Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.
1. Cái tôi
1.1 “Cái tôi đáng ghét”
Cái tôi thường là nguyên nhân của bao nhiêu trục trặc, đổ vỡ, hoặc thảm kịch trong cuộc sống hằng ngày. Người nào có cái tôi càng lớn, thì con người ấy càng dễ dàng vướng víu vào nhiều chuyện; rồi khi càng muốn bảo vệ bản thân mình trong những chuyện vướng víu ấy, thì người ấy luôn có nguy cơ phạm nhiều sai lầm.
1.2 Ước mong xoá bỏ cái tôi
Như thế, một cách bình thường, người nào muốn sống tốt thì phải làm nhỏ đi cái tôi của mình. Ngoài ra, chúng ta còn thấy có những học thuyết muốn hoàn toàn xoá bỏ cái tôi, đó là học thuyết vô ngã của đức Phật.
Thế nhưng, cái tôi là trung tâm của con người, trung tâm của tất cả mọi ước muốn, cũng như mọi hành động của con người. Liệu chừng người ta có thể hoàn toàn xoá bỏ cái tôi được không? Không có cái tôi, người ta còn có thể làm gì? Người ta tìm thấy được sức mạnh ở đâu để có thể sống và sống tốt hơn? Không có cái tôi, thì ngay cả ước muốn sống tốt cũng không có được nền tảng để có thể thực hiện được; và người muốn tìm giải thoát bằng con đường vô ngã thật ra có phải vẫn là một cách tìm hạnh phúc cho chính cái tôi của mình?
2. Trả lại giá trị cái tôi
2.1 Cái tôi tội lỗi
Đối với Kitô giáo, con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, một Thiên Chúa có ngã vị. Giống như Thiên Chúa, con người cũng có một ngã vị rõ rệt, con tên, và có một lịch sử riêng biệt. Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ và con người, mà theo sách Sáng Thế, tất cả được được khẳng định là tốt đẹp. Thế giới chỉ bị hư hoại do tội lỗi của con người.
Trong truyền thống Công giáo, không có điều gì do Thiên Chúa sáng tạo lại bị loại bỏ, dù là thân xác, dù là dục vọng, dù là quyền bính, dù là khoái lại… nhưng tất cả cần được thanh lọc khỏi ảnh hưởng của tội lỗi.
Điều người ta đổi tội cho cái tôi, thật ra chỉ là những hư hoại của cái tôi. Điều người ta muốn loại bỏ, thật ra chính là khát vọng sâu xa, khát vọng chính đáng nhất của con người: con người khát vọng được nhìn nhận, khát vọng được khẳng định bản thân mình…
2.2 Cái tôi được hoá giải nhờ tình yêu
Tội lỗi sâu xa chính là thái độ chống lại tình yêu. Tội lỗi là ích kỷ, là tham lam, là phóng đãng, là hưởng thụ….và tất cả những điều đó luôn luôn là loại bỏ tình yêu đích thực đối với tha nhân.
Do đó, một khi tìm lại được tình yêu, thì đời sống con người, cũng như cái tôi của con người, có thể được hoá giải khỏi những điều tệ hại của “cái tôi ích kỷ”.
Chính tình yêu thương có thể xoay hướng cái tôi, thay vì hướng về mình, thì hướng về tha nhân với một sự quảng đại lạ lùng hơn hết.
2.3 Tình yêu đền đáp nghĩa tình
Nhưng con người làm sao có thể tìm thấy được tình yêu thương? Làm sao mỗi người có thể gia tăng tình yêu thương, chống lại được khuynh hướng ích kỷ mạnh mẽ của tội lỗi trong bản thân mình?
Kitô giáo cho thấy con người cần được cứu, con người cần được đón nhận tình yêu một cách tặng không của ai đó, và cần có được một thứ tình yêu mạnh hơn sự chết, mạnh hơn mọi bóng ma của của sự chết là sự ích kỷ… Điều quan trong nhất trong cuộc đời là con người được ban tặng “miễn phí” một tình yêu lớn lao.
