20/11 VÀ ĐÓA HOA CỦA LÒNG BIẾT ƠN

20-11-2020
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 2291 lượt xem

Mỗi khi Lễ tri ân Nhà Giáo 20/11 trở lại, tấm lòng của nhiều “con dân nước Việt” lại một lần nữa hoan hỷ cất lên những khúc tri ân, mừng ngày Hiến Chương Nhà Giáo, một truyền thống tốt đẹp đã có từ rất lâu trong dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để anh em thỉnh sinh Đa Minh, Thỉnh viện Thánh Gioan Tông Đồ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Quý Thầy Cô cùng Quý Cha, Quý Thầy. Có niềm vui nào sâu hơn việc mỗi thỉnh sinh chúng con có thể dành tặng những đóa hoa tươi tắn như sắc nắng đầu Hè để tri ân các ngài ! Điều hiển nhiên là chẳng có đoá hoa nào rực rỡ, ngát hương và xứng hợp để kính tặng các ngài cho bằng đóa hoa của lòng biết ơn – lời cảm ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành của chúng con.


Giờ kinh chiều 19/11/2020 tại nhà nguyện Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm

  1. Hoa thiêng dâng Chúa Giêsu, Thầy của mọi vị thầy

“Anh em đừng gọi ai dưới đất là cha, vì chỉ có một Cha trên trời… Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em với nhau” (Mt 23,8-9).

Lời dạy trên đây của Chúa Giê-su gợi lại cho mỗi chúng ta hình ảnh vị Thầy tuyệt vời, Thầy Giê-su, năm xưa trên những nẻo đường tại Palestin; Xung quanh Người, một cộng đoàn các Môn Đệ và đám đông dân chúng đang cất bước đi theo, và lắng nghe Chúa dạy: Anh em chỉ có một Thầy,… Đức Giê-su đã giảng dạy, hướng dẫn các môn đệ của Người, và cả những ai thành tâm theo Chúa, theo con đường của Vương Quốc Thiên Chúa. Có thể nói, ai thành tâm tiến bước theo Chúa ắt hẳn tìm được con đường đích thực cho cuộc sống của mình, con đường của Bát Phúc, của tự do, của bình an đích thực. Đức Giê-su Ki-tô, bậc Thầy luôn kiên nhẫn và giàu lòng xót thương .

Đối với người Kitô hữu, Thầy Giêsu chính là vị Thầy đầu tiên, và luôn hiện diện để ủi an dạy dỗ ta trong suốt cuộc đời. Vỏn vẹn chưa đầy 3 năm “hành nghề”, nếu ta được phép diễn tả như vậy, nhưng Thầy Giê-su đã dạy cho mọi người những bài học quý giá. Tin Mừng diễn tả những cái nhìn đầy nhân từ của Thầy Chí Thánh, những bài giảng đậm chất về nội dung, và lại được diễn tả theo những cách thức rất giản dị, chứ không phải là những bài giảng đầy lý thuyết khô khan. Những lời giảng chân tình và gần gũi, cùng với những hình ảnh hết sức thân quen và giản dị của Chúa đã có sức mạnh giúp nhiều người có thể cảm nghiệm và sống đúng với những gì Thầy truyền dạy.

Vẫn còn đọng lại trong ta hình ảnh người Samari nhân hậu mà trình thuật Luca 10,25-37 nói đến. Thầy Giê-su đã dạy ta học biết cảm nếm đâu là tình yêu thương đích thực, một tình thương đại đồng không còn phân biệt người đồng hương với người xa lạ, không phân biệt chức tước cao sang với kẻ bần hèn. Kẻ gặp nạn là ai, Tin Mừng không nói rõ gốc gác của anh ta. Người ta chỉ biết anh đang lâm nạn. Một người đi qua, tránh xa một bên để đi tiếp; Một người khác cũng đi qua, lại tránh xa một bên để đi tiếp; Một người được coi là dân ngoại, người Samari nào đó, đã đi qua, dừng lại, băng bó vết thương cho nạn nhân, đưa anh ta vào quán trọ để được chăm sóc, … Thầy Giê-su dạy ta học biết lột bỏ những toan tính ích kỷ, cõi lòng chai đá, thái độ dửng dưng trước những khổ đau của anh chị em mình; và học biết dùng tình thương, lòng hiền hoà mà đối xử với nhau. Những lời giáo huấn của Thầy Giê-su đơn sơ và mộc mạc, lại chứa chan trong đó những giá trị nhân văn sâu sắc; và hơn cả những giá trị nhân văn đó, sứ điệp tình thương của Vương Quốc Thiên Chúa đang được Thầy Giê-su chuyển trao cho mỗi chúng ta, để mỗi người học biết và sống đức ái hoàn hảo: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Bởi thế, ai học theo đường lối của Thầy Giê-su sẽ nhận ra Chúa yêu thương và bao dung nhân loại vô bờ bến. Gặp được Thầy Giê-su, con tim của ta cũng được biến đổi để học yêu thương và sống bao dung với người khác: với những người thân cận, những người thân yêu của ta, bạn bè, hàng xóm láng giềng, … và cả người nào đó mà ta tình cờ gặp gỡ..

