Tam Nhật Vượt Qua : Ý Nghĩa Của Cử Hành Và Các Bài Đọc

06-04-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4019 lượt xem

(Trích từ “Nghi thức Tuần thánh” do Nhóm Phiên Dịch CGKPV thực hiện)

Tải xuống Word, PDF

Mỗi người Ki-tô hữu cũng như toàn dân Thiên Chúa cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ lễ vượt qua hằng năm, những gì xẩy ra trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ bữa tối Người ăn với các môn đệ trước khi chịu chết cho đến lần Người hiện ra với những môn đệ đó ngày Chúa Nhật kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm, nhất là việc Người chịu chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người đã nói đều là lời cứu độ. 

Giáo hội xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành ba ngày trọng đại nhất “trong đó Chúa Ki-tô sẽ chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (thánh Am-rô-xi-ô). Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc chiều ngày Phục Sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi canh thức đêm thánh, gồm tóm lại tất cả việc cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Ki-tô. 

Tam Nhật Vượt Qua liên hệ đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa đều cùng với Chúa Ki-tô thực hiện cuộc vượt qua đi về với Chúa Cha. Đêm Vượt Qua là đêm thanh tẩy long trọng nhất trong năm, và các tín hữu cầu nguyện cách khẩn thiết hơn trong hai này mà các anh chị em dự tòng trực tiếp sửa soạn để được cùng chết và sống lại với Chúa Ki-tô. Cũng trong chiều hướng ấy, người có tội chuẩn bị bằng hai ngày ăn chay, tức là ngày thứ Sáu và nếu được, cả ngày thứ Bảy nữa để được làm hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, nếu chưa lãnh bí tích Hòa Giải trong những ngày cuối Mùa Chay. Ngoài việc liên đới nói trên với các người dự tòng và những người sắp được ngồi lại vào bàn ăn của Chúa, tất cả các Ki-tô hữu cũng mừng lễ Phục Sinh khi họ lặp lại các lời đã cam kết khi chịu thanh tẩy, và khi họ tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, ta có thể áp dụng cho cả Tam Nhật Vượt Qua chỉ thị mà một trong những tài liệu cổ nhất về Phụng vụ đã ra về Đêm Thánh: “Toàn dân phải ở trong ánh sáng.” 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH – THÁNH LỄ TIỆC LY

Mỗi năm, dân Do Thái ăn lễ vượt qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức, và giao ước với họ. Chúa Giê-su Ki-tô đã khai mào cuộc thương khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa ăn vượt qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thánh giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá. 

Mỗi lần cử hành thánh lễ chúng ta cũng tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện, và trông mong Người trở lại. Nhưng chúng ta tưởng niệm cách sốt sắng hơn cả, trong thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh. Thánh lễ này cử hành vào buổi chiều, với đông đủ giáo dân tham dự sau một ngày làm việc, và với tất cả các linh mục trong giáo xứ đồng tế để cho thấy rằng chức tư tế chỉ là một. Sau bài diễn giảng, vị chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giê-su và rửa chân cho 12 đại diện cộng đoàn tín hữu. Trong khung cảnh đặc biệt của ngày lễ, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức linh mục là để phục vụ,  cho bằng việc chủ tế quỳ xuống trước mặt người anh em như thế. 

Lễ xong, mỗi người có thể yên lặng chầu Thánh Thể và suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giê-su nói với các môn đệ trước khi vào vườn Ghết-sê-ma-ni, nhất