Do đó, trong đời sống gia đình, bình thường con người được lãnh nhận một thứ tình yêu hy sinh bản thân và cuộc đời của cha mẹ. Tuy nhiên, điều quan trọng cuối cùng, cả với những người có được người cha người mẹ yêu thương, cũng như những người không có được hành trang quí báu ấy, đó là chính tình yêu tặng không của Thiên Chúa. Điều quan trọng cuối cùng hết là chính Thiên Chúa tặng không một tình yêu lớn lao hơn mọi tình yêu (Xc Ga, 15, 12-13)…
2.4 Dâng tặng để tìm lại chính mình
Trong Kitô giáo, không phải là không có thái độ bỏ đi cái tôi của mình. Chính đức Giêsu Kitô, vốn là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng cũng đã “hoá ra không” (kenosis), để sống kiếp phàm nhân, sống như người trần thế. Hành trình từ bỏ ấy đi đến việc hy sinh mạng sống, chết trên thập giá…nhưng cuối cùng là để được tôn vinh (Xc. Pl 2, 6-11).
Cuộc đời mỗi con người cũng vậy. Con người được chân nhận là thụ tạo được Thiên Chúa sáng tạo nên vì chính mình. Do đó, không bao giờ được coi bất cứ một ai như một phương tiện, như một con dê tế thần nhằm để hoàn thành một mục đích nào khác, ngay cả khi đó là vinh quang của Chúa.
Tuy nhiên, quyền tự chủ cũng như sự thành toàn của con người lại chỉ có thể đạt được khi người ta biết thành thật hiến dâng; tự nguyện và yêu thương hiến dâng chính bản thân mình cho tha nhân. (Xc. MV. s.24)
3. Cuộc đời như một nghệ thuật
3.1 Từ bỏ thái độ so sánh
Mỗi người được Chúa sáng tạo và hình thành cuộc đời mình qua dòng lịch sử đều trở nên một sự “độc đáo”. Do đó, mỗi người được mời gọi sống cuộc đời mình một cách có trách nhiệm về chính bản thân mình, không so sánh hơn thua với ai khác. Thái độ so sánh chính là nguyên nhân gây nên ghen tỵ ngấm ngầm và rơi vào tâm tình xấu: vui khi người khác kém hơn mình, và buồn khi người khác hơn mình. Đó cũng là nguyên nhân củng cố thêm cái tôi ích kỷ và đánh mất nét độc đáo của mình.
Xác tín về sự độc đáo của mình không phải là thái độ lập dị. Lập dị thật ra cũng là thái độ so sánh ngấm ngầm. Sống độc đáo là thoát được lối sống đoàn lũ.
3.2 Loại bỏ bầu khí áp lực
Để mỗi người có thể sáng tạo cuộc đời mình, cần có được một bầu không khí hiệp thông chứ không phải bầu khí áp lực. Áp lực luôn làm cho người ta gia tăng “bản lĩnh đối phó” và đánh mất “bản lãnh sáng tạo”. Khi rơi vào tình huống phải đối phó với áp lực, người ta trở nên khôn vặt, tính toán nhiều chuyện cách khôn khéo, nhưng không phải là một sự khôn ngoan đích thực, mà chỉ để giải quyết những tình huống vụn vặt do bầu khí áp lực tạo ra.
3.3 Sáng tạo nét duyên
Một khi có được tình yêu như một động lực chính yếu của toàn thể cuộc đời, thì con người toàn diện ấy được cấu trúc lại quanh tình yêu thương và nhân cách của con người ấy trở nên đẹp, một nét đẹp riêng; đúng hơn, đó là nét duyên của cả cuộc đời. Nét “duyên” không phá bỏ những đặc điểm của tính tình, không cần gạt bỏ điều gì và cũng không đúc khuôn theo một mẫu mực nào đó, nhưng có khả năng biến mọi loại tính tình trở nên tốt đẹp trong nét độc đáo riêng.
Tạm kết
Đức Giêsu đã sống và thể hiện một phong thái tự do đặc biệt. Cuộc đời của Ngài được chìm ngập trong Thần Khí, và mọi lời nói, hành động của Ngài đều biểu lộ Thần Khí một cách sung mãn. Phong cách như thế chính là điều mà ngày nay người ta gọi là “tự do”. Người Kitô hữu được thông chia Thần Khí của đức Giêsu Kitô, cũng được ban Thánh Thần; và nếu ai đó biết buông mình theo sự dẫn dắt của Thánh Thần thì cũng có khả năng sống một sự tự do bát ngát như vậy.