_Phêrô Lê Văn Đức_
Sẻ chia chính là dòng máu chảy trong cộng đoàn, nuôi dưỡng và phát triển cộng đoàn. Ngày nào dòng máu ấy không còn chảy nữa, cá nhân sẽ cảm thấy cô đơn, cộng đoàn sẽ đối diện với nguy cơ tan vỡ.
Đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, bạn và tôi – những Thỉnh sinh Đa Minh, chắc hẳn đã từng thao thức và trăn trở nhiều. Khi Chúa gọi ta, Người không hiện ra và bảo: “Hãy theo Ta”. Người cũng chẳng gọi tên ta trong một thị kiến như Samuel. Thế mà ta vẫn lên đường dù không rõ đó là tiếng gọi của Người hay chỉ là thoáng rung động của cõi lòng. Chúa gọi ta và Người cũng thấu rõ thân phận mỏng giòn yếu đuối của ta. Vì biết mỗi người không thể một mình bước đi trên hành trình gian lao, vất vả này, nên Người đã quy tụ chúng ta lại để cùng đồng hành trong đời thánh hiến. Khi nhiệt huyết còn đầy, ta ngỡ rằng con đường ơn gọi sẽ cứ mãi phẳng phiu. Nhưng rồi lúc nào đó, ta cảm giác đôi chân như nặng trĩu vì những yếu đuối của phận người hay vì những thách đố bên ngoài bủa vây.
Ơn gọi thánh hiến cùng với đời sống cộng đoàn là một quà tặng. Mỗi chúng ta sẽ khó mà đạt được sự quân bình và triển nở trên hành trình ơn gọi nếu không có sự nâng đỡ và sẻ chia trong cộng đoàn. Thế nhưng, để thăng tiến, bản thân mỗi chúng ta trước hết phải là người chia sẻ trước khi nhận sự sẻ chia từ người khác. Thật thế, khi đã cùng nhau chung sống dưới một mái nhà, mỗi anh em chúng ta càng biết lo cho người khác hơn là tìm lợi ích cá nhân bao nhiêu, anh em sẽ càng thấy mình tiến bộ trên đường nhân đức bấy nhiêu[1]. Hay nói cách khác, chính qua sự sẻ chia nơi cộng đoàn mà mỗi anh em chúng ta trở nên giàu có hơn trong đời sống đức tin và nhân bản.
Chia sẻ vật chất
Nếp sống chung cộng đoàn trước hết khởi đi từ việc cá nhân sẻ chia của cải vật chất cho nhau. Anh em Thỉnh sinh vì chưa ràng buộc “đặt mọi sự làm của chung”, nhưng ít nhiều cũng có những kinh nghiệm. Một cuốn sách trao nhau cũng đủ làm cho tình huynh đệ trở nên khăng khít; một món quà nhỏ tặng người anh em nhân ngày bổn mạng cũng đủ thổi bùng lên niềm vui của người đón nhận và lan tỏa tới cả người sẻ chia, v.v.. Chính qua việc sẻ chia đó mà anh em được giàu có về niềm vui và hạnh phúc, những kho tàng vô giá. Hơn thế nữa, sẻ chia vật chất còn đồng nghĩa với việc anh em không tìm tiện nghi riêng cho mình nhưng sống hòa nhập với bao anh em khác. Chính cha Đa Minh đã trở nên mẫu gương về sự chia sẻ vật chất, và nhờ đó, cả cha và anh em nữa đều được hạnh phúc. Cùng nhau sống một đời sống thường nhật là bước đầu tiên để anh em cảm nhận được sự đồng thuận và hiệp nhất, từ đó mới có thể tiến tới xây dựng những giá trị cao quý khác.
Chia sẻ bổn phận
Kế đến, sự sẻ chia phải đi xa hơn tới khía cạnh tinh thần. Đây mới là điều cốt lõi làm nên sự sống động của đời sống cá nhân và làm phong phú đời sống cộng đoàn. Ta sẽ dễ dàng cảm nhận được điều ấy khi đi từ những cái đơn giản nhất như việc chia sẻ bổn phận hằng ngày. Khi cộng đoàn cùng nhau xây dựng một điều gì đó tốt đẹp, khi tất cả chúng ta làm việc chăm chỉ và mỗi thành viên đều có vị trí của mình thì cộng đoàn trở nên gắn kết, cá nhân cảm thấy hạnh phúc vì được hưởng lợi ích chung. Chúng ta phục vụ người anh em qua việc chu toàn trách nhiệm trong phận vụ mình được giao phó là một cách thức bày tỏ tình yêu với người khác.
