DẪN NHẬP
Cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô cùng với những biến cố gần gũi chung quanh sự kiện đó hợp thành một thời điểm cao trọng nhất trong năm phụng vụ gọi là Tuần Thánh. Vì thế, “Hội Thánh Mẹ chúng ta, tưởng niệm Chúa đã phục sinh mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật, và còn lại họp mừng Chúa đã chịu khổ nạn và đã phục sinh mỗi năm một lần vào kỳ đại lễ Phục Sinh”.1
Cao điểm của Tuần Thánh chính là Tam Nhật Vượt Qua, cũng gọi là Tam Nhật Thánh hoặc Tam Nhật Phục Sinh. Đó là trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo nói về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Tam nhật Vượt qua – gồm Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh, và Lễ Phục Sinh. Đêm Vọng Phục Sinh được xem là đỉnh cao của Tam Nhật Thánh, kỷ niệm biến cố Phục Sinh của Đức Kitô. Mặc dù năm phụng vụ khởi đầu vào Mùa Vọng nhưng vẫn đạt tới đỉnh cao trong Tam Nhật Thánh, đặc biệt vào Lễ Phục Sinh, Lễ Trọng của các Lễ Trọng. Giáo lý Công giáo mô tả tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh như sau:
“Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này, năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là “năm của ân sủng Thiên Chúa”. Sự cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là “sự nếm trước” và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta”.2
Các Kitô hữu tưởng niệm cuộc tử nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu từ thời các Tông đồ, vì sự chết và sự sống lại của Ngài là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo. Ít là vào thế kỷ II, các Kitô hữu đã cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, bắt đầu đêm thứ Bảy, tiếp tục đến sáng lễ Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các Kitô hữu tưởng niệm lịch sử ơn cứu độ, chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, và cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu vào sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các tân tòng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.
Từ việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, Đêm Vọng Phục Sinh và Tam Nhật Thánh lại đạt được vị thế ưu tiên trong lịch Phụng vụ Công giáo Tây phương. Luật năm Phụng vụ và lịch Phụng vụ đã đặt Tam Nhật Thánh đi liền với mùa sau Mùa Chay trong Giáo hội Công giáo.
I. CHÚA NHẬT LỄ LÁ
1. Nguồn gốc
Phong trào chính trị có tên gọi “Nhiệt Thành” được khơi nguồn từ ông Mattathias, cha của anh em nhà Macabê. Vào thời đó, vua Antiôkô cưỡng bức người Do Thái phải chối đạo và tế thần trên bàn thờ, nhưng ông Mattathias tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái” (1 Mac 2,22). Và khi có một người Do Thái tiến ra tế thần trên bàn thờ theo chỉ dụ của nhà vua, thì sách Macabê kể lại: “Ông Mattathias bừng lửa nhiệt thành… ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do Thái tế thần, rồi ông phá đổ bàn thờ”. Sau đó sách Macabê kết luận: “Ông bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật giống như ông Pinêát trong vụ Dimri, con của Xalu” (2,23-26). Kể từ lúc đó, từ ngữ “nhiệt thành – zelos” trở thành khẩu hiệu diễn tả quyết tâm dùng sức mạnh và bạo lực để bảo vệ đức tin, bảo vệ Lề Luật.
Vào thời Chúa Giêsu, không ít người Do Thái đi theo phong trào này, chủ trương dùng bạo lực để xua đuổi đế quốc Rôma, giành lại chủ quyền và độc lập của dân tộc. Dựa vào một số chi tiết trong các sách Tin Mừng, người ta cũng nhìn Chúa Giêsu như một nhà cách mạng chủ trương dùng bạo lực để xây dựng một vương quốc chính trị. Đồng thời, dọc dài lịch sử Giáo Hội, hình ảnh Chúa Giêsu như một nhà cách mạng cũng được vận dụng để biện minh cho việc sử dụng bạo lực nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, đây có thực sự là ý hướng của Chúa Giêsu? Khi suy niệm về việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể, Đức Bênêđictô XVI trả lời: “Không! Làm cách mạng bằng bạo lực, nhân danh Thiên Chúa để giết người, đó không phải là đường lối của Chúa. Lòng nhiệt thành của Người đối với vương quốc Thiên Chúa được thể hiện bằng cách thức hoàn toàn khác”.
Trong ngày Lễ Lá, hình ảnh Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem làm dội lại lời tiên tri Dacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9). Vào thời tiên tri Dacaria cũng như vào thời Chúa Giêsu, con ngựa mới là biểu tượng của sức mạnh, còn lừa là phương tiện của người nghèo. Vì thế hình ảnh Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác. Người là vua của hòa bình, vua của người nghèo, vị vua đơn sơ và khiêm tốn.
Trước lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu đã vào thành Giêrusalem. Trên đường đi, dân chúng đã lũ lượt đón Ngài. Họ bẻ cành cây rải lên khắp đường cho Ngài đi qua, nhiều người mang theo những cành thiên tuế. Có người còn trải áo choàng lên đường cho Ngài đi. Dân chúng cùng nhau reo hò như trong một hợp xướng: “Vạn tuế Con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Vạn tuế khắp cả trời cao” (Mt 21,9). Những tiếng hoan hô Đức Giêsu bộc lộ một niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai. Họ cũng không quên rằng Đấng sẽ tái lập ngôi báu Đavít, cũng là Đấng thực hiện công trình và kế hoạch Thiên Chúa.
Đây là lần đầu tiên Đức Giêsu công khai tỏ ra mình là Vua, là Đấng Thiên Sai. Ngài muốn làm trọn lời ngôn sứ Dacaria từng loan báo ngày Đức Vua ngự vào Giêrusalem một cách uy nghiêm nhưng khiêm tốn: “Ngài cỡi trên lưng lừa con …. Đó là vị vua mang hòa bình đến cho mọi dân nước, sẽ thống trị đất biển sông núi cho đến tận cùng trái đất” (Dc 9,9-10).
2. Ý nghĩa
* Nghi thức kiệu lá
Nghi lễ này không phải chỉ là nghi thức tưởng niệm, nhưng còn là để cử hành một mầu nhiệm, một hành động thánh của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo. Nghi thức rước lá này là một sự tuyên xưng Đức Kitô, nhưng đồng thời cũng là để chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Chúa chúng ta. Những tiếng hoan hô nói lên tâm tình hiện tại của các Kitô hữu đó là lòng hoan hỉ và biết ơn sâu xa đối với tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Ngoài ra, nghi lễ này cũng còn mang một ý nghĩa khác, đó là hướng chúng ta về vinh quang của ngày chung thẩm. Đoàn rước tượng trưng cho bước đầu tiên của Giáo Hội hành hương về Giêrusalem Thiên Quốc. Ý nghĩa đó còn rõ rệt hơn khi đoàn người từ từ tiến vào thánh đường, đi đầu là thánh giá. Với hình ảnh này, Giáo Hội không những nhắc lại kỷ niệm Đức Giêsu vào Thành thánh Giêrusalem, mà còn gợi cho chúng ta về hình ảnh một bữa tiệc Thánh Thể trong đó mọi người cùng chia sẻ một tấm bánh sự sống đời đời, và thập giá Đức Kitô sẽ mở đường vào Giêrusalem Thiên Quốc cho đoàn người vô số đã được thánh Gioan miêu tả trong sách Khải Huyền (Kh 7,9-10).
* Thánh Lễ
Trước tiên Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.
Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.” Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, “Giêsu Nadarét Vua dân Do Thái.” Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng. Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại. Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
3. Cử hành
Gồm 2 phần chính:
– Nghi thức đầu Thánh Lễ là Kiệu Lá. Mọi người cầm lá trong tay và tập họp tại một nơi thích hợp để làm phép lá. Linh mục và những người giúp lễ mặc phẩm phục đỏ tiến vào nơi giáo dân tụ họp để làm phép lá. Sau khi nghi thức làm phép lá kết thúc, đoàn rước tiến vào Nhà Thờ để cử hành Thánh Lễ như những Thánh Lễ Chúa Nhật khác.
– Cử hành Thánh Lễ. Điều khác trong Thánh lễ hôm nay có đọc bài Thương Khó kể về những cực hình mà Đức Giêsu đã phải chịu trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Ngài nơi trần gian này. Trên bàn thờ, các bình bông được thay bằng những bình lá.