Song song đó, hai đức tính hiền lành và khiêm nhường được đặc biệt nhấn mạnh nơi Thầy Giêsu. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Với sự khiêm nhường tột cùng của một Vì Thiên Chúa làm người, Thầy Giê-su chỉ cho ta con đường thiêng liêng, hoặc có thể nói, “bí quyết” giúp chúng ta trải nghiệm niềm vui làm môn đệ của Người, khi ta cần làm việc với người khác, và vì người khác mà xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn: “Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm tốn thật lòng” (Mt 11,29).

Cảm nhận Chúa thương ta và tâm nguyện dâng lên hai chữ “cám ơn” Người, đó là điều người môn đệ của Thầy Giê-su luôn biết ghi lòng tạc dạ. Qua từng giây phút sống, chúng ta cần biết dâng lời tạ ơn Chúa, sống xứng với danh hiệu là con Thiên Chúa, trong chiều sâu của niềm tin mà cha ông đã truyền lại cho mình. Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa, bây giờ và mãi mãi: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118,1).

Dâng lên Thiên Chúa đoá hoa thiêng

Cảm mến ân tình Chúa vô biên

Đường đời có Thầy cùng sánh bước

Hoa lòng ngát hương phúc triền miên.

   2. Hoa tri ân những người thầy trong dòng đời

Tạ ơn Chúa, tri ân thầy cô; Đó là tâm tình của một môn sinh mà thỉnh sinh Đa Minh chúng con muốn bày tỏ với trọn tấm lòng.

Ca dao đất Việt có câu: “Mấy ai là kẻ không thầy; Thế gian thường nói không thầy sao nên.” Thật không sai khi nói rằng chúng ta hôm nay đang kế thừa biết bao công trình nghiên cứu tâm huyết, nhọc công tốn sức của từng lớp lớp thế hệ cha anh đi trước. Các ngài đã truyền thụ lại cho chúng ta kho tàng của bao ngàn năm khám phá, phát minh và suy tư. Có những bậc tiền nhân đã âm thầm dành cả đời nghiên cứu, viết sách, tìm tòi để dựng xây những khối kiến thức khổng lồ, giúp con người giao lưu với thế giới, tiếp cận những nền văn minh nhân loại, giúp xã hội phát triển và thăng tiến, … Cũng chính qua sự giao lưu như vậy mà ta hiểu được những nét đặc thù và phong phú trong nét tổng hòa bao la của những kho tàng văn hóa văn minh: Những nét văn hóa riêng nơi từng xứ sở được dựng xây trong tổng thể muôn sắc muôn màu của tri thức nhân gian. Và như vậy, giáo dục hôm nay nhằm cho xã hội và thế giới mai sau ánh huy hoàng và rực rỡ của nền văn hóa và văn minh chân chính trong nhân loại. Đó chính là nhờ công sức của các bậc tiền nhân, của các bậc thầy hiện tại, những người có công chắt chiu gìn giữ những nét đẹp của văn hóa và văn minh, và chuyển trao cho từng thế hệ hôm nay. Vậy nên, ta đừng bao giờ quên ân tình ấy.

