Tất nhiên, điều này hoàn toàn giống với “Lời nguyện tín hữu” chúng ta đọc trong Thánh lễ ngày nay – tức là những lời chuyển cầu xuất phát từ một truyền thống ít nhất có từ thời thánh Giúttinô Tử đạo vào thế kỷ II.
Nhưng lối thực hành lời kinh chuyển cầu này thậm chí còn lùi về xa hơn nữa trong lịch sử Kitô giáo. Khi thánh Phêrô bị vua Hêrôđê cầm tù, Giáo hội ở Giêrusalem dâng “lời cầu nguyện khẩn thiết cho ngài”, và đêm hôm đó, một thiên thần đến giải thoát ngài khỏi xiềng xích (x.Cv 12,1-7). Khi thánh Phaolô chỉ dạy môn đệ là Timôthê, ngài khuyên người môn đệ cầu nguyện cho mọi người: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (lTm 2,1-4). Chính thánh Phaolô đã không ngừng cầu xin cho các nhu cầu của cộng đoàn (1Tx 1,2-3) và nài xin họ cầu nguyện cho ngài trong sứ vụ (2Cr 1,11). Bằng lời mời gọi khẩn thiết đối với việc chuyển cầu này được tìm thấy trong Tân Ước, thì thật là thích hợp khi những lời nguyện chung đã có chỗ trong Thánh lễ ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo.
Lời cầu nguyện mang tính tư tế
Những lời nguyện chung trong Thánh lễ mang lại giây phút ý nghĩa cho các tín hữu. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma ghi chú trong các lời nguyện này, các tín hữu “thi hành chức năng tư tế của họ”.2 Việc mọi thành phần dân Chúa – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – thi hành vai trò tư tế, đã được Sách Thánh xác nhận. Chúng ta là “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả (1Pr 2,9), vì Chúa Kitô đã làm cho chúng ta thành “vương quốc tư tế” (x. Kh 1,5-6). Một cách để chức vụ tư tế của chúng ta được thi hành trong Thánh lễ là qua lời nguyện tín hữu, nhờ đó, chúng ta dự phần vào lời nguyện tư tế của Chúa Kitô cho toàn thể gia đình nhân loại. Chúa Giêsu đã trải lòng mình ra trong lời cầu nguyện đầy yêu thương cho toàn thể thế giới (x. Ga 17). Người sẵn sàng cứu độ những người khác, tức là “những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Hr 7,25). Chúng ta dự phần và lời kinh chuyển cầu của Chúa Kitô một cách đặc biệt tại giây phút này trong phụng vụ.
Sách Giáo lý lưu ý chuyển cầu là “đặc điểm của một tâm hồn hoà nhịp với lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa”.3 Nếu chúng ta thực sự hoà nhịp với tấm lòng Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ đương nhiên muốn cầu nguyện cho người khác. Đỉnh cao của Phụng vụ Lời Chúa là giây phút thích hợp để chúng ta dâng lên những lời chuyển cầu như thế. Cho đến thời điểm này trong Thánh lễ, các tín hữu đã lắng nghe Lời Chúa được công bố trong Sách Thánh, được giải nghĩa trong bài giảng, và được tóm tắt trong kinh Tin kính. Bây giờ, sau khi được thành hình trong Lời Thiên Chúa, các tín hữu đáp lại với tâm tình của Chúa Giêsu bằng việc cầu xin cho những nhu cầu của Giáo hội và thế giới. Vì vậy, những lời cầu nguyện này có mục tiêu phổ quát – cho các nhà cầm quyền, cho những người nghèo và những người đau khổ, và cho mọi người được ơn cứu độ – lời chuyển cầu huấn luyện chúng ta không chỉ lưu tâm đến lợi ích của chính bản thân mình, “nhưng cũng tìm lợi ích cho người khác nữa” (Pl 2,4).