II. BA NGÀY ĐẦU TUẦN THÁNH
1. Thứ Hai
Ca nhập Lễ và Thánh Thư của ngày hôm nay lấy lại lời tiên tri Isaia và các thánh vịnh 34, 142 nói lên tiếng thở than của người công chính trong khi bị bắt mà không tìm cách chống lại kẻ bắt bớ mình nhưng biết chạy đến kêu cầu cùng Thiên Chúa. Tiếng thở than đau thương đó là tiếng kêu thương của người bị bỏ rơi. Đây là hình ảnh của Đức Kitô, Chúa chúng ta. Ngài đã chịu bắt bớ và chết trên thập giá vì loài người chúng ta. Ngài vẫn còn hấp hối trong Giáo Hội cho đến ngày sau hết. Bao lâu Giáo Hội còn tội lỗi, bấy lâu còn phải chiến đấu không ngừng (X. Ep 6,12). Những kẻ thù đó đang len lõi trong mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ chiến thắng được nhờ vào giá máu của Đức Kitô. Điều cần thiết là chúng ta phải biết sống cuộc khổ nạn của Ngài bằng những hy sinh và từ bỏ những gì ngăn cản chúng ta đến với Ngài.
2. Thứ Ba
Hôm nay Giáo Hội hướng tất cả ý chí, tình yêu và lòng biết ơn của Giáo Hội vào Thánh Giá của Đức Kitô với niềm hy vọng lớn lao nhất là mong được cứu thoát khỏi tội lỗi và được sự sống bất diệt với Ngài. Ca nhập lễ hôm nay nói lên vinh dự và giá trị cứu độ của Thập Giá Đức Kitô. Nếu nhận thức được thế nào là cuộc sống với Đức Kitô và cho Đức Kitô, chúng ta sẽ không tìm được một vinh dự nào trong nhân loại ngoài thập giá của Ngài (Gl 6,14). Vì thế, trong lời nguyện Thánh Lễ, Giáo Hội muốn chúng ta dứt khoát với dĩ vãng tội lỗi để mặc lấy con người mới nhờ vào giá trị thập giá của Đức Kitô. Muốn vậy, chúng ta nhất quyết đi vào con đường của Thầy Chí Thánh để cùng chết với tội lỗi.
3. Thứ Tư
Theo tập truyền của Giáo Hội, ngày hôm nay là ngày khởi đầu cuộc thương khó của Đức Kitô. Vì thế, ngay từ thời các Tông Đồ, hôm nay là một ngày chay tịnh khắc khổ và ngày chuẩn bị gần nhất cho cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Phụng vụ ngày hôm nay mang một màu sắc trọng thể hơn những ngày trước và tất cả các kinh lễ đều nhắc tới những đau khổ của Ngài, báo trước ơn cứu chuộc nhờ vào cái chết của Ngài (x. Is 53).3
Nhờ sự vâng lời tuyệt đối, Đức Kitô đã được tuyên phong là Chúa Tể, một danh hiệu tượng trưng cho uy quyền của Thiên Chúa mà chỉ dành riêng cho một mình Đức Giavê trong thời Cựu Ước. Đặc quyền này được diễn tả trong bài đọc Thánh Thi của Isaia mô tả Đức Giavê báo thù những địch thù của Người qua hình ảnh người thợ ép nho từ guồng máy trở về, áo dẫm máu. Trong bài đọc này chúng ta thấy lý do áo Ngài bị hoen đỏ vì không có ai giúp đỡ mà chỉ một mình Ngài phải đẩy một khối nho khổng lồ vào guồng máy với tất cả sức lực của mình. Đây chính là hình ảnh vị Thẩm Phán tối cao đến xét xử trần gian và địch thủ của Ngài bị tiêu diệt. Nhưng trước khi xét xử, Ngài phải chiến đầu thực sự với sa tan, với tội lỗi của loài người, với những hèn nhát, lãnh đạm và khước từ của chúng ta.4
III. TAM NHẬT VƯỢT QUA
1. Tổng quát
a. Từ ngữ
Từ ‘Vượt Qua’ trong tiếng Hípri là Pascha (pèsah), bắt nguồn từ tiếng Aram là pashâ. Người ta còn bàn cãi về nguồn gốc của danh từ này. Có người gán cho nó một căn ngữ từ tiếng Assyria, nhưng chưa có giả thuyết nào có giá trị quyết định. Thánh Kinh cho từ pèsah đồng nghĩa với động từ pasah, có nghĩa là đi khập khiễng hoặc nhảy múa theo nghi thức quanh lễ vật hy tế (x 1V 18,21.26) hoặc theo nghĩa bóng là nhảy qua, bỏ qua, tha thứ. Lễ vượt qua là việc đi ngang qua của Thiên Chúa, Người lướt qua trên những nhà người Israel, đang khi đó Người lại trừng phạt những nhà người Ai Cập (x Xh 12,13.23.27; Is 31,5).
Trải qua thời gian từ “Vượt Qua” đối với Đức Giêsu và Kitô giáo mang nhiều nghĩa mới như: xây lại đền thờ có ý về việc Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ tạm thời và loan báo đền thờ vĩnh cửu là thân thể phục sinh của Người (x Ga 2,13-23); Vượt Qua của Chiên Mới: Đức Giêsu là chiên vượt qua, thiết lập bữa tiệc Vượt Qua mới và thực hiện cuộc Xuất Hành riêng của Người, vượt qua thế gian về cùng Cha (Ga 13,1). Vượt qua tức là Tiệc Thánh Thể: khi ăn thịt và uống máu mình, Đức Giêsu đã diễn tả cái chết của Người như là hy lễ Vượt Qua mà Người là Chiên Mới (x Mc 14,22-24). Sau cùng vượt qua còn chỉ bữa tiệc cánh chung: bữa tiệc trên trời, bữa tiệc mà mọi người đang trên đường tới dự (x Kh 5,6-12; 12,1).
b. Nguồn gốc5
Thời Giáo hội sơ khai, chỉ có lễ Phục Sinh. Trong giờ kinh nguyện canh thức được kéo dài suốt đêm thứ Năm Thánh cho đến rạng sáng lễ Phục Sinh, các Kitô hữu thời sơ khai cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô tử nạn và Phục sinh như một đại lễ. Dựa vào lời của một kitô hữu Syria thế kỷ thứ III đã viết:
“Vào ngày thứ Sáu và ngày Sabat tất cả hãy ăn chay và không được nếm một thứ gì. Anh em cùng nhau đến và vọng canh thức suốt đêm bằng việc đọc kinh dâng lời khẩn nguyện, đọc sách các Tiên Tri, Tin Mừng và hát Thánh Vịnh… cho đến giờ thứ ba ban đêm sau ngày Sabat; đoạn chấm dứt chay tịnh. Kế tiếp anh em hãy dâng các lễ vật; sau đó anh em hãy ăn uống và reo hò, vui mừng và hớn hở vì thực Đức Kitô, sự Phục sinh của chúng ta, đã sống lại. Đây mãi mãi là luật cho anh em cho đến tận thế”.6
Đối với các Kitô hữu thời sơ khai, đó là đêm có rất nhiều ý nghĩa. Các tác giả sách Tin Mừng kể cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Israel. Vượt Qua đánh dấu đêm sứ thần Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng của người Ai cập, giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ. Nhưng theo truyền thống Israel, ngày lễ Vuợt Qua có một lịch sử xa xưa hơn nhiều. Vào ngày này, Thiên Chúa đã tác tạo Adam. Vào ngày này, Thiên Chúa đã gọi Abraham. Vào ngày này, sứ thần của Chúa đã dừng tay Abraham khi ông định sát tế Isaac. Vì thế, vào dịp lễ Vượt Qua, dân Do thái nhìn lại toàn bộ lịch sử của họ, nhớ lại tình thương đặc biệt Thiên Chúa dành cho họ ngay từ buổi bình minh của tạo dựng.7
Ngày thánh thiêng nhất đối với người Do thái đã trở thành ngày thánh thiêng nhất đối với người Kitô hữu. Cũng vậy, trong đêm dài canh thức, các Kitô hữu nhìn lại lịch sử thánh và nhận ra Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Kitô trỗi dậy từ trong kẻ chết. Thánh Phaolô đã viết: “Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế” (1 Cr 5,7).
