[Nhân Bản Kitô Giáo] Bài 7. Dấn Thân

19-05-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4566 lượt xem

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

1. Thiên Chúa của Kinh Thánh

Nếu so sánh hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh Thánh với hình ảnh Thượng Đế trong văn hoá Hy Lạp, ta sẽ thấy nét đặc biệt của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là một Thiên Chúa dấn thân.

Thượng đế của người Hy Lạp là nguyên lý cho vũ trụ và con người; nên vũ trụ và con người phải quy hướng về Ngài; nhưng chính Thượng đế thì không cần phải quan tâm đến vũ trụ hay bất cứ ai. Thượng đế giống như nam châm hút sắt mà không biết mình hút. Đó là một Thượng đế được quan niệm là Đấng có “hạnh phúc”, thanh thản (ataraxia) đầy đủ trong chính mình…

Trong khi đó, Thiên Chúa của Kinh Thánh lại là một Thiên Chúa dính dáng và càng ngày càng dính dáng sâu xa vào cuộc sống con người. Thiên Chúa đã nhiều lần hứa, hứa trong vườn Địa đàng, hứa với Noe, hứa với Abraham…; rồi hơn nữa, Thiên Chúa lại giao ước với Dân, nghĩa là tự buộc mình vào một quy chế pháp luật…

Ngược với thái độ “thanh thản”, phẩm tính cao quí nhất của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là lòng từ bi thương xót.

2. Lý tưởng sống của người Hy lạp và lý tưởng Kitô giáo

Như thế, ta thấy lý tưởng của người Hy Lạp, đặc biệt là cái triết gia Hy lạp, lý tưởng sống hạnh phúc giống như Thượng đế, đó là tìm được thái độ “thanh thản” (ataraxia), không để cho tâm tư của mình bị xáo trộn. Các triết gia Khắc Kỷ diễn tả thái độ khôn ngoan và tìm sự “thanh thản” giống Thượng đế là: nếu anh có một người bạn đau khổ, anh hãy tỏ bày sự cảm thông, nhưng lòng đừng rúng động.

Khi thánh Phaolô rao giảng về Thập giá đức Kitô cho người Hy Lạp, thì họ cho rằng thập giá là sự điên rồ; vì chỉ có ông nào ngu si mới yêu thương bằng cách dấn thân chịu khổ như thế.

Ngược lại, lý tưởng của truyền thống Do thái-Kitô giáo lại là một thứ tình yêu vị tha (agape) mà đỉnh cao chính là dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến (xc. Ga 15,13).

3. Thái độ dấn thân

Dấn thân, đối với người Kitô hữu trước tiên từ bỏ thái độ “bàn tay sạch” như kiểu Philato, từ bỏ thái độ “đi cà khêu” giữa cuộc đời như kiểu người Biệt Phái; để rồi nhận ra trách nhiệm của mình đối với người khác, đối với xã hội và thế giới chung quanh mình.

3.1 Liên luỵ và hiệp thông

Khởi đầu của lịch sử con người, Kinh Thánh đã cho chúng ta biết con người cùng liên luỵ với nhau trong tội tổ tông. Do đó, mọi người cùng dính dáng với nhau trong tội, tội của người này ảnh hưởng trên người kia, rồi tội của người kia lại tác động lên người khác nữa…theo một diễn biến lây lan và đan bện chặt chẽ vào nhau, khiến cho mọi người đều có trách nhiệm ít nhiều với nhau… Đó là vận mệnh chung của nhân loại mà không ai có thể tự mình mình tách ra để tìm con đường giải thoát đơn độc.

Hơn nữa, Thiên Chúa cũng không muốn cứu độ con người một cách riêng lẻ, nhưng cứu độ bằng cách tập họp con người lại trong con thuyền Giáo hội. Như thế, chỉ những ai dám dấn thân, chấp nhận sự liên luỵ với nhau trong tội thì mới có thể đạt đến mầu nhiệm của sự hiệp thông trong ơn cứu độ của Thiên Chúa, mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Đức Giêsu vốn là Đấng hoàn toàn vô tội nhưng cũng đã chấp nhận thân phận tội luỵ vì con người; và đức Maria, dĩ nhiên, cũng lãnh nhận hết những khổ đau vị tội luỵ của con người…

3.2 Hồng ân và trách nhiệm

Đời sống con người vốn bao hàm một sự bất bình đẳng tự nhiên. Từ khi sinh ra, đã có người “may mắn” và có người “xui xẻo”; có nam và người nữ, người giỏi và người dở, người đẹp và người xấu,… Trong quá trình lớn lên, cũng luôn có người được nhiều điều kiện thuận lợi và người khác thì chịu thua thiệt mọi bề; người giầu và người nghèo, người có tài và người bất tài, người được giáo dục trong môi trường tốt và người bị xô đẩy và môi trường độc hại…

Mặt khác, cuộc sống con người thật ra là một biển bất công, và công bằng chỉ là một chút bọt sóng ở trên đầu ngọn. Thế giới bất công từ nơi này tới nơi khác trong không gian; từ đời này chuyển sang đời khác theo thời gian, khiến cho không một ai có thể vỗ ngực tự nhận mình không dính dáng gì tới bất công. Trong thế giới đó, những cách xử án của toà án nhân loại thực ra chỉ là một cách giải quyết hời hợp, chủ yếu nhằm ổn định tương đối cho cuộc sống mà thôi.

