoặc bề trên các cộng đoàn đan viện, nhiều đại diện các vua chúa ở châu Âu. Trong 70 điều khoản của Công đồng, việc cải tổ hàng giáo sĩ, gồm cả giám mục và linh mục, là một ưu tiên lớn, và làm cho Công đồng này trở thành quan trọng thứ hai sau Trentô, xét như một công đồng cải cách. Có lẽ Đức Innocente xem Công đồng là thành tựu lớn nhất của ngài. Các giáo sĩ có đời sống tội lỗi phải bị ngưng chức. Các tòa giám mục không được để trống tòa hơn ba tháng, và kinh sĩ đoàn phải bầu giám mục trong khoảng thời gian đó, nếu không sẽ mất quyền bầu cử. Công đồng chỉ thị cho các giám mục phải có bổn phận giảng và sắp xếp để có sự trợ giúp trong công việc này. Các ngài phải đảm nhận trách nhiệm huấn luyện giáo sĩ, với việc giảng thần học trong mỗi nhà thờ chính tòa. Công đồng cũng thông qua các khoản luật nhằm chống lại tham vọng của hàng giáo sĩ và sự lạm dụng thánh tích. Mọi tín hữu buộc phải xưng thú tội lỗi hằng năm và rước lễ mỗi năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.

Công đồng cũng thiết lập quy trình đối phó với lạc giáo. Một số điều khoản bàn đến những mối quan tâm của các giám mục về các dòng tu. Do đó, việc thiết lập các dòng tu mới bị cấm, hay ít là cần một tu luật có sẵn đã được phê chuẩn để có thể làm điều đó. Công đồng cũng giải quyết những thỉnh cầu của Bá tước Montfort về các địa hạt thuộc bá tước Toulouse. Trong vấn đề này, Đức Innocente tìm kiếm sự cân bằng trung gian giữa các giám mục ủng hộ Montfort –là người quan tâm đến lợi ích của mình trong việc xóa bỏ lạc giáo, và lôi kéo được các đặc sứ của Đức Giáo hoàng– và những người ủng hộ bá tước Toulouse. Chúng ta có thể nhận thấy trong công trình của Công đồng một số mục ảnh hưởng tới tầm nhìn của cha Đa Minh.

Tháng Chín năm 1215, cha Đa Minh tháp tùng Đức giám mục Foulques đi Rôma. Hai vị mong muốn được yết kiến Đức Innocente để việc giảng thuyết được thiết lập trên nền tảng chắc chắn. Chính Đức Giáo hoàng cũng đã từng ủy thác và khởi động việc giảng thuyết từ năm 1203, cùng với sứ vụ của các đan sĩ Xitô nơi những người Albi. Trong khi hầu như mười năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên cha Đa Minh viếng thăm Đức Giáo hoàng, diễn ra sau khi cha và Đức cha Diego đi tới miền Bắc lần thứ hai, Đức Innocente vẫn nhớ cuộc viếng thăm đó, và cha Đa Minh cũng thế. Ban đầu việc giảng thuyết đã là ý tưởng của Đức Giáo hoàng.

Cha Đa Minh và Đức cha Foulques gặp Đức Innocente vào tháng Mười, trước khi họp Công đồng, để xin Đức Giáo hoàng phê chuẩn dòng giảng thuyết đã được thiết lập trong giáo phận Toulouse. Việc phê chuẩn này sẽ làm cho dòng giảng thuyết của cha Đa Minh và các anh em thêm đảm bảo cả khi một ngày nào đó Đức cha Foulques không còn làm giám mục ở đây nữa. Với công đồng sắp diễn ra và mối bận tâm của các giám mục về việc tăng số lượng các dòng tu, Đức Innocente đã khôn ngoan không đưa ra quyết định nhanh chóng đối với lời thỉnh cầu của cha Đa Minh và Đức cha Foulques. Ngài chuyển vấn đề tới một hồng y đáng kính, có lẽ là Hồng y Ugolino. Đức Giáo hoàng Innocente và Đức cha Foulques quan tâm đến công việc quan trọng của Công đồng, được bàn thảo trong các phiên họp ngày 11, 20 và 30 tháng Mười Một.

Bây giờ chúng ta hiểu điều khoản thứ mười ba của Công đồng quan trọng như thế nào, mặc dù đôi khi cũng hơi quá mức.

Để hạn chế sự xuất hiện quá nhiều dòng tu, gây nên tình trạng lộn xộn trong Giáo hội, vậy bây giờ, chúng tôi chính thức cấm bất kể ai thiết lập dòng tu mới trong tương lai. Ai muốn bước vào đời sống tu trì, thì phải tận hiến cho một trong các dòng tu đã được phê chuẩn. Cũng thế, trong tương lai, ai muốn lập một nhà, phải nhận tu luật và hiến pháp của một số các dòng tu đã được phê chuẩn.[4]

Tháng Mười Hai, sau khi Công đồng bế mạc, Đức Innocente lại liên lạc với cha Đa Minh. Một cách tự nhiên, ngài phải khuyên cha Đa Minh tuân thủ những điều Công đồng đã quyết định. Cha Đa Minh phải chọn một tu luật đã có sẵn, nếu cha muốn triển khai kế hoạch của mình. Nhưng vẫn còn vấn đề : Kế hoạch của cha Đa Minh là gì ? Đâu là ước mơ của cha ? Điều gì cha đang tìm kiếm từ Đức Innocente ? Phải chăng cha cùng với Đức cha Foulques đến yết kiến Đức Innocente vì cha muốn Đức Giáo hoàng phê chuẩn dòng tu mới mà cha muốn được gọi là Dòng những người giảng thuyết (Ordo Praedicatorum), như cha Giođanô Saxônia nhắc đến (Libellus, số 40) ? Vào lúc này, nếu không bàn về danh xưng chính xác của Dòng những người giảng thuyết (Ordo Praedicatorum) là điều mà cha Đa Minh tìm kiếm, thì phải chăng cha thực sự xin Đức Innocente phê chuẩn dòng tu mới mà thôi ? Hoặc đơn giản là cha muốn phê chuẩn hình thức giảng thuyết đang tiến hành ở Toulouse –tức là một hội theo cách nào đó, chứ không phải là dòng tu mới ?

Dựa theo ý kiến của cha Giođanô, cha Vicaire kết luận rằng, cha Đa Minh đang xin thiết lập một dòng tu mới, là dòng của những người giảng thuyết, và có danh xưng như thế. Cha Tugwell cho rằng vấn đề danh xưng không phải là điều quan trọng nhất đối với cha Đa Minh. Tuy nhiên, đáng chú ý là, thực sự chính Đức Innocente đã gợi ý cho cha Đa Minh thiết lập dòng tu mới, trực thuộc giáo hoàng, chứ không chỉ ở trong phạm vi giáo phận. Vì thế, khi cha trở lại yết kiến Đức Giáo hoàng lần nữa vào tháng Mười Hai, thì không đơn giản là cha Đa Minh đã hài hòng vì được Đức Giáo hoàng hết mình ủng hộ, nhưng là cha bị thách thức thực hiện điều lớn lao hơn điều cha thỉnh cầu. Đức Innocente là người đã đề nghị cha suy nghĩ rộng hơn, vượt ra khỏi Toulouse, do vậy, cha phải chọn một tu luật để thực thi những đòi hỏi của Công đồng. Cha trở về nhà, không buồn khi chưa nhận được sự phê chuẩn dứt khoát, nhưng vui vì điều đang đến. Tuy nhiên, thậm chí cha bị thách thức nhiều hơn nữa bởi viễn cảnh tương lai bây giờ đang đặt ra trước mắt cha. Có lẽ vào lúc ấy, cha Đa Minh đã thấy thị kiến về thánh Phêrô và Phaolô. Về sự kiện này, Constantine Orvieto viết : “Đầu tiên, thánh Phêrô trao cho cha một cây gậy ; và thánh Phaolô trao cho cha một cuốn sách ; rồi hai vị nói : Hãy đi và giảng thuyết, vì Thiên Chúa đã chọn con thi hành sứ vụ này.”[5]

Chúng ta thường nói rằng cha Đa Minh thiết lập cộng đoàn nữ đan sĩ ở Prouilhe, nhưng bây giờ, dường như chính xác hơn khi nói cả Đức cha Diego và cha Đa Minh đã thực hiện điều đó, và cuối cùng ý tưởng của các ngài, dù đã được xác định, nhưng vẫn chưa rõ ràng. Công trạng chắc chắn phải bao gồm cả Đức cha Diego nữa, khi ngài còn tại chức. Quyết định của các ngài phải là sự cộng tác. Cũng vậy, Đức cha Foulques, cha Đa Minh và Đức Giáo hoàng Innocente đã cùng cộng tác trong việc thúc đẩy cha Đa Minh bước vào “sân khấu” thế giới. Điều cha Đa Minh và Đức cha Foulques trình bày cho Đức Giáo hoàng được chuyển đổi. Điều các ngài muốn cho một giáo hội địa phương, Đức Innocente đã nhận thấy có tiềm năng lớn hơn. Đây không phải là cuộc gặp đầu tiên của Đức Innocente với cha Đa Minh. Ngài đã cảm nhận nơi cha Đa Minh một sức mạnh và tài năng vượt qua những gì chính cha Đa Minh cảm nhận. Và Đức Innocente –mặc dù thập tự chinh đang diễn ra– vẫn không từ bỏ việc giảng thuyết. Ý tưởng về một chương trình giảng thuyết siêu giáo phận đến từ đâu ? Cha Đa Minh không đến để xin lập một ordo praedicationis theo nghĩa là một dòng tu mới, nhưng dường như, Đức Innocente có thể nhận ra một khả năng như thế trong lời thỉnh cầu của cha Đa Minh và Đức cha Foulques.

Có hai yếu tố. Trước hết, bởi vì đây không phải là điều cha Đa Minh dự liệu, nên chẳng lẽ một gánh nặng như thế lại đặt trên vai cha ? Thứ hai, bây giờ chính Công đồng đã tác động đến một dự án lớn đó. Trong bối cảnh xuất hiện nhiều phong trào tu trì cũng như cộng đoàn mới, Công đồng đã quyết định rằng các dòng tu mới sẽ không được phê chuẩn. Chỉ những tu luật truyền thống và đã được phê chuẩn cho các cộng đoàn tu trì mới được chấp nhận. Cần phải có một vài giới hạn. Vấn đề đặt ra là làm sao để vượt qua trở ngại bề ngoài này. Cha Đa Minh và các anh em phải nhận một tu luật đã được phê chuẩn. Không có tu luật nào thích hợp, linh hoạt, cho sứ vụ trong tầm tay hơn tu luật thánh Âutinh mà cha Đa Minh đã quen thuộc khi còn ở Osma. Đối với cha Đa Minh, đây không phải là quyết định của một mình cha. Cha cần trở về để xin ý kiến anh em. Phong cách lãnh đạo của cha Đa Minh luôn theo lối tư vấn. Đó là lý do tại sao lúc này khó mà tách cha rời khỏi Đức cha Diego, Đức cha Foulques, hay Đức Giáo hoàng. Không có bất kỳ quyết định nào cha Đa Minh thực hiện một mình, như sau này cha không muốn dòng do cha sáng lập là dòng của cha [Dòng Đa Minh]. Đó phải là dòng của những người giảng thuyết. Việc quản trị Dòng được thực hiện qua công hội.

Phạm vi giảng thuyết mở rộng phải là một cú sốc đối với cha Đa Minh. Cha tháp tùng Đức cha Foulques tới Rôma để xin trợ giúp cho sứ vụ giảng thuyết trong một giáo phận, lại được yêu cầu khai mở sứ vụ giảng thuyết cho toàn thể Giáo hội. Phải chăng cha đã rời Rôma trong bối rối và run sợ, khi cảm thấy một gánh nặng mới ? Đó không phải là điều làm cha buồn, bởi cần phải đợi việc phê chuẩn cuối cùng liên quan đến một tu luật do quy định của Công đồng Latêranô (thật vậy, vì trở ngại dường như dễ dàng được giải quyết). Nhưng cha đang được trao nhiệm vụ thiết lập một cộng đoàn tu trì mang tầm thế giới từ một nhóm nhỏ các anh em hiện đang có. Trên hành trình trở lại Prouilhe, nơi chắc chắn cha đã ghé qua là Toulouse, cha phải tự hỏi và suy nghĩ xem cha có năng lực nào cho vấn đề này. Nếu có khi nào đức tin của cha vào Chúa quan phòng bị thử thách, thì chính là lúc này đây.

* Cha Đa Minh trở về : Cha tìm kiếm điều gì ? Cha phải là gì ?

Vì thế, cha Đa Minh trở về Toulouse để thông báo cho các anh em biết cha và Đức cha Foulques đã được Đức Giáo hoàng hỗ trợ. Các ngài nhận thấy đề nghị của Đức Giáo hoàng là sáng suốt : Củng cố và mở rộng. Xây dựng một cộng đoàn tu trì hợp pháp. Cha Tugwell viết : “Đó không phải là cuộc khủng hoảng mà Đức Innocente gợi lên, nhưng là một sự mạo hiểm. Một nhóm nhỏ những người giảng thuyết đang cố gắng thực hiện lý tưởng của Đức cha Diego tại miền Nam nước Pháp được thách thức trở thành một dòng giảng thuyết mang tầm quốc tế.”[6] Tuy nhiên, sứ vụ của cha Đa Minh, khi được mở rộng, cũng thêm phức tạp. Cha đến Rôma với suy nghĩ là cha đã có một hội giảng thuyết, nên chỉ cần sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng là có thể trở thành một ordo praedicationis ổn định. Nhưng bây giờ, cha phải bắt đầu lại. Nếu năm 1215 chứng kiến cha Đa Minh nhận lời khấn của những anh em đầu tiên ở Toulouse cũng như hành trình của cha Đa Minh và Đức cha Foulques tới Rôma, thì năm 1216 sẽ đặt ra những thách thức mới và những quyết định xa hơn.

Phải chăng cha Đa Minh muốn rằng dòng tu mới thiết lập ở Toulouse sẽ được gọi là dòng của những người giảng thuyết ? Cha Tugwell cho rằng không có bằng chứng về điều này, mặc dù khi đọc tác phẩm của cha Giođanô, người ta cảm thấy như thế (Libellus, số 40). Chẳng riêng cha Đa Minh hay Đức cha Foulques đã dùng cụm từ chính xác là ordo praedicatorum, nhưng chỉ nói đơn giản là praedicatio (việc giảng thuyết). Chính cha Đa Minh nói về mình là praedicationis humilis minister (tôi tớ hèn mọn của việc giảng thuyết). Đức cha Foulques nói về một ordo praedicationis. Sau này, cả cha Đa Minh và Đức cha Foulques đều được gọi là magister praedicationis. Khi yết kiến Đức Innocente vào năm 1215, có lẽ cả hai vị đã nghĩ đến cụm từ ordo praedicationis, với nghĩa là một thể chế ổn định, nhưng không như một dòng tu.[7]

Đâu là tác động thực sự của năm 1215 lên cha Đa Minh ? Cha đã hài lòng vì sự cam kết của anh Phêrô và Thomas Seilhan cũng như sự giúp đỡ của Đức cha Foulques. Nhưng hơn thế, như cha Tugwell nói, sau những lần yết kiến Đức Innocente, “việc mở rộng ordo praedicatorum mà Đức Innocente đề nghị là điều gì đó lớn hơn nhiều so với điều Đức cha Foulques và cha Đa Minh thỉnh nguyện. Làm sao một nhóm nhỏ anh em giảng thuyết ở Toulouse có thể phù hợp với một kế hoạch lớn lao như thế ?[8] Tuy nhiên, chúng ta nối kết các bằng chứng với nhau, vào tháng Giêng năm 1216, cha Đa Minh và Đức cha Foulques lên đường trở về Toulouse đem theo công trình phải được thực hiện.

