Hôm nay chúng ta suy niệm Lời Chúa theo Sách Công vụ Tông đồ.
“Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13,47).
Những lời này được trích lại từ Is 49,6 không chỉ biện minh cho ơn gọi làm Tông đồ dân ngoại của ông Phaolô, mà còn áp dụng cho tất cả những ai được kêu gọi làm môn đệ của Đức Kitô.
Từ các môn đệ đầu tiên…
Trong suốt mùa Phục sinh, Bài đọc I các Thánh lễ trích từ sách Công vụ Tông đồ. Khi viết tác phầm này, thánh Luca đã gọi đây là phần thứ hai tiếp nối sách Tin Mừng. Nếu Tin Mừng Luca viết về cuộc đời, và chủ yếu là hoạt động sứ vụ của Đức Giêsu, thì Công vụ Tông đồ viết về sứ vụ của các Tông đồ – những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, trong đó hoạt động của hai tông đồ Phêrô và Phaolô được làm nổi bật.
Sứ vụ của Phêrô xuất hiện từ chương 1 đến chương 12, được trích đọc từ đầu tuần Bát nhật cho đến thứ Ba của Tuần IV Phục sinh. Ông Phêrô (cùng với ông Gioan) khởi đầu sứ vụ rao giảng tại Giêrusalem và gắn bó với cộng đoàn này. Tại Giêrusalem, ông Phêrô cùng với Hội thánh tại đây luôn phải đối diện với sự chống đối của người Do Thái. Cuộc tử đạo của Stêphanô (chương 6-7) là tiêu biểu. Theo lệnh truyền của Đức Giêsu, sứ vụ rao giảng khởi đầu từ Giêrusalem và đến tận cùng trái đất. Sự bách hại đã khiến các Kitô hữu phải tản mác khắp nơi, và đó cũng chính là cơ hội để Tin Mừng được lan rộng. Mặt khác, Luca cũng cho chúng ta thấy sứ vụ hướng đến dân ngoại của ông Phêrô như một sứ vụ chính thức được Chúa sai đi, được tường thuật từ chương 10 đến chương 12. Thị kiến của Phêrô về một tấm khăn túm bốn góc, được thả xuống cùng với mọi giống chim trời, rắn rết. Ông được lệnh ăn các con vật đó, là những thứ người Do Thái coi là ô uế. Thị kiến được hiểu như một hướng dẫn cho ông Phêrô thực hiện sứ vụ đến với dân ngoại, vốn bị người Do thái coi là ô uế. Phêrô đã đến nhà ông Conêliô rao giảng và làm phép Rửa cho những dân ngoại đầu tiên (x Cv 10,44tt). Câu chuyện Phép rửa tại nhà ông Conêliô được nối tiếp với với việc ông Phêrô tự biện minh cho sứ vụ đến với dân ngoại (x. Cv 11,1-18), rồi ông bị bắt và được giải thoát cách lạ lùng (Cv 12, 1-17) tạm thời khép lại việc tường thuật sứ vụ của tông đồ Phêrô,1 để nhường chỗ cho một khuôn mặt nổi bật khác mà cuộc đời của vị ấy dành hoàn toàn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, đó là ông Phaolô.
Sứ vụ của tông đồ Phaolô được tường thuật từ chương 13 đến 28, được trích đọc tuần tự từ thứ Tư của Tuần IV Phục sinh đến thứ Bảy Tuần VII Phục sinh. Với bốn chuyến truyền giáo, thánh Phaolô cùng các cộng sự viên đã thiết lập nhiều cộng đoàn Kitô hữu tại khắp nơi. Các cộng đoàn này hầu hết là dân ngoại trở lại. Cho dù đến bất cứ đâu, ông Phaolô vẫn ưu tiên giảng cho người Do Thái trước khi giảng cho dân ngoại, nhưng ông luôn phải đối diện với sự chống đối hoặc những người Do Thái theo đạo Do Thái hoặc các Kitô hữu gốc Do Thái (x. Cv 13,50). Chính vì sự chống đối này, ông Phaolô đã nhiều lần bị bắt, bị đánh đòn, bị dẫn độ đến Rôma và bị giam giữ ở đây suốt 2 năm. Sách Công vụ Tông đồ kết thúc như sau: “Ông [Phaolô] rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28, 30). Qua việc ông Phaolô đặt chân đến trung tâm Rôma, cư ngụ, và rao giảng ở đây, thánh Luca ngụ ý rằng, sứ vụ của các Tông đồ đã được thực hiện mỹ mãn, đúng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, Tin Mừng đã được loan báo đến tận cùng trái đất.
Người ta sẽ rất ngạc nhiên mà hỏi rằng làm sao một nhóm môn đệ nhỏ bé, với những thành phần hầu hết thất học (gốc dân chài, đánh cá), ham danh vọng, kèn cựa đố kỵ (chuyện bà mẹ và hai con ông Dêbêđê xin được ngồi bên hữu bên tả Thầy), tinh thần, thể xác yếu đối (ngủ mê mệt trong vườn Dầu, trước giờ tử nạn của Thầy), nhút nhát (ông Phêrô bị hỏi, đã chối phắt, một môn đệ khác bị tóm lấy áo, bỏ cả y phục, trần truồng chạy thoát thân), sợ sệt (các cửa luôn đóng kín vì sợ người Do Thái), lại có thể làm được việc kỳ diệu như vậy.
