“EPHATA – HÃY MỞ RA (Mc 7, 34)”
THỈNH VIỆN ĐA MINH KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024 – 2025
Giuse Phan Văn Lập
Cùng hòa chung với không khí rộn ràng, hân hoan chào đón năm học mới của học sinh, sinh viên trên cả nước, Thỉnh viện Đa Minh đã tổ chức khai giảng năm học mới vào Chúa Nhật XXIII – TnB vừa qua. Năm nay, với chủ đề năm học: “EPHATA – HÃY MỞ RA” như một lời ước nguyện trong năm học mới này, mỗi anh em thỉnh sinh được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi lòng mở trí để có thể tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, hầu chuẩn bị cho hành trình phục vụ vào sứ vụ của Tỉnh dòng trong tương lai.
1. Đón tiếp quý khách và anh em thỉnh sinh ngoại trú
Trong tiết trời mát mẻ của đầu ngày mới, cùng với những tia nắng ban mai len lỏi qua từng tán cây, khung cảnh này tạo nên một bức tranh thật sống động và tràn đầy năng lượng.
Sau khi đã chuẩn bị tươm tất các công việc chung cho ngày lễ Khai giảng, anh em thỉnh sinh nội trú vui mừng và hân hoan đón tiếp sự hiện diện của Cha Phụ tá Giám tỉnh, quý Cha giáo, quý Sơ và quý Thầy Cô giảng viên, cùng với anh em thỉnh sinh ngoại trú. Bầu không khí của Thỉnh viện trở nên vui tươi, ấm áp và thân thương hơn khi mọi người có dịp gặp gỡ chào hỏi, trò chuyện với nhau, mỗi anh em thỉnh sinh có dịp tay bắt mặt mừng những thầy cô giáo sau thời gian nghỉ hè vừa qua. Đây cũng là một dịp thuận tiện để anh em thỉnh sinh mới gặp gỡ và làm quen với các giáo sư trước thềm năm học mới.
2. Gặp gỡ và chia sẻ
Mở đầu chương trình khai giảng, Cha Phaolô Nguyễn Minh Tuấn, O.P. – Phụ tá Giám tỉnh – Trưởng ban Đào tạo của Tỉnh Dòng đã có giờ chia sẻ và giải đáp những thắc mắc liên quan đến hành trình theo đuổi ơn gọi Đa Minh cho anh em Thỉnh sinh. Bài chia sẻ của Cha đã gợi mở cho anh em một số vấn đề liên quan đến đường hướng mục vụ và chương trình đào tạo của Dòng:
Trước hết, Cha cho anh em thấy rằng, Ơn gọi Đa Minh không phải là ơn gọi để trở thành một cha sở, bởi lẽ đời sống Đa Minh không hệ tại ở việc mục vụ Giáo xứ, nhưng là hướng tới một đời sống cộng đoàn; việc quản xứ chỉ là một sứ vụ của anh em Đa Minh trong việc chia sẻ công việc mục vụ tại một Giáo phận địa phương. Đây là điểm căn cốt cho thấy sự khác biệt giữa ơn gọi Tu sĩ Dòng Đa Minh và ơn gọi linh mục Giáo phận (triều).
Kế đến, Cha khẳng định rằng, việc trau dồi ngoại ngữ không phải là đích đến của ơn gọi Đa Minh nhưng là phương tiện cần thiết để anh em có thể thi hành sứ vụ mà Dòng trao phó. Cha Phaolô đề cập tới những mẫu gương của các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Giáo hội Công giáo Việt Nam có nhiều anh em Dòng Đa Minh, để thúc đẩy lí tưởng sống tinh thần truyền giáo của ơn gọi Đa Minh nơi mỗi anh em Thỉnh sinh. Các nhà truyền giáo, họ đã cố gắng tìm hiểu, học ngôn ngữ tiếng Việt, thậm chí can đảm vượt qua biên giới, vượt qua vùng an toàn của mình để đến với một vùng đất xa lạ chỉ vì một lí tưởng “làm cho Nước Thiên Chúa được rộng mở”. Trong thời đại ngày nay, anh em Đa Minh cũng được mời gọi để tăng cường khả năng ngoại ngữ như là một hành trang trên con đường loan báo Tin Mừng. Có được ngôn ngữ, anh em dễ dàng đảm nhận và sống với tinh thần Đa Minh một cách rõ nét hơn, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu với sứ vụ mà Dòng ủy thác cho anh em.
Điểm thứ ba mà Cha Phụ tá Giám tỉnh đã nhấn mạnh với anh em thỉnh sinh là Chúa gọi một con người cần mẫn đi theo Chúa. Bởi, chỉ có cần mẫn mới có thể sử dụng triệt để khả năng Chúa ban. Cha đã gợi lại cho anh em gương mẫu về một người thợ cần mẫn trong vườn nho của Chúa, đó là Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI. Qua đó, Cha mời gọi anh em tập cố gắng mỗi ngày, trở nên một người thợ cần mẫn, siêng năng, không phải với những công việc “đao to búa lớn” nhưng là cần mẫn trong chính những công việc bổn phận của mình.
Một điều cần thiết đối với một thỉnh sinh Đa Minh mà Cha muốn nhắn gửi, đó là khả năng phán đoán. Một con người trưởng thành nói chung hay cụ thể là một người tu sĩ Đa Minh cần biết tiên lượng những biến loạn của một “thời đại ảo”, khả năng thẩm định đúng – sai. Thực vậy, trên hành trình truy tìm chân lý trong một xã hội với đầy những biến loạn, đổi thay, đòi hỏi mỗi tu sĩ Đa Minh phải có khả năng phân định, phán đoán, chắt lọc thông tin và tìm được đâu mới thực sự là “chân lí”.
