Khi Lòng Tốt Bị Lợi Dụng
Phaolô Nguyễn Ân
Tại Sa Pa, một thị trấn miền sơn cước xa xôi, người ta gặp cảnh những cháu bé bị cha mẹ bắt đi bán hàng rong, hoặc xin tiền du khách, ngay cả khi trời đông buốt giá. Có ai nghĩ đến vấn nạn: Liệu việc mua hàng giúp các em, hoặc cho các em tiền, thực sự giúp ích cho chúng?
Nét tương phản là đây: Sa Pa khiêm nhường và lặng lẽ, những con người miền sơn cước bản chất là hiền lành dễ thương, ẩn nơi thanh vắng đó một vẻ đẹp huyền bí vốn đã chinh phục hàng ngàn du khách; nhưng cũng tại đó, ta lại bắt gặp những mảnh đời đầy thương cảm như vậy. Hỏi sao du khách có thể đành lòng bỏ đi trước nhóm trẻ em ở độ tuổi bắt đầu đi học cấp I, đến độ tuổi tròn chục cái xuân xanh, tập trung thành từng nhóm; có trẻ còn địu trên lưng đứa em bé bỏng, lắc lư theo nhịp bước của anh, chị mình? Nhiều người không khỏi mủi lòng mua vài món đồ kỷ niệm, hay đơn giản là tặng các em chút tiền vặt. Vô hình trung, hành vi nhân ái này lại là động cơ khiến cha mẹ các trẻ này lại tiếp tục xúi con cái bán hàng rong để có thu nhập, cái kiểu “sống theo du lịch” ấy. Và thế là những đứa trẻ lại mải miết bôn ba kiếm sống, vô tình theo chủ ý của mẹ cha, thu được lợi tức trước mắt mà không nghĩ mình đang bị đánh mất tuổi thơ. Có gì đó thật đau lòng xót thương!
1. Khi lòng tốt bị lợi dụng
Thương lắm những mảnh đời lẽ ra được sống trong vòng tay yêu thương bên cha mẹ, trong những nếp nhà êm ấm, trong những lớp học chan hòa tình bạn, tình thầy cô; nhưng ở đây, các em sớm đã phải mưu sinh. Cách thức giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt kéo theo hậu quả thật tai hại. Các bậc phụ huynh đẩy con đi kiếm tiền, thay vì làm gì đó khác để con mình có cuộc sống tốt hơn. Có hàng vạn lý do dẫn đến cái nghèo, nhưng lý do chính đó là những người nghèo lại không thể đưa ra quyết định đúng đắn cho một hướng tương lai xa hơn, bằng những quyết định quá “nghèo nàn”.
Lại nữa, nơi thị trấn Đồng Văn, Hà Giang, vùng đất thu hút đông đảo khách du lịch, hiện tượng “ăn xin” xuất hiện ngày càng nhiều. Vẫn là những đứa trẻ dân tộc, chúng tụ tập trên đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, v.v. vòi vĩnh du khách. Nhiều phượt thủ cũng cho các em đồ ăn, thức uống và tiền bạc. Hành động nhân ái đó vô tình lại tạo cho các cháu những thói quen xấu, tâm thức ỷ nại, thích ăn xin hơn là đến trường. Việc tốt lại vô tình trở nên nguyên cớ cho các cháu hư hỏng. Sự cho đi không đúng cách đang biến một số trẻ em tại các khu du lịch trở thành những đứa trẻ biết ăn xin. Và thế là chúng mất đi tuổi thơ, mất cơ hội đến trường. Chúng vô tình bị cuốn theo nhịp sống du lịch, để rồi kéo theo hậu quả là “chậm phát triển” trong tri thức và nhân cách. Trẻ em không có lỗi. Tốt nhất là hãy tặng ban tình thương đúng cách, lòng tốt được đặt đúng chỗ. Hãy để trẻ em được học hành, được lớn lên xứng với nhân phẩm.
Nói chuyện đời thường rồi lại nói đến dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Ta có thể khởi đi từ biến cố cách ly xã hội, tạm dừng những chuyến bay, chuyến xe đưa kiều bào hồi hương. Ai cũng lo lắng, nhiều người hoang mang; người đang tha hương cầu thực nhiều phần muốn trở về quê nhà. Đây là nhu cầu chính đáng. Nhưng cách làm thì lại muôn hình vạn trạng. Có trường hợp, vì nhân danh lòng thương xót mà có người tìm cách đưa người tha hương về quê cách lén lút, khiến cho chương trình phòng chống dịch của cả quốc gia thêm khó khăn. Có những thái độ đi ngược lại với những lao nhọc vất vả của biết bao chiến sĩ, y bác sĩ, v.v., những người đang ngày đêm tìm cách cứu chữa bệnh nhân lây nhiễm, cố gắng rà soát và kiểm tra sao cho dịch bệnh được ngăn chặn. Cũng chính vì “lòng tốt sai chỗ” ấy của một số người mà bao công sức của cộng đồng có lúc tưởng chừng đổ sông đổ biển, gây ra những đợt tái bùng phát dịch, như tại Đà Nẵng hồi tháng bảy vừa qua.