Sự gia tăng ý thức về tính lịch sử của các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu đã dẫn đến sự hình thành Tam nhật Vượt Qua, rồi đến Tuần Thánh và cuối cùng là Mùa Chay. Truyền thống này bắt đầu vào thế kỷ IV, thời Thánh Ambrôsiô (ở Milano nước Ý) và Thánh Augustinô (ở Hippone, Bắc Phi), Tam Nhật Thánh được cử hành vào 3 ngày. Lý do cử hành trong “ba ngày” là để làm đúng theo công thức “ba ngày” được nhiều câu Sách Thánh nói tới, như Hs 6,2; Gn 2,1 và Mt 12,40). Các Kitô hữu kính nhớ cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu theo đúng thời gian, bước theo Người từ lúc Người tiến vào Giêrusalem, khi bị bắt, bị đóng đinh cho đến khi Người phục sinh như Tin Mừng đã thuật lại.
Cũng vào cuối thế kỷ này, thời thánh Augustinô, Bí tích Thánh tẩy cho người lớn là nét trọng tâm của Tam Nhật. Khoảng năm 1951-1955, Đức Thánh cha Piô XII đã phục hồi lại Tam Nhật thánh, cho phép cử hành phụng vụ thứ Năm thánh và Canh thức chiều tối, và khuyến khích việc Rửa tội cho người lớn vào đêm Canh thức Phục sinh. Những canh tân này nhấn mạnh đến sự tham dự của dân chúng và trở về sự thực hành thời Giáo Hội sơ khai.
c. Ý nghĩa
Tam Nhật Vượt Qua thường được gọi là “thánh” vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong nhân tố của lòng tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất, vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Đây là thời điểm kết thúc con đường Mùa Chay để chúng ta chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động về các khổ đau mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang. Đó là Lễ Vượt Qua mà trong đó Giáo Hội cử hành Lễ là nguồn gốc của mọi thánh lễ khác như được khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrôsiô.
Mầu nhiệm vượt qua này là trung tâm điểm của các việc cử hành trong Năm phụng vụ. Công đồng chung Vaticanô II đã nhấn mạnh nhiều tới điều này trong Hiến chế về phụng vụ ở các số 5. 6. 61 và 102. Và “Văn Kiện Những Quy Luật Tổng Quát Năm Phụng Vụ” nói một cách rõ ràng rằng : “Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Người. Chính Tam nhật Vượt qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả Năm phụng vụ”.8 Như vậy cử hành mầu nhiệm này là cử hành công cuộc cứu chuộc chúng ta và toàn thể nhân loại. Do vậy toàn thể nội dung của tuần thánh nhằm làm nổi bật và làm sáng tỏ mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô.
Sau thời gian cử hành Mùa Chay thánh, trong đó Giáo hội hướng về Đại lễ Phục sinh bằng việc chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể trong đêm Vọng Phục sinh; đồng thời dọn lòng cho con cái để mừng Đại Lễ này với các việc đọc Lời Chúa, tham dự phụng vụ, cầu nguyện, ăn chay hãm mình, canh tân trở lại, sống bác ái và làm việc bố thí.
Vì vậy, hiểu rõ ý nghĩa Tuần thánh và Tam Nhật Thánh là một điều quan trọng. Công đồng Vaticanô II cũng đã lưu ý tới điều này trong Hiến chế về phụng vụ Thánh Công đồng viết như sau : “Mỗi năm một lần, Giáo Hội còn cử hành hết sức trọng thể vào dịp lễ Phục sinh sự sống lại cùng với cuộc Thương khó của Người” (PV, 102). Chính vì thế, Tuần Thánh khởi sự bằng cuộc rước lá trước thánh lễ, nhằm gợi lại việc Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia, như sách Giacaria đoạn 9,9-10 đã tiên báo, Người đã muốn làm như thế trước khi chịu nạn, đã chiếu rọi vào cuộc khổ nạn một ánh sáng báo trước cuộc toàn thắng của Người. Khi lặp lại những tiếng hoan hô của dân Do Thái ngày xưa, cộng đoàn Kitô hữu tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô. Theo sau cây thập giá và linh mục, dân Thiên Chúa long trọng tiến vào nhà thờ, nơi họ sẽ dâng lại lễ tế giao hòa với Thiên Chúa. Trong đi rước, họ nói lên niềm hy vọng vì biết rằng khi lên trời, Chúa Giêsu đã mở cửa thành Giêrusalem thiên quốc cho họ, và giờ đây họ đang tiến về nơi đó.
Như vậy, Tuần Thánh bắt đầu bằng Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá nhằm tung hô Chúa Giêsu khải hoàn, tiếp đó là mời gọi ta theo Người trên con đường khổ nhục. Và Phụng vụ đêm Phục Sinh sẽ ca tụng Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ đến cùng để bước vào vinh quang, đã sống lại để chiến thắng thần chết. Chúng ta phải được ánh sáng của Chúa Kitô thu hút mới có thể theo Người trong cuộc khổ nạn mà không chùn bước. Chúng ta phải thông hiệp với thập giá của Người mới được chia sẻ sự sống của Người. Đó là tất cả ý nghĩa của Tuần Thánh gồm tóm lại trong hai hướng đi đó.9
2. Thứ Năm Tuần Thánh
a. Thánh Lễ Làm Phép Dầu10
Nguồn gốc
Dầu tượng trưng cho sự phong phú và chúc lành của Thiên Chúa. Dầu cũng là dấu hiệu của sự hân hoan, vui mừng. Đức Kitô, Đấng được xức Dầu, trở thành Tư Tế, thành Tiên Tri và thành Vướng Đế của Tân ước. Y tưởng này bắt nguồn từ Cựu ước. Thời Cựu ước, người ta quen dùng nghi thức xức dầu để tấn phong các vị tư tế, tiên tri và vua.
Dầu đem lại sự hân hoan tươi tắn, đem lại sức mạnh và làm cho tâm hồn trở nên thơm ngoan dịu dàng trước mắt. Chính vì thế, Chúa Kinh Thánh có 3 hình ảnh khác về ý nghĩa của dầu: Hình ảnh Nước Đại Hồng Thuỷ tẩy sạch trần gian, rồi tiếp đó là cành lá của cây Ôliu do chim câu tha về. Hình ảnh Aharon được tắm rửa, thanh tẩy trước khi được xức dầu. Hình ảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan. Sau đó, được xức dầu tấn phong nhờ Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu.
Ý nghĩa
Việc làm phép dầu được đưa vào thánh lễ từ sau cuộc canh tân 1955. Trong thánh lễ này Đức Giám mục sẽ làm phép Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự Tòng và thánh hiến dầu thánh, sau đó phân phát đến các giáo hạt và các giáo xứ. Điều này có ý nói rằng Dầu từ Nhà thờ Chánh Tòa, là Nhà thờ của Đức Giám Mục Giáo phận chia đi tới các nẻo đường, các vùng trong giáo phận. Và con đường mà Dầu từ trung tâm là Nhà thờ Chánh Tòa được phân chia đi các nhánh đó sẽ được minh họa bằng một từ gọi là Con Đường Dầu. Con Đường Dầu này nói lên vai trò trung tâm của Đức Giám Mục và nói lên sự liên kết đằm thắm giữa ngài các Linh mục trong Giáo phận.
Thông thường, thánh lễ này được tổ chức vào sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh. Do đó, thánh lễ Dầu là thời điểm để quy tụ các linh mục bên cạnh Đấng bản quyền của mình để hiệp dâng thánh lễ. Đồng thời, dân chúng cũng được mời gọi tham dự đông đủ vào nghi lễ quan trọng này. Trong thánh lễ, các linh mục lặp lại những lời cam kết của họ khi được thụ phong linh mục vì tình yêu Đức Kitô và tâm tình phục vụ Giáo hội.
* Ý nghĩa các loại Dầu: Thời Cựu ước, dầu được sử dụng trong nghi thức phong vương, hiến thánh các tư tế, tuyển chọn các tiên tri, hiến thánh một đồ vật dành riêng cho việc phụng tự, thoa dịu một vết thương (Is 1,6). Dầu được sử dụng trong các sinh hoạt hằng ngày cũng như các nghi lễ chẳng hạn như việc ông Môsê xức dầu cho ông Aharon, tấn phong ông làm tư tế để phục vụ dân Israel.
Thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng và các ngài đã xức dầu trên họ, nhờ đó họ đã được chữa lành: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13). Dầu được dùng để chữa bệnh, xoa dịu vết thương, giảm bớt cơn nhức đầu, khó chịu… Ngoài ra, dầu còn được dùng để tẩm liệm xác chết (Mt 26, 12), dầu được dùng để thánh hiến như việc Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên đầu Chúa Giêsu tại sông Giođan với lời tuyên phán “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”(Mt 3,17).