Qua những ý tưởng nêu trên, Cha Phaolô một lần nữa nhắn nhủ với các anh em nỗi niềm thao thức, niềm hi vọng, tương lai của Tỉnh dòng được đặt vào những thế hệ trẻ, những mầm non ơn gọi tại Thỉnh viện. Giờ chia sẻ được khép lại với một vài thắc mắc của anh em Thỉnh sinh về vấn đề được trình bày. Qua giờ chia sẻ ngắn này, ước mong mỗi anh em thỉnh sinh đều có cho riêng mình những cảm nhận và xác tín hơn về lí tưởng ơn gọi mà mình muốn theo đuổi.
3. Thánh lễ Khai giảng
Sau khi kết thúc giờ gặp gỡ và chia sẻ, anh em Thỉnh sinh có những giây phút lắng đọng, chuẩn bị tâm hồn để bước vào Thánh lễ Khai giảng. Thánh lễ diễn ra với sự chủ tế của Cha Phụ tá Giám tỉnh Phaolô, cùng quý Cha, quý Thầy trong Ban Giám đốc Thỉnh viện, quý Cha trong Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm, quý Sơ và quý Giảng viên.
Mở đầu Thánh lễ, Cha Phụ tá Giám tỉnh mời gọi mỗi anh em thỉnh viện hãy mang theo tinh thần tạ ơn Thiên Chúa, tri ân và cầu nguyện cho quý Cha trong Ban Giám đốc, quý Cha giáo – những người còn sống cũng như đã qua đời; cầu nguyện cho quý Thầy, quý Sơ, quý Giảng viên luôn được Chúa Thánh Linh soi dẫn, hằng nhiệt tâm trong việc truyền giảng tri thức để anh em Thỉnh sinh có thể thủ đắc được những hành trang cần thiết cho đời sống dâng hiến.
Trong phần giảng lễ, Cha Phụ tá Giám tỉnh gợi nhớ cho anh em Thỉnh sinh về hình ảnh của một đứa trẻ trong gia đình – một đứa trẻ đang trong quá trình học nói, học nghe. Thật vậy, một đứa trẻ trước khi biết nói, chúng đã phải học cách lắng nghe và bắt chước lại cách nói của người lớn. Từ đây, Cha mời gọi mỗi anh em Thỉnh sinh là những “đứa trẻ” đang tập tành để trở nên một tu sĩ Dòng Đa Minh cũng biết học cách lắng nghe – lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe tha nhân và lắng nghe lòng mình.
Ngoài ra, Cha đã liên kết hình ảnh anh thanh niên trong bài Tin mừng để gợi mở cho anh em Thỉnh sinh một vài điểm suy tư. Lời Chúa thuật lại, khi người ta đem đến cho Chúa Giêsu một anh thanh niên vừa bị điếc, vừa nói ngọng, “Người đã đem anh ta ra khỏi đám đông” và chữa lành anh. Nghĩa của thuật ngữ “đám đông” trong sách Thánh cho chúng ta một cái nhìn rất thận trọng. Bởi lẽ, đám đông hôm nay có thể ca tụng Chúa, nhưng hôm sau họ có thể vu oan giá họa, thóa mạ Chúa,… Sống trong thời đại hiện nay, chúng ta cũng dễ bị cuốn vào vòng xoáy của “đám đông” truyền thông xã hội hằng ngày, hằng giờ. Liệu rằng, chúng ta có đủ can đảm để rút lui khỏi đám đông đó và sẵn sàng để cho Chúa hướng dẫn mình hay không? Chúng ta có sẵn lòng để được Chúa tách mình ra khỏi sự ồn ào của đám đông đó hay không?
Cha Phụ tá Giám tỉnh mời gọi anh em thỉnh sinh tự xét xem, đâu là đám đông trong cuộc đời của mình? Mỗi anh em cần phải học biết lắng nghe và nhạy bén nhận ra những “đám đông” trong cuộc đời của mình để được Chúa tách mình ra, và để cho Chúa hướng dẫn. Từ đó, chúng ta có thể nghe được những điều chân thật, hầu nói được những điều chính đáng, những lời chữa lành. Giáo hội cũng dạy ta rằng “mỗi chúng ta mãi mãi là những người học trò bước theo Chúa”, và việc học hỏi, lắng nghe, việc tập nói là việc chúng ta phải thực hành suốt cả đời.
Kết thúc bài giảng, Cha Phụ tá Giám tỉnh cầu chúc cho quí Cha, quí Thầy trong Ban Giám đốc, quí Giáo sư và tất cả anh em Thỉnh sinh bước vào một năm học mới với tất cả hy vọng, ước mơ để trở nên sứ giả hòa bình của Chúa Ki-tô, trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.
4. Bữa tiệc huynh đệ
Khép lại chương trình Khai giảng, toàn thể anh em Thỉnh sinh được đón nhận thêm niềm vui cùng với quí Cha, quí Thầy và quí Giáo sư trong bữa tiệc huynh đệ. Ước mong rằng, niềm vui được chia sẻ, được gặp gỡ các vị phụ trách đào tạo sẽ là nguồn khích lệ tinh thần cho mỗi anh em thỉnh sinh bước vào một năm học mới, với nhiều ước vọng và khát khao truy tìm chân lý. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Gioan Tông Đồ khơi dậy trong lòng mỗi anh em sự khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa, khao khát kiếm tìm sự khôn ngoan và chân lý, ngõ hầu Thánh Thần “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).