Thánh Luca muốn các độc giả của ngài nhận ra rằng Công vụ Tông đồ là công việc của Chúa, khởi đi từ mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô. Những môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi và cũng chính các môn đệ ấy sau biến cố phục sinh hoàn toàn khác hẳn. Làm sao những người vốn tham danh lợi và nhút nhát, vốn không có chữ nghĩa và thuộc giới bình dân (nhận xét của nhóm lãnh đạo Do Thái, kỳ mục, kinh sư) bỗng trở nên can đảm và ăn nói lưu loát? Chỉ một điều duy nhất có thể giải thích được, đó là Chúa Phục sinh đã biến đổi các vị ấy. Làm sao một Saolô hết lòng với Do Thái giáo và đầy phấn kích trong việc bách hại các Kitô hữu, lại có thể trở nên một Tông đồ nhiệt thành, tận tuỵ với sứ vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại? Chỉ một điều duy nhất có thể giải thích, đó là cuộc gặp gỡ Đức Giêsu trên đường Đamát đã làm hoán cải hoàn con người này.
Việc gặp gỡ Đấng Phục sinh có tầm quan trọng định hướng cho sứ vụ của các môn đệ. Thế nhưng, việc gặp gỡ ấy diễn ra như thế nào? Thử đọc và suy gẫm lại các đoạn Tin Mừng nói về việc Chúa tỏ mình cho các môn đệ, những lần gặp gỡ của Chúa Phục sinh với các môn đệ đều có những dấu chỉ, để họ nhận biết Người.
– Bà Maria Mađalêna : Khi Chúa Phục sinh gọi ‘Maria’, bà quay lại và nhận ra Người. Bà nhận ra Chúa Phục Sinh là nhờ bà đã từng gắn bó với Thầy Giêsu khi Người còn tại thế, bà đã quen thuộc với tiếng gọi ‘Maria’ của Thầy. Dấu chỉ để Maria nhận ra Chúa là tiếng gọi ‘Maria’.
– Người Môn đệ Chúa yêu : “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8) Ông đã thấy gì và tin gì? Ông không thấy Chúa sống lại, nhưng ông thấy dấu chỉ của sự trật tự nơi chôn cất Đức Giêsu và tin lời Kinh Thánh. Ông nhận ra Chúa Phục sinh khi nhớ lại và suy gẫm những lời Thầy đã từng nói về cuộc phục sinh của Người, theo như lời Kinh Thánh. Lời Thầy dạy là chỉ dẫn tối cần thiết cho môn đệ này gặp gỡ Chúa Phục Sinh.
– Hai môn đệ trên đường Emmau : Họ nhận ra Chúa Phục Sinh qua dấu chỉ bẻ bánh quen thuộc của Thầy, dấu chỉ ấy Thầy thường làm mỗi bữa ăn, Thầy đã làm khi hoá bánh ra nhiều và nhất là Thầy đã làm trong bữa Tiệc ly.
– Tông đồ Tôma: Ông cứng lòng, nên Chúa phải cho thấy một dấu chỉ cụ thể hơn đó là các dấu đinh trên tay và cạnh sườn Người.
– Các môn đệ bên bờ Biển hồ: Họ nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người chuẩn bị bữa ăn (đã có sẵn lửa, bánh và cá) và cùng ăn, cùng uống với các ông. Cũng một sự chăm sóc ân cần mà Thầy đã từng làm với các ông trước đây là dấu chỉ để các ông nhận ra Người.
… đến các môn đệ hôm nay
Sứ vụ của người môn đệ hôm nay, cũng như các tông đồ xưa, đó là được sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh. Để có thể gặt hái được hoa trái của sứ vụ, từng môn đệ của Đức Giêsu hôm nay cũng phải gắn bó cuộc đời mình với Chúa Phục sinh, nhận ra những dấu chỉ Chúa phục sinh đang hiện diện, đang đồng hành với lịch sử nhân loại, và nhất là nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Người trong chính lịch sử của đời mình.
Các môn đệ khi xưa được sai đi không phải với tư cách cá nhân nhưng với tư cách tập thể. Đang khi các Tông đồ tụ họp tại nhà Tiệc ly, Đức Giêsu phục sinh hiện đến ban Thánh Thần và sai các ông đi. Ông Phêrô rao giảng tại Giêrusalem, cùng với ông Gioan và các tông đồ khác. Tông đồ Phaolô trong sứ vụ truyền giáo luôn có nhiều môn đệ đồng hành (ông Banaba, Luca, Máccô, v.v..).
Lấy nếp sống và sứ vụ Tông đồ làm khuôn mẫu, thánh Đa Minh, khi thiết lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, đã muốn rằng, sứ vụ giảng thuyết của Dòng phải được thực thi theo tính cách cộng đoàn. Người tu sĩ Đa Minh được sai đi từ giữa cộng đoàn và giảng thuyết nhân danh cộng đoàn. Hơn nữa, chính nếp sống cộng đoàn với những chiều kích của đời tu được thể hiện: phụng vụ, huynh đệ, học hành, sứ vụ, v.v. cũng đã là một lời giảng, lời chứng cho Chúa Kitô Phục sinh. Chính vì lý do này, mà Sách Hiến pháp gọi mỗi tu viện Đa Minh là “thánh thuyết”, tức lời rao giảng thánh.
* * *
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho hết mọi người trên thế giới đón nhận Tin Mừng Đức Kitô mà Hội thánh không ngừng rao giảng, và xin cho chúng con là nghĩa tử được hưởng nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô, Đấng đổ máu đào trên thập giá để làm chứng cho sự thật. Amen.2