TAM NHẬT THÁNH
Phê-rô Nguyễn Giang Sơn
Tam Nhật Vượt Qua (còn được gọi là Tam Nhật Thánh) là tâm điểm của đời sống đức tin Ki-tô giáo. Đây là thời gian đặc biệt để người Ki-tô hữu nhớ lại việc Đức Giê-su Ki-tô lập Bí tích Thánh Thể, tưởng niệm cuộc khổ hình thập giá và cái chết đau thương Người đã chịu vì nhân loại chúng ta, cùng sự phục sinh vinh quang của Chúa. Hòa nhịp với đức tin của Giáo Hội, gia đình Thỉnh viện thánh Gio-an Tông đồ đã sống bầu khí thiêng liêng của những ngày thánh này. Mỗi người tập bước theo chân Chúa Giê-su qua từng biến cố của cuộc Vượt Qua, và trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, niềm vui của đời sống thiêng liêng vẫn còn đó, cho ta cảm nghiệm từng ngày tình yêu bao la Thiên Chúa đã dành cho nhân loại đáng thương này.
- Khởi đi từ Bữa tiệc ly
Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh mời gọi chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giê-su và các Tông đồ cùng dùng bữa tiệc cuối cùng trước khi Thầy trò tạm chia ly. Năm xưa trong Bữa Tiệc thánh này, Đức Giê-su đã lưu lại cho các Tông đồ một gương tuyệt vời về tinh thần phục vụ khi Người cúi xuống rửa chân cho họ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14). Hình ảnh một vị Chúa cao cả, Con Thiên Chúa nhập thể, lại hạ mình rửa chân cho các môn đệ của mình: vua rửa chân cho bần dân, ông chủ rửa chân cho đầy tớ. Thật khó có thể tưởng tượng được một vị “nhân trung chi long” hạ mình rửa chân cho “dân đen”, huống hồ đây lại là Con Thiên Chúa rửa chân cho các môn đệ. Ấy thế mà, Chúa Giê-su đã thực hiện điều đó. Người đã hành động như lời Người nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ.” (Mc 10,45).
Để tưởng niệm hành động hạ mình phục vụ đó của Chúa Giê-su, trong thánh lễ Tiệc Ly, cha Bề trên Tu viện thánh Vinh Sơn Liêm đã hạ mình rửa chân cho “mười hai tông đồ thỉnh sinh”. Việc làm đó khiến chúng ta cảm động. Khung cảnh bữa tiệc ly của hơn hai nghìn năm trước như hiện ra trước mắt, một hành động cao đẹp mà chúng ta phải học theo: không phải chỉ là rửa chân cho nhau theo nghĩa đen, nhưng là dám hạ mình để phục vụ anh em trong từng việc lớn nhỏ của cuộc sống. Từ lời dạy của Chúa Giê-su, chúng ta học biết phục vụ nhau, hướng đến một tương lai được lên đường phục vụ tha nhân trong tư cách là một tu sĩ Đa Minh đích thực. Tất nhiên, không nhất thiết phải là việc phục vụ cao siêu tôi mới làm, nhưng là từng việc nhỏ to trong cuộc sống thường nhật: mỗi khi nhặt những mảnh rác trên sàn, phụ giúp anh em khi lao động, hỗ trợ nhau trong việc học, … Đó chính là chúng ta noi gương Chúa Giê-su mà phục vụ nhau.
- Đến Vườn Ghết-sê-ma-ni
Nghi thức canh thức trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh nhắc lại cho ta biến cố Chúa Giê-su dẫn theo các Tông đồ vào vườn Ghết-sê-ma-ni, đặc biệt ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được đi sát Chúa hơn. Người muốn các ông canh thức cùng với Người. Đêm đó năm xưa, “Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu”. Người lo âu, xao xuyến, buồn rầu đến nỗi xin Chúa Cha cho “khỏi phải uống chén này” (Mt 26,39). Nỗi lo buồn đó chứng minh Chúa Giê-su thật sự là con người. Dù vậy, Người vẫn phục tùng tuyệt đối ý muốn của Chúa Cha. Có lẽ cảnh cô đơn mà Chúa Giê-su phải đối diện đã tăng phần khi cả ba tông đồ thân tín này lại chẳng thể canh thức cùng Thầy mình, “vì mắt họ nặng trĩu” (Mt 26,43). Dẫu sao, các ngài cũng chỉ là những con người, khó tránh khỏi mệt mỏi, yếu đuối. Chúa Giê-su cũng biết rõ điều đó, nên Người chỉ nhắc nhở các ông: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,40-41).