Năm 1216

Nếu năm 1215 là năm vừa đầy thách thức, vừa ích lợi đối với cha Đa Minh, thì bầu khí năm 1216 cùng như thế. Năm 1215, cha Đa Minh chuyển tâm điểm giảng thuyết từ Fanjeaux/Prouilhe tới Toulouse, nhận lời khấn của một số anh em giảng thuyết, và được tặng một ngôi nhà làm nơi ở cho cha và anh em. Cha cũng được Đức cha Foulques chính thức công nhận là một nhà giảng thuyết cho giáo phận, và được tháp tùng Đức cha tới Rôma, để các ngài có cơ hội yết kiến Đức Innocente. Đức Giáo hoàng khích lệ cha suy nghĩ vượt khỏi giáo phận Toulouse và thiết lập một dòng tu có sứ vụ giảng thuyết, và vì thế chọn một tu luật hầu việc thiết lập mới phù hợp với những quyết nghị gần đây của Công đồng Latêranô. Tâm trí cha Đa Minh phải bừng cháy trên đường trở lại Toulouse qua ngả Prouilhe, nơi cha chia sẻ tầm nhìn mới với anh em. Tháng Năm năm 1216, các anh em tập họp để xác định tu luật họ muốn theo. Không rõ họ tập họp ở Toulouse hay Prouilhe. Một tu luật cũng được đưa ra cho các nữ đan sĩ ở Prouilhe nữa. Trong tháng Bảy, Đức cha Foulques trao nhà nguyện thánh Romain ở Toulouse để các anh em giảng thuyết sử dụng. Sau đó, các anh em có một nhà thờ trong thành phố, làm cho họ có chỗ đứng vững chắc và chính thức trong giáo phận. Một nội vi và các phòng được xây dựng để anh em sử dụng, và anh em có thể di chuyển khỏi khu vực nhỏ tại nhà anh Phêrô Seilhan. Tất cả mọi sự đang diễn ra tốt đẹp, thì ngày 16 tháng Sáu, Đức Innocente III, người trợ giúp và cộng tác của cha Đa Minh, băng hà.

Chúng ta hãy trở lại một chút với Bá tước Raymond thành Toulouse, một người không dễ bị ép buộc, và Bá tước Montfort. Người ta có thể mô tả Bá tước Raymond là một nhà “chính trị” với nghĩa tiêu cực của từ này, một con người sẵn sàng đứng trung lập để tìm kiếm ích lợi. Lúc này ông là người Công giáo, lúc khác lại thân thiện với Cathar, nên lòng trung tín của ông không dễ nhận ra. Ông bị cáo buộc, nhưng không có bằng chứng, là người có trách nhiệm trong vụ ám sát Peter Castenau. Có lẽ ông đã muốn vậy, nhưng thật khó nói rằng ông đã hành động. Thực tế là, việc ông có lập trường của một người theo lạc giáo Cathar, hoặc không dứt khoát, cho thấy lạc giáo Cathar là một lực lượng đáng sợ ở Toulouse. Giống như Fanjeaux, Toulouse cũng là thành lũy của Cathar. Lạc giáo đã bám rễ sâu. Đức Innocente chưa muốn tuyệt thông Raymond, nhưng vì sức ép ngài phải làm như thế, và ngài làm như thế hơn một lần nữa với Raymond, và luôn bằng tâm tình thương xót. Vì thế, giáo phận của Đức cha Foulques bị đặt dưới lệnh cấm ; không được ban các bí tích và không được giảng thuyết đức tin Công giáo. Nhưng cũng có sự thay đổi. Mặc dù Công đồng Latêranô muốn tước hết tài sản của Raymond, nhưng Đức Giáo hoàng muốn giữ lại một số cho con trai và người thừa kế hợp pháp của ông. Từ Công đồng, Bá tước Montfort cai trị Toulouse, và vì thế, sứ vụ của các anh em giảng thuyết được bảo vệ. Ngày 7 tháng Năm năm 1216, Montfort ép buộc dân chúng Toulouse thần phục. Ông chưa bao giờ là bạn của quân thập tự chinh. Dù thân thiện với Montfort, cha Đa Minh đã không nhờ ông để có sự hiện diện của cha ở đây. Cha biết ơn Đức cha Foulques và Phêrô Seilhan về điều đó. Mặc dù Dòng Anh Em Giảng Thuyết ghi nhớ ngày thành lập năm 1216, nhưng tu sĩ đầu tiên đặt tay khấn dòng trong tay cha Đa Minh năm 1215 –đó là anh Phêrô Seilhan, tại nhà của anh ở Toulouse, cũng là cơ sở anh trao cho cha Đa Minh sau đó.

Cha Đa Minh và các anh em quyết định, và cha phải để anh em biết điều gì xảy ra ở phía trước, dù chính cha không biết rõ ràng. Đối với anh em, đó là giây phút sợ hãi hay vui mừng ? Điều này nghĩa là gì ? Vì bây giờ, anh em vẫn thi hành nhiệm vụ tại giáo phận Toulouse. Nhưng những người lý tưởng hóa –và bây giờ, chính cha Đa Minh cũng là một người trong anh em– nhận thấy công việc của anh em dưới ánh sáng mới. Giấc mơ của bà Gioanna đang trở thành hiện thực : tiếng kêu [sủa] của tu sĩ này sẽ được cả thế giới nghe biết. Tất nhiên, ở điểm này, chính anh em không nghĩ phải rời khỏi nơi anh em đã cảm thấy như là nhà mình. Anh em không nhất thiết mơ ước được gửi đi xa. Nhưng trước hết, anh em chọn một tu luật cho mình, tuy vẫn cần được Đức Giáo hoàng phê chuẩn dứt khoát, nhưng chắc chắn anh em sẽ được ngài giúp đỡ. Anh em dễ dàng đồng ý chọn tu luật thánh Âutinh làm luật sống cho mình.

Cha Đa Minh biết rằng, ước muốn của cha cần phải đi Rôma để xin Đức Innocente phê chuẩn theo thẩm quyền. Không có lý do gì để nghĩ điều này sẽ bị từ chối –trừ biến cố Đức Innocente III băng hà ngày 16 tháng Bảy. Các anh em đã chọn theo tu luật thánh Âutinh. Đó là tu luật cha Đa Minh đã quen sống ở Osma. Anh em thêm vào tu luật đó những luật lệ khác nữa, tức consuetudines – tập tục, ảnh hưởng từ truyền thống Prémontré.[9] Nhưng, lúc đó Đức tân giáo hoàng lên ngôi.

* Cha Đa Minh và Đức Hônôriô III

Thật khó mà dự đoán, nhưng những cuộc gặp của cha Đa Minh với Đức Hônôriô diễn ra suôn sẻ. Cha Đa Minh cần xin Đức Giáo hoàng đẩy nhanh tiến độ và ban cho những bảo đảm chắc chắn.

Đức Hônôriô là vị giáo hoàng mà cha Đa Minh sẽ liên hệ trong những năm tháng còn lại của cuộc đời cha. Cha sẽ tìm thấy sự giúp đỡ nơi Đức Giáo hoàng tương tự như nơi Đức Innocente. Đức Hônôriô đã ban hành nhiều văn thư hoặc tài liệu liên quan đến việc giảng thuyết và Dòng. Cuối cùng, Đức Hônôriô đáng được ghi ơn khi ban cho dòng mới của cha Đa Minh ấn dấu thẩm quyền của Tòa thánh, làm cho Dòng thuộc quyền giáo hoàng. Đây là điều cần thiết cho những năm tới, khi Dòng gặp và tiếp tục gặp sự chống đối từ phía các giám mục, đan sĩ, và hàng giáo sĩ triều.

Các nhà phê bình sẽ tự hỏi xem làm sao thể chế mới này có thể được gọi là “Đời sống tu trì”. Họ không phải là các đan sĩ. Họ không có đan viện, thế nên không vĩnh cư. Những điều này được thay thế bởi cái gọi là lữ hành. Cần lưu ý là, thực tế, Đức Giêsu đã không có nơi gối đầu. Những người hành khất này dường như lang thang trong dân chúng để xin ăn, và xem hành khất là điều gì đó đáng tôn trọng. Họ xuất hiện như những kẻ hành khất lang thang. Tuy nhiên, họ lại được Đức Giáo hoàng công nhận. Đức Hônôriô phê chuẩn thể chế này, và những người hành khất lữ hành được ban tình trạng pháp lý từ năm 1216 – ngày chính thức thiết lập Dòng những người giảng thuyết.

Đức Hônôriô III. Cencio Savelli sinh ở Rôma, được dân Rôma yêu mến, và là người đã phân phát nhiều tài sản của mình cho người nghèo. Ngài đã là thành viên của hồng y đoàn thời Đức Innocente III, và là người chịu trách nhiệm sắp xếp nghị trình của Đức Giáo hoàng. Ngài được bầu kế vị Đức Innocente ngày 18 tháng Bảy năm 1216, hai ngày sau khi Đức Innocente từ trần, và phục vụ cho đến năm 1227. Giống như vị tiền nhiệm, ngài thể hiện một vai trò quan trọng trong chính trị tại châu Âu, chia sẻ mục tiêu lấy lại Đất Thánh và cải cách Giáo hội. Năm 1216, với sắc lệnh Religiosam vitam, ngài châu phê dòng của cha Đa Minh. Ngài cũng châu phê dòng Phan Sinh năm 1223 và Cát Minh năm 1226. Năm 1220, ngài đội vương miện cho Frederich II làm hoàng đế La Mã.

Tình hình có vẻ phức tạp hơn. Công nghị hồng y cần được tổ chức, và Hồng y Ugolino tham dự. Ngày 22 tháng Mười Hai năm 1216, Đức Hônôriô III phê chuẩn dòng mới của cha Đa Minh. Nhưng việc phê chuẩn sứ vụ của Dòng là sứ vụ giảng thuyết thì chưa chắc chắn, trong khi chờ thêm các quyết định của cha Đa Minh và Hồng y Ugolino.

Sự phê chuẩn được Đức Hônôriô được ban hành ngày 21 tháng Giêng năm 1217. Sắc lệnh của Đức Giáo hoàng hay tài liệu phê chuẩn Dòng năm 1216 được gửi tới cha Đa Minh, bề trên tu viện thánh Romain ở Toulouse, và tới các anh em của cha, cả trong hiện tại và tương lai.[10] Lúc đó, trong các tài liệu chính thức, Dòng vẫn được nhìn nhận như một dòng của các kinh sĩ, nhưng với quyền mở rộng. Bây giờ, cha Đa Minh và các em rõ ràng trở thành một dòng tu. Tuy nhiên, theo cách diễn đạt của bản văn 1216, chưa có bất kỳ sự công nhận sứ vụ của Dòng như là praedicatio. Rõ ràng, cha Đa Minh đã được Đức tân giáo hoàng giúp đỡ, cộng tác với cha, như Đức Innocente đã làm. Phải có tới hơn 60 sắc lệnh hoặc tài liệu ủng hộ trong những năm trước khi cha Đa Minh từ trần. Cha nhận được rất nhiều sự tín nhiệm. Ngày 21 tháng Giêng năm 1217, Đức Hônôriô đã gửi một trong các tài liệu này đến các anh em giảng thuyết (praedicatoribus). Căn tính và sứ vụ giảng thuyết được nhìn nhận. Tháng Mười Hai năm 1216, Đức Hônôriô III đã phê chuẩn và xác nhận dòng những người giảng thuyết thuộc giáo phận do cha Đa Minh thiết lập là một ordo religiosa. Tháng Giêng năm 1217, ngài xác nhận việc giảng thuyết là lý do hiện hữu (raison d’être) của Dòng. Anh em phải là praedicatores –những người giảng thuyết.

Như vậy, Đức Hônôriô là người đầu tiên thực sự nói đến dòng mới thiết lập là một dòng của những người giảng thuyết, và ban tất cả sự phê chuẩn cần thiết. Trong một sắc lệnh của Đức Giáo hoàng năm 1218, Đức Hônôriô minh nhiên xác định Dòng là Ordo Praedicatorum (Dòng của những người giảng thuyết). Điều này có vẻ như lần đầu tiên xuất hiện trong các hồ sơ. Mặc dù, trong Libellus (số 40) cha Giođanô nhấn mạnh rằng cha Đa Minh đã muốn danh hiệu này, nhưng dường như không chắc chắn. Về điều này, cha Đa Minh và Đức cha Foulques chỉ sử dụng cụm từ ordo praedicationis. Cha Tugwell bình luận : “Nhờ Đức Hônôriô, dự phóng được Đức cha Diego ấp ủ trước tiên, rồi được Đức cha Foulques nhận ra, được Đức Innocente định hình, và được cha Đa Minh thực hiện, đã nhận được vị trí như một ordo praedicatorum trong Giáo hội hoàn vũ.”[11] Mặc dù, đây có lẽ là một vấn đề phân biệt chẳng có gì khác, vì đối với cha Đa Minh, vấn đề luôn chỉ là praedicatio –việc giảng thuyết. Đối với cha, luôn phải là việc giảng thuyết, chứ không phải người rao giảng, là người không bao giờ bước vào con đường của Lời.

Hồng y Ugolino. Sau khi Đức Hônôriô III từ trần năm 1227, và trước đó cha Đa Minh đã qua đời, Hồng y Ugolino, một người cháu của Đức Innocente, đắc cử giáo hoàng, và nhận tước hiệu là Grêgôriô IX. Khi còn là hồng y, ngài rất thân thiết với cha Đa Minh, và có lẽ chính ngài là hồng y mà năm 1215, Đức Innocente đã sai cha Đa Minh đến để tham khảo ý kiến. Đức Grêgôriô IX chính thức thiết lập Tòa tra giáo hoàng hoặc trung cổ. Ngài phong thánh cho thánh Phanxicô Assisi năm 1228 và thánh Đa Minh năm 1234. Năm 1233, ngài thiết lập trường đại học ở Toulouse.

Năm 1217

Dòng đã được phê chuẩn ngày 22 tháng Mười Hai năm 1216, với căn tính là Dòng của những người giảng thuyết được nhìn nhận ngày 21 tháng Giêng năm 1217. Tháng Hai, cha Đa Minh rời Rôma và về tới Toulouse vào tháng Ba. Cha tập trung anh em để chia sẻ tin vui. Trước khi rời Rôma, cha đã có buổi trò chuyện với William Montferrat, và các ngài ước muốn cùng nhau giảng thuyết giữa dân ngoại ở phía Bắc. Sau khi trở về Toulouse trong mùa xuân, cha cũng đã chia sẻ kế hoạch phân tán anh em. Sau đó, cũng trong năm này, cha lại lên đường đi Rôma. Những gì mà Osma đã đem lại cho cha Đa Minh trong việc huấn luyện khởi đầu ; Prouilhe, Fanjeaux, và Toulouse cho việc huấn luyện sau đó, thì bây giờ là Rôma. Hành trình cuộc sống đưa cha từ làng quê Caleruega tới giáo đô Rôma.