Không phải Thiên Chúa bất công, nhưng chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện theo cách liên luỵ và hiệp thông. Trong chương trình của Chúa, người nào có được sự may lành thì điều đó không bao giờ có nghĩa là người đó được toàn quyền hưởng thụ sự may lành cho chính mình. Ngược lại, được hưởng sự may lành chính là đón nhận hồng ân để có trách nhiệm với những người xui xẻ, những người kém may mắn. Tất cả hồng ân Chúa ban đều nằm trong vận hành chung, đó là hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm.

Đây không phải chỉ là lời kêu gọi của đức ái, nhưng trước tiên là đòi hỏi của sự công bằng; nghĩa là không phải là điều từ nguyện mà là đòi buộc. Điều này quan trọng đến độ ai giữ lấy hồng ân cho riêng mình thì sẽ bị loại khỏi chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Trong đức Tin, chúng ta hiểu mọi người Kitô hữu đều có trách nhiệm làm tông đồ, đó cũng chính là cách thể hiện tinh thần dấn thân, tinh thần đón nhận hồng ân đi kèm theo trách nhiệm.

3.3 Tự do và dấn thân

Con người khao khát yêu thương, nhưng tình yêu không luôn luôn đồng nhất với một tình cảm lãng mạn, ngẫu hứng, lâng lâng, mà thiết yếu là tình yêu vị tha, nghĩa là gồm chứa khả năng chấp nhận liên lụy với ai khác, chia vui sẻ buồn với ai khác, và cuối cùng dám hy sinh cả mạng sống vì ai khác.

Người ta chỉ có được tự do khi thoát khỏi sự ràng buộc tất yếu của lịch sử; người ta chỉ có được tình yêu khi can đảm tự trói buộc mình vào với ai khác qua một quá trình lịch sử. Hai điều đó dường như trái ngược lẫn nhau. Thế nhưng, con người chỉ có tình yêu khi có tự do; và con người chỉ có tự do chân chính khi tìm thấy động lực của tình yêu. Tự do và tình yêu đòi hỏi lẫn nhau; bởi vì quá khứ và tương lai “liên lụy” với nhau; muốn thoát khỏi sức nặng tội lỗi trong quá khứ, con người cần phải gắn bó đời mình vào niềm mơ ước tương lai tươi đẹp của thế giới yêu thương. Cái mới và cái cũ đan xen vào nhau…

Tình yêu khiến con người dám ước mơ, ước mơ thật nhiều. Tình yêu chân thật, nghĩa là gắn bó với ai khác trong một quá trình liên lụy với nhau, sẽ làm cho ước mơ của người ấy không phải chỉ là một thứ mơ mộng suông, nhưng là một sự sống của tình yêu đang âm thầm lớn lên, là một sự dấn thân để từng bước thể hiện một sự sáng tạo trong tự do chân chính.

Tạm kết

Có người sợ dấn thân, vì dấn thân thường kéo theo vấp phạm. Thật ra, chỉ trong sự dấn thân, con người mới có thể làm “trong sạch nguồn nước” đời mình. Không dấn thân, đời người giống như một ao tù ô nhiễm. Trong dấn thân, con người tuôn đổ dòng nước của mình để được đổi mới bằng dòng nước khác trong lành hơn. Người nào dấn thân, tha thiết với việc tông đồ chẳng hạn, thì tìm được động lực chân chính để giải thoát khỏi sức ì của tội lỗi.

Trong dấn thân, có thể người ta sẽ vấp phạm nhiều sai lỗi hơn. Nhưng thật ra những căn nguyên của tội lỗi vốn đã nằm sâu trong tâm hồn con người, và khi dấn thân thì những căn nguyên ấy có cơ hội để xì ra. Những sai lỗi và vấp phạm xì ra như thế chính là cơ may để con người biết sám hối chân thật hơn. Khi dấn thân, những căn nguyên cội nguồn của tội trong tâm hồn được đổi mới, đó là sự trong sạch thực sự, sâu xa và căn bản hơn nhiều.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com