Như thế, từ việc xức dầu vật chất chuyển thông đến việc xức dầu thiêng liêng là chính Chúa Thánh Thần hay những ân sủng của Ngài để thông ban ơn ích cho ta. Dầu là biểu hiệu, là dấu chỉ, là bảo chứng việc thánh hiến hoặc ơn trợ giúp của Thiên Chúa trên chúng ta. Vì thế, trong lời nguyện làm phép Dầu Bệnh nhân, Giáo hội xin Chúa Thánh Thần xuống trên Dầu, để nhờ phúc lành thánh thiêng của Chúa, Dầu xức trên những ai thì tất cả đều được nâng đỡ ngoài thân xác, trong tâm trí, linh hồn và được khỏi mọi đau đớn, bệnh tật. Bên cạnh đó, trong lời nguyện hiến thánh Dầu Thánh, Giáo hội xin Chúa thương ban phúc lành thánh hóa Dầu, cho dầu thấm đượm sức mạnh của Thánh Thần và quyền năng Chúa Kitô, làm cho Dầu trở thành bí tích mang lại ơn cứu độ và sự sống vẹn toàn cho những ai được tái sinh nhờ phép rửa thiêng liêng.11
Cử hành
Thánh lễ này được cử hành vào lúc sáng sớm do Đức Giám mục chủ tế cùng với linh mục đoàn của ngài đồng tế để bày tỏ sự hiệp thông, hiệp nhất trong Giáo hội nói chung và giáo phận nói riêng. Thánh Lễ hôm nay được cử hành như các ngày Lễ trọng nhưng không có Kinh Tin Kính và Lời nguyện Giáo dân, đồng thời còn thêm những nghi thức: Linh mục lặp lại lời tuyên hứa và nghi thức làm phép dầu.
Sau bài giảng, Đức Giám mục cùng với linh mục đoàn lặp lại lời hứa khi lãnh nhận chức tư tế thừa tác. Đức Giám mục nhắc lại ngày lãnh nhận thiên chức linh mục vì lòng yêu mến Chúa và dâng hiến phục vụ Giáo hội nên ngài hỏi linh mục đoàn có còn muốn gắn bó với Chúa Giêsu và trung thành giữ vững những điều đã cam kết hay không? Đồng thời, ngài cũng nhắc lại cho các linh mục biết rằng họ là người quản lý trung thành, là thủ lãnh và là mục tử của đoàn chiên nên Đức Giám mục kêu mời các linh mục thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi.
Sau nghi thức lặp lại lời Tuyên Hứa của các Linh mục là nghi thức làm phép Dầu. Hôm nay Đức Giám làm phép các loại dầu: Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và Dầu Thánh.
b. Lễ tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu
Nguồn gốc
Mỗi năm, dân Do thái ăn lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức của người Aicập và Thiên Chúa đã ký kết giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu cuộc Thương Khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa tiệc Vượt Qua đó. Từ giờ phút này, Đức Kitô sẽ thực sự dấn thân vào cuộc thương khó tử nạn. Ngài đã khởi đầu bằng một bữa tiệc Vượt Qua cổ truyền để chấm dứt Lễ Vượt qua của Cựu Ước, đồng thời mở đầu cho lễ Vượt Qua của Tân Ước bằng chính máu thịt Ngài. Cuộc hiến tế đẫm máu trên đồi Canvê giờ đây được tiên báo bằng việc lập Bí tích Thánh Thể. Như vậy, Ngài đã muốn cho bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Nhiệm tích này sẽ tồn tại mãi mãi như một kỷ niệm và là một lễ hy sinh mỗi khi được tái hiện trên bàn thờ. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Ngài.12
Thứ Năm Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua. Ban đầu, Tam Nhật chỉ gồm Thứ Sáu Thánh và Thứ Bảy Thánh (theo cách tính của người Do Thái là ba ngày). Sang thế kỷ 4 Thế kỷ IV, thời Thánh Augustinô ở Bắc Phi, vì Giáo Hội muốn sống từng giờ với Đức Giêsu trong cuộc vượt qua của Ngài nên đã lập ra nghi lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Vì ý muốn đó cho nên đây là ngày duy nhất buộc cử hành đúng vào giờ bữa ăn tối. Trước đó, Thứ Năm Thánh có tên là thứ năm Lễ Tiệc Ly. Ngày này tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa và kỷ niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Và thứ năm này cũng có tên khác là thứ năm của Giới Răn Mới dựa theo Ga 13,34. Trong nghi lễ thứ năm có nghi thức rửa chân, để nhớ mãi giới luật tình yêu Chúa đã dạy trong đêm tiệc ly này. Nguyên thủy Thứ Năm Thánh chỉ là ngày chuẩn bị lễ mừng mầu nhiệm Vượt Qua. Vào ngày này, các hối nhân được xá giải và tái nhập vào cộng đoàn để họ được tham dự vào lễ Vượt Qua. Từ hôm nay, dầu thánh cũ bị hủy bỏ, các nhà thờ sẽ sử dụng dầu thánh mới để cử hành bí tích Thánh Thể và Thêm Sức vào đêm Phục Sinh.
Truyền thống cử hành nghi thức Lễ Tiệc Ly tại Giêrusalem, là địa điểm và thời điểm tiến hành bữa tiệc ly của Chúa theo tương truyền. Về sau cả Giáo Hội đã áp dụng nghi thức Thứ Năm Thánh tương tự truyền thống ở Giêrusalem. Tập tục này có từ thế kỷ IX.
Ý nghĩa
Thánh Lễ hôm nay bắt đầu cho Tam Nhật Vượt Qua. Trong Thánh Lễ này, chúng ta tưởng niệm lại 3 ý nghĩa chính sau đây: Tái diễn lại bữa tiệc của Chúa Giêsu với các môn đệ. Đây là thời điểm Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục Thượng Phẩm để qua những con người này Ngài trực tiếp hiện diện với nhân loại cho đến ngày tận thế. Hôm nay Giáo Hội cũng kỷ niệm lại với những lời trăn trối tâm huyết cuối cùng mà Ngài đã dành cho các môn đệ đó là việc Ngài ban giới luật yêu thương được cụ thể hóa bằng việc rửa chân cho các Tông đồ. Ba sự việc này diễn ra trong thời gian sau cùng mà Đức Giêsu còn ở giữa các môn đệ. Như vậy, chiều hôm nay, Giáo Hội sống lại những giây phút cao quí nhất, tuyệt vời nhất của tình yêu nơi Đức Kitô, một tình yêu không thể đo lường hay sánh ví.13
Cử hành
Nhà Tạm hoàn toàn bỏ trống. Trong Thánh Lễ chiều nay, Thánh Thể sẽ được truyền phép đủ cho hôm nay và ngày mai. Màu sắc, khung cảnh hôm nay rất rực rỡ. Kinh Vinh Danh đã vắng lặng từ Thứ Tư Lễ Tro nay lại vang lên rộn rã, trong lúc hát thì chuông trống rung lên. Sau đó thì không dùng đến nữa cho đến lúc hát Kinh Vinh Danh vào Đêm Canh Thức Vượt Qua. Thánh lễ được diễn tiến như các ngày Lễ Chúa Nhật, nhưng không có Kinh Tín Kính. Nhưng thêm các phần sau đây:
* Nghi thức Rửa Chân
Sau bài giảng, Linh Mục cởi áo Lễ và đi đến tận từng người đã được chọn lựa để đại diện cho 12 tông đồ và đổ nước trên chân từng người, rồi lấy khăn lau. Sau khi rửa chân xong, Linh Mục mặc áo Lễ vào và tiếp tục dâng Thánh Lễ
Chúa Giêsu đã hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngôi Hai Con Một Thiên Chúa là một Đấng hoàn hảo, vô tội, thánh thiện, trong sạch nhưng vì nhân loại nên Ngài đã cúi mình xuống rửa sạch tội lỗi của nhân loại. Ngài tự khiêm hạ để nhân loại được nâng lên. Ngài chấp nhận thân phận thấp hèn để con người nhờ Ngài mà được cứu độ. Đức Giêsu đã làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta về bài học khiêm nhường, quên mình phục vụ để được hưởng phúc vĩnh hằng. Hôm nay các linh mục cũng làm lại công việc đó để phục vụ tha nhân, phục vụ dân Thiên Chúa và anh em đồng loại. Cử chỉ này nói lên lòng khiêm tốn, yêu thương của vị mục tử dành cho đàn chiên. Hơn thế nữa, đó cũng là bài học yêu thương cho những người môn đệ theo bước chân của Ngài.