Một số sự kiện trong cuộc đời cha Đa Minh có vẻ như mang tính truyền thuyết hơn là lịch sử xác định, thì cuộc gặp gỡ giữa cha với William Montferrat ở Rôma đầu năm 1217 không giống như thế, sự kiện này được chứng minh bằng tư liệu. Không bao lâu sau khi Dòng được phê chuẩn, cha Đa Minh bắt đầu cố gắng tuyển mộ. William đến Rôma vào mùa Chay và đang ở với Hồng y Ugolino. Điều này giúp cha Đa Minh có thể gặp anh. Thời gian sau, các vị trở nên bạn hữu – một lần nữa cho thấy khả năng kết bạn của cha Đa Minh. Rồi William quyết định gia nhập sứ vụ mà cha Đa Minh đang hết lòng ấp ủ. Anh và cha Đa Minh đã trao đổi với nhau về việc giảng thuyết. Lòng nhiệt thành với Tin mừng của cha Đa Minh nổi lên giữa tất cả các công việc mà cha buộc phải đảm nhận nhân danh Dòng mới mà cha vừa thiết lập. Cả hai vị đều đồng ý rằng William cần học hành và nghiên cứu thêm thần học. Vì thế, William sẽ đi Paris để học trong hai năm. Sau đó, các vị sẽ gặp nhau và cùng nhau rao giảng Tin mừng cho vùng dân ngoại ở phía Bắc. Điều đó đã không xảy ra, nhưng một tình bạn thiêng liêng đã được tôi luyện theo nghĩa là thi hành sứ vụ chung. William là một trong những người đầu tiên được tuyển mộ sau khi Dòng được phê chuẩn.

Cam kết với William cho thấy cha Đa Minh không chỉ nhận ra ơn gọi của mình như là nhà giảng thuyết giữa những người lạc giáo, nhưng hơn thế, giữa những kẻ không tin nữa. Tinh thần truyền giáo đó đã thúc đẩy cha. Lúc đó, có lẽ cha quyết định để râu, dù không chắc chắn khi nào cha đã làm điều đó, và trong thời gian bao lâu.[12] Dường như, tận đáy lòng, cha Đa Minh là một nhà truyền giáo, và có lẽ đúng hơn, là một nhà giảng thuyết. Cha đã đi cùng với Đức cha Diego trong lần đầu tiên yết kiến Đức Innocente năm 1206, và Đức cha Diego muốn từ chức giám mục để rao giảng Tin mừng giữa dân Cumans thần bí.[13] Chính khao khát này của cha Đa Minh cũng khó ước đoán. Trong khi, sau đó cha Đa Minh dành nhiều thời gian trong vùng Cathar, cách tự nhiên, cha bị lôi cuốn vào việc giảng thuyết chống lại lạc giáo, vì đó là bối cảnh cha nhận thấy mình trong đó. Nhưng cha luôn khao khát ơn cứu độ các linh hồn, và không chỉ dành cho bất kỳ nhóm riêng biệt nào. Lòng nhiệt thành mà bây giờ cha Đa Minh và William chia sẻ lại cho thấy sự rộng mở nơi tầm nhìn và ơn gọi của cha. Cha Tugwell viết : “Cha Đa Minh khát khao ơn cứu độ cho mọi người và muốn hoàn toàn hiến mình vì điều ấy, ngay cả phải chịu tử đạo”,[14]“lòng nhiệt thành của cha Đa Minh vì ơn cứu độ của kẻ không tin, rõ ràng không giới hạn vào bất kỳ nhóm dân riêng biệt nào.”[15] Cha cũng có lòng nhiệt thành ấy cho dân Cumans.

Cha Đa Minh cũng mơ ước theo những hướng khác, đồng thời sử dụng tài năng của mình cho việc quản trị, và kế hoạch chiến lược. Làm sao để Dòng mới có thể mở rộng việc rao giảng ra khỏi Languedoc ? Các anh em đã được củng cố vững chắc ở Prouilhe. Tuy nhiên, tình hình chính trị ở Toulouse đang bất ổn. Chỗ đứng của Simon de Montfort ở đó đang lung lay. Điều gì sẽ xảy ra cho việc giảng thuyết nếu một lần nữa Toulouse không chống cự được sự kiểm soát của những người có cảm tình với Cathar ? Đó có thể là điểm kết thúc của điều mới bắt đầu. Nơi cha Đa Minh, tầm nhìn về một sứ vụ mang tầm thế giới cùng với nỗi âu lo về vận mệnh khả thể của Toulouse, đã đưa đến quyết định phân tán anh em một khi Toulouse không còn là thành lũy duy nhất nữa. Cha tập trung anh em tại tu viện thánh Romain để thông báo quyết định.

* Đại phân tán

Ngày càng có nhiều người xin gia nhập với cha Đa Minh. Một số người là nam giáo dân, số khác là các kinh sĩ từ Osma, và số khác nữa là các tu sĩ thuộc dòng khác. Năm 1215, đã có các anh William Claret, Noel, Vitalis, Phêrô Seilhan, Thomas thành Toulouse, William Raymond, Gioan Navarre, và một anh Đa Minh khác quê ở Tây Ban Nha. Tất cả các anh này đã được nói đến ở trên. Bây giờ, trong năm 1217, có thêm anh Mátthêu người Pháp, đã từng là kinh sĩ thuộc nhà thờ Castres ; những người từ Castile –trong đó có anh Mamés, bào huynh cha Đa Minh, cũng như anh Miguel de Ucero quê gần Osma, anh Miguel de Espana, Pedro de Madrid, và Gomez. Các anh khác mới gia nhập gồm Lawrence người Anh ; Odier, là tu huynh quê Normandie ; và Bertrand Garrigues quê Toulouse. Sau này, gia đình anh Bertrand đã hiến cho Dòng cơ sở để lập tu viện tương lai ở đó, khi tu viện thánh Romain trở nên quá nhỏ. Chính cha Đa Minh cuối cùng cũng đã chính thức rời khỏi kinh sĩ đoàn Osma. Quyết định của cha Đa Minh có ảnh hưởng đến tất cả anh em. Niềm vui cha mang về từ Rôma bây giờ hòa trộn với nỗi buồn sắp phải chia cách và ra đi. Không phải mọi anh em đều cảm thấy thuyết phục và hài lòng, cả Đức giám mục cũng thế. Hướng nào có thể gây thảm họa, vẫn cùng nhau ở lại Toulouse hay chịu phân tán ? Cha Đa Minh tin rằng phân tán là khôn ngoan.

Có rất nhiều trình thuật về thị kiến cũng như những siêu nghiệm của cha Đa Minh, nhưng một trong các thị kiến đáng tin cậy hơn là thị kiến về cái chết sắp đến của Simon de Montfort. Cha Giođanô mô tả thị kiến này như sau :

Năm 1217, dân Toulouse nổi loạn chống lại Bá tước Montfort, một sự kiện mà cha Đa Minh, người của Thiên Chúa, đã nhìn thấy trước trong tâm trí. Cha thấy thị kiến về một cây cao, đẹp ; trên nhánh cây có nhiều chim chóc sinh sống. Sau đó, cây này bị đổ và chim chóc trên cây phải bay đi. Được tràn đầy Thánh Thần Chúa, cha Đa Minh nhận ra rằng lãnh chúa vĩ đại và vị vọng –Bá tước Montfort, vị bảo trợ của nhiều người dân, chẳng bao lâu nữa sẽ qua đời. Sau khi cầu xin Chúa Thánh Thần, cha Đa Minh triệu tập anh em và thông báo quyết định phân tán anh em đi khắp thế giới, dù số lượng còn ít. Cha không muốn tất cả anh em sống cùng nhau ở đây thêm nữa. Lời thông báo phân tán đột ngột này làm cho anh em ngạc nhiên, lòng tin vào uy quyền rõ ràng mà sự thánh thiện nơi cha đem lại, đã làm cho anh em sẵn sàng chấp nhận điều cha nói, vì anh em hy vọng rằng tất cả sẽ dẫn tới kết quả mỹ mãn (Libellus, số 46-47).

Thời gian không còn ủng hộ cha nữa. Nếu chúng ta lấy mốc năm 1173 là năm sinh của cha, thì bây giờ cha đã 44 tuổi – còn trẻ theo tiêu chuẩn của thời đại chúng ta, nhưng ở thế kỷ XIII thì không. Chiến tranh vẫn đang diễn ra. Cha Đa Minh không chỉ lo việc giảng thuyết, mà còn cả việc tổ chức nữa. Quyết định phân tán anh em vừa để bảo vệ, cũng là để mở rộng việc giảng thuyết. Tình hình chính trị ở Toulouse đang biến động. Cha Đa Minh giải thích giấc mơ như là có liên hệ với cái chết gần kề của Simon de Montfort, một thiên tài quân sự, dù là người tàn bạo, cũng đã từng là ân nhân của cha, và cũng là người tổ chức thập tự chinh biến Toulouse thành một thành phố Công giáo. (Thực tế, Montfort bị giết khoảng một năm sau, vào ngày 13 tháng Mười Hai, năm 1218). Điều gì sẽ xảy ra khi Simon qua đời ? Nếu Toulouse quay trở lại lạc giáo Cathar, thì một lệnh cấm có thể được áp đặt cho thành phố. Như thế, việc giảng thuyết sẽ ra sao ? Cách duy nhất để cứu nỗ lực còn non nớt là phân tán. Một nhà chép sử thời đó ghi nhận rằng : “Hạt giống tích trữ thì sẽ hư hỏng, nếu phân tán, nó sẽ sinh hoa kết trái.”[16]

Tháng Tám năm 1217, ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, theo một số sử liệu, giây phút phân tán thực sự đã đến. Khó mà xác định sự kiện này diễn ra ở Toulouse hay Prouilhe, nhưng không khó để xác định nơi các anh em được sai đến – đó là các thành phố lớn ở châu Âu và các đại học. Trước hết là Paris, tiếp đó là Madrid, và cuối cùng là Bologna. Anh em được sai đi như các môn đệ xưa kia – và không phải luôn sẵn lòng chấp nhận, mà lại phản kháng. Tuy nhiên, cha Đa Minh đã thể hiện tài năng quản trị và xin anh em bầu một bề trên. Anh Mátthêu người Pháp được chọn. Anh được gửi tới Paris. Anh mang tước hiệu viện phụ, và cho tới năm 1220, giữ tước hiệu “viện phụ tu viện thánh Romain”, và thi hành chức vụ đó theo nghĩa là bề trên. Tước hiệu “viện phụ” chỉ được sử dụng duy nhất lần này trong lịch sử Dòng Đa Minh.[17] Rõ ràng, cha Đa Minh là người mà anh em đã và sẽ tuyên khấn, nhưng nếu có điều gì đó xảy ra cho cha, thì Dòng vẫn tiếp tục.

Hai nhóm được sai tới Paris, trung tâm thần học của châu Âu. Ở đó, một trường đại học được thiết lập, và năm 1200 được Đức Innocente III, cựu sinh viên của trường, ban đặc quyền. Đây là lần đầu tiên có loại hình trường như thế. Danh tiếng lẫy lừng của trường lôi cuốn cha Đa Minh chú ý đến như là nơi Dòng cần hiện diện. Nhóm đầu tiên bao gồm các anh Mátthêu người Pháp, Bertrand Garrigues, Gioan Navarre, và Lawrence người Anh. Nhóm thứ hai bao gồm anh Mamés – bào huynh cha Đa Minh, Miguel de Espana, và anh tu huynh Odier. Các anh em khởi hành cùng ngày, nhưng nhóm thứ hai đến trước, vào ngày 12 tháng Chín. Nhóm thứ nhất đến vào ba tuần sau. Bốn anh khác cũng được gửi đến Tây Ban Nha, quê hương cha Đa Minh, gồm : Pedro de Madrid, Gomez, một anh Đa Minh khác người Tây Ban Nha, và Miguel de Ucero. Còn các anh quê Toulouse thì vẫn ở lại tu viện thánh Romain. Đó là các anh Phêrô Seilhan, là người trước đây đã đến Paris và sau này thiết lập một cộng đoàn ở Limoges ; anh Thomas người Toulouse ; và có khả năng anh William Raymond nữa, nếu anh chưa qua đời… Có rất ít ghi chép về anh. Vì thế, Toulouse không bị bỏ quên. Anh Noel là bề trên, anh William Claret là quản lý ; và có thể anh Vitalis, nếu còn ở Toulouse, thì sống tại Prouilhe.

Không phải mọi sự đều suôn sẻ. Tâm tư đau buồn vì mối liên hệ thắt chặt anh em đang bị xé ra là điều hoàn toàn tự nhiên. Anh em đã hình thành một cộng đoàn. Anh em cũng đã hiến mình thực thi việc giảng thuyết tại nhà thờ thánh Romain. Một số anh em nhận ra sự khôn ngoan nơi quyết định của cha Đa Minh, nhưng không phải tất cả. Điển hình là anh Gioan Navarre quyết liệt kháng cự. Ngay từ ban đầu anh không sẵn sàng ra đi, cũng không sẵn sàng ra đi dưới mọi hoàn cảnh, nghĩa là như một người hành khất. Đối với cha Đa Minh, điều này không bao giờ là một chọn lựa. Tuy nhiên, bắt buộc hành khất chỉ được đặt ra cho anh em bởi quyết định ở Toulouse. Tài liệu phê chuẩn Dòng từ Rôma bỏ ngỏ vai trò của hành khất trong việc mở rộng Dòng. Đối với cha Đa Minh, đó là một khoảnh khắc cảm động. Phải chăng ngoại lệ ở đây sẽ tạo ra một tiền lệ và biện minh cho việc giảm nhẹ khó nghèo vốn là bằng chứng và nội dung mang tính Tin mừng của việc giảng thuyết ? Tuy nhiên, cha Đa Minh đã nhượng bộ và trao cho anh Gioan 12 đồng bạc, cha cảm thấy yên tâm vì sáu anh em khác đi tới Paris, và điều này sẽ không trở thành tục lệ. Khi biết được sự phát triển ở Toulouse, và có lẽ do đề nghị của anh em tại tu viện thánh Romain, cha Đa Minh đã lên đường đi Rôma vào giữa tháng Mười Hai, sau khi gặp Đức cha Foulques để sắp đặt các công việc liên quan đến các anh em ở Toulouse.

Năm 1218

Cha Đa Minh lên đường đi Rôma giữa tháng Mười Hai năm 1217. Dòng đã được phê chuẩn, căn tính của anh em là praedicatores được xác nhận, và việc phân tán đã hoàn thành. Bây giờ, việc tổ chức thêm nữa là cần thiết. Anh em ở tu viện thánh Romain tại Toulouse đã thực sự bước vào vũ đài thế giới. Cha Đa Minh phải đối diện với công việc này, cũng như chính cha không còn nhiều thời gian dành cho việc giảng thuyết, vốn là mối tình đầu, là ơn gọi của cha. Năm 1218 chứng kiến nhiều hoạt động, thậm chí chúng ta không thể cùng lúc dừng lại tại nơi mà cha Đa Minh đã đi qua.

