CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM A
St 12,1-4a; Tv 32; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9
Những ngày đầu năm Âm Lịch, đông đảo người Việt đến các chùa, miếu cầu phúc cho năm mới. Nhiều lễ hội đầu xuân được tổ chức hoành tráng, kèm với việc phát ấn, phát lộc, v.v.. Truyền thông đại chúng cho thấy ở nhiều nơi, xen lẫn giữa hình ảnh thành tâm khấn vái, có cả cảnh người chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để tranh cướp lộc, cố lấy được thứ gì đó để cầu mong có sự may lành. Con người, tự bản tính, là hướng thiện, tìm kiếm điều tốt lành, tin vào quyền năng siêu nhiên. Thế nhưng, nếu không được chính Đấng Thiện Hảo khai mở, dẫn đắt, con người sẽ không biết đâu là Đấng Thánh phải tôn thờ. Sự thành tâm nếu không được đặt đúng chỗ hay biểu lộ đúng cách có thể khiến người ta trở thành ích kỷ, tín ngưỡng chỉ nhắm đến cầu lợi cho mình.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay chỉ cho ta thấy Thiên Chúa ngỏ lời và dẫn đắt con người đến với Người. Bằng đức tin, con người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Một khi bước vào trong tương quan hiệp thông với Thiên Chúa, con người có khả năng mở rộng trái tim trong mọi tương quan với tha nhân.
“Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
(St 12,3b)
Bài đọc thứ nhất nói về ơn gọi của ông Ápraham. Được Đức Chúa kêu gọi, ông Ápraham rời bỏ quê hương, đem theo vợ, gia nhân và đoàn súc vật, để lên đường. Đức Chúa hứa cho ông một miền đất làm gia nghiệp và cho ông trở thành tổ phụ của một dân lớn, lẫy lừng. Rời xứ sở Kharan, ông Ápraham khi ấy đã bảy mươi lăm tuổi, bà vợ Sara cũng đã già, nhưng cả hai không có con. Cứ theo lẽ thường, người ta sẽ không thể phó thác đời mình vào một tiếng gọi xem ra không có gì bảo đảm. Miền đất Đức Chúa hứa ở đâu? Làm sao để đến đó? Và bao giờ sẽ đến? Ông Ápraham hoàn toàn không biết. Nhưng tin tưởng vào lời Đức Chúa, ông vẫn cứ lên đường.
Câu chuyện về tổ phụ Ápraham ban đầu chỉ là những mẩu chuyện truyền khẩu rời rạc được các bộ tộc Israel kể lại cho nhau trên hành trình họ chiếm đất hứa. Câu chuyện có ý nghĩa quan trọng nối kết các bộ lạc, giúp họ có đủ sức mạnh tinh thần để chiếm cứ vùng đất Canaan làm nơi định cư lâu dài. Khi chiếm vùng đất này, Israel tin rằng đó là vùng đất mà Đức Chúa đã hứa với tổ phụ của họ khi xưa. Khoảng 800 năm trước công nguyên, câu chuyện về tổ phụ Ápraham được biên soạn thành văn. Trải qua ít là bốn thế kỷ, câu chuyện được hoàn thiện dần như chúng ta có ngày nay.
Kể lại câu chuyện về tổ phụ Ápraham, Israel cho thấy niềm tín thác của họ vào Đức Chúa luôn có một khởi điểm vững chắc. Ngay từ ban đầu, tổ phụ của họ đã phó thác cho tiếng gọi của Đức Chúa, nhờ đó mà dân tộc Israel đã được hình thành. Đi xa hơn, câu chuyện về tổ phụ Ápraham tiêu biểu cho cách thế con người đáp trả đúng đắn lời mời gọi của Thiên Chúa:
– Ápraham, một con người dù đã cao niên, vẫn dám liều rời bỏ nơi trú ngụ an toàn của mình để lên đường cho một lời hứa.
– Một con người dám từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi, dám để cho Đức Chúa hướng dẫn và sắp xếp tương lai đời mình, mà trước mắt không có gì bảo đảm.
– Một con người luôn xác tín rằng bản thân không có gì xứng đáng trước tiếng gọi ấy. Trở nên tổ phụ của một dân tộc hoàn toàn là ơn huệ phát xuất từ tình yêu nhưng không của Người.
