“Thầy Đi Đâu Vậy?”

09-04-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1809 lượt xem

“Quo vadis, Domine?”

Lúc đó, đang bước đi trên Via Appia, tôi bỗng thấy “một vòng tròn màu vàng rực từ trên những ngọn núi tuột xuống và lăn trên đường, thay vì nhô lên mỗi lúc một cao trên bầu trời”. Tôi hơi hoảng hốt, quay sang hỏi Nazarius, nhưng cậu bé chẳng thấy gì, cậu không thấy cái tôi đang thấy. Rồi từ trong vầng sáng ấy, Thầy bước ra, bước đi, và bước về phía tôi. Vừa vui mừng vừa kinh ngạc, tôi hỏi Thầy: “Quo vadis, Domine?” Rồi Người nói với tôi một lời, một lời khiến tim tôi đau nhói, một lời khiến tôi bẽ bàng, một lời khiến tôi phải hổ ngươi.

Chúng tôi ở với Thầy đã mon men được ba năm. Ba năm ấy đủ để Thầy biết rõ chúng tôi, từng người trong chúng tôi, nhưng cũng với ba năm ấy, chúng tôi chẳng biết gì hơn về Thầy so với những gì mà người ta có thể nói về Thầy. Lời giảng dạy của Thầy, ai cũng nghe, chúng tôi nghe. Phép lạ của Thầy, ai cũng thấy, chúng tôi thấy. Hơn hẳn đám đông, khi chỉ còn ở riêng với chúng tôi, Thầy còn nói nhiều điều quyền uy hơn, còn làm nhiều sự lạ kỳ hơn. Chúng tôi đã nghe và đã thấy, nhưng chẳng hiểu gì mấy! Ngay cả trong cái đêm hôm ấy, chúng tôi cũng mù mờ như thế.

Bỗng nhiên Thầy đứng dậy, đúng như Gioan đã mô tả, làm chính xác những gì một đầy tớ thường làm cho ông chủ của mình. Tôi can Thầy. Các anh em khác cũng tỏ ra e ngại. “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Rồi Thầy bảo có người trong chúng tôi sẽ giao nộp Thầy cho giới lãnh đạo Do Thái, những người vẫn ngăm đe hạ sát Thầy. Chúng tôi bàng hoàng. Làm sao được nếu có ai đó sẽ làm như Thầy nói! Thầy nói gì khó hiểu quá! Bạn hãy hình dung mà xem! Chúng tôi đã ăn lễ với Thầy được hai năm rồi. Có bao giờ Thầy phản ứng kì lạ như thế đâu. Thế mà hôm đó…

Lại bỗng nhiên, Thầy lặp lại lời đã nói với đám đông: “Nơi tôi đi, các ông không thể đến được”. Lúc Thầy kể lại sự kiện ấy, tôi chẳng để tâm lắm, vì chỉ nghĩ, chắc Thầy sắp dạy chúng tôi điều gì đó như mọi khi thôi. Nhưng rồi Thầy lại bảo, giờ đây, Thầy nói những lời ấy, không dành cho đám đông nữa, mà dành cho chúng tôi, từng người trong chúng tôi, kể cả tôi. Tôi chưng hửng! Tôi kinh ngạc! Tôi bàng hoàng! Thật ra lời ấy đã ám ảnh tôi từ lâu rồi. Ngày trước, khi Thầy nói điều ấy, tôi đã hoảng sợ. Nghe lời đó, nhiều người đã đặt vấn đề ngay, không lẽ Thầy sắp tự tử sao mà nói sẽ không ai tìm được Thầy. Khi đã tách khỏi đám đông, tôi hỏi Thầy ngay, Thầy ôn tồn bảo, điều ấy được nói cho những người đó, vì họ không tin, vì họ phạm tội; phần chúng tôi, chúng tôi vẫn ở với Thầy, vẫn được Thầy gìn giữ. Lời ấy làm tôi an lòng! Bạn hãy nhớ điều này, Thầy nói lời ấy với họ, chứ không phải với chúng tôi, với tôi. Nhưng trong suốt ba năm qua, tôi không sao dứt mình khỏi lời ấy. Chắc chắn Thầy không tự tử, nhưng giới lãnh đạo Do Thái đã năm lần bảy lượt muốn giết Thầy. Điều này còn nguy hơn cả việc Thầy tự tử! Tôi sợ một ngày kia, bọn họ sẽ đến bắt giết Thầy. Tôi sợ một ngày kia, Thầy không còn ở bên tôi. Tôi sợ một ngày kia, tôi mất chỗ nương tựa…

Nhưng giờ thì Thầy nói điều ấy với chúng tôi. Ra như Thầy cũng gạt chúng tôi ra luôn vậy. Nếu ngày trước, vì những người kia phạm tội và cứng lòng nên sẽ không tìm thấy Thầy, thì giờ đây, không lẽ chúng tôi, và tôi, đã phạm phải điều gì phiền lòng Thầy sao? Chúng tôi chẳng còn xứng đáng là môn đệ của Thầy nữa sao? Thầy muốn loại bỏ chúng tôi sao? Thầy sẽ chọn một nhóm khác, để thay thế chúng tôi là những kẻ vô học và bất tài sao? Thầy có ý gì khi nói điều ấy? Nhưng mà, vừa trước đó Thầy đã nói “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”, và Thầy đã rửa chân cho từng người trong chúng tôi rồi. Đúng ra tôi phải được chung phần chứ…