Khoảng tháng Giêng hoặc tháng Hai năm 1218, cha Đa Minh đi bộ tới Rôma, và bây giờ hăng hái hơn với đời sống hành khất và lữ hành mà việc giảng thuyết mời gọi, một lần nữa, cha gặp Đức Hônôriô và nhận thêm thư giới thiệu của Đức Giáo hoàng cho sứ vụ của anh em. Một trong các thư này, đề ngày 11 tháng Hai năm 1218, là sắc lệnh đầu tiên giới thiệu với các giám mục “các tu sĩ Dòng Anh Em Giảng Thuyết, với sứ vụ và lối sống tu trì hữu ích, mà chúng tôi tin Thiên Chúa hài lòng.”[18] Đây là lần đầu tiên cụm từ ordo praedicatorum chính thức được gán cho Dòng. Công đồng Latêranô đã khuyến khích các giám mục lưu ý trách nhiệm giảng thuyết của họ, nhưng trong thư giới thiệu này, các giám mục được chỉ thị, không chỉ tự mình giảng thuyết, mà còn phải chấp nhận các anh em Dòng Giảng Thuyết nữa.

Trong thời gian ở Rôma, anh Gioan Navarre, người đang theo học ở Paris và một người anh em khác có tên là Bertrand đến để tường trình về các anh em ở Paris. Anh Đa Minh (khác) và anh Miguel de Ucero trở về từ Tây Ban Nha cảm thấy chán nản với những cố gắng của anh em ở đó. Tất cả các anh em này được gửi tới Bologna để thiết lập một cơ sở. Bertrand và Gioan được gửi đi trước, vào cuối tháng Giêng ; còn Miguel và Đa Minh (khác) đến sau đó, khoảng cuối tháng Ba đầu tháng Tư. Sau này, khi chính cha Đa Minh rời Rôma và dừng lại ở Bologna trên đường về Tây Ban Nha, ít nhất anh Gioan Navarre và anh Đa Minh (khác) tháp tùng cha trên hành trình này.[19] Cũng tại Bologna, đáp lời cầu nguyện của cha Đa Minh, hai thiên thần đã cung cấp bánh ăn cách lạ lùng.

Cha Đa Minh cũng đã nhận anh Reginald quê Orléans vào Dòng và sai anh đến Bologna làm đại diện cho cha. Anh Reginald đã từng học tại đại học Paris, và dạy giáo luật ở đó trong 5 năm, rồi được chỉ định làm niên trưởng kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa Orléans. Trong thời gian hành hương Đất Thánh, anh dừng lại ở Rôma, và gặp cha Đa Minh. Lối sống của cha đã thuyết phục anh nhập Dòng. Khi anh bệnh nặng, cha Đa Minh đã cầu nguyện cho anh được chữa lành. Theo cha Giođanô, người được nghe chính cha Đa Minh thuật lại câu chuyện, thì Đức Maria đã hiện ra với anh Reginald và nói : “Ta xức chân con bằng dầu thánh, để chân con sẵn sàng lên đường loan báo Tin mừng bình an” (Libellus, số 57). Sau khi từ Đất Thánh trở về, Reginald đi tới Bologna, là trung tâm đại học lớn thứ hai và cũng là nơi có phân khoa giáo luật quan trọng nhất. Anh tới đó vào ngày 21 tháng Mười Hai năm 1218. Một trong những người mà Reginald thu hút vào Dòng khi anh được sai tới Paris sau này, là anh Giođanô Saxônia. Anh Reginald qua đời năm 1220, một năm trước khi cha Đa Minh an nghỉ. Cha Đa Minh quý trọng anh như một trong những người tuyệt vời nhất mà cha tuyển chọn.

Có lẽ trong tháng Năm, cha Đa Minh rời Rôma sau khi đã hoàn thành công việc tại đó, và thực hiện điều mà ngày nay chúng ta gọi là kinh lý. Cuối năm 1218, đúng theo thị kiến của cha, Bá tước Simon de Montfort bị tử thương trong trận chiến tại Toulouse. Đó là thời điểm ý nghĩa đối với cuộc thập tự chinh, đối với Toulouse và đối với Dòng. Chắc chắn, cha Đa Minh hài lòng vì quyết định phân tán anh em. Dù những chi tiết về giai đoạn này khó có thể khẳng định, nhưng cha Vicaire cho rằng, cha Đa Minh đã thăm Bologna trên đường từ Rôma rời nước Ý, rồi cha đi qua Provence và dừng lại ở Prouilhe. Có lẽ trong thời gian này, cha cũng đã sửa đổi lối sống của chị em ở đó để thích hợp hơn với tục lệ của Anh Em Giảng Thuyết khi các chị em đã phát triển. Sau đó, cha tiếp tục lên đường đi Toulouse. Cuối tháng Bảy, thành phố này không còn bị vây hãm nữa, và vì thế trở thành nơi an toàn. Tuy vậy, thật khó xác định chính xác hành trình mà cha Đa Minh đã đi, phần nhiều chỉ phỏng đoán mà thôi.[20]

Terminus ad quem (điểm đến) của cha Đa Minh trên hành trình trình từ Rôma là Tây Ban Nha, quê hương của cha, cùng với việc giảng thuyết và anh em ở đó. Chúng ta không biết cha trở về Caleruega, Palencia hay Osma.[21] Nếu cha Đa Minh đã ở Osma những năm sau ngày Đức cha Diego qua đời, có lẽ cha đã không hoài niệm quê hương. Điều chúng ta biết là cha đã thiết lập các nhà tại Madrid và Segovia vào thời gian đó. Ở Madrid, chỉ có một nhóm nhỏ anh em. Cha Đa Minh cũng đã trao áo dòng cho một số phụ nữ và giao phó cho anh em, trái với lịch sử nhà Prouilhe, các chị em được thiết lập trước, và sau đó cộng đoàn anh em được liên kết. Đây là nguồn gốc của nữ đan viện ở Madrid, mà sau đó cha Đa Minh đã viết thư cho chị em, và là lá thư duy nhất của cha còn lưu lại cho chúng ta. Anh Đa Minh (khác), từ Tây Ban Nha, là socius của cha Đa Minh trên hành trình, được đặt phụ trách anh em và chị em. Sau đó, năm 1219, khi cha Đa Minh tới Paris để “kinh lý”, cha gửi bào huynh Mamés từ đó tới Madrid. Lá thư cha Đa Minh viết cho các chị em ở Madrid nhắc đến anh Mamés là “người anh em thân mến nhất của chúng ta.”

Trên những hành trình của mình, cha Đa Minh không chỉ chú ý tới anh em, chính thức hóa hoặc thiết lập lối sống tu trì cho những người nam cũng như cho các chị em mới được thu phục, mà cha còn đặc biệt lưu tâm đến sứ vụ Lời. Trước hết và trên hết, cha là một praedicator –nhà giảng thuyết. Vì thế, cha đã đến Segovia vào cuối tháng Mười Hai. Cha giảng thuyết không chỉ bằng tiếng Latinh, nhưng còn bằng tiếng bản địa nữa.[22] Có nhiều người mới được tuyển mộ, một nhà được dâng tặng, một tu viện được thiết lập, tất cả minh chứng cho sức mạnh nơi lời giảng của cha Đa Minh. Nhà tại Segovia được xem như tu viện đầu tiên của Anh Em Giảng Thuyết được thiết lập tại Tây Ban Nha, khi nhà ở Madrid trước đó rất lâu đã trở thành nữ đan viện với một số ít anh em làm mục vụ cho họ. Cha Giođanô mô tả vắn tắt sự kiện này như sau :

Năm 1218, Tổng quyền Đa Minh đi tới Tây Ban Nha. Tại đó, cha thiết lập hai nhà, một ở Madrid –bây giờ là nữ đan viện, và một nhà ở Segovia –là nhà đầu tiên của anh em ở Tây Ban Nha. Năm 1219, cha trở lại Paris, ở đó, cha thiết lập một cộng đoàn khoảng 30 anh em (Libellus, số 59).

Theo câu cuối cùng, các anh em phát triển nhanh hơn chúng ta cảm nhận. Vì thế, những cuộc thăm viếng của cha Đa Minh là cần thiết. Không chỉ cha Đa Minh là người thu phục, mà các anh em cũng làm việc này khi đến nơi mới. Thậm chí ở Segovia, trước khi cha Đa Minh đến, đã có một số anh em ở đó rồi.

Năm 1219

Chúng ta không biết chắc chắn cha Đa Minh rời Tây Ban Nha đi Paris vào thời điểm nào. Đó có thể là một ngày trong những tháng đầu năm 1219. Trong hành trình này, cha lại đi qua miền Nam nước Pháp, và xem xét những vấn đề của anh em ở Toulouse, cũng như của đan viện và tu viện tại Prouilhe. Những anh em ở đây đang lâm vào khó khăn. Đây là chuyến viếng thăm Toulouse cuối cùng của cha. Vào cuối tháng Năm hay đầu tháng Sáu, cha rời Toulouse đi Paris. Cùng đi với cha có anh Bertrand, là người từ Paris đến gia nhập cộng đoàn Toulouse. Khi các ngài đến tu viện thánh Giacôbê, có khoảng 30 anh em trẻ đang chờ gặp và chào đón cha. Một anh em người Pháp là Mátthêu và một vài anh em nữa vừa mới gia nhập. Cha Đa Minh có đặc sủng và hết mực yêu mến đời sống chiêm niệm, điều này được ghi nhận từ những ngày cha sống ở Osma. Việc cha được kêu mời sống hành khất ngày càng rõ ràng hơn kể từ năm 1211, và nhất là trong suốt những năm cuối đời. Vào năm 1218, sau chuyến viếng thăm Rôma, cha lên đường đi giảng thuyết cũng như thăm mục vụ các anh em ở Madrid, Segovia, Toulouse, Paris và Bologna. Việc giảng thuyết còn kéo dài suốt năm 1219 và những năm sau đó.

Cha Đa Minh đã trở thành một người du thuyết, chiêm niệm, cầu xin lương thực vật chất của dân chúng và lương thực thiêng liêng của Chúa, cầu xin lòng thương xót của Chúa và anh em. Cha vừa là con người chiêm niệm vừa là con người du thuyết. Không chỉ vậy, cha còn kết hợp cả hai làm một. Đây là bức chân dung về đời sống nội tâm cũng như vẻ bề ngoài của cha, một sự kết hợp hài hòa, làm nổi bật một con người mang theo sứ vụ cầu nguyện, một nhà truyền giáo sống đời chiêm niệm. Vì cha luôn “lưu động”, cho nên thật khó mà biết chính xác chi tiết về những nơi cha đến trong những năm cuối đời. Từ Paris, cha lại lên đường đi Bologna, và chúng ta không biết chắc chắn cha dừng chân ở đâu, cha giảng ở đâu dọc đường đi, hay những ý định của cha về các điểm loan báo Tin mừng cũng như các nhà dành cho việc giảng thuyết thánh. Ước mơ mà trước đây cha có lần chia sẻ với Đức cha Diego và Đức Thánh cha Innocente đang dần được hé lộ. Ước mơ đó ngày càng dần trở thành hiện thực trong hai năm sau đó. Cha Đa Minh là một nhà rao giảng Tin mừng, một người hộ sinh, một dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Cha là người đầy tớ khiêm tốn phục vụ việc giảng thuyết. Bốn thế kỷ sau, khi viết tự truyện, thánh Inhaxiô đã có suy nghĩ gì về chân dung của thánh Đa Minh và thánh Phanxicô, bởi lẽ ngài viết : “Đâu là điều thánh Phanxicô và thánh Đa Minh đã từng làm mà tôi cần phải thực hiện ?”[23] Ngài đã ao ước chính ngài là thánh Đa Minh, hoặc thánh Phanxicô. Ngài cũng được mời gọi để sống chiêm niệm ngay giữa những hoạt động.

Có lẽ cha Đa Minh đã đến Paris vào tháng Sáu năm 1219. Tu viện thánh Giacôbê đã đóng vai trò trọng yếu trong thời kỳ lịch sử sơ khởi của Dòng. Đây không chỉ là một cộng đoàn có đời sống kỷ luật, nhưng còn là một nhà học. Tu viện này là tiền thân của trường đại học Paris. Tại Paris, cha Đa Minh liên lạc được với anh Mátthêu, với bào huynh của ngài là anh Mamés và cả những anh em khác trong nhóm anh em tiên khởi, mà cách đây chừng 2 năm, cha đã sai họ đến ; cha cũng liên lạc được với anh Phêrô Seilhan, lúc bấy giờ đang ở Pháp, cũng như với những người anh em mới gia nhập Dòng, chẳng hạn một anh em người Đức đầu tiên là Henry Marsburg. Vào một dịp nọ, lúc đang giảng thuyết, cha gặp anh Giođanô Saxônia. Anh có một niềm tin nơi cha Đa Minh, nhưng bấy giờ chưa sẵn sàng gia nhập Dòng. Sau này anh Reginald Orléans đón nhận anh Giođanô và người bạn của anh là Henry vào Dòng. Cũng vào thời điểm này, cha Đa Minh trao tu phục cho anh William Monferrat, là người cha đã có dịp gặp vào năm 1217 ở Rôma và nói chuyện về việc giảng thuyết trong tương lai. Anh William bấy giờ đã hoàn tất hai năm thần học, nên anh được đồng hành với cha đến Bologna. Phải thực hành việc hành khất như thế nào vẫn là một vấn đề được anh em đưa ra bàn luận ở Paris, nhưng về sau đã được giải quyết nhờ vào việc tuân giữ kỷ luật cách chặt chẽ hơn.

Bất cứ đến đâu, khi gặp anh em, cha Đa Minh nói những lời khích lệ, tiếp tục công việc giảng thuyết và sẵn sàng thành lập những cơ sở mới. Ở Paris, cha lại chọn cách phân tán anh em ra đi. Ở đó đang có khoảng 30 anh em sống cùng nhau. Trước đây, những anh em ở đó đã đến Orléans để thiết lập cơ sở rồi, nên bây giờ cha sai anh Mamés đi Madrid, anh Phêrô Seilhan đi Limoges. Có thể chính lần này, một vài anh em được sai đến Rheims. Có lẽ cha đã thảo luận với anh Mátthêu về khả năng đưa anh Reginald trở lại Paris, nhờ đó cha có thể đến Bologna được. Cha Đa Minh ở lại Paris chưa tới một tháng, nhưng đó là thời gian đem lại nhiều lợi ích cho Dòng, rồi cha lên đường đi Bologna vào khoảng giữa tháng Bảy. Anh William Monferrat là một trong những anh em đi cùng cha đến Bologna cũng như sau này đến Viterbo và Rôma.