Hơn nữa, sự chu toàn công việc không chỉ dừng lại ở phận vụ của mình mà còn phải giúp đỡ anh em trong phận vụ của họ. Lau dọn nhà cửa, bài trí nhà nguyện, phụ bếp, nhổ cỏ,… là trách nhiệm của tôi, cũng như của anh em. Khi tôi hoàn thành trách nhiệm của mình, tôi cũng đang giúp anh em hoàn thành trách nhiệm của họ. Lúc đó, tôi và anh em, chúng ta đều cảm thấy đời mình thật có ích khi được cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung. Đó còn là cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng và yêu mến dành cho từng thành viên trong cộng đoàn. Nhà sạch không chỉ cho ta, cơm ngon không chỉ cho ta, vườn đẹp không chỉ cho ta,… nhưng cho chúng ta. Giúp đỡ nhau để xây dựng căn nhà chung là dấu chỉ của một tổ ấm hạnh phúc.
Chia sẻ tài năng
Đi sâu vào đời sống cộng đoàn, ta sẽ nhận ra, mỗi thành viên đều có những đặc sủng riêng biệt mà Thiên Chúa đã ban cho: người có khả năng ngoại ngữ, người có khiếu đàn hát, hội họa, người giỏi cắm hoa, thêu thùa, may vá, v.v.. Điều quan trọng là chúng ta có biết sử dụng tài năng Chúa ban để làm giàu cho mình và cho cộng đoàn hay không. Chính qua sự sẻ chia tài năng mình có mà kĩ năng của ta được thăng tiến, đồng thời người anh em cũng được hưởng nhờ tài năng đó. Khi ta, vì một lý do nào đó, che giấu tài năng của mình, không chịu chia sẻ thì đó mãi là một tài năng bị chôn giấu. Ngoài đời, anh em có thể dùng kĩ năng mình có để kiếm sống, để mưu cầu danh lợi nhưng khi đã hiến thân cho một đời sống chung, nếu không biết sử dụng tài năng Chúa ban mà phục vụ cộng đoàn thì đời sống của anh em sẽ thật trống rỗng.
Nhìn rộng hơn, khi anh em đã quy tụ về đây, sống dưới mái nhà Đa Minh, học biết về linh đạo và nếp sống của Dòng, anh em sẽ nhận ra: không cứ phải là một người có tài ăn nói, có khả năng diễn thuyết hùng hồn mới gia nhập được Dòng Anh em Giảng thuyết. Trái lại, tùy vào khả năng của anh em mà việc giảng thuyết được thực hiện theo trăm ngàn cách thế khác nhau. “Tác vụ giảng thuyết là công việc cộng đoàn, và trước hết phải thuộc về toàn thể cộng đoàn”[2]. Anh em không thể đi giảng dạy hay đến những vùng truyền giáo, nhưng anh em có tài quản lý và sử dụng khả năng đó để chăm nom đời sống cộng đoàn, anh em cũng đang chia sẻ sứ vụ với những người đang ra đi giảng thuyết và tất cả làm nên một sứ vụ chung của cộng đoàn. Vậy nên, anh em Thỉnh sinh Đa Minh cần hiểu rằng, khi đã thuộc về cộng đoàn, ta làm việc không còn vì sự thăng tiến của riêng mình nữa nhưng là vì cộng đoàn. Ta chia sẻ khả năng ta có với cộng đoàn thì đời sống ta sẽ được triển nở nhờ được hưởng cùng một lợi ích chung trong việc thực thi cùng một sứ vụ, một lý tưởng mà ta đã theo đuổi.
Chia sẻ ơn gọi
Chưa hết, có phải trên hành trình đời tu, lòng ta luôn tràn đầy nhiệt huyết và động lực để tiến bước? Chắc hẳn không ít lần, ta phải sống trong những thời điểm mà ta cảm thấy khô khan, nhàm chán. Những lúc ấy, chúng ta cần chia sẻ cho nhau động lực, niềm tin, kinh nghiệm ơn gọi để làm sống dậy lý tưởng sống của bản thân cũng như của cả người khác. Cảm thức về ơn gọi của mỗi người chúng ta không ai giống ai. Phải nói rằng, ơn gọi dâng hiến không phải là món quà của ta dành cho Thiên Chúa hay tha nhân nhưng đó chính là ân huệ mà mỗi chúng ta được lãnh nhận theo những cách thức khác nhau. Chia sẻ cho nhau ân huệ ấy là làm cho nhau ngày một thăng tiến trong lý tưởng tu trì. Có thể, trong động lực ơn gọi của ta vẫn còn những tính toán để rồi khi gặp những khó khăn trong đời tu, ta mất đi phương hướng sống. Đó là lý do những giây phút chia sẻ Lời Chúa trong anh em Thỉnh sinh trở nên thật quan trọng và ý nghĩa.