Tôi chẳng thể chịu nổi, đã buột miệng hỏi thẳng: “Quo vadis?” – “Thầy đi đâu?” Lúc ấy, tôi hơi quạu, à không, rất bực mình. Biết bao nhiêu ân nghĩa thầy trò, giờ Thầy đòi dứt áo ra đi như vậy sao? Có lần, nhiều người vì chướng tai gai mắt với lời giảng dạy của Thầy mà đã bỏ đi, Thầy quay sang hỏi chúng tôi có bỏ đi như họ không. Con người ấy đâu rồi? Con người như muốn giữ lấy chúng tôi bên mình đâu rồi? Chúng tôi không bỏ Thầy thì thôi, sao Thầy lại bỏ chúng tôi? Tôi hỏi thẳng: “Thầy đi đâu?”, không chỉ để xem Thầy trả lời sao, mà còn đòi Thầy phải giải thích điều mới nói, giải thích gì đó hợp lý hơn!

Bạn hãy hiểu cho tôi. Tôi rất tôn trọng Thầy. Nhưng tôi không thể chịu nổi việc Thầy cứ liên tục làm và nói những điều khó nghe như thế. Gioan thương tôi nên chẳng đã ghi lại thái độ nổi sung thiên lúc ấy của tôi. Thấy tôi vậy, Thầy trấn an rồi từ tốn bảo: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được…” Tôi phải ngắt lời Thầy ngay. Tôi không muốn nghe câu trả lời ấy. Tôi cần một lời giải thích rõ ràng. Một rabbi như Thầy lại không thể hiểu ý đồ của một thằng bần cố nông như tôi sao? Nghĩ như vậy, tôi càng điên máu. May lúc đó anh em đã giữ tôi lại… “Hãy nghe Thầy, bây giờ anh không có sức để theo nổi đâu, nhưng sau này anh sẽ đi theo”. Sau này sao? Tại sao không phải là bây giờ? Giữa cái gọi là “bây giờ” và cái gọi là “sau này” là bao lâu? Điều gì đã ngăn cản tôi không thể bây giờ, nhưng lại có thể sau này. Lập tức, mọi ý nghĩ trước đây ùa về trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ đến việc Thầy sẽ tự tử. À không phải. Nếu Thầy tự tử, Thầy chết, thì sau này theo thế nào? Vậy chỉ còn một khả năng thôi, Thầy sẽ bị giới lãnh đạo Do Thái bắt. Đích thị là vậy rồi! Với tư cách Tông đồ trưởng, tôi sẽ không để chuyện đó xảy ra. Tôi sẽ bảo vệ Thầy đến cùng. Lúc đó, tôi rút con dao vẫn luôn vắt bên mình đặt lên bàn, bảo Thầy: “Thầy yên tâm! Có con đây. Con sẽ thí mạng vì Thầy!”

Bạn thấy đấy! Tôi sẽ làm mọi thứ để có thể đi với Thầy, ở với Thầy. Trong đêm hôm đó, Thầy liên tục trấn an chúng tôi: “Anh em đừng xao xuyến!” Đó là Thầy nói giảm nói tránh thôi. Sự thực, điều thực sự đang diễn ra trong tôi đêm hôm đó, tôi phải gọi là khủng hoảng. Tôi thật sự khủng hoảng. Tôi đã theo Thầy từng ấy thời gian. Tôi theo Thầy và đã mong nhận được nhiều thứ từ Thầy. Mặc dù sống nghèo, nhưng không lúc nào phải lo chuyện ăn uống. Mặc dù lang thang đây đó khắp các miền Israel, nhưng không lúc nào phải lo chỗ tựa lưng. Tôi mong đợi vương quốc của Thầy, chẳng riêng gì hai anh em nhà Dêbêđê đâu, chính chúng tôi, mỗi một người, ai cũng mong được ngồi chỗ đáng kính đáng trọng trong vương quốc ấy. Giờ đây, Thầy sắp đi, mà tôi lại không được theo Thầy. Với tôi, tôi có cảm giác như bị phản bội. Đâu là cái được gấp trăm mà Thầy đã nói đến? Đâu là cái được gọi là không còn phải khổ đau mà Thầy đã hứa trao cho? Thực sự, tôi thấy như mình bị Thầy phản bội vậy. Tôi nổi điên là để cố chứng minh không phải Thầy đang phản bội. Tôi rút con dao ra trước mặt Thầy, và đòi bảo vệ Thầy đến cùng cũng để tự trấn an mình. Lúc đó, tôi thấy như mình đã mất Thầy…

***

Khi chứng kiến cảnh thành Roma chìm ngập trong biển lửa, tôi đã tự hỏi: Phải chăng ngày ấy đã đến rồi sao? Và khi các tín hữu phải đổ máu vì bị vụ oan đốt thành, tôi kêu lên trong đau xót: “Lạy Chúa của con! Sao Ngài lại bỏ rơi con?” Lúc đó, tôi thực sự gặp khủng hoảng. Một mặt, tôi phải nâng đỡ đức tin cho anh em tín hữu tại Roma. Mặt khác, tôi phải tự cứu lấy chính đức tin của mình. Dù Thầy đã báo trước rằng người đời sẽ đến thắt lưng tôi và dẫn tôi đến nơi tôi không muốn, nhưng điều tôi đang đối diện quá nghiệt ngã. Nghiệt ngã như cái đêm Thầy bỏ chúng tôi mà đi đến nơi lúc đó tôi không thể cùng Thầy đi đến vậy!