Tại Bologna, cha Đa Minh và các anh em cùng đi với cha được tiếp đón một cách nồng hậu không thua kém Paris. Ở đây, anh em cũng có một cộng đoàn lớn và một tu viện gắn liền với nhà thờ thánh Nicolas Vines dưới sự coi sóc của cha Reginald. Kể từ ngày 21 tháng Mười Hai năm 1218, cha Reginald đã đến và giúp cho cộng đoàn Bologna được phát triển. Cha Giođanô nhận định về việc giảng của cha Reginald và coi cha là một vị ngôn sứ Êlia mới xuất hiện giữa họ (Libellus, số 58). Cha Đa Minh sai cha Reginald đi Paris, tại đây, cha sẽ tiếp nhận anh Giođanô và anh Henry vào Dòng. Sau này, khi anh Mátthêu hỏi xem liệu cha Reginald có tiếc nuối khi chấp nhận nếp sống nghiêm ngặt của Dòng Anh Em Giảng Thuyết hay không, thì cha trả lời rằng : “Tôi thường hay tự hỏi liệu tôi có công trạng gì trong việc này chăng, bởi lẽ tôi luôn cảm thấy thực sự hạnh phúc được sống trong Dòng” (Libellus, số 64). Hẳn nhiên, cha Đa Minh rất vui khi thấy rằng cha Reginald đã luôn luôn nghiêm túc tuân giữ đời sống khó nghèo.

Được dâng tặng ngôi giáo đường thánh Nicolas, nhưng anh em muốn có thêm một mảnh đất để xây cất tu viện. Ông Pietro Lovello, chủ của mảnh đất đó lại không muốn bán. Thế nhưng, chị Diana Andalò, người cháu của của ông, vốn là người bạn thân thiết của anh em, sau khi nghe cha Reginald giảng thuyết, đã thuyết phục được ông nội của mình bán đất cho Dòng. Vào ngày 14 tháng Ba năm 1219, ông đã bán thửa đất của mình cho anh em, và áp dịp lễ Phục sinh, anh em có thể chuyển đến sống tại đó. Vì thế vào cuối tháng Tám, lúc cha Đa Minh và một vài anh em đến thì họ đã hiện diện ở đó rồi. Cha Đa Minh thấy ấn tượng về nguồn lực ở đó : nhiều anh em mới gia nhập ; trong số đó, có nhiều người đang là sinh viên, cũng như một số anh em đã là cử nhân về giáo luật ; trường đại học của anh em chỉ xếp sau trường đại học Paris ; cũng như một tu viện đã được thành lập. Cha quyết định chọn Bologna làm nơi cư ngụ, ngoại trừ những lần cần phải đi Rôma hoặc phải đi giảng thuyết tại các địa phận lân cận. Cha Đa Minh vừa là người du thuyết, vừa là người chiêm niệm.

Mới đến không được bao lâu, cha Đa Minh cũng được hân hạnh gặp chị Diana Andalò. Chị bị thu hút bởi con người và sự thánh thiện của cha. Ngay trước lúc cha Reginald lên đường tới Paris, chị được tuyên khấn vâng phục trong tay cha Đa Minh, mặc dù lúc ấy chưa có đan viện hoặc tu viện nào cho chị em tại Bologna. Tuy vậy, đó là bước khởi đầu để thiết lập đan viện thánh Agnes ; cho đến khi cha Đa Minh qua đời, đan viện này vẫn chưa được xây cất.[24]

Sau này chị Diana trở nên rất thân thiết với cha Giođanô, những lá thư qua lại của hai người trao đổi cho nhau, qua nhiều thế kỷ, là những chứng cứ xác thực cho một tình bạn thiêng liêng.[25] Những gì cha Đa Minh cùng với Đức giám mục Diego thực hiện tại Prouilhe, tại Madrid, cũng đang dần dần được thấy tại Bologna. Chúng ta cần để ý đến sứ vụ của cha Đa Minh dành cho những chị em sống đời sống thiêng liêng sâu sắc. Vào bất kỳ thời nào, lúc đó hay sau này, luôn có một con số đông chị em bước vào đời sống thánh hiến. Cũng tương tự, lạc giáo Cathar cũng có rất đông người theo là phụ nữ. Không bao lâu sau khi cha Đa Minh qua đời, Dòng đối diện với vấn đề phải quan tâm mục vụ cho các chị em. Tuy vậy, điều đáng cho chúng ta quan tâm chính là việc cha đã mở rộng tầm nhìn từ việc thành lập cơ sở đầu tiên tại Prouilhe đến những công việc được thực hiện tại tu viện San Sisto vào năm cuối đời của cha. Các chị em cũng là thành viên trong gia đình cha Đa Minh giống như các anh em.

Giống như tại Toulouse và Paris, cha Đa Minh cũng sai anh em ở Bologna ra đi. Cha sai một số anh em đi giảng tại Bergamo mà trong tương lai đây là cộng đoàn thứ hai của anh em tại Ý ; tại Florence, là nơi hồi tháng Mười Một đã có thấy bóng dáng Anh Em Giảng Thuyết, và rất có thể là cũng trong lần này, anh em được sai đến Milan và Verona. Cha cũng hướng đến việc sai anh em đi miền xa như Scandinavia. Tại cộng đoàn Bologna, đã có hai anh em người Thuỵ Điển. Cũng trong thời gian này cha Đa Minh sai cha Reginald tới Paris, đây không phải là một tin vui đối với các anh em trong tu viện và cả những cư dân trong thành phố. Cha Vicaire viết : “Mối thân tình đã lâu dài và sâu nặng ; vì thế, không thể không đau buồn khi bị chia cắt.”[26] Cha Giođanô viết như sau :

Anh Reginald đã được sai đi Paris. Những đứa con mà anh sinh ra bằng Lời Chúa vô cùng đau đớn, khóc than đêm ngày vì sớm bị chia cắt khỏi bầu sữa dịu ngọt của người mẹ thân quen. Thế nhưng, thánh ý Chúa là điều như vậy cần phải xảy ra ! Một trong những điều đáng ghi nhận về cha Đa Minh, người đầy tớ của Thiên Chúa, là khi cha phân tán anh em ra đi tới những vùng khác nhau của Giáo hội, như đã trình bày ở trên, cha luôn thực hiện với tấm lòng hoàn toàn tin tưởng, không bao giờ ngập ngừng hay do dự, ngay cả khi có người phản đối quyết định của cha. Cha thực hiện công việc của mình như thể cha biết rõ những điều sắp xảy ra trong tương lai, và như thể Thần Khí đã chỉ dẫn cho cha biết phải làm gì nhờ mạc khải. Và ai dám phủ nhận điều này ? (Libellus, số 61-62).

Sau khi đã hoàn tất công việc ở Bologna, cha cùng anh William và một vài anh em khác đi Viterbo qua ngả Florence. Từ tháng Mười, Đức Thánh cha Hônôriô và giáo triều đang có một cuộc họp. Muộn nhất là vào ngày 11 tháng Mười Một, cha đã có mặt tại Viterbo để đệ trình lên Đức Hônôriô hai thỉnh nguyện. Thứ nhất, cha muốn Đức Thánh cha viết thư giới thiệu với các giáo sĩ triều, yêu cầu họ phải đón nhận và trợ giúp cho sứ vụ giảng thuyết của anh em, bởi vì đã bắt đầu xảy ra những tranh chấp giữa các giáo sĩ triều và anh em hành khất. Thứ hai, cha muốn khẩn cầu với Đức Thánh cha cho việc hành khất được chính thức đưa vào hiến pháp của Dòng. Cả hai thỉnh nguyện của cha đều được chấp thuận. “Sắc chỉ về việc hành khất” được ban vào ngày 12 tháng Mười Hai, và được phổ biến tới từng nhà của Dòng. Cha Đa Minh muốn xem xét khả năng lập nhà tại Rôma và trình bày với Đức Thánh cha về vấn đề khó khăn lập đan viện San Sisto. Vì thế, vào khoảng tháng Mười Hai, cha lên đường đi Rôma. Nhưng trước khi tìm hiểu vấn đề căng thẳng ở tu viện San Sisto, chúng ta hãy cùng nhau lưu tâm đến Dòng và việc hành khất của Dòng, bởi vì hành khất và khó nghèo tự nguyện là trọng tâm trong chiến lược loan báo Tin mừng của cha Đa Minh.

* Hành khất và Anh Em Giảng Thuyết

Tuân giữ nếp sống khó nghèo và hành khất theo nhãn quan của cha Đa Minh trong việc giảng thuyết thánh thể hiện tính liên tục và canh tân.[27] Khó nghèo Tin mừng, ngay từ đầu, được nằm trong kế hoạch của cha Đa Minh và Đức giám mục Diego. Tầm quan trọng của nó đối với cha có thể được nhận thấy trong ước muốn và di chúc cuối cùng trước khi cha qua đời. Mặc dù không có một tài liệu chính xác nào ghi chép lại những gì cha trăng trối trước khi qua đời, nhưng cuộc đời của cha là một lời suy ngẫm sâu sắc : “Hãy sống bác ái, khiêm tốn và tuân giữ đức khó nghèo tự nguyện.”[28] Thế nhưng, cách thức tuân giữ khó nghèo chỉ được thực hành giữa những ngày ở Fanjeaux và Toulouse, những ngày ở Toulouse đến các Tổng hội kế tiếp của Dòng diễn ra sau đó tại Bologna, khi chính Dòng tự canh tân và đối mặt với những thử thách mới chưa từng có trước đây. Quay lại năm 1206, người giảng thuyết phải đi bộ, không mang theo tiền bạc, hành khất của ăn và chỗ trọ. Mỗi lần, anh em chỉ được ăn xin đủ cho một ngày mà thôi, dù rằng đây không phải là một khoản luật khắt khe. Hội giảng thuyết không được sở hữu, và cũng không cần đến của cải tài sản. Anh em sống dựa vào của người ta bố thí. Đối với cha Đa Minh, đó không chỉ là bắt chước Đức Kitô và các tông đồ mà còn là sự giải thoát, “để công việc giảng thuyết không bị một trách nhiệm hay một lo lắng nào cản trở” (Libellus, số 42).

Tuy nhiên, nhờ có ngôi nhà anh Phêrô Sheilhan dâng tặng và hội giảng thuyết được xem là một thể chế nằm trong giáo phận Toulouse, bây giờ cha Đa Minh đã có được một nơi cho anh em sống, có được nguồn trợ cấp, chăm lo khi anh em ốm đau, hoặc dành cho việc nghỉ ngơi những lúc không ở trên đường. Vì lý do này, một vài hình thức thu nhập và dâng cúng cho cộng đoàn của anh em là rất cần thiết và sẽ mang lại ích lợi cho việc giảng thuyết. Anh em hy vọng các giám mục sẽ dùng các nguồn lực có sẵn để giúp đỡ. Đức giám mục Foulques ở Toulouse trích ra một phần sáu hoa lợi thu được từ các giáo xứ trong giáo phận. Đây cũng là một kiểu bố thí, nhưng chỉ được áp dụng cho các tu viện ở Toulouse. Vì là những nhà giảng thuyết lưu động, anh em không được mang theo tiền bạc, mà xin của bố thí và sống dựa vào lòng hảo tâm của người khác. Bởi đó, vào năm 1215, công việc giảng thuyết của anh em tại Toulouse đã đối mặt với những chuyện mà năm 1206, cha Đa Minh và Đức giám mục Diego không gặp phải. Họ cần một ngôi nhà, và giờ đây họ đã có, cho dù đó là nhà của anh Phêrô Sheilhan hay của giáo đường thánh Romain. Cho dù các giám mục dùng tiền quỹ để trợ giúp cho những điểm cố định của anh em, nhưng Anh Em Giảng Thuyết vẫn phải tuân giữ việc hành khất. Thêm vào đó, chẳng mấy chốc nữa sẽ xuất hiện nhu cầu đào tạo tri thức cho các anh em mới gia nhập, để chuẩn bị được sai đi. Việc hành khất phải được áp dụng đến bao giờ ? Khi đã có cơ sở tại Segovia, Paris, Bologna và các nơi khác thì có nên giữ việc hành khất trong nếp sống tu viện nữa không ? Việc hành khất lưu động chưa lúc nào trở thành một vấn đề tranh luận ; việc hành khất trong nếp sống tu viện trở nên một điều mới mẻ cần được nói tới.

Cuộc tranh luận về việc áp dụng lý tưởng đời sống khó nghèo Tin mừng và tuân giữ việc hành khất sẽ lại thấy xuất hiện trong lần phân tán anh em năm 1217. Khi anh Gioan Navarre không muốn đi Paris mà không mang theo gì cả, cha Đa Minh đã do dự, buồn sầu và ân cần cho phép anh mang theo 12 đồng bạc phòng bị cho cuộc hành trình. Đương nhiên, có một quy định chung cho tất cả các dòng, kể cả cho các kinh sĩ, là bề trên phải cung cấp cho anh em lộ phí đi đường. Người ta không chấp nhận việc ăn xin, ăn xin không được coi là góp phần vào cuộc đấu tranh mà các anh em hành khất đang thực hiện, khi làm cho lối sống của họ trở nên đáng tin cậy. Lúc này Dòng chưa có điều luật nào quy định, và thực tế khi đó Dòng cũng không phải là một dòng chính thức. Ở Toulouse, anh em đang sống nếp sống kỷ luật của các kinh sĩ theo tu luật thánh Âutinh. Tuy nhiên, cái nhìn của cha Đa Minh thật rõ ràng. Anh Mátthêu và các anh em ở tu viện thánh Giacôbê tại Paris muốn được thảo luận và xem xét vấn đề. Trước đây, những anh em đó đã sống trong cảnh “khó nghèo bần cùng”, rồi nhờ lòng quảng đại của các vị ân nhân, họ được “dâng tặng” giống như ở tu viện thánh Romain. Điều này giúp anh em có thể mua sách vở, quần áo và những thứ cần thiết để chăm sóc anh em đau yếu. Tuy nhiên, đôi khi anh Mátthêu cũng phải nhượng bộ, để anh em cỡi ngựa hoặc thỉnh thoảng được mang theo tiền. Có lẽ cha Đa Minh cũng làm vậy khi kinh lý anh em tại Paris vào năm 1219. Điều đã khiến cha trăn trở là làm thế nào việc hành khất có thể được tuân giữ một cách phổ biến ? Liệu lý tưởng và cách thực hiện của cá nhân cha có thể trở thành nền tảng căn bản cho sự xuất hiện một cơ sở vững chắc hơn không ? Tại Paris, có một số người chống đối cha về đường lối ngày càng triệt để hơn về nếp sống khó nghèo.

Cha Đa Minh phải đối mặt với những thử thách tương tự khi cha đến Bologna ; tại đây, cha đã từ chối lòng quảng đại dâng cúng của cải, dù cha và cha Reginald đồng tâm nhất trí về vấn đề khó nghèo. Không được sở hữu của cải, chỉ được giữ một ít khoản tiền dâng cúng làm tiền quỹ, phải sống dựa vào của bố thí. Nhưng tại Tổng hội sau đó, việc hành khất sẽ được đưa vào tiến trình thảo luận. “Sắc lệnh về hành khất” của Đức Thánh cha Hônôriô như cha thỉnh nguyện vào hồi tháng Mười Hai trước đó, đã hợp thức hóa việc giữ nếp sống hành khất đối với anh em, nhưng không mang tính bắt buộc. Đây là một lựa chọn chính anh em phải thực hiện. Thuật ngữ “khó nghèo hành khất” lúc đó vẫn chưa được áp dụng trong đời sống anh em. Đức Thánh cha đã nói về việc giảng thuyết “nơi sự bần cùng của đời sống khó nghèo tự nguyện.”[29]

Quay lại tu viện thánh Giacôbê, khi nghe cha Đa Minh nói lại những lời của Đức Thánh cha, anh em quyết định rằng cộng đoàn sẽ “giao phó sự chăm lo cuộc sống hiện tại và tương lai cho Thiên Chúa quan phòng”.[30] Lần này, cũng như chuyện đời sống khó nghèo theo Tin mừng làm cha Đa Minh suy nghĩ, đề nghị của Đức Hônôriô liên quan đến tu viện San Sisto giờ đây cũng khiến cha lo lắng.