Mỗi bài chia sẻ của anh em không phải là một bài giảng nhưng là những tâm tư và thao thức của anh em trước Chúa và trước tha nhân. Khi một anh em chia sẻ Lời Chúa, hẳn những anh em khác cũng đang bắt gặp chính đời mình trong đó. Hay việc anh em đọc sách thiêng liêng và chia sẻ cho nhau những điều tâm đắc để giúp nhau thấu hiểu hơn về đời tu, về nếp sống của Dòng quả là một điều bổ ích. Không bổ ích sao được khi ta không chỉ nghiệm ra giá trị thiết thực từ cuốn sách mà mình đang đọc mà còn thấu được cả ý nghĩa, cái hay, cái dở của những tác phẩm khác qua kinh nghiệm của người anh em.
Và có lẽ, đỉnh cao của sự chia sẻ động lực ơn gọi chính là việc anh em cùng nhau đặt bút viết nên những tâm tư của mình để hoàn thành nên cuốn Nội san hằng năm. Mỗi tâm tình mà anh em chia sẻ trong cuốn Nội san không chỉ giúp cho mình sống lại lý tưởng ơn gọi mà còn giúp người anh em khác nghiệm được sự đa dạng của đời tu. Ngay cả các cha anh khi cầm trên tay cuốn Nội san cũng có thể được khơi lại những hoài bão và lòng nhiệt thành từ chặng đường đầu đời tu của các ngài khi nhìn vào tâm tư thế hệ trẻ. Như thế, chia sẻ cho nhau động lực, thao thức của đời tu là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để anh em làm giàu vốn sống cho chính bản thân, có thế, anh em mới bước đi vững vàng trên con đường thánh hiến.
Chia sẻ yếu đuối
Sẻ chia cho người khác những điều tốt đẹp của ta thôi chưa đủ, ta còn phải sẻ chia cả những yếu đuối của chính mình. Đây mới là điều cốt lõi để đời sống của mỗi cá nhân được thăng tiến và tình huynh đệ trong cộng đoàn trở nên gắn kết. Cũng giống như xi măng, vốn được làm từ những vật liệu mỏng manh là cát và vôi, liên kết những viên gạch lại và làm nên một ngôi nhà thế nào thì chất keo nối kết chúng ta lại trong một cộng đoàn chính là phần yếu đuối và nhỏ nhất của chúng ta[3].
Khi anh em chỉ chia sẻ cho người khác điểm mạnh của mình trong khi chôn giấu những yếu đuối và mặc cảm, liệu sự sẻ chia của anh em có trở nên toàn vẹn? Có thể anh em tự cho mình đủ khả năng để giải quyết mọi việc mà không cần ai. Thái độ ấy sẽ phá hủy cộng đoàn. Bao lâu chúng ta không còn tin tưởng và phụ thuộc lẫn nhau, bấy lâu cộng đoàn sẽ có nguy cơ tan vỡ. Khi chúng ta sống với nhau, chúng ta sẽ nhận ra “không chỉ người yếu mới cần đến người mạnh mà cả người mạnh cũng không thể tồn tại nếu không có người yếu”[4]. Hay anh em mang một cảm giác lo sợ bị coi thưởng, khinh chê hay thậm chí sợ bị tách ra, bị loại trừ khi những giới hạn, yếu đuối của anh em bị người khác biết được? Anh em thử nghĩ xem, làm sao chúng ta có thể thực sự tự do tăng trưởng về nhân bản khi phải luôn sống trong nỗi sợ hãi như vậy? Tự do bày tỏ chính mình, dù cả những bất toàn, là cách để anh em bước vào đời nhau và dìu dắt nhau cùng đi lên.