* Nghi thức kiệu Mình Thánh Chúa sang nhà tạm
Phần cuối của thánh lễ, Linh mục không ban Phép Lành nhưng là nghi thức kiệu Mình Thánh sang bàn thờ phụ. Tất cả Mình Thánh Chúa còn lại hôm nay sẽ được chuyển qua và giữ lại tại Bàn thờ phụ. Hội Thánh kiệu Mình Thánh qua bàn thờ phụ để chúng ta kính thờ cách đặc biệt long trọng trong ngày kỉ niệm bí tích Thánh Thể, đồng thời để đền tạ những xúc phạm đến bí tích cực thánh này. Nghi thức ngày thứ Năm Tuần Thánh chấm dứt với giờ chầu Thánh Thể đầu tiên. Từ lúc này trở đi, chúng ta hiệp thông và chia sẻ với Chúa Giêsu bằng các giờ chầu Thánh Thể trong tâm tình cảm tạ, thờ lạy đền tội và yêu mến.
Linh mục xông hương Thánh Thể rồi phủ khăn lên bình đựng Thánh Thể rồi kiệu đi. Thánh Thể sẽ được xông hương 3 lần trong lúc kiệu đi. Khi đến Nhà Tạm phụ, Linh Mục đặt Thánh Thể lên bàn thờ rồi xông hương. Sau một vài bài hát về Thánh Thể, Linh Mục khóa cửa Nhà Tạm rồi đi vào, sau đó cộng đoàn chia nhau Chầu Thánh Thể. Kể từ lúc này, khăn bàn thờ được lột cất đi và cất Thánh Giá khỏi nhà nhà Thờ hay nhà Nguyện.
3. Thứ Sáu Tuần Thánh
a. Nguồn gốc
Việc cử hành phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Giêrusalem được ghi nhận đầu tiên vào thế kỷ IV do sử gia Esgerie tường thuật lại về việc cầu nguyện và suy niệm về cuộc Thương khó Chúa trong suốt lộ trình từ Nhà Tiệc Ly đến chân đồi Gôlgôtha. Trên lộ trình này, dân chúng dừng lại từng chặng để nghe các đoạn sách Ngôn sứ nói về cuộc Thương khó của người Tôi Tớ Thiên Chúa, suy niệm các đoạn Tin mừng nói về đau khổ của Chúa, cầu nguyện và hát thánh ca. Cuối lộ trình là nơi Chúa chịu đóng đinh, Giám mục sẽ đưa cao cây Thánh giá cho dân chúng tôn thờ.
Tại Rôma thế kỷ VII, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh người ta tưởng niệm cuộc khổ nạn bằng cách suy gẫm trình thuật Thương khó theo Tin mừng Gioan, sau đó cộng đoàn sẽ đọc lời cầu chung cho Giáo Hội, các nhà lãnh đạo thế giới, cầu cho sự hiệp nhất và cho mọi nhu cầu của nhân loại. Vì không cử hành thánh lễ nên nhiều nhà thờ tổ chức cử hành phụng vụ Lời Chúa cách trọng thể: Thánh giá có tượng chịu nạn được để trên bàn thờ cho dân chúng tôn thờ, nghe Lời Chúa và suy gẫm về cuộc khổ nạn của Người, sau đó rước lễ.14
Trước năm 1955, việc cử hành phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có sự khác biệt so với hiện nay: ban sáng cử hành phụng vụ Lời Chúa và suy tôn Thánh giá, buổi chiều đi đàng Thánh giá, buổi tối nghe “giảng đại phúc” về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Nhưng sau 1955 có sự sắp xếp lại việc cử hành nghi thức: buổi chiều cử hành cuộc Thương khó và tôn vinh Thánh giá, đồng thời cho phép cộng đoàn phụng vụ rước lễ nhưng không cử hành thánh lễ. Nghi thức từ năm 1970 đến nay không thay đổi gì nhiều về cấu trúc và giờ cử hành, nhưng chỉ thay đổi về các bài đọc, sắp xếp lại các lời nguyện cũng như thêm vào một số ý nguyện mới theo tinh thần của Vaticano II.15
b. Ý nghĩa
Theo Kinh Thánh, trước ngày Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu đã bị xử án tại dinh Philatô vào lúc tảng sáng, rồi Người bị kết án Tử hình, vác thập giá đến pháp trường, bị đóng đinh vào thập giá, bị treo lên và rồi Người tắt thở trên thập giá vào khoảng 3 giờ chiều. Vì thế, hôm nay Giáo Hội muốn chúng ta hãy chăm chú suy niệm về tình thương của Ngài qua những khổ hình và cuộc tử nạn của Người được trình bày qua bài Thương Khó. Chúng ta hãy suy niệm về mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô. Hôm nay là ngày thích hợp để mỗi Kitô hữu chúng ta trở về với lòng mình. Chúng ta hãy kết hợp lòng mình với những đau khổ mà Ngài đã chịu vì yêu thương ta và muốn cứu độ ta.
Việc cử hành vào chiều Thứ Sáu không phải là Thánh lễ mà chỉ là một Nghi lễ tưởng niệm việc Đức Giêsu chịu chết. Đây không phải là những lễ nghi chỉ gợi nên một cuộc trình diễn bi kịch cảm động về cuộc thương khó của Đức Giêsu. Đây là một mầu nhiệm Đức Tin. Chúng ta phải luôn tin rằng Đức Giêsu chết và đã sống lại để cứu độ chúng ta. Nhưng để có thể hiểu chúng ta được cứu khỏi một vực thẳm đầy tội lỗi và gian tà như thế nào, chúng ta cùng với Ngài bước xuống vực thẳm đó. Nghi lễ Thứ Sáu tuần thánh nhắc lại việc Đức Giêsu xuống vực thẳm ấy, đó là tội lỗi của loài người, những đau khổ của nhân loại về thể xác cũng như tinh thần (bị hất hủi, bị người thân phản bội, bị thất bại, bị xâm phạm thân thể, bị đối xử bất công, bị nhục nhã, nỗi lo âu khủng khiếp như hấp hối, sợ hãi, chết v.v.). Nghi lễ hôm nay phải giúp ta ý thức tầm mức nghiêm trọng của sự dữ và sự tội ; đồng thời ý thức giá trị tuyệt vời của việc Chúa cứu chuộc chúng ta. Hôm nay cũng là dịp thuận tiện để ta giục lòng thống hối, hoán cải tâm hồn qua việc chay tịnh, hãm mình hy sinh và đền tội.
c. Cử hành
Hôm nay không được phép cử hành bất cứ bí tích nào, bàn thờ để trống (không thánh giá, không khăn trải bàn và không chân nến, hoa), thừa tác viên mặc lễ phục đỏ, không hát ca nhập lễ, không mang nến hay hương khi tiến ra bàn thờ hay khi đọc bài Thương khó. Không làm dấu thánh giá trên mình và không hôn sách khi đọc bài Thương khó.
Hôm nay không có Thánh Lễ, chỉ có nghi thức Phụng Vụ gồm có 3 phần: phụng vụ Lời Chúa và các lời nguyện chung trọng thể, suy tôn Thánh giá và sau cùng là rước lễ.
* Phụng vụ Lời Chúa
Cũng giống như trong thánh lễ trọng hay Chúa Nhật, các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cũng gồm có 3 bài đọc: Bài đọc I trích sách ngôn sứ Isaia (Is 52,13-53,12) nói về người Tôi Tớ đau khổ của Giavê, Bài đọc II trích thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 4,14-16; 5,7-9) giới thiệu chân dung Đấng Cứu Thế mang lấy các đau khổ của con người để cứu độ nhân loại. Còn bài đọc Tin mừng theo Thánh Gioan (18,1-19,42) diễn tả lại các việc Chúa Giêsu bị bắt, dẫn đến trước Caipha và Philatô, bị lăng nhục, vác và chịu đóng đinh và chết trên thập giá, sau đó được mai táng trong huyệt đá.