* Đan viện San Sisto

Đức Thánh cha Hônôriô là một trong những người chính trợ giúp cha Đa Minh. Ngài đang gặp phải một khó khăn mà ngài cho rằng cha Đa Minh có thể giúp giải quyết. Đức cố giáo hoàng Innocente III đã mong muốn thành lập một đan viện tại Rôma, quy tụ những chị em thuộc các đan viện đang xuống cấp hoặc không nghiêm túc tuân giữ luật lệ. Đức Hônôriô đã muốn thực hiện việc này, nhưng mãi vẫn chưa thành. Và bây giờ, có vẻ như đã tìm được người thích hợp cho công việc đó. Một ngôi giáo đường (thánh đường San Sisto) được cung hiến cho thánh Sisto II, vị thánh giáo hoàng tử đạo vào thế kỷ III, sẽ được chọn làm nơi lập đan viện. Đan viện Prouilhe có thể là kiểu mẫu và những anh chị em ở Prouilhe và Fanjeaux cũng có thể đến giúp đỡ. Theo Đức Thánh cha, đây có thể là một tu viện cho các nữ đan sĩ, nhưng cũng có thể là cơ sở cho anh em nữa. Điều này cũng đã diễn ra tại Prouilhe. Vào cuối năm 1219, cha Đa Minh và một số anh em đã đến sống tại ngôi thánh đường đó với mục đích là xây cất một tu viện. Cha phải mất rất nhiều công sức để biến mảnh đất đó thành một tu viện nhiệm nhặt hơn dành cho các nữ đan sĩ, để quy tụ những chị em theo đuổi mục đích đó, đặc biệt là những phụ nữ từ Santa Maria del Tempulo, là những đan sĩ mà cha đã quen biết trước đây. Cha Đa Minh buộc phải rời Rôma trước lúc hoàn thành việc quy tụ các nữ đan sĩ tại San Sisto. Nhưng cha sẽ trở lại vào năm 1221.

Năm 1220

Đến cuối tháng Hai, năm 1220, cha Đa Minh viết thư gửi các anh em tại Tây Ban Nha, Pháp và Ý, cũng như những anh em xa hơn, hướng dẫn anh em chọn ra các đại biểu tham dự Tổng hội Bologna. Vào ngày 17 tháng Năm năm 1220, lễ Hiện xuống, sẽ diễn ra Tổng hội đầu tiên của Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Cũng trong thời gian này, cha được tin cha Reginald đã qua đời tại Paris. Ơn lãnh đạo của cha Đa Minh ngày càng được tỏ hiện ra. Cha vẫn tiếp tục công việc tổ chức cũng như tiếp tục sứ vụ giảng thuyết. Sắc lệnh ngày 17 tháng Hai năm 1220, thừa nhận cha Đa Minh là prior ordinis praedicatorum –bề trên Dòng Anh Em Giảng Thuyết hay bề trên Dòng Giảng Thuyết. Trước thời điểm đó, cha Đa Minh là người điều hành Dòng bằng thẩm quyền luân lý, bằng tình thương dành cho anh em, và là đấng sáng lập được công nhận. Tước hiệu này không chỉ cho thấy Đức Thánh cha tin tưởng vào cha Đa Minh, mà còn đem lại cho cha quyền tài phán và định đoạt. Các nhà khác nhau trong Dòng được “kết hợp lại với nhau” như thế nào và giữa các nhà phải có mối quan hệ với nhau ra sao, có thể sẽ là những vấn đề trong nghị trình cho Tổng hội sắp tới.

Tổng hội là công cụ quản trị tối cao. Đó là một kiểu quản trị dân chủ, nhưng không theo nghĩa hiện đại. Lối quản trị này có lẽ giống kiểu nghị viện hơn, không mới mẻ trong lịch sử tôn giáo, nhưng được điều chỉnh cho thích hợp với những nhu cầu của anh em. Đó không phải là một cuộc gặp gỡ tất cả mọi anh em. Điều này là không thể được. Các đại biểu được chọn ra từ các nhà, các miền sao cho toàn Dòng đều được hiện diện và được tham khảo ý kiến. Những anh em này họp lại với nhau để bàn bạc và đưa ra luật lệ, chỉ định và bầu chọn. Những người được bầu ra tại các Tổng hội là bề trên đứng đầu quản trị – hoặc giám tỉnh của mỗi Tỉnh Dòng hoặc miền. Mỗi Tỉnh Dòng đến lượt mình, sẽ lập ra một số tu viện, và các thành viên trong tu viện đó sẽ bầu ra bề trên của mỗi tu viện (anh trưởng).[31]

Vào khoảng tháng Ba, cha Đa Minh trở về Viterbo. Cha sai anh em đi Verona và Milan và được thông tin về việc thành lập cơ sở tại Palencia. Cha đã trải qua những ngày tháng sinh viên tại đây, và giờ đây thành phố này chuẩn bị có thêm một trường đại học, giống như tại Paris và Bologna. Vào ngày 16 tháng Năm, sau một thời gian dừng chân tại Florence, cha tiếp tục lên đường đến Bologna để tham dự Tổng hội. Gần 30 đại biểu đến từ Madrid, Segovia, Provence và Paris. Đã ba năm họ không được gặp nhau. Trong nhóm các anh em đến từ Paris, có cha Giođanô Saxônia là người được cha Reginald tuyển mộ và mới tuyên khấn cách đó vài tháng.

Kể từ đây, câu chuyện về cha Đa Minh là câu chuyện về Dòng và về cha Đa Minh như đấng sáng lập Dòng. Đây là cách chúng ta rất thường nhớ đến cha. Người ta yêu cầu phải kể đầy đủ về cuộc đời của cha, nhưng đó lại không phải là toàn bộ con người của cha. Sứ vụ giảng thuyết đã tiến triển nhanh chóng vượt quá mong đợi ban đầu của cha. Bây giờ là lúc cần phải thực hiện việc tổ chức. Cha Đa Minh không khao khát điều gì hơn ngoài việc trở nên một nhà giảng thuyết, một người anh em giữa các anh em, thế nhưng trách nhiệm này được trao phó cho cha và cha đã đón nhận. Tổng hội toàn Dòng năm 1220 tại Bologna đã bắt đầu thực hiện những gì Thần Khí đang hoạt động cho Dòng. Tổng hội là một cuộc họp huynh đệ giữa các đại biểu đang nắm quyền lãnh đạo, để thi hành cả quyền lập pháp lẫn hành pháp. Trong thực tế, một trọng trách chính của Tổng hội là điều hành cuộc bầu cử và bổ nhiệm các vị trí. Trong Tổng hội 1220 này, công việc đầu tiên cần thực hiện là soạn thảo hiến pháp Dòng. Tu luật thánh Âutinh, bản chỉ dẫn chung cho mọi mặt của đời sống anh em, cùng với các “tục lệ” (consuetudines) được truyền lại từ năm 1216 đã giúp ích rất hiệu quả cho công việc đó, thế nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng cho một phong trào đang phát triển mang tầm mức quốc tế.

* Tổng hội năm 1220

Mục tiêu đầu tiên của cuộc họp các đại biểu toàn Dòng là giải quyết những khó khăn về cách tổ chức cơ cấu mà Dòng đang phải đối mặt, và theo quan điểm của cha Đa Minh, để xem xét vai trò của cha trong việc hình thành Dòng. Nhận thấy sức khỏe của mình giảm sút, cha mong được lui lại phía sau, cho dù giờ đây quyền hành luân lý và tình thương của cha dành cho anh em mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người ta kể lại rằng cha nói với anh em : “Cha đáng bị bị cách chức, vì cha thật vô dụng và không tuân giữ luật nghiêm ngặt.”[32] Có lẽ, theo cha “vô dụng” nghĩa là sức khỏe giảm sút, và “không tuân giữ luật nghiêm ngặt” nghĩa là cha không còn nhiều năng lực như trước đây nữa. Đây quả là cách nói khiêm nhường thực sự về chính mình. Anh em từ chối đề nghị của cha. Họ không thể tưởng tượng nổi viễn cảnh Dòng mà không có cha Đa Minh làm lãnh đạo. Chính cha đã sinh ra hội thánh thuyết và duy trì sự lớn mạnh của tổ chức đó. Trước đề nghị của cha, anh em lại bầu chọn cha. Quyền bính của cha, cũng như quyền bính của các vị Tổng quyền sau này, không phải do sự phê chuẩn của Đức Thánh cha, nhưng xuất phát từ chính bầu cử, từ Tổng hội và từ phía anh em.[33]

Khi đưa ra quyết định này, cha Đa Minh đã thiết lập một cơ cấu gồm các thành viên gọi là giám định viên, là những vị sẽ chịu trách nhiệm xem xét công việc của Tổng hội.[34] Đang lúc hội họp, Tổng hội là cơ quan điều hành tối cao, trở thành cơ quan lập pháp. Khi Tổng hội kết thúc, cha Đa Minh, hay vị Tổng quyền Dòng, sẽ giữ vai trò điều hành pháp lý. Điều này có nghĩa là quyền hành đã được phân chia. Những gì Tổng hội đã quyết định không còn gọi là “tục lệ” (consuetudines) nữa, nhưng là “thể chế” (institutiones), về sau được gọi là “hiến pháp” (constitutiones). Những khoản hiến pháp được Tổng hội đưa ra buộc phải tuân giữ như thế nào ? Cha Đa Minh đã tin tưởng dự trù luật miễn chuẩn, và đã được tham dự viên Tổng hội thông qua. Quy định thì bắt buộc phải thực hiện, nhưng vị bề trên “có quyền miễn chuẩn cho anh em trong tu viện của mình, nếu thấy có lợi cho anh, đặc biệt là những việc được xem là cản trở việc học hành, giảng thuyết, hay lợi ích của các linh hồn, bởi vì ngay từ ban đầu, Dòng chúng ta được thành lập là để lo cho việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn.”[35] Bên cạnh quyền miễn chuẩn của các bề trên, luật của Dòng không buộc thành tội, khác với tu luật thánh Biển Đức. Bởi thế, Dòng có hai công cụ quản trị : Tổng hội là cơ quan lập pháp, và vị đứng đầu Dòng phối hợp cùng các bề trên địa phương là cơ quan hành pháp. Đức Thánh cha tiếp tục phê chuẩn cha Đa Minh làm bề trên Dòng (prior ordinis), nhưng anh em lại muốn xem cha là Tổng quyền Dòng (magister) hoặc Tổng quyền của Dòng Giảng Thuyết (magister praedicationis) hoặc Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết (magister praedicatorum). Cha Đa Minh vẫn giữ chức Tổng quyền Dòng, bên cạnh một hệ thống quản trị theo kiểu công hội được thiết lập. Các kỳ Tổng hội diễn ra hằng năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, luân phiên nhau tại Paris và Bologna. Tổng hội năm 1221 sẽ lại được diễn ra ở Bologna, và như thế Tổng hội năm 1222 sẽ diễn ra tại Paris. Trước khi diễn ra Tổng hội 1222, cha Đa Minh đã qua đời. Đang lúc diễn ra Tổng hội, thì Tổng hội là cơ quan quản trị và vị Tổng quyền cũng dưới quyền tài phán của cơ quan này.

Bên cạnh những nguyên tắc tổ chức cơ bản này, Tổng hội còn giải quyết công việc liên quan đến sứ vụ giảng thuyết, việc tuân giữ nếp sống hành khất và nghiên cứu học hành. Những anh em có tài năng giảng thuyết buộc phải có mặt tại Tổng hội để nhận giấy phép giảng thuyết. Những anh em này chỉ được nói với Chúa và về Chúa mà thôi. Họ được miễn trừ khỏi những lo lắng của công việc quản trị, trừ phi không còn ai. Họ không được mang theo tiền bạc bên mình và cũng không được xin người khác giúp đỡ tiền bạc. Anh em chỉ được xin đồ ăn, quần áo hay sách vở. Anh em phải đi từng hai người một với nhau ; Dòng không cho phép anh em đi một mình hoặc cỡi ngựa. Anh em không được nhận bất kỳ tài sản hoặc lợi tức nào. Tổng hội cũng chấp thuận cả việc tuân giữ đời sống du thuyết lẫn hành khất tu viện. Học hành nghiên cứu cũng được lưu tâm đến, vì mục đích này mà chức vụ giám sư sinh viên được chỉ định. Anh em chỉ phải học thần học, không phải học các môn khoa học bên ngoài cũng như triết học. Người giảng thuyết phải không ngừng học hỏi về thần học.[36] Dòng Giảng Thuyết phải là Dòng của anh em sinh viên.[37] Sử gia Tugwell viết : “Vào khoảng đầu năm 1220, Dòng cật lực chuyển đổi các nhà thành trường học với vị giáo thụ riêng của mình.”[38]

Sau Tổng hội, có lẽ cha Đa Minh cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Bây giờ nếu như Chúa gọi cha về, Dòng vẫn có thể tự mình hoạt động. Căn bản cha vẫn là một anh em giảng thuyết, thế nên bây giờ cha có thể tự do quay trở lại công việc giảng thuyết mà không cần bận tâm đến gánh nặng quản trị nữa. Tuy nhiên, vì anh em nài xin, cha vẫn giữ chức Tổng quyền của Dòng Anh Em Giảng Thuyết ; vì thế, cha vẫn còn phải mang theo những trọng trách về Dòng. Khi Tổng hội khép lại vào cuối năm 1220, cha rảo khắp miền Bắc nước Ý, nơi mà lạc giáo Cathar hoạt động rất mạnh và bị chia rẽ thành nhiều nhóm khác nhau. Riêng tại Lombardia, có tới bốn phái Cathar kình địch nhau. Ở Florence, có một nhóm phái Cathar, và thậm chí họ đang tấn công vào Lãnh địa Giáo hoàng.