Ông Ápraham được kêu gọi trở thành tổ phụ một dân tộc trong tư thế của một người lữ hành. Ân huệ Đức Chúa trao ban không làm cho ông trở nên khép kín, nhưng là để ông có thể ra đi trao tặng chính mình. Ông có nhiệm vụ làm cha của dân Chúa chọn, và qua dân tộc này “mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” Ơn phúc cứu độ Đức Chúa hứa ban không dành riêng cho Áprarham, cho dân Israel, nhưng cho tất cả mọi người.
Như thế, câu chuyện ơn gọi của tổ phụ Ápraham giúp soi sáng cho các tín hữu ngày hôm nay hiểu và sống ơn gọi của mình trong hoàn cảnh hiện tại.
Thánh Phaolô trong bài đọc hai nói với người môn đệ thân tín của mình là Timôthê về ơn gọi Kitô hữu. Đó là ơn gọi nhưng không chúng ta được đón nhận qua Đức Kitô, chính ân sủng của Người cho chúng ta tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu.”
Ơn gọi cao cả của người Kitô hữu là nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Thế nhưng tôn thờ Thiên Chúa không phải là đặc quyền của riêng người Kitô hữu. Trong hành vi tôn thờ Thiên Chúa, người tín hữu cũng không chỉ nhắm đến xin ơn mà thôi, và lại càng không thể cầu lợi cho riêng mình. Được diễm phúc nhận biết Thiên Chúa, Người Kitô hữu được mời gọi mở ra với tha nhân. Như tổ phụ Ápraham và các môn đệ của Đức Kitô khi xưa, các tín hữu hôm nay cũng được mời gọi lên đường loan báo niềm vui và ơn phúc chúng ta lãnh nhận từ nơi Đức Kitô. Thánh Phaolô khuyên nhủ môn đệ Timôthê: “anh yêu quý, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.” Lặp lại lời của thánh Phaolô, đức thánh cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng kêu gọi các Kitô hữu hãy ra khỏi sự an toàn của một đời sống đạo khép kín, tìm kiếm bình an cho riêng mình, để lên đường chia sẻ cho mọi người sự sống của Chúa Kitô.
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.
Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5)
Bất kỳ cuộc lên đường nào cũng có thử thách và cam go, hơn nữa đây lại là cuộc lên đường vì Đức Kitô và cho Đức Kitô. Ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê được diễm phúc chiêm ngưỡng vinh quang thiên tính của Thầy trên đỉnh núi trong chốc lát. Các ông mong muốn được giữ mãi diễm phúc ấy cho riêng mình. Nhưng Đức Giêsu truyền cho các ông phải xuống núi, để tiếp tục hành trình với Người lên Giêrusalem. Con đường tiến vào miền đất hứa phải kinh qua đau khổ. Ba môn đệ này, cùng với nhiều môn đệ khác nữa, đã trung tín bước theo Đức Kitô trên hành trình thập giá. Nhờ thế mà họ đã có thể tiến vào miền đất hứa, miền đất của sự sống. Đức Kitô, Đấng chiến thắng sự chết, đã trao tặng cho họ ơn phục sinh. Mang trong mình sự sống thần linh, các môn đệ của Đức Kitô lên đường loan báo niềm vui cứu độ, chỉ cho mọi người nhận biết Thiên Chúa và tôn thờ Người.
* * *
Lạy Chúa, qua Đức Giêsu, chúng con được diễm phúc nhận biết và tôn thờ Ngài. Xin biến đổi chúng con thành những chứng nhân loan báo Tin Mừng cứu độ, để những người chưa tin cũng được trở thành con cái mà tôn thờ Chúa cho xứng đáng. Amen.
AP_3.2.2017
GLTHCG 2013 : “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu, và đến sự trọn hảo của đức mến” (LG 40). Mọi người đều được kêu gọi nên thánh: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48):
“Để đạt được sự trọn hảo đó, các tín hữu phải sử dụng những sức mạnh mình đã lãnh nhận tuỳ theo mức độ Đức Kitô đã ban, để … khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong mọi sự, họ sẽ hiến thân với hết tâm hồn cho vinh quang Thiên Chúa và cho việc phục vụ người lân cận. Như vậy, sự thánh thiện của dân Thiên Chúa sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào, như đã thấy một cách rõ ràng trong lịch sử Hội Thánh qua đời sống của bao vị thánh” (LG 40).