Khi anh em Thỉnh sinh sẻ chia cho nhau những nỗi tâm tư, những khổ đau của bản thân, hẳn anh em sẽ nhận ra cùng nhau đau khổ không có năng lực cất hết những khó khăn của đời nhau nhưng có năng lực giúp nhau kiên cường đối diện với những khó khăn. Khi anh em Thỉnh sinh sẻ chia cho nhau những thiếu sót, lầm lỗi, hẳn anh em sẽ hiểu rằng, khiêm tốn mở lòng ra với người khác không những giúp anh em sống thật với chính mình mà còn giúp anh em ngày một hoàn thiện hơn. Ta có chấp nhận sẻ chia sự yếu đuối, người khác mới có thể bước vào đời sống của ta để hiểu con người ta, để giúp đỡ ta, để cầu nguyện cho ta. Đó mới là chất keo nối kết cộng đoàn, kiến tạo hiệp nhất. Ta càng khép chặt con tim trước người anh em, ta càng có khuynh hướng sống thu mình lại, cô độc và riêng rẽ, ta càng kéo mình ra khỏi cộng đoàn. Chúng ta hãy luôn tâm niệm rằng tôi hiện diện ở đây không phải chỉ để lo hoàn thiện bản thân tôi nhưng còn là để giúp người anh em cùng hoàn thiện.
Dilige, et quod vis fac – Cứ yêu đi, và làm điều mình muốn (Thánh Âu Tinh)
Như thế, một đời sống sẻ chia sẽ làm cho cá nhân được giàu có trong đức tin và nhân bản. Bên cạnh đó, sẻ chia chính là dòng máu chảy trong cộng đoàn, nuôi dưỡng và phát triển cộng đoàn. Ngày nào dòng máu ấy không còn chảy nữa, cá nhân sẽ cảm thấy cô đơn, cộng đoàn sẽ đối diện với nguy cơ tan vỡ. Thế nhưng, sự sẻ chia sẽ không thể sinh hoa trái nếu không có tình yêu làm động cơ thúc đẩy. Giúp đỡ người anh em chỉ vì ép buộc hay nhằm đạt một mục đích nào đó thì hành vi ấy không còn là sự sẻ chia đích thực. Hơn nữa, khi tình yêu là động cơ thúc đẩy trong mọi hành động, tất cả sự sẻ chia, dù là vật chất, tinh thần, lý tưởng ơn gọi đều chung quy lại là sự chia sẻ tình yêu với nhau. Quả thế, “cộng đoàn là nơi mọi người đang từng bước thoát ra khỏi bóng mờ của tính ích kỷ để đến với nguồn sáng của tình yêu đích thực”[5]. Tuy vậy tình yêu ấy sẽ chưa đạt tới sự toàn vẹn khi các thành viên trong cộng đoàn chỉ dừng lại ở việc chung sống, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Một tình yêu trọn hảo phải quy hướng về Thiên Chúa và như thế “yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng”, như Saint Exupery đã nói. Hướng ấy chính là Thiên Chúa, tình yêu đích thực, niềm hy vọng vĩnh cửu.
Chúng ta quy tụ lại đây không phải do chúng ta tự đến với nhau nhưng được thúc đẩy qua lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúng ta sống, làm việc với nhau nhằm tiến tới cùng đích là đức ái, mà đức ái phải thể hiện qua tương quan hai chiều: với Chúa và với anh em. Ta có thể ví cộng đoàn chúng ta giống như một bản hợp xướng. Không một nhạc công nào cố gắng để trổi vượt nhưng tất cả đều cố gắng liên đới với người bên cạnh qua sự dẫn dắt của người chỉ huy để cùng tạo ra nét đẹp cho bản nhạc. Thính giả sẽ không quan tâm mỗi nhạc công thực thi nhiệm vụ của mình thế nào, họ chỉ thấy thỏa mãn khi cảm nhận được cái hồn của bản nhạc thể hiện nơi sự hòa điệu giữa các nhạc công. Các nhạc công muốn tạo sự hòa điệu với nhau một mặt phải nương theo anh em, mặt khác, nhưng quan trọng hơn, phải nghe theo sự chỉ huy của nhạc trưởng. Cũng thế, “bản nhạc” của đời sống cộng đoàn sẽ có sức thu hút mãnh liệt chừng nào mỗi cá nhân biết sẻ chia đặc sủng của mình với người khác dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Khi tất cả chúng ta liên đới với nhau trong tình yêu và ân sủng, chúng ta sẽ sở hữu được viên ngọc Nước Trời, vốn là sự giàu có đích thực. Đồng thời, chúng ta ngày càng nên một và tỏa ra ánh sáng chân lý, bình an cho những người đang nhìn vào cộng đoàn chúng ta. Âu đó cũng chính là những ưu tư mà thánh Phaolô đã từng gửi gắm:
“Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðức Kitô vì Người là Ðầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,14-15).
[1] X. Tu luật thánh Âu Tinh, số 5
[2] SHC, số 100 § I
[3] X. Jean Vanier, Thăng tiến cộng đoàn, Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, 2004, tr. 35.
[4] Jean Vanier, Sđd., tr. 40.
[5] Jean Vanier, Sđd., tr. 40.