* Lời nguyện chung trọng thể
Phụng vụ Lời Chúa kết thúc bằng các lời nguyện chung. Có 10 lời nguyện khác nhau, chủ tế không buộc đọc tất cả nhưng được phép chọn những lời nguyện nào hợp hơn với hoàn cảnh địa phương, tuy nhiên phải luôn luôn giữ thứ tự các ý nguyện được in trong sách Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma số 45 và 46.
Thứ tự 10 lời nguyện là:
- Cầu cho Hội Thánh
- Cầu cho Đức Giáo Hoàng
- Cầu cho hàng giáo sĩ và giáo dân
- Cầu cho các dự tòng
- Cầu cho các Kitô hữu được hiệp nhất
- Cầu cho người Do Thái
- Cầu cho những người không tin Chúa Kitô
- Cầu cho những người không tin Thiên Chúa
- Cầu cho chính quyền
- Cầu cho những người đau khổ
* Suy tôn Thánh giá
Sau khi đọc các lời nguyện, mọi người đứng để long trọng kính thờ Thánh giá Chúa Kitô. Nghi thức suy tôn Thánh Giá phát xuất từ Giêrusalem (Đông Phương) và du nhập vào Rôma (Tây Phương) vào thế kỷ VII. Ngay ở Rôma thời bấy giờ, nghi thức suy tôn giáo chủ khác nghi thức giáo phẩm khác. Nghi thức hiện thời là sự sắp xếp tổng hợp của hai nghi thức đó.
Nghi thức khởi đầu với việc mở khăn che Thánh Giá, tỏ bày Thánh Giá cho cộng đồng, và mời gọi cộng đồng đến thờ lạy Thánh Giá. Chủ sự, thừa tác viên và tất cả các tín hữu lần lượt quỳ gối thờ lạy và hôn kính Đấng Cứu Chuộc, cái hôn liên kết chặt chẽ cộng đồng với Người. Trong khi thờ lạy, ca đoàn hay cộng đoàn hát các lời than trách của Chúa Kitô Cứu Chuộc hằng làm ơn cho loài người mà được đáp lại bằng những bội phản liên tục. Sau mỗi lời than trách của Chúa Kitô, điệp khúc bi đát của tình yêu không được biết đến : “Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi… ? Hãy trả lời cho Ta.” Câu trả lời của cộng đồng tín hữu lúc đó là hôn kính Thánh Giá.16
2 cách tôn thờ thánh giá:
Cách thứ nhất: Thừa tác viên mang Thánh giá có phủ khăn tiến ra bàn thờ và lần lượt mở khăn che phủ Thánh giá và đọc 3 lần: “Đây là cây Thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian” và mọi người đáp “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Mỗi lần đọc thì thừa tác viên cởi khăn che Thánh Giá theo từng phần tương ứng: Phần đầu Thánh giá, bên phải Thánh giá và sau cùng là mở hết khăn che. Sau khi đáp thì mọi người quì gối thinh lặng trong giây lát trong khi thừa tác viên nâng cao Thánh giá. Sau đó, thừa tác viên đặt Thánh giá ở nơi thích hợp và mọi người thay phiên nhau hôn kính Thánh Giá.
Cách thứ hai: Thừa tác viên mang Thánh giá nhưng không phủ khăn từ cửa nhà thờ, sau đó đi kiệu lên cung thánh và cũng thực hiện việc mở khăn lần lượt 3 lần và hát cùng đáp như cách thứ nhất.
* Rước lễ
Sau phần suy tôn Thánh giá là đến phần rước lễ. Việc rước lễ này chỉ là sự hiệp thông một cách sung mãn với Chúa Kitô, tưởng niệm Đấng đã cứu chuộc bằng khổ nạn và chịu chết trên Thánh giá. Do đó, không có nghi thức truyền phép và chúc bình an cho nhau. Mình Thánh Chúa mà mọi người rước là Mình Thánh đã được truyền phép từ ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
Thừa tác viên trải khăn thánh lên bàn thờ đang để trống, sau đó rước Mình Thánh Chúa từ Nhà Tạm phụ ra bàn thờ. Trong khi rước Minh Thánh Chúa thì có 2 người phụ giúp cầm 2 cây đèn theo hầu Mình Thánh Chúa. Khi đến bàn thờ thì đặt 2 đèn này lên bàn thờ. Tiếp đến là phần Rước Mình Thánh Chúa bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha. Sau khi rước lễ, thừa tác viên lại đem Mình Thánh Chúa còn dư vào lại Nhà Tạm phụ.
Kết thúc
Sau khi lời nguyện hiệp Lễ kết thúc, Linh mục hướng về giáo dân và dơ tay trên họ để đọc lời nguyện chúc lành cho họ. Sau lời nguyện này, mọi người im lặng ra về, không dạo đàn, không hát bất cứ bài hát hay đọc một kinh nào. Sau đó xếp khăn bàn thờ được cất đi cho đến đêm lễ Vọng Phục Sinh.
4. Thứ Bảy Tuần Thánh
a. Nguồn gốc
Ngay từ thế hệ Kitô hữu đầu tiên, đã có việc cử hành hằng năm mừng Chúa sống lại. Trong suốt ba thế kỷ đầu, đây là lễ hội duy nhất được ghi nhận trong Giáo Hội. Việc cử hành nguyên thủy – tiền thân của Lễ Phục Sinh sau này – được thực hiện bằng hình thức một cuộc canh thức (vigilia trong tiếng La tinh có nghĩa là “sự tỉnh thức” hay “đợi chờ”). Thật dễ hiểu tại sao các Kitô hữu đã chọn những giờ khắc của ban đêm để cử hành cảm nghiệm tôn giáo của mình về cuộc khải thắng của Đức Kitô trên sự chết và tội lỗi – đồng thời đó cũng là cuộc khải thắng của chính họ cùng với Đức Kitô. Chính trong những giờ khắc của đêm tối trước ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) mà mầu nhiệm này đã diễn ra. (Mt 28,11; Mc 16,1; Lc 24,1; Ga 20,1).
Vào thời Giáo Hội sơ khai, có một niềm tin rất phổ biến rằng Chúa Phục Sinh sẽ trở lại trong chính những giờ khắc đêm tối này của Đêm Canh Thức Phục Sinh. Vì vậy, điều đương nhiên là tất cả mọi người cùng có mặt và chờ đợi. Đây sẽ là sự trở lại cuối cùng trong vinh quang của Người, và ngày nay trong mỗi Thánh Lễ, lời loan báo về sự cáo chung của thời gian vẫn còn vang lên để xác tín: “Đức Kitô đã chết, đã sống lại và sẽ đến!”.
Ngoại trừ một số thay đổi, nhất là thay đổi về thời lượng, nghi thức đã được canh tân ngày nay phản ảnh rõ chính nghi thức của những thế kỷ ban đầu. Vừa khi sao hôm xuất hiện trên bầu trời, các nghi thức bắt đầu được cử hành và kéo dài suốt cả đêm. Những khoảnh khắc đầu tiên dành cho việc đọc các bài đọc Thánh Kinh và những lời nguyện. Các bài đọc Thánh Kinh – thường gồm 12 bài – nhấn mạnh ý nghĩa tiên tri về một công cuộc sáng tạo và cứu độ mới bằng nước. Đó là những bản văn nói về cuộc tạo dựng ban đầu, sự sa ngã, trận lụt hồng thủy, câu chuyện sát tế Isaac, biến cố các thiên thần vượt qua cửa nhà người Do Thái để tàn sát các con trai đầu lòng của người Ai Cập, cuộc vượt qua Biển Đỏ và hành trình tiến vào Đất Hứa.
Khi bóng tối đã trùm kín không gian cũng là lúc chủ đề nói trên được thể hiện bằng nghi thức sáng tạo mới qua nước của Phép Rửa, nhất là Phép Rửa cho người trưởng thành. Vốn là một nét đặc trưng của Đêm Canh Thức Phục Sinh, nghi thức này bắt đầu với việc làm phép nước Phục Sinh một cách trọng thể. Trong khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh, cây Nến Phục Sinh cháy sáng được cắm vào nước, và dầu thánh cũng được chế vào hòa lẫn với nước. Giờ đây, những người dự tòng – thường đã được chuẩn bị từ vài năm trước – sẽ tuyên hứa từ bỏ mọi ảnh hưởng của Satan trên con người cũ của mình; họ tuyên xưng đức tin, lãnh nhận Phép Rửa, được xức dầu và mặc áo trắng. Vào thế kỷ thứ 5, trong Giáo Hội Rôma có thực hiện việc xức dầu lần thứ hai do đức giám mục – và đây chính là dạng ban đầu của bí tích Thêm Sức.
