Lc 10,38-42
Một trong những nét nổi bật của văn hoá Hípri là lòng hiếu khách. Câu chuyện tiếp đón khách diễn ra ở nhà cô Mácta trong bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Cuộc tiếp đón thân mật và gần gũi vì gia đình cô Mácta đã từng đón tiếp, phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ, mỗi khi thầy trò lên Giêrusalem. Chính vì có sự thâm tình này, cô Mácta mới dám lên tiếng thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Lý do nào cô Mácta lại có những lời lẽ ra như trách cứ Đức Giêsu? Phải chăng cô ghen tị, so bì vì thấy mình thiệt thòi vất vả hơn em? Với tư cách là một người chị, chắc hẳn cô không tính toán thiệt hơn với Maria, mà chỉ mong muốn cô em giúp một tay để việc phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ được tốt hơn. Sự nhiệt tình, hiếu khách của cô Mácta thật đáng quý và phù hợp với văn hoá Hípri. Hơn nữa, trong truyền thống Do Thái giáo, tỏ lòng hiếu khách còn được xem là một việc thiện phải làm, một phận vụ thể hiện lòng bác ái đối với tha nhân. Chính Đức Giêsu cũng coi trọng lòng hiếu khách và đã từng khen ngợi cử chỉ tế nhị của một phụ nữ đã lấy nước mắt rửa chân Người, lấy tóc mà lau và lấy dầu thơm xức chân Người khi Người dùng bữa tại nhà một người Pharisêu tên là Simôn. Như nhiều người Do Thái khác, cô Mácta chỉ nghĩ việc tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ đơn thuần như một nét đẹp văn hoá hay phận vụ tôn giáo cần phải làm, và vì vậy cô đã tất bật lo lắng cho việc phục vụ bữa ăn và nghỉ ngơi của khách.
Trong khi cô Mácta tất bật cho việc phục vụ, thì cô Maria lại tiếp đón Đức Giêsu theo một cách khác: “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.” Hành động này của Maria đã khiến cô Mácta khó chịu. Có lẽ, cô Mácta đã xem việc làm của em như một biểu hiện của sự thiếu nhiệt tình trong việc tiếp đón khách đến nhà. Trong câu trả lời cho sự trách cứ của Mácta, Đức Giêsu muốn cô nhận ra ý nghĩa xâu xa hơn trong sự tiếp đón Người. “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Khiển trách sự lo lắng thái quá của cô Mácta và khen ngợi cô Maria “đã chọn phần tốt nhất,” Đức Giêsu có ý chỉ cho cô Mácta thấy rằng việc tiếp rước Người vào nhà không đơn thuần là tiếp đón một vị khách thông thường, mà là cô đang tiếp đón chính Chúa – Ngôi Lời làm người. Việc tiếp đón Đức Giêsu thì không chỉ dừng lại ở sự phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi của Người, mà còn cần phải đi xa hơn nữa, đó là lắng nghe lời Người, tiếp đón lời Người ngự vào trong tâm hồn và trên tất cả là thực hành giáo huấn của Người trong cuộc sống.
* * *
Câu chuyện tiếp đón Đức Giêsu của chị em cô Mácta cho chúng ta nhận ra những cách thức cần thiết thể hiện niềm tin và cách sống đức tin của mình. Là người Công giáo, chắc hẳn gia đình nào có bàn thờ với ảnh tượng Đức Giêsu và các thánh, được đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Đó là dấu chỉ nói cho mọi người biết gia đình ta có đạo, đó là biểu hiện ước mong của ta: ước muốn Đức Giêsu luôn hiện diện trong nhà của mình, trong gia đình của mình. Đó là cách thức ta tiếp đón Chúa Giêsu vào ngôi nhà vật chất. Đó là cách thức ta tuyên xưng và thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa, như Đức Giêsu đã chỉ cho cô Mácta, đó là ta còn phải có khả năng tiếp đón Người ngự vào trong tâm hồn và để cho lời của Người chỉ dạy ta cách sống sao cho đúng với tư cách là con cái của Chúa, là người thuộc về Đức Kitô. Thường thì dễ cho ta khi treo tranh ảnh Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh trong nhà để tỏ ra là người có đạo, nhưng sẽ khó khăn hơn để ta cho người khác thấy từ cử chỉ, lời nói đến cách sống của mình luôn có sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã thăm viếng gia đình cô Mácta và dạy cho cô biết tiếp đón Chúa vào nhà như thế nào, nay xin Chúa cũng giúp chúng con biết đón nhận và sống theo lời Người dạy dỗ, để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa trên trời. Amen.