CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA, NƠI TÌNH YÊU ĐƯỢC BIỂU LỘ TRỌN VẸN

26-03-2024
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 541 lượt xem

CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA TÌNH YÊU ĐƯỢC BIỂU LỘ

TRỌN VẸN

Antôn Nguyễn Văn Đạt

 

TỪ LỜI VẠN TUẾ ĐẾN LỜI KẾT ÁN

Chúa Nhật Lễ Lá trình bày việc Đức Giêsu được dân chúng đón tiếp một cách nồng nhiệt, khi Người tiến vào thành thánh Giêsusalem, cùng những tiếng hò reo “tung hô con Vua Đa Vít, chúc tụng Đấng Nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Thế nhưng, giữa sự náo nhiệt và tiếng tung hô của đám đông dân chúng, hình ảnh “một con người si tình” mang tên Giêsu bắt đầu tỏ lộ một cách trọn vẹn qua Cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. Lần tiến vào thành một cách công khai này là bước khởi đầu của Cuộc Thương khó mà Đức Giêsu phải trải qua, để biểu lộ Người là Đấng Mêsia với sứ mạng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược với những hi vọng, đợi chờ một vị vua thống trị mọi dân tộc của dân Do Thái, do đó, họ đã thay đổi, từ những lời chúc tụng con Vua Đa vít, trở thành những lời kết án chính Người.

ĐIỀU RĂN YÊU THƯƠNG

Bước vào những ngày đỉnh cao của Phụng vụ, Tam Nhật Thánh bắt đầu bằng Bữa Tiệc ly. Vào ngày này của 2000 năm về trước, Đức Giêsu đã trao ban cho các môn đệ một điều răn mới – điều răn yêu thương. Người Thầy cởi áo choàng, thắt lưng, ngồi xuống và rửa chân cho các môn đệ của mình, để dạy cho họ bài học cuối cùng trong sứ vụ nơi trần thế là bài học về “TÌNH YÊU THƯƠNG”. Rửa chân đáng ra là việc của đầy tớ làm cho chủ, nhưng Người đã dùng cử chỉ này để dạy cho các môn đệ bài học yêu thương một cách sống động nhất. Nhìn cử chỉ Người ân cần nâng niu bàn chân của các ông, bàn chân của nhân loại, những bàn chân còn vướng bụi trần, những bàn chân lầm đường lạc lối, chúng ta nhận thấy cách Người dạy cho chúng ta thực hiện điều răn đó như thế nào. Người chậm rãi tẩy xóa hết mọi vết nhơ tội lỗi, bỏ đi lớp bụi kiêu căng, xóa đi những dấu vết của mặc cảm, tẩy đi hết những vết thương lòng. Người rửa sạch đôi chân mỗi người, để chúng ta tự tin đứng trên đôi chân của mình. Từng cử chỉ, từng hành động của Người là từng điều mà chúng ta cần suy ngẫm và thực hành. Yêu thương là thế đó: yêu là trao ban con tim mình, thương là tỏ lộ tình yêu trao ban qua cử chỉ và hành động.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ – NGUỒN SỐNG CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Như một người Cha, Đức Giêsu luôn chăm lo cho đời sống của các môn đệ nói riêng và toàn nhân loại nói chung. Người biết rằng, Người chẳng còn ở với các môn đệ được lâu nữa. Người ra đi, đi vào cuộc thương khó để cứu độ nhân loại. Cho nên để tiếp tục chăm lo, đồng hành với các môn đệ hàng ngày trong cuộc sống, Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, ban phát nguồn lương thực thần thiêng, nuôi sống linh hồn mỗi người. Nhờ Bí tích này, Đức Giêsu để lại cho các môn đệ một cách tưởng nhớ về sự hiện diện của Người: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta được bước vào mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.

THÁNH GIÁ LÀ CHỮ “T” – NGƯỜI NẰM DANG TAY CHỮ “Y”

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tình yêu là một cái gì đó đẹp đẽ, lãng mạn và “nhiệm mầu” làm sao mà khiến cho người này dám chết vì yêu người kia, chắc chỉ có kẻ si tình mới làm vậy! Vâng, đúng là chỉ người nào chấp nhận đánh đổi cả mạng sống vì người mình yêu, đó mới là một tình yêu đích thực.

Đức Giêsu đã chịu đóng đinh vào thập giá vì yêu nhân loại. Thập giá xưa kia được coi là sự sỉ nhục đối với tội nhân, nhưng giờ đây, qua cái chết của Người, nó đã trở thành Thánh Giá – chóp đỉnh của con đường cứu độ. Đó là biểu tượng vĩ đại của hai chữ “tình yêu”, là cây cầu để bước sang sự Phục Sinh của Người. Đấng đã chiến thắng sự chết và cứu độ nhân loại. Con đường đau khổ mà Chúa đã đi trở thành lời mọi gọi mỗi chúng ta bước theo người: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com