Người Á Đông quan niệm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bởi thế, ai cũng có thể là thầy dạy của chúng ta. Không chỉ các cha, các thầy, các giáo sư, mà ngay cả những em trẻ cũng có thể trở thành thầy dạy. Chúng ta có thể học trực tiếp trong trường học, nhưng phần lớn những kinh nghiệm, ta đã và sẽ học được trong trường đời. Cổ nhân thường nói: “Trong ba người cùng đi, chắc hẳn có người có thể làm thầy ta” (Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư). Chúng ta có thể học hỏi mọi lúc, mọi nơi, học từ chính những điều giản dị, từ những con người bình thường trong cuộc sống. Có thể nói, họ lại là những người dạy ta những bài học quý giá. Vì vậy, càng học biết sâu sắc những kiến thức trong đời, ta mới nhận ra rằng sự hiểu biết của ta thật khiêm tốn và giới hạn. Chúng ta cần mang ơn tất cả mọi người.

Trong Sứ điệp gửi Đại hội Giới trẻ Thế giới 2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắn nhủ: “Niềm vui cũng là khả năng nhận ra những món quà chúng ta có được mỗi ngày. Đó là sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp cuộc sống, những điều vĩ đại và nhỏ bé lấp đầy những ngày sống của chúng ta. Đức Thánh Cha đưa ra mẫu gương của thánh Phaxicô Assisi, người có khả năng động lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì cứng ngắc, hoặc hân hoan chúc tụng Thiên Chúa chỉ vì một ngọn gió nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt ngài (Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 127).

Dâng kính ân sư đoá hoa tình

Cho đời sáng đẹp tựa bình minh

Đỏ thắm công ơn người dạy dỗ

Ghi khắc trong tim trọn ân tình.

Anh em Thỉnh sinh chúc mừng 20/11 cô Teresa Ánh Ngọc

   3. Tâm tình anh em Thỉnh sinh Đa Minh

Hòa với tâm tình của ngày Lễ tri ân Nhà Giáo 20/11, với hàng triệu học sinh – sinh viên trên đất Việt, hướng về thầy cô bằng những lời tri ân, những lời chúc tốt đẹp và thiêng liêng, anh em Thỉnh sinh Đa Minh chúng con cũng muốn gói ghém chút tâm tình mọn hèn và lòng biết ơn chân thành để gửi đến các vị Ân Sư. Chúng con biết rằng, chúng con đang ngày một trưởng thành hơn, từ thể lực đến trí lực, tất cả đều nhờ công cha nghĩa mẹ và sự quan tâm dạy dỗ từ quý thầy cô giáo, quý Cha và quý Thầy, mà chúng con xin gọi bằng hai chữ “thầy cô”. Chúa Giê-su là vị Thầy tối thượng; mẹ cha là những vị thầy đầu tiên của đời con, thầy cô là những vị Ân Sư cao cả của đời con. Cha mẹ và thầy cô như những thợ làm vườn cần mẫn, hết lòng chăm sóc vườn cây để cho mỗi cây có thể lớn lên, trổ nụ đơm bông kết trái, tặng cho đời những vẻ đẹp và lợi ích; Chúng con mong mình sẽ trưởng thành mỗi ngày, sẽ nên tốt và nên người có ích cho Giáo hội và xã hội. Mỗi thầy cô dạy dỗ chúng con theo những phong cách và phương pháp sư phạm khác nhau, và tất cả đều có chung một tình yêu nghề, thương học trò, yêu mến ơn gọi tu trì; Cũng như chúng con cảm nhận, các ngài yêu cả sự nhiệt huyết trong mỗi người chúng con.

Trăm lời không đủ, ngàn lời cũng chẳng đủ diễn tả tâm tình chúng con hướng về cha mẹ, thầy cô, trước những lao công vất vả mà cha mẹ và quý thầy cô dành cho anh em chúng con. Chúng con xin gói trọn trong lời ước nguyện này: Kính mong cho mẹ cha, thầy cô luôn được nhiều ơn phúc của Chúa, sức khỏe dồi dào, niềm vui tăng bội, để luôn đồng hành và tiếp tục nâng đỡ chúng con trên chặng đường tìm hiểu Ơn gọi tu trì, theo tiếng Chúa gọi, trong linh đạo Dòng Đa Minh.

Thỉnh sinh Đa Minh xin kính tặng,

Thầy cô cha mẹ đóa hoa thiêng,

Hoa thơm rực rỡ, màu sương nắng,

Trái ngọt thơm ngon, nỗi tảo tần;

Vất vả, thầy cô luôn thầm lặng,

Ân tình thắm thiết, mẹ cha ban;

Ngàn năm, Nghĩa Hiếu xin ghi nhớ,

Đền đáp ân tình, có đủ chăng?

20/11/2020

Đaminh Anh Tuấn

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com