Để tiếp nối việc cầu nguyện của Chúa Giê-su đêm năm xưa, quý cha, quý thầy và anh em Thỉnh sinh đã cùng nhau canh thức trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh. Quả thật, khi cử hành nghi thức cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể trong đêm này, ta có thể nhận ra bản thân mình yếu đuối đến mức nào: chưa đầy một giờ, nhưng dường như thời khắc đó trở nên rất khó khăn, ít là với vài anh em, để có thể tập trung hoàn toàn cầu nguyện với Chúa. Khi cơn buồn ngủ, mệt mỏi chợt đến khiến đôi mắt ra trĩu nặng, ta mới hiểu chút nào đó tình cảnh của các tông đồ năm xưa. Nhưng dù sao, nhờ thời gian canh thức đó, ta có thể thấy mình có dịp dành riêng để gần gũi với Chúa hơn, cảm thấy được sống với Chúa nỗi lo buồn của thân phận con người.
- Ngang qua dinh thượng tế Cai-pha hướng về đồi Gôn-gô-tha
Nhớ năm xưa, sau khi bị trao nộp, Chúa Giê-su bị người ta điệu đi “hầu tòa” khắp nơi: từ ông Kha-nan và thượng tế Cai-pha đến tổng trấn Phi-la-tô và vua Hê-rô-đê. Dù đến nơi nào, Người cũng bị người ta nhẹ thì nhục mạ, chế giễu, nặng thì đánh đập, tra tấn đến nỗi không còn chi là hình dáng con người. Để rồi cuối cùng, Người phải tự vác thập giá hướng về đồi Gôn-gô-tha nơi Người sẽ chịu một án tử thật khủng khiếp. Chúa Giê-su đã chấp nhận chịu chết một cách nhục nhã, đau đớn vì chúng ta là những kẻ tội lỗi.
Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, anh em Thỉnh sinh đã suy niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá, tưởng niệm những biến cố trên “đường thập giá” mà năm xưa Chúa Giê-su đã đi qua. Cùng Người bước qua từng chặng đàng, ta cảm nhận được chút nào đó nỗi đớn đau, tủi nhục mà Chúa đã kinh qua. Để rồi nhờ đó, ta có thể cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại là vô cùng vô tận; ta cũng tự ý thức ăn năn thống hối, biết chê ghét tội lỗi và tránh xa chúng, như một trong những phương thức đáp đền tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Cũng vào chiều hôm ấy, Tu viện và Thỉnh viện cùng tưởng niệm trọng thể cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Bài Thương Khó đưa mỗi người trở lại với khung cảnh của hơn hai nghìn năm trước, để cảm nhận về cuộc khổ nạn Chúa đã phải chịu năm xưa: bắt đầu từ vườn Ghết-sê-ma-ni và kết thúc ở ngôi mộ đá. Một lần nữa, ta có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người tội lỗi, trong đó có mỗi người chúng ta. Chúng ta không chỉ được mời gọi đáp lại tình yêu của Chúa thương ta, mà còn được mời gọi biết yêu thương, hiệp nhất với nhau. Những lời cầu nguyện đặc biệt trong Nghi Thức Thứ Sáu Tuần Thánh diễn tả chiều kích hiệp thông sâu xa này: lời cầu nguyện cho mọi thành phần nhân loại.
- Dừng lại ở Ngôi mộ trống
Từ đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, Đêm Vọng Phục Sinh, là đêm của niềm vui Phục Sinh chớm nở. Bài ca “Mừng vui lên” (Exsultet) được cất lên giữa cung lòng của cộng đoàn, bên cạnh Ngọn Nến Phục Sinh, hòa với các bài đọc từ Cựu Ước đến Tân Ước, diễn tả công trình cứu độ của Thiên Chúa trải dài từ khi Người sáng tạo vũ trụ cho đến khi được hoàn tất trong Đức Giê-su Ki-tô. Công trình cứu độ này đạt đỉnh cao vào ngày Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh vinh hiển. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Vì yêu nhân loại tội lỗi mà Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chịu chết nhục nhã trên cây thập tự, và Người đã phục sinh vinh hiển để đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu nơi thiên quốc.
Niềm vui ấy lớn đến nỗi ta không chỉ mừng trong một ngày, mà còn trải dài suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Và hơn thế nữa, niềm vui này ta không chỉ giữ cho riêng mình, nhưng rất được chia sẻ cho mọi người. Mỗi anh em Thỉnh sinh mang niềm vui Phục Sinh đến cho gia đình và người thân trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh, và niềm vui này còn được lan rộng đến ngày thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh khi anh em mang niềm vui đến cho các cụ già và em nhỏ nơi Mái Ấm Thiên Ân và Mai Tâm. Ước mong sự hiện diện của mỗi anh em giúp những người anh chị em này cảm nhận được niềm vui của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.
Tam Nhật Thánh năm 2022 đã qua, nhưng sự thánh thiêng và hồi ức về những ngày này vẫn còn đọng lại nơi tâm hồn mỗi chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa cho mỗi người biết mến yêu mầu nhiệm Vượt Qua, và luôn tâm niệm rằng mầu nhiệm Vượt Qua minh chứng hữu hiệu cho tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhờ cảm nghiệm này, ta có thể loan truyền tình yêu vô biên ấy đến tận cùng trái đất, như Chúa Giê-su đã trăn trối lại cho các Môn đệ trước khi Người về trời ngự bên hữu Thiên Chúa.