Nỗi đau năm ấy vẫn còn thổn thức trong tôi. Ngày ấy, tôi trách Thầy vì sao Thầy nỡ lòng bỏ rơi chúng tôi. Ngày ấy, tôi muốn bảo vệ Thầy đến cùng nhưng Thầy lại không muốn điều đó. Ngày ấy, sao Thầy lại câm lặng đưa tay chịu trói, để tôi phải chối Thầy. Tôi chối Thầy, không phải như chối rabbi của mình. Là tôi chối một người đột nhiên yếu hèn. Là tôi chối một người như đang phản bội mình. Tôi đã không còn muốn biết người ấy nữa. Hiện tại, tôi cô đơn, nhưng nỗi cô đơn ấy làm sao khốn khổ khốn nạn bằng nỗi cô đơn ngày trước. Giờ đây, tôi biết Thầy đã phục sinh, tôi biết Thầy đang chờ tôi hành động. Tôi cô đơn, nhưng vẫn còn tin rằng Thầy chắc chắn ở đó để chỉ dạy tôi. Bây giờ, sự phục sinh của Thầy bảo đảm cho tôi điều đó. Nhưng ngày trước thì không!

Bạn hiểu điều tôi muốn nói không? Với tôi, khủng hoảng lớn nhất của người đi theo Chúa không phải là do sự im lặng của Người, mà là do cảm giác như ta đang vụt mất Người. Ta vụt mất Người, mọi kế hoạch của ta đổ vỡ, ta chơi vơi, ta bơ vơ, ta té ngã. Tôi đã nói, tôi thấy như mình bị Thầy phản bội, đúng hơn, giờ đây khi ngẫm lại, chính lúc đó, lúc tôi hỏi “Quo vadis?”, là tôi đã vụt mất Thầy, tôi chơi vơi, tôi bơ vơ, tôi té ngã. Mà vụt mất ở đây, không phải là Thầy đi và bỏ tôi lại một mình; mà là tôi không đủ kiên nhẫn vượt qua lúc này, chờ đến sau này để theo Người. Ai đã theo Chúa thì không được vội vàng đòi thấy những điều mình muốn thấy! Ai đã theo Chúa thì phải kiên nhẫn đợi chờ trong cô đơn ngày được cùng bước đi với Thầy! Không chỉ chịu sự cô đơn, người ấy sẽ vấp phải những hoài nghi, như chính tôi đã từng nghi ngờ Thầy vậy. Nhưng vì tôi vốn cứng đầu, không chịu buông bỏ các hoài nghi ấy, đã theo chúng đến cùng, và cuối cùng, tôi đã thấy và đã tin!

***

“Quo vadis, Domine?”

“Eo Romam crucifigi iterum”

Bây giờ, khi tôi gặp lại Thầy ở Via Appia, Thầy đã cho biết Thầy đang đi đâu, một cách tường minh, không úp mở, không mập mờ. Lời ấy tuy gây đau đớn, lời ấy tuy nghiệt ngã, nhưng lại có sức chữa lành tôi. Lời ấy trao cho tôi sức mạnh để quay lại Roma mà cùng chết với anh em tín hữu ở đây, cùng với họ làm chứng cho Thầy.

Nazarius hỏi tôi: “Quo vadis?”

Tôi mỉm cười, bảo: “Ad Romam”

Trên đường quay lại Roma, tôi nói với cậu bé tuy còn nhỏ nhưng đức tin rất mạnh mẽ này: “Chính Đức Giêsu phục sinh và niềm tin vào Người là giải pháp cho những gì chúng ta đang phải chịu!”

Bóng đêm đã ghì chặt bàn chân tôi như ghì chặt Giuđa, nhưng tôi đã bám chặt lấy Thầy, đòi Thầy trả lời cho bằng được. Đây là chuyện sống còn của tôi. Bám lấy Thầy và đòi Thầy giải thích, tôi sẽ sống. Ngược lại, buông bỏ, thả trôi, tôi sẽ chết. Như cành nho kia, còn gan lì bám vào thân, nó sẽ sống. Một khi nó rời khỏi thân, nó chết.

Lúc này đây, khi đang chuẩn bị để được dang tay ra chịu đóng đinh như Thầy, tôi nhớ lại lời Người đã nói: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được”.

Chiều Thứ năm Tuần thánh 2020
Martino Quách Đình Quốc Trọng
Gợi hứng từ tác phẩm “Quo vadis” của Henryk Sienkiewicz

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com