Cv 15,7-21; Ga 15,9-11
Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca, âm nhạc, văn chương. Tình yêu làm tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà văn, nhà thơ, v.v.. Tình yêu cũng lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của phụ nữ và làm hao tổn rất nhiều sức lực của đàn ông!Trong Kinh Thánh, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu chuyện của tình yêu: tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu của con người đối với nhau.
Bằng ngôn ngữ của con người, Cựu Ước sánh ví tình yêu Thiên Chúa dành cho Israel như tình yêu người cha, người mẹ dành cho con cái như cách diễn tả của ngôn sứ Isaia, hay như tình yêu của chồng đối với vợ như ngôn ngữ ngôn sứ Hôsê.
Ngoài nói tình yêu Thiên Chúa, Cựu Ước cũng đề cập đến rất nhiều khía cạnh của tình yêu con người: Tình phụ tử của Ápraham dành cho Isaác, của Giacóp dành cho Giuse; tình mẫu tử của người mẹ kiên cường trong sách Macabê; tình yêu đôi lứa giữa Tôbia và Sara, tình bạn hữu giữa Đavít và Gio-na-than (con vua Saun), v.v..
Trong Tân Ước, với thánh Gioan, Thiên Chúa manh danh là “Tình Yêu” và Người cũng là nguồn gốc cho mọi mọi tương quan tình yêu giữa con người với nhau.
Trong cuộc sống thường ngày, tình yêu con người được biểu lộ dưới nhiều tương quan khác nhau: tình yêu đôi lứa, tình yêu phu phụ, tình đồng bào, tình đồng chí, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình bạn hữu, v.v..
Ai cũng có kinh nghiệm sống yêu thương. Thế nhưng, hỏi rằng đâu là những điều cốt lõi làm nên tình yêu, có lẽ cũng không dễ cho ta trả lời.
Một tình yêu đích thực đòi phải có ít nhất ba yếu tố căn bản này:
– Tình yêu luôn phải là tương quan tương xứng của một ngôi vị với một ngôi vị, giữa một ai đó với một ai đó. Sự ưu ái của con người dành cho con chó, con mèo, bông hoa, v.v., tức không phải là một ngôi vị, thì không phải là tình yêu, vì trong mối liên hệ đó không có sự đi cho và lãnh nhận một cách tương xứng.
– Tình yêu luôn phải có tự do. Nếu có sự ép buộc để một ai đó phải chấp nhận tình yêu thì đó không còn là tình yêu nữa. Trong nghi thức hôn phối, vị chủ sự hỏi đôi tân hôn có thực sự tự do để kết hôn không. Nếu không có tự do, thì sẽ không có tình yêu và như vậy không thể tiến hành hôn ước.
– Tình yêu luôn phải là sự cho đi trọn vẹn, thiết yếu bao hàm một sự hy sinh, cho đi chính bản thân mình
Trong bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, Đức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9).
– Con người hữu hạn nên không thể vươn tới Thiên Chúa vô biên, trừ phi Thiên Chúa hạ mình xuống. Nơi Đức Giêsu một vì Thiên Chúa tối cao đã trở thành đối thể tình yêu tương xứng cho con người. Ai yêu mến Đức Giêsu thì cũng là yêu mến Thiên Chúa và người ấy sẽ được Thiên Chúa yêu thương (x Ga 16, 27).
– Đức Giêsu yêu thương các môn đệ bằng một tình yêu tràn đầy tự do. Bắt đầu với những tiếng gọi đầu tiên, Đức Giêsu để cho các môn đệ hoàn toàn tự do để bước đi theo Người. Khi Đức Giêsu giảng dạy về bánh hằng sống, nhiều môn đệ của Người thốt lên “lời này chướng tai quá…!” (Ga 6, 60) Đức Giêsu để các môn đệ được hoàn toàn tự do hoặc tiếp tục theo Người hoặc rời bỏ Người. Khi các môn đệ bỏ Thầy chạy trốn, Người cũng để các ông hoàn toàn tự do mà đi.
– Đức Giêsu yêu thương các môn đệ với một sự hiến thân trọn vẹn, Người trao tặng chính mình cho các môn đệ, Người “hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13).
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Chính trong sự ở lại ấy, người môn đệ mới có khả năng để yêu thương anh chị em của mình.
Mỗi khi cử hành Thánh Thể, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Kitô bằng việc đón rước Người. Ở lại trong Đức Kitô, chúng ta sinh được hoa, là tình yêu đính thực dành cho tha nhân.