Trong những thế kỷ đầu tiên, người ta có thói quen trao sữa và mật ong đã được làm phép cho những người mới lãnh nhận Phép Rửa. Cử chỉ này có ý nghĩa rằng người mới lãnh Phép Rửa là người còn non nớt trong đức tin, gọi là tân tòng. Cử chỉ ấy cũng ám chỉ rằng họ vừa mới tiến vào miền Đất Hứa mới “chảy tràn sữa và mật ong”. Việc thực hành nói trên, có tầm vóc đánh dấu một mốc điểm quan trọng trong cả đời sống, vốn là một thực hành được vay mượn từ các thần thoại ngoại giáo. Cuối cùng, gần lúc tờ mờ sáng, những người mới lãnh Phép Rửa sẽ rước Thánh Thể lần đầu cùng với cộng đoàn tín hữu.
b. Ý nghĩa
Việc tưởng niệm Đức Kitô chịu chết và sống lại đạt tới cao điểm trong đêm nay. Đêm nay là đêm thánh của người Kitô hữu. Đêm nay cộng đoàn Kitô hữu ôn lại tất cả lịch sử cứu độ, từ buổi khai sinh lập địa và việc dân Israel ra khỏi Aicập cho đến việc Đức Giêsu sống lại và được tôn vinh trên trời. Thánh Augustin, trong tác phẩm “Sermo” đã coi Canh thức Vượt Qua trong đêm Vọng Phục Sinh là “Mẹ của mọi lễ Canh Thức”. Khi cử hành Canh thức này, Giáo hội canh thức để mong đợi Chúa Kitô sống lại và cử hành mầu nhiệm Phục sinh ấy trong các bí tích. Vì thế, mọi cử hành trong đêm Canh thức Vượt Qua phải được tổ chức vào ban đêm, nghĩa là khi bắt đầu đêm tối và kết thúc trước rạng đông ngày Chúa nhật.17
Đêm nay, người Kitô tận hưởng niềm vui Chúa Phục Sinh sau 40 đêm ngày ăn chay, hãm mình và cầu nguyện. Đêm nay, niềm vui của người Kitô hữu được thể hiện qua việc đi từ đêm tối đến ánh sáng, đi từ cõi chết âm u tiến vào cõi sống tưng bừng hoan hỷ. Đêm nay người Kitô hữu được mời gọi theo lời khuyên của Đức Kitô, họ cầm đèn sáng trong tay giống như những người đang tỉnh thức đợi chủ trở về để đưa họ vào bàn tiệc. Đêm nay, họ được nếm trước niềm vui của thánh Giêrusalem trên trời. Vì thế, đêm nay, họ hát vang lời Allêluia! Mừng Chúa Phục Sinh!
c. Cử hành
Canh thức Vượt Qua – Vọng Phục Sinh được cử hành đêm canh thức gồm 4 phần:
* Làm phép lửa và thắp nến Phục Sinh
Khởi đầu đêm Canh thức, Tất cả cộng đoàn tập họp chung quanh lò lửa tại một nơi nào đó khác với nơi cử hành Thánh lễ. Khi đến giờ cử hành nghi thức, tắt các đèn chiếu sáng trong nhà thờ, chủ tế cùng với người giúp lễ tiến đến trước đống lửa và bắt đầu nghi thức khai mạc.
Bóng tối bây giờ đang bao phủ chung ta tượng trưng cho tội lỗi, sự chết và ma quỉ. Lửa phát ra ánh sáng và sức nóng là hình ảnh Đức Kitô. Ánh sáng phá tan bóng tối của tội lỗi và sự chết. Sức nóng của lửa nói lên tình yêu Thiên Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng, dẫn lối đưa đường chúng ta bước đi trong bóng đêm tội lỗi. Nghi thức được diễn tiến như sau:
- Lời mở đầu: Chủ tế chào cộng đoàn và giải thích ngắn gọn ý nghĩa của cử hành đêm Vượt Qua.
- Làm phép lửa mới: Sau khi chào cộng đoàn, chủ tế đọc lời nguyện làm phép lửa mới được dùng trong đêm Vượt Qua.
- Thắp nến Phục Sinh: Làm phép lửa xong, chủ tế vừa đọc công thức theo quy định, vừa vẽ hình thánh giá, ghi số của năm phụng vụ và gắn các hạt hương nên nến Phục Sinh. Các cử chỉ này diễn tả nến Phục Sinh được xem là biểu tượng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Khi đã chuẩn bị nến Phục Sinh xong, chủ tế thắp sáng cây nến Phục Sinh bằng lửa mới từ lò lửa vừa được làm phép.
- Kiệu nến Phục Sinh: Khi đã thắp sáng nến Phục Sinh, phó tế hay chủ tế nâng cao nến Phục Sinh và tung hô: “Ánh sáng Chúa Kitô” và mọi người đáp: “Tạ ơn Chúa.” Kế đó đoàn kiệu tiến vào nhà thờ theo thứ tự: Nếu có hương, người cầm bình hương, có bỏ hương và dẫn đầu, kế đến là nến Phục Sinh, theo sau là toàn thể dân chúng. Câu tung hô “Ánh sáng Chúa Kitô” được hát ba lần: lần thứ nhất ngay tại nơi tụ họp gần lò lửa, lần thứ hai nơi cửa chính nhà thờ, và lần thứ ba tại bàn thờ. Sau tung hô lần thứ ba, bật tất cả các đèn trong và ngoài nhà thờ sao cho chan hòa ánh sáng.
- Công bố Tin Mừng Phục Sinh: Khi đã thắp sáng các đèn trong ngoài nhà thờ và đặt nến Phục Sinh vào giá nến gần bàn thờ hay giảng đài, chủ tế xông hương nến Phục Sinh, rồi chủ tế hay phó tế hoặc một giáo dân sẽ công bố Tin Mừng Phục Sinh tại giảng đài, trong khi đó mọi người đứng cầm nến cháy sáng lắng nghe.
* Phụng vụ Lời Chúa
Sau bài công bố Tin Mừng Phục Sinh đến phần cử hành Phụng vụ Lời Chúa. Tất cả các bài đọc Kinh Thánh trong phần này nhắc đến công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Giáo hội đề nghị đọc 9 bài đọc gồm: 7 bài đọc Cựu Ước và 2 bài đọc Tân Ước (Thánh Thư và Tin Mừng). Trong những hoàn cảnh mục vụ đặc biệt, có thể đọc 3 bài Cựu Ước hoặc lúc qua gấp chỉ đọc hai bài, nhưng không khi nào được bỏ bài Xuất Hành và luôn luôn lưu ý rằng việc đọc Lời Chúa là phần căn bản của đêm Canh thức Vượt Qua.18 Các bài đọc bao gồm:
- Bài đọc 1: St 1,1 – 2,2 tả lại việc Chúa tác tạo vũ trụ và loài người trong sáu ngày và ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. Đây là hình ảnh việc tác tạo mới của linh hồn chúng ta. Sau bài đọc 1 là đáp ca với Tv 32,4-7;12-13;20;22.
- Bài đọc 2: St 22,1-2;9a;10-13;15-18 đề cập đến việc Abraham vâng lệnh Chúa sát tế người con duy nhất của mình là Isaac. Vì sự vâng phục hoàn toàn và có một đức tin mạnh mẽ, ông được Chúa chúc phúc để trở thành người cha của một dân tộc đông đúc như sao trên trời và như cát dưới biển. Sau bài đọc 2 là đáp ca với Tv15,5;8-11.
- Bài đọc 3: Xh 14-15-15,1 tả lại việc dân Do thái đi qua giữa lòng biển Đỏ khô cạn và được bình an, cho thấy hình ảnh cuộc giải thoát mới do công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Sau bài đọc 3 là đáp ca với Xh 15,1-6;17-18.
- Bài đọc 4: Is 54,5-14 là lời tiên tri Isaia an ủi dân Israel đang bị lưu đày ở Babylon. Vì Israel bất trung, nên Chúa đã bỏ rơi họ, và khi họ sám hối, Chúa lấy lòng nhân từ vô biên mà quy tụ họ lại để họ vui hưởng nền hòa bình lâu dài. Sau bài đọc 4 là đáp ca với Tv 29,2;4-6;11-12a;13b.