Và nếu không cẩn thận, chính “lòng tốt sai chỗ” lại mang đến những bất lợi cho chúng ta. Đôi khi vì muốn níu giữ mối quan hệ nào đó, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ hết mình vào những công việc không phải sở trường của mình, nó sẽ gây thêm áp lực cho chúng ta. Nhiều khi nó còn phản tác dụng nếu bạn cố gắng giúp đỡ, nhưng năng lực lại giới hạn, dẫn đến công việc bạn làm không được tốt, đôi khi khiến cho người khác mất niềm tin. Hay như bạn có thói quen giúp đỡ, dần dần người khác quen với việc nhận vô điều kiện. Người đó nghĩ sự giúp đỡ là hiển nhiên, họ không đánh giá cao những gì bạn tặng. Một ngày nào đó, nếu bạn không thể giúp đỡ, người đó có thể sẽ trách cứ bạn, cho rằng bạn “nợ” họ. Đừng quên rằng không bao giờ có thể đánh thức một người giả vờ ngủ, không bao giờ có thể làm thỏa mãn một người tham lam.
2. Để lòng tốt được đặt đúng chỗ
Cổ nhân dạy rằng nước trong quá thì không có cá, người tốt quá sẽ không ai chơi. Câu nói trên không phải cổ xúy cho tư tưởng hẹp hòi, độc ác, mà muốn khuyên răn con người biết khéo léo trong việc trao ban lòng tốt của mình cách đúng cách. Tại một buổi nói chuyện, Jeff Bezos, nhà sáng lập Tập đoàn Điện tử Amazon khuyên các bạn trẻ, khi ông nói về thời đầu lập nghiệp của mình: Thông minh là một món quà, còn lòng tốt là một sự lựa chọn 1. Câu này nhắc nhở rằng nên có lòng tốt với tùy người, trong tùy việc. Vì thế, mỗi người hãy tích cực học tập, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm sống để có thể trưởng thành hơn trong nhận thức, phán đoán sự việc.
Để được như vậy, ngoài nỗ lực của bản thân, vai trò của gia đình vô cùng to lớn. Thật vậy, giáo dục từ gia đình là nền tảng vững chắc nhất cho con cái. Đây là môi trường đầu tiên giúp định hình nhân cách cũng như phát triển tri thức của mỗi chúng ta. Sống trong môi trường gia đình tốt đồng nghĩa với việc con người có một nền tảng nhân cách tốt. Song song đó, môi trường xã hội cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Xã hội chính là ngôi trường đời nơi chúng ta sống với con người của mình, nơi chúng ta trải nghiệm cuộc sống và phát triển bản thân. Thông qua quá trình giáo dục và tự giáo dục này, chúng ta trở nên những con người trưởng thành cả về thể lý lẫn tinh thần. Và khi có được một nền tảng vững chắc về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ta sẽ nhìn mọi vấn đề cách sâu xa hơn, cẩn thận hơn, không dễ dàng để người khác lợi dụng.
Tạm kết
Sống trên đời, hành thiện tích đức vô cùng cần thiết. Nhưng đừng phung phí lòng tốt cách mù quáng, mà hãy biết dùng đến trí tuệ. Tốt làm sao để vừa lợi người, vừa lợi mình. Đặc biệt, dù đối phương là ai, nhân phẩm và xuất thân thế nào, hãy đối đãi nhau bằng hai chữ “nhân” và “đức”. Đừng quá soi xét thiệt hơn, đừng mong muốn người khác phải báo ân cho mình. Hãy cứ sống tốt, trời xanh tự khắc an bài.
(1) At Princeton University, Founder of Amazon, Jeff Bezos spoke about his early life. Recalling an incident, he shared what he learnt from it. “What I want to talk to you about today is the difference between gifts and choices. Cleverness is a gift. Kindness is a choice. Gifts are easy – they’re given, after all. Choices can be hard. You can seduce yourself with your gifts if you’re not careful. And if you do, it will probably be to the detriment of your choices. This is a group with many gifts. I am sure one of your gifts is the gift of a smart and capable brain. I am confident that’s the case, because admission is competitive, and if there weren’t some signs that you’re clever, the Dean of admissions wouldn’t have let you in.” Lifestyle Desk (2020). Cleverness is a gift, kindness is a choice: Jeff Bezos, <https://indianexpress.com/article/lifestyle/life-positive/jeff-bezos-speech-7066198/>, xem 26/11/2020.