Thế giới thời Trung cổ thế kỷ XIII, thời cha Đa Minh thực hiện lý tưởng của mình, là một thế giới đang dịch chuyển. Trật tự cũ đang qua đi, nhường chỗ cho trật tự mới đang nảy sinh. Hình thức đời tu mới mẻ nơi các tu sĩ giảng thuyết, hành khất và lưu động đã được điều chỉnh cho phù hợp với trào lưu mới của lịch sử. Không chỉ rất cần rao giảng Tin mừng mà còn cần đến những cơ cấu mới mẻ để phát triển sứ vụ đó. Hơn một thế kỷ qua, đã có những đổi thay nhanh chóng về kinh tế, tăng trưởng về thương mại, tài sản của cải, sự bùng nổ dân số và sự phát triển đô thị. Song song với những điều này là sự phát triển về học thức của người giáo dân, cụ thể là hội Anh em Khiêm hạ, là một phong trào giáo dân đền tội thế kỷ XII kết hợp các tu sĩ và kinh sĩ lại với nhau thành một dòng tu được chấp thuận, họ được biết đến nhờ bộ tu phục giản dị. Sự phát triển về học thức của người giáo dân thường kèm theo thái độ kỳ thị các tu sĩ và chống hàng giáo sĩ, điển hình là nhóm Valdo ; hoặc là lạc giáo, như chúng ta đã thấy nơi lạc giáo Cathar. Các đan viện không còn là nơi duy nhất để học hành. Cùng với sự phát triển của các trường đại học tại các thành phố, chẳng hạn Paris, Bologna, Oxford, ngành thần học kinh viện được xuất hiện. Ngành thần học này, được phát triển nhờ những tác phẩm triết học của Aristotle vừa được chuyển ngữ, tạo nên thế cạnh tranh với ngành thần học đan viện truyền thống. Thành phố, chứ không chỉ nơi hoang vắng, nay trở thành nơi chốn để sống Tin mừng và nếp sống tông đồ. Quả thực, việc loan báo Tin mừng theo cách thức mới sẽ là một thách đố.

Cha Đa Minh giảng thuyết mọi nơi mọi lúc, cha chỉ nói với Chúa và nói về Chúa, không chỉ giảng ở khu chợ búa đông đúc mà còn giảng cho anh em, giảng bằng tiếng Latinh hay thổ ngữ, bằng ngôn ngữ xứ Castile hoặc bằng tiếng địa phương của một vài vùng phía Bắc nước Ý, như trước đây ở vùng Languedoc. Vài nhân chứng còn cho biết cha giảng bằng tiếng Đức nữa. Bất kỳ một cơ hội nào, cha đều kêu gọi dân chúng sám hối, rồi cha ngồi giải tội cho họ, thiết lập các cơ sở mới và làm một số phép lạ nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện. Tại Lombardia, có bốn tu viện : Bologna, Bergamo, Milan và Verona. Tại mỗi thành phố nơi Dòng được thiết lập, một thánh đường giúp cho việc giảng thuyết của anh em thường là do Đức giám mục trao tặng, thế nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về giáo phận, bởi vì anh em không được quyền sở hữu của cải, còn tu viện thì vẫn được duy trì nhờ tuân giữ nếp sống hành khất. Việc hành khất tu viện cũng như hành khất lưu động vẫn phải được thực hiện. Chúng ta không cần vẽ lại chi tiết những bước chân của cha Đa Minh để thấy vào quãng thời gian cuối năm 1220, cha vẫn tiếp tục nếp sống của một tông đồ bước theo Chúa Giêsu. Cuối năm đó, cha lên đường trở lại Rôma.

Năm 1221

Vào cuối tháng Mười Hai, năm 1220 hoặc ít nhất vào giữa tháng Giêng, năm 1221, cha Đa Minh quay lại Rôma để giải quyết một số công việc với Tòa thánh và tiếp tục thiết lập đan viện San Sisto. Tại San Sisto, anh em đã khá ổn định rồi, nhưng cha cần phải sắp xếp để các chị em đan sĩ được chuyển tới đó. Công việc đó không thể hoàn tất nếu các chị em ở Prouilhe không đến trợ giúp. Thế nhưng, có quá nhiều công việc cần phải được giải quyết cùng một lúc. Biến nhà đó thành một đan viện nhiệm nhặt không đơn giản chút nào. Có hai đan viện lớn ở Rôma được hợp nhất lại với nhau thành đan viện San Sisto, đó là đan viện Santa Maria del Tempulo và đan viện Santa Bibiana. Một phần trong kế hoạch của cha Đa Minh để cải tổ nếp sống tu trì của những chị em này là việc tuân giữ nội vi cách nghiêm ngặt. Nhiều chị em phản đối, bởi lẽ trước đây họ không sống như thế ; thế nhưng, lời giảng giải và sự chỉ dẫn thiêng liêng của cha đã thuyết phục được họ. Các đan sĩ từ đan viện Santa Maria del Tempulo sẽ gia nhập đan viện San Sisto và tuyên khấn trong tay cha Đa Minh, cho dù họ chưa được chuyển tới đó.

Tu viện Santa Sabina. Thánh đường và tu viện Santa Sabina tọa lạc trên đồi Aventinô, cho đến ngày nay, vẫn là trụ sở của Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Thánh Sabina tử đạo vào thế kỷ II. Vào thế kỷ V (422-432), thánh đường được cha Phêrô Illyria xây cất để tôn kính, và lưu giữ thánh tích của ngài. Dưới thời Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả, ngôi thánh đường này trở thành một trong những thánh đường chính tại Rôma. Đây là thánh đường cổ nhất còn giữ lại thiết kế đầu tiên. Qua nhiều thế kỷ, các Đức Giáo hoàng có truyền thống đến Santa Sabina để cầu nguyện và xức tro vào ngày thứ Tư lễ Tro. Truyền thống này bị gián đoạn vào thế kỷ XVIII, nhưng được khơi lại vào năm 1960 nhờ Đức Gioan XXIII. Vào năm 1221, Đức Hônôriô III trao tặng thánh đường này cho cha Đa Minh, khi bốn tu sĩ sống tại San Sisto cần chuyển đi. Cho đến ngày nay, ta vẫn có thể tham quan “căn phòng của thánh Đa Minh”, đó là một phòng ngủ nằm sát bên cạnh thánh đường. Đôi khi cha Đa Minh ngủ tại đây, và từ chỗ này, cha có thể âm thầm ra thánh đường để cầu nguyện.

Tuy vậy, các chị em, khi phải di chuyển, cũng đưa ra một điều kiện vì họ nghĩ rằng điều đó ích lợi cho họ. Tại đan viện, họ sở hữu một bức ảnh Đức Trinh Nữ Maria, mà không thể chuyển đi nơi khác. Một dịp trước đây, bức ảnh này đã được Đức Thánh cha Sergiô III chuyển đến thánh đường Lateranô, nhưng sau đó lại “như cánh chim bay qua cửa sổ” về lại đan viện Santa Maria. Bởi vậy, các chị em cương quyết rằng, nếu bức ảnh không chịu di chuyển đến San Sisto, thì họ cũng sẽ không đi. Cuối cùng thì cũng đến ngày phải di chuyển, một cuộc rước ban đêm mang theo bức ảnh đến San Sisto. Hẳn nhiên, bức ảnh đã lưu lại, và vì thế, các chị em cũng ở lại. Tuy nhiên, để các chị em có thể chuyển đi, cha phải lo liệu đủ nơi ở cho các chị em, vì lúc bấy giờ, có rất đông anh em đang sống ở đó. Vì thế, cha đã xin Đức Thánh cha ban cho cha thánh đường Santa Sabina trên đồi Aventinô. Khi anh em chuyển đi, thì chị em cũng mới có thể chuyển đến được. Có 5 chị từ Santa Maria, vài chị từ Santa Bibiana và 8 chị từ Prouilhe. Các chị được trao áo dòng, áo choàng và lúp của chị em Prouilhe và Madrid. Những chị em từ Prouilhe đã sẵn sàng đến để chuẩn bị cho việc định cư. Chị em chuyển đến đan viện mới vào ngày 28 tháng Hai, Chúa nhật thứ nhất mùa Chay.[39] Cha Đa Minh đặt chị Blanche từ Prouilhe làm bề trên và trao cho các chị bản tu luật và hiến pháp Dòng. Một vài anh em ở lại đó để làm tuyên uý cho chị em. Cha Đa Minh mất một thời gian dài đấu tranh hợp nhất các đan sĩ trong đan viện San Sisto, và thiết lập cộng đoàn anh em ở Santa Sabina ; như thế, cha đã hoàn tất công việc cần phải làm ở Rôma. Sau này, tu viện Santa Sabina sẽ trở thành trụ sở của Dòng. Vào khoảng sau ngày 10 tháng Năm, năm 1221, cha Đa Minh rời Rôma đi Bologna để dự Tổng hội ; đây cũng là lần cuối cùng cha rời Rôma.




Cha Đa Minh chú tâm vào việc thiết lập tu viện San Sisto, không chỉ để bày tỏ tấm lòng biết ơn Đức Giáo hoàng, vì tất cả những điều tốt đẹp ngài đã dành cho Dòng ; mà còn để thể hiện sự yêu mến và quý trọng dành cho các chị em. Họ chính là những người hoán cải đầu tiên ở Prouilhe, và cha cùng Đức cha Diego đã lập ra một tu viện cho họ ; rồi ở Toulouse cũng thế. Một đan viện cũng được lập cho chị em tại Madrid khi anh em đã ổn định ở đó. Cha thường để ý đến việc xây cất đan viện cho chị em song song với việc thiết lập cơ sở cho anh em. Bức thư duy nhất của cha mà chúng ta có, được viết vào năm 1220, là bức thư gửi cho các chị em ở Madrid. Cha viết những điều này cho cả anh em nữa. Chúng ta có chứng cớ, ngay cả khi không tồn tại những bức thư như thế. Tại Bologna, cha nhận lời khấn của chị Diana ; thế nhưng, vì nhiều hoàn cảnh ngoài ý muốn, tu viện thánh Agnes mãi đến năm 1223, tức là sau khi cha Đa Minh qua đời, mới được thành lập. Đan viện San Sisto cho thấy khả năng trực giác tài giỏi của cha về vai trò của chị em trong gia đình Đa Minh.

Luật của đan viện San Sisto là bản tu luật các nữ đan sĩ Đa Minh đầu tiên mà chúng ta có. Thủ bản sớm nhất có từ năm 1232.[40] Tuy vậy, chúng ta có thể nhìn vào đó để suy đoán và biết cách tổ chức tại các cộng đoàn Prouilhe, Madrid và San Sisto. Có lẽ mỗi đan viện đều có một cộng đoàn anh em song song, mà vị bề trên của cộng đoàn này sẽ phê chuẩn bề trên do các chị em bầu ra. Sự quan tâm của cha Đa Minh dành cho các chị em được viết ra và lưu lại trong công hàm của đan viện San Sisto : “Anh em thân mến, chúng ta cần phải xây cất các đan viện cho chị em, ngay cả khi làm như vậy sẽ trì hoãn công việc xây dựng các cơ sở của chúng ta.”[41] Thế nhưng, suốt ba năm sau khi cha Đa Minh qua đời, vấn đề này gây ra biết bao tranh cãi, bởi vì số đan viện cho chị em không ngừng gia tăng. Như vậy, “gia đình Đa Minh” đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu. Bên cạnh các anh em linh mục, gia đình Đa Minh còn có các anh em tu huynh. Những nam nữ tình nguyện viên hay các hiệp hội tại Prouilhe đã trợ giúp cho đời sống cộng đoàn của anh em được tốt đẹp. Ngày nay, gia đình Đa Minh bao gồm anh em, các chị đan sĩ, các nữ tu hoạt động, huynh đoàn giáo dân và huynh đoàn giáo sĩ triều.

Khi mà việc xây cất cơ sở cơ bản coi như đã hoàn tất, cha cùng anh William sẵn sàng lên đường đi giảng cho dân ngoại, thì ước nguyện của Đức Thánh cha và mối ưu tư dành cho chị em đan sĩ đã khiến cha phải quan tâm giải quyết các vấn đề Giáo hội. Cuối cùng thì Đức Thánh cha cũng ủng hộ và giúp cha thực hiện ước muốn của mình. Sao cha có thể từ chối được ? Cha không thể không nhớ lại cơ sở đầu tiên tại Prouilhe và chị em đã luôn hỗ trợ anh em tiếp tục việc giảng thuyết như thế nào. Nếu như Giáo hội cần đến cha, cha sẽ lên đường, cho dù phải tạm thời gác lại kế hoạch mà cha và anh William hằng ấp ủ trong lòng, là trở thành những anh em giảng thuyết Lời cho những nơi chưa được nghe loan báo Tin mừng.

Tổng hội năm 1221

Sau khi hoàn tất công việc tại Rôma, cha Đa Minh quay lại Bologna vào cuối tháng Năm, là thời gian diễn ra Tổng hội. Hiến pháp nền tảng đã được soạn thảo vào năm trước đó ; thế nhưng, vì Dòng không ngừng phát triển, cho nên cần được tổ chức chặt chẽ hơn. Khái niệm về các Tỉnh Dòng đã được đưa vào bản hiến pháp năm 1220, nhưng Tỉnh Dòng có ý nghĩa gì, cần phải được tiếp tục bàn thảo thêm. Cũng theo bản hiến pháp năm 1220, cha Đa Minh không còn được gọi là “bề trên Dòng” nữa nhưng là “Tổng quyền Dòng”. Anh Mátthêu đã tham gia Tổng hội năm ngoái với tư cách là bề trên, nhưng vì tên các chức danh liên tục được thay đổi, nên lúc bấy giờ anh là giám tỉnh Tỉnh Dòng Pháp. Những đơn vị trung gian như thế trở nên rất cần thiết vì sự gia tăng con số các anh em giảng thuyết. Việc phát triển Dòng là mối quan tâm đặc biệt của Tổng hội năm 1221.

Tổng hội năm 1221 chỉ thiết lập được 5 Tỉnh Dòng : Tây Ban Nha, Provence, Pháp, Lombardia và Roman. Không lâu sau đó, có thêm Tỉnh Dòng Hungary, Teutonia, Anh – trước đây là những miền mà Tổng hội này quyết định sai anh em đến. Tỉnh Dòng Tây Ban Nha có hai nhà Segovia và Palencia tại Castile cùng một đan viện cho chị em ở Madrid. Tỉnh Dòng Provence cũng có nhà dành cho anh em ở Toulouse, Lyon, Montpellier và một đan viện cho chị em ở Prouilhe. Bên cạnh tu viện thánh Giacôbê tại Paris, Tỉnh Dòng Pháp có thêm các tu viện tại Rheims, Limoges và Poitiers. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Dòng đã mở rộng sự hiện diện của mình ra khắp nơi. Tỉnh Dòng Lombardia tự hào có được 6 nhà, trong đó có tu viện Bologna. Tỉnh Dòng Roman gồm các tu viện Florence, Siena, và Santa Sabina cũng như đan viện San Sisto. Ngoài việc gửi anh em đến Hungary, Scandinavia, Đức và Anh, Dòng còn gửi anh Giaxintô đến Ba Lan để thiết lập một nhà tại Krakow. Công việc giảng thuyết vào năm 1215 là do những anh em được tuyên khấn trong tay cha Đa Minh đảm nhận, cho nên sứ vụ của Dòng phát triển một cách mạnh mẽ ; đến năm 1217, khi cha quyết định phân tán anh em, Dòng phát triển hơn mong ước của cha. Chỉ trong 6 năm, Dòng đã hiện diện khắp châu Âu, với khoảng 20 nhà dành cho anh em, và 3-4 đan viện dành cho chị em,[42] và Tổng hội 1221 hứa hẹn đem lại một sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cơ cấu quản trị căn bản đã hoàn chỉnh, sau này chỉ cần xác lập và làm sáng tỏ thêm.