- Bài đọc 5: Is 55,1-11 tiên tri Isaia loan báo một thời kỳ thịnh đạt mà Israel sẽ được vui hưởng, thời kỳ mà Chúa se ký kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân Chúa đã hứa với Đavid. Đáp ca sau bài đọc này là Is 12,2-3;4bcd;5-6.
- Bài đọc 6: Br 3,9-15;32-4,4 ghi lại lời tiên tri Barúc nói cho dân Israel biết tại vì họ bỏ đường lối Chúa, nên đã bị lưu đày. Vì thế, nếu muốn được sống mãi trong an bình, thịnh vượng thì hãy tuân giữ giới răn của Chúa. Đáp ca sau bài đọc này là Tv 18,8-11.
- Bài đọc 7: Ed 36,16-28 tiên tri Edêkiel cho dân Do thái biết tại vì họ bỏ Chúa để tôn thờ các thần tượng, phạm đủ thứ tội và danh Chúa bị xúc phạm, nên họ bị lưu đày. Nhưng rồi Chúa sẽ quy tụ họ trở về, thanh tẩy họ sạch khỏi vết nhơ bụt thần, ban cho họ một quả tim và một thần trí mới, để họ thực thi các huấn lệnh của Chúa. Đáp ca sau bài đọc này là Tv 50,12-15;18-19
- Bài đọc 8: Rm 6,3-11 Thánh Phaolô nhắc nhở điều này là nếu chúng ta đã chịu Phép rửa, tức là chúng ta đã cùng chết cho tội với Chúa Kitô, và cùng Người sống cho Chúa trong ân sủng. Con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu, để chúng ta sống cuộc sống mới trong Người.
- Bài đọc 9: Tùy vào năm Phụng vụ có các bài Tin Mừng Phù hợp: năm A – Tin Mừng Mt 28,1-10; năm B – Tin Mừng Mc 16,1-8; năm C – Tin mừng Lc 24,1-12.
Khi nghe đọc các bài đọc, cộng đoàn ngồi. Sau mỗi bài đọc Cựu Ước đều có một lời nguyện chung do chủ tế đọc, lúc này cộng đoàn đứng để hiệp ý cầu nguyện.
Sau bài đọc Cựu Ước cuối cùng, thì đốt nến bàn thờ và trang hoàng cung thánh cách rực rỡ và trang trọng, nhằm làm nổi bật tất cả vẻ đẹp và huy hoàng của năm Phụng Vụ được tỏ hiện trong đêm Phục Sinh. Lúc đó chủ tế xướng kinh Vinh Danh, lúc đó có thể đổ chuông hay đánh chiêng chống theo thói quen địa phương.19
Sau kinh Vinh Danh, chủ tế đọc lời nguyện nhập lễ của đêm Phục Sinh. Đọc lời nguyện nhập lễ xong, cộng đoàn sẽ nghe đoạn thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma (6,3-11) nhắc đến bí tích Thánh tẩy trong tương quan với mầu nhiệm Vượt Qua. Sau bài Thánh thư, mọi người đứng lên. Chủ tế, nếu cần thì phó tế hoặc ca viên giúp, sẽ long trọng xướng “Halleluia” ba lần, mỗi lần lên cao giọng hơn và cộng đoàn lặp lại sau mỗi lần ngài xướng. Rồi cộng đoàn hát Tv117, 1-2;16-17;22-23, sau đó công bố Tin Mừng. Khi công bố Tin Mừng không mang theo đèn nến, nhưng mang bình hương để xông hương sách Tin Mừng như cử chỉ kính trọng. Phần Phụng vụ Lời Chúa sẽ kết thúc sau bài diễn giảng.
* Cử hành Bí tích Khai tâm Kitô giáo
Sau thời gian học đạo và cử hành thời gian dự tòng trong suốt Mùa Chay, lúc này các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể, để được cùng chết với Chúa Kitô và sống lại với Ngài, giúp họ trở nên tạo vật mới. Họ là thành phần Dân Chúa, và lần đầu tiên họ được cùng mọi người đọc lời nguyện giáo dân.
Nếu không có việc cử hành các bí tích khai tâm kitô giáo, thì nên cử hành lễ nghi rửa tội cho trẻ con. Nếu có giếng rửa tội, thì làm phép giếng và nước rửa tội. Lời kinh làm phép này nói lên lịch sử Thiên Chúa cứu độ con người qua các biến cố, trong đó Thiên Chúa dùng nước để thực hiện việc cứu rỗi.
Phụng vụ Thánh Tẩy gồm các yếu tố: Kinh cầu các Thánh, Rảy nước Thánh, Cử hành Thánh Tẩy và Thêm Sức
Nếu không có bí tích khai tâm cho dự tòng thì sau khi làm phép nước xong, các tín hữu lặp lại lời tuyên xưng đức tin cách long trọng, trong khi đó họ đứng và cầm đèn cháy sáng. Tuyên xưng đức tin xong, chủ tể rảy nước thánh lên dân chúng. Sau đó không đọc Kinh Tin Kinh mà đọc lời nguyện chung.20
* Phụng vụ Thánh Thể
Sau cùng là phần Phụng vụ Thánh Thể: Thánh lễ tiếp tục như các thánh lễ khác. Trong Kinh nguyện Thánh Thể, Giáo Hội có lời nguyện cầu cho các tân tòng. Thánh lễ là hy tế vượt qua, và hôm nay thánh lễ này mang một tầm quan trọng đặc biệt, vì là tột đỉnh của tất cả nghi thức vọng vượt qua.
Nếu có dự tòng thì nên cho họ dâng bánh rượu trong Thánh lễ đầu tiên này của họ. Khi rước lễ, các tân tòng và những người đỡ đầu được rước lễ dưới hai hình.
Khi giải tán dân chúng, chủ tế hoặc phó tế đọc thêm câu: Allêluia, alleluia và cộng đoàn cũng đáp lại như thế.
KẾT LUẬN
Các tác giả sách Tin Mừng kể cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Do thái. Ngày thánh thiêng nhất đối với người Do thái đã trở thành ngày thánh thiêng nhất đối với người Kitô hữu. Cũng vậy, trong đêm dài canh thức, các Kitô hữu nhìn lại lịch sử thánh và nhận ra Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Kitô trỗi dậy từ trong kẻ chết. Thánh Phaolô đã viết: “Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế.” (1 Cr 5,7).
Trong các cử hành phụng vụ Tam nhật thánh, Giáo Hội tưởng nhớ Sự Thương khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Mặc dầu, các cử hành phụng vụ này chan hòa ý nghĩa xúc động và có sức tác động xét theo lịch sử, nhưng việc tưởng nhớ trong phụng vụ không chỉ hướng về quá khứ, mà là hướng đến hiện tại. Khi Giáo Hội kính nhớ, thì một điều gì đó đang xảy ra ngay lúc này và tại nơi này. “Vì vậy, khi tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu chuộc, Giáo Hội mở ra cho tín hữu kho tàng phong phú về công đức và quyền năng của Chúa, để bằng một cách nào đó những mầu nhiệm này được hiện tại hóa qua mọi thời đại ngõ hầu các tín hữu nắm giữ các mầu nhiệm ấy và được tràn đầy hồng ân cứu độ.”21
Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô là trung tâm của năm phụng vụ. Nói đúng hơn, Đức Kitô phục sinh vừa là nơi qui hướng mọi nếp sống của các Kitô hữu, vừa là nguồn mạch phát sinh đời sống ấy. Vì vậy, mọi nghi lễ của Kitô giáo chỉ là nối dài các mầu nhiệm của Đức Kitô, đặc biệt là cuộc tử nạn và phục sinh, hay nói khác đi, đó là các mầu nhiệm của Tam Nhật Thánh. Khi cử hành Tam Nhật Thánh và Đại Lễ Phục Sinh, chúng ta được mời gọi phải biết chết với Đức Kitô để rồi cũng được sống lại với Ngài. Chính là Ngài cũng là sức mạnh để chúng ta thực hiện cái chết và sống lại đó. Bởi vì Tam Nhật Thánh Thánh và Lễ Phục Sinh nhắc lại và tái diễn lại sự kiện Đức Giêsu đã chết và sống lại như xưa. Vì thế, đây không phải là một kỷ niệm nhưng là sự kiện đang tái diễn trong hiện tại.