Thật không dễ dàng biết cách chính xác và cụ thể những năm cuối đời của cha Đa Minh. Thời gian này chỉ tập trung nói đến các Tổng hội diễn ra ở Bologna, những công việc của cha ở Viterbo và Rôma, như việc cha vẫn tiếp tục giảng thuyết, thu nhận thêm các ơn gọi, thành lập các cơ sở mới và quản trị Dòng. Sức khỏe của cha đang suy giảm. Đôi khi, cha bị ốm rất nặng. Có lẽ cha đã linh cảm được sức khỏe của mình đang suy giảm, thấy được đòi hỏi cấp bách đối với những khó khăn trước mắt trong cách tổ chức, nên cha muốn từ chức. Tổng hội kết thúc vào đầu tháng Sáu, năm 1221. Cha Đa Minh tiếp tục sứ vụ loan báo Tin mừng từ Bologna đến cho Venise. Từ Venise, cha trở về Bologna vào ngày 28 tháng Bảy, cha mệt mỏi và ngã bệnh nặng, nên phải nằm một chỗ trên giường bệnh.




* Một vị thánh qua đời

Chúng ta cần dừng lại một chút trước khi tiếp tục suy niệm về sự ra đi của một vị thánh xuất thân từ Caleruega. Cha Giođanô Saxônia, người kế vị cha Đa Minh với tư cách là vị Tổng quyền thứ hai của Dòng, viết lại trong cuốn sách nhỏ của ngài như sau :

Cha Đa Minh đón nhận mọi người với lòng bác ái bao la. Bởi vì cha yêu mến mọi người, nên được mọi người mến yêu. Cha có luật riêng cho mình là vui với người vui, và khóc với người khóc, đầy lòng thương cảm và tận tâm lo cho người khác, đau với nỗi khổ đau của người khác (Libellus, số 107).

Chừng 50 năm sau, cha Stephano Salanhac viết : “Bất cứ người nào đưa ra một lời nhận xét mà không ghen tương đố kỵ thì sẽ nhận ra rằng vị thánh này là một kinh sĩ qua lời tuyên khấn, một tu sĩ qua nếp sống khổ hạnh, một tông đồ qua việc giảng thuyết.”[43] Chúng ta cần lưu ý cha được mọi người thương mến và để Thần Khí dẫn dắt cuộc đời mình như thế nào, cha sống phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa và tận hiến đời mình cho chân lý đức tin của Giáo hội trong sứ vụ loan báo Tin mừng ra sao, và cách cha sống đời chiêm niệm say mê, khiêm nhường và tận tuỵ với người nghèo, khó nghèo tự nguyện, không phải để thăng tiến bản thân, mà luôn luôn cho đi. Dù chưa đến 50 tuổi, nhưng cha không còn sống được bao lâu nữa. Thân xác cha bị hao mòn do những cơn sốt và bệnh kiết lỵ ; thế nhưng, cha vẫn gắng sức tiếp tục trò chuyện với các sinh viên trẻ tại Bologna, với anh em trong Dòng và với các anh em tập sinh trong tu viện thánh Nicolas.

Chừng khoảng tháng Tám, cha không thể đứng dậy được nữa. Khí hậu mùa hè ở tu viện thánh Nicolas không có lợi cho người bệnh, anh em chuyển cha đến tu viện dòng Biển Đức tại Santa Maria, trên một ngọn đồi ở phía Nam ; ở đó khí hậu mát mẻ hơn. Thế nhưng, mọi sự đã quá muộn, không còn thay đổi được gì. Vào sáng ngày 6 tháng Tám, lễ Chúa Hiển Dung, cha Đa Minh gọi cha bề trên Ventura vào.[44] Cha Ventura cùng khoảng 20 anh em từ tu viện Nicolas đã đến tu viện này với cha Đa Minh. Và cha Đa Minh nói với cha Ventura những lời cuối cùng. Cha Giođanô kể lại rằng cha Đa Minh đã tâm sự với anh em những điều rất sâu xa từ tâm khảm mình, mà ngày nay chúng ta coi đó là những giây phút cảm động : “Tôi thú nhận rằng tôi không tránh được yếu đuối là chỉ thích nói chuyện với các thiếu nữ hơn với các chị lớn tuổi” (Libellus, số 92). Sau đó, cha đã lo ngại rằng cha đã làm gương xấu cho các anh em tập sinh. Và rồi, cha xưng tội lần cuối. Cha bề trên Ventura nói với cha rằng nếu cha qua đời tại tu viện Monte Mario này, các đan sĩ muốn cha được chôn cất trong tu viện của họ. Cha Đa Minh kêu lên : “Thiên Chúa muốn tôi được chôn dưới chân của anh em, chứ không muốn tôi được chôn cất ở bất cứ nơi nào khác. Anh em hãy đưa tôi ra ngoài. Hãy để tôi chết ngoài đó, rồi anh em có thể chôn cất tôi trong thánh đường của anh em.”[45] Vì thế, anh em đưa cha trở về tu viện thánh Nicolas.

Đến cuối đời, cha Đa Minh cũng chỉ nghĩ cho người khác, chứ không nghĩ cho bản thân mình. Thấy anh em khóc thương, cha an ủi họ : “Đừng khóc nữa. Cha sẽ đem lại nhiều ơn ích cho anh em khi cha qua đi, hơn là khi sống trên trần gian này” (Libellus, số 93). Đây không phải là sự khiêm nhường giả tạo, mà là một sự xác tín vào sức mạnh chuyển cầu của các vị thánh trên trời. Đó là khoảng thời gian chờ đợi, thời gian của mùa Vọng, trước khi cha Đa Minh được tái sinh nơi thế giới bên kia. Tuy nhiên, lúc này đây, ở cõi trần gian, anh em phải chịu một sự chia cách đau đớn. Cha Đa Minh đã sẵn sàng ra đi. Đến tối hôm đó, cha nói những lời cuối. Cha nói : “Bắt đầu rồi”. Cha biết giờ ra đi của mình đã đến rất gần. Cả cộng đoàn bắt đầu cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin hãy đến trợ giúp cha. Xin chư thánh thiên thần hãy mau đến. Xin đón nhận linh hồn cha mà đưa lên trước tôn nhan Đấng Tối Cao.” Cha Đa Minh trút hơi thở cuối cùng, cánh cửa thiên đàng mở ra đón nhận linh hồn cha.


[1] x. Vicaire, Saint Dominic and His Times, 171.

[2] Về áo dòng của các anh em, x. William A. Hinnebush, The History of Dominican Order, tập 1, (Staten Island, NY : Alba House, 1996), 339-343. Áo dòng, không giống áo của các kinh sĩ, gồm áo chùng trắng, thắt lưng da, áo phép và mũ trắng, cùng với cappa đen. Tràng hạt được thêm vào từ thế kỷ XVI. Theo cha Giođanô (Libellus, số 57), anh Reginald đã được Đức Mẹ cho thấy tu phục của Dòng Giảng Thuyết trong một thị kiến.

[3] Danh tính các môn đệ tiên khởi của cha Đa Minh có thể lẫn lộn do trùng tên (John Navarre, John người Tây Ban Nha), hoặc do chuyển ngữ (John Spain, Juan de Espana).

[4] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 198.

[5] Ibid., 230 ; Tugwell, AFP 65 (1995), 31.

[6] Tugwell, AFP 65 (1995), 35. Trong Dominic and Pope Innocent, 6-35.

[7] Ibid., 23-52.

[8] Ibid., 32.

[9] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 206-212. Simon Tugwell, Hiến pháp tiên khởi Dòng Đa Minh, trong Early Dominicans, 445-470, cho thấy hiến pháp tiên khởi vay mượn và sửa đổi luật dòng Prémontré.

[10] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 220, 225, 240. Về ngày tháng phù hợp với các tài liệu của Tòa thánh phát hành giữa năm 1218 và thời điểm cha Đa Minh qua đời, xem phụ lục VI của cha Vicaire, Saint Dominic and His Times, 418-525. Hồng y Ugolino rõ ràng là người mạnh mẽ ủng hộ cha Đa Minh như Đức Hônôriô.

[11] Tugwell, AFP 65 (1995), 45.

[12] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 227, đề nghị rằng, thời gian này, cha Đa Minh có lẽ đã để râu dài. Sau đó, trong AFP 68 (1998), 68-70, Tugwell viết: “Rất có thể, cha Đa Minh đã để râu dài, ít nhất trong nửa đầu năm 1221, và rõ ràng, cha cũng đã để râu một thời gian trong năm 1219”.

[13] x. chương 2.

[14] Tugwell, AFP 68 (1998), 40.

[15] Ibid., 71. Bàn luận của Tugwell về ý nghĩa lớn hơn của việc loan báo Tin mừng, không chỉ là chiến dịch chống lạc giáo ở miền Nam nước Pháp, x. AFP 68 (1998), 33-85; và 66 (1996), 41-46, 76.

[16] x. Simon Tugwell, Dẫn nhập, trong Early Dominicans, 16.

[17] Về ý nghĩa của tước hiệu này, x. Tugwell “The First and Last Abbot”, trong AFP (1999), 5-60

[18] “Fratres ordinis predicatorum, quorum utile ministerium et religionem credimus deo gratam,” Tugwell, AFP 65 (1995), 41.

[19] Tugwell, AFP 65 (1995), 53-80.

[20] Cha Tugwell cho rằng cha Đa Minh đã không dừng lại ở Prouilhe và Toulouse trên đường đi. X. Ibid., 57-58, 79-80, 82-86. Phải chăng trên đường từ Rôma tới Bologna, cha Đa Minh đã dừng lại và viếng thăm anh em Phan Sinh đang họp Tổng hội ? Đây là vấn đề đang được bàn luận. Cha Tugwell đề nghị rằng, nếu cha Đa Minh đã từng viếng thăm một tổng hội của anh em Phan Sinh, thì có thể phải là Tổng hội năm 1216 trên đường cha tới Rôma gặp Đức Hônôriô. X. Ibid., 58-60, 80-82, 143. Một truyền thống Phan Sinh cho rằng, cha Đa Minh đã viếng thăm tổng hội của anh em Phan Sinh vào tháng Giêng năm 1221. Vicaire, Saint Dominic and His Times, 344. Bằng chứng về việc thánh Đa Minh và thánh Phanxicô có gặp nhau không, và gặp nhau ở đâu, thì không thuyết phục. x. Hinnenbusch, The History of the Dominican Order, tập 1, 154-155.

[21] Một tu viện ở Palencia được xem là nhà thứ hai của Tỉnh Dòng Tây Ban Nha, nhưng không có bằng chứng cho thấy tu viện này được thiết lập năm 1218 hay 1219. Bằng chứng cổ nhất dường như có từ 1220 ; và cũng không có bằng chứng nào cho thấy cha Đa Minh đã viếng thăm tu viện này trên hành trình của cha.

[22] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 254.

[23] St. Ignatius’s Own Story, as Told to Luis Gonzales de Camara, bản dịch William J. Young (Chicago : Loyola University Press, 1956/1980), 9-10.

[24] Chị Diana chính thức liên hệ với Dòng bắt đầu từ khi chị tuyên hứa với cha Đa Minh năm 1219. Do đan viện nữ Đa Minh ở Bologna được thiết lập muộn, nên chị Diana sống đời tu tại nhà mình. Rồi, năm 1220, chị bị cám dỗ gia nhập đan viện thánh Âutinh ở Ronzano, nhưng lại bị gia đình buộc rời khỏi đó. Sau đó, cha Đa Minh gặp chị với sự hiện diện của gia đình khi cha trở lại Bologna. Đan viện được dâng hiến cho thánh Agnes chỉ được thiết lập sau khi cha Đa Minh qua đời. Năm 1223, chị Diana, cùng với bốn chị khác từ đan viện San Sisto, Rôma, với chị Cecilia làm bề trên, đã đến đan viện này vào tuần bát nhật lễ Thăng thiên.

[25] Gerald Vann, To Heaven with Diana (New York : iUniverse, Inc., 2006).

[26] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 276.

[27] Một luận bàn uyên thâm về các phong trào khó nghèo tự nguyện thế kỷ XIII, được thể hiện nơi các đan sĩ, ẩn sĩ, kinh sĩ, giáo dân, tu sĩ cũng như bối cảnh xã hội của các phong trào trong một xã hội thành thị và các thách đố, x. Lester K. Little, Religious Poverty and the Profit Economy in Medival Europe (London : Paul Elek Ltd., 1978).

[28] x. Tugwell, Early Dominicans, 59.

[29] Latin “in abiectione volunterie paupertatis.” Vicaire, Saint Dominic and His Times, 281.

[30] Ibid., 285.

[31] Các Tổng hội sau này bàn thêm về công việc cấu trúc Dòng. Cha Simon Tugwell đã thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu rộng về “Thích nghi trong cơ cấu và quản trị Đa Minh.” X. AFP 71 (2001), 5-159 ; 72 (2002), 27-105 ; 75 (2005), 29-79.

[32] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 302. X. Tugwell, AFP 66 (1996), 103-106.

[33] Cha Tugwell viết : “Một đặc quyền của Dòng Giảng Thuyết làm cho người ta ghen tị, đó là việc bầu Tổng quyền không cần ai phê chuẩn, kể cả Tòa thánh”, AFP 72 (2002), 27. Về sự tiến triển của đặc quyền này, x. Ibid., 27-105.

[34] Tugwell, AFP 66 (1996), 88, 106 ; 71 (2001), 12-16.

[35] Trích trong hiến pháp tiên khởi, được viết từ tổng hội 1220. X. Saint Dominic, Biographical Documents (Washington, DC : Thomist Press, 1964), 212. X. Vicaire, Saint Dominic and His Times, 304.

[36] Chi tiết hơn được cha Vicaire trình bày trong Saint Dominic and His Times, 308-314.

[37] Câu nói hài hước này trong C. H. Lawrence, The Friars, The Impart of the Mendicant Orders on Medieval Society (London/New York : Tauris, 2013), 84.

[38] AFP 71 (2001), 30.

[39] Các nữ đan sĩ vẫn ở đó cho tới năm 1575, trước khi họ di chuyển đến nơi trường Angelicum–Rôma tọa lạc bây giờ. Năm 1931, đan viện và bức ảnh được chuyển tới Monte Mario, ngoại thành Rôma.

[40] Về luật này, x. Vicaire, Saint Dominic and His Times, phụ lục VIII, 428-435.

[41] Barbara Beaumont, “The Cura Monialum Question,” trong IDI (International Dominican Information) 450 (March 2007), 64.

[42] Các đan viện mà cha Đa Minh trực tiếp liên hệ tới việc thiết lập là : Prouilhe, Madrid, và San Sisto ở Rôma. Có một đan viện đã tồn tại trước là đan viện ở San Esteban de Gormaz, nằm giữa Osma và Caleruega. Cha Đa Minh đã biết các nữ đan sĩ thuộc đan viện này, và trong khi ở Tây Ban Nha năm 1218, cha đã giúp chuyển thành đan viện Đa Minh. Chính đan viện này đã chuyển đến Caleruega năm 1266. Đan viện thánh Agnes ở Bologna chỉ được thiết lập sau khi cha Đa Minh qua đời.

[43] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 315.

[44] Ventura Verona vào Dòng năm 1219 hoặc 1220,và trở thành bề trên ở Bologna năm 1221 cho tới khi kết thúc Tổng hội. Sau này, ngài là một nhân chứng trong tiến trình phong thánh cho cha Đa Minh.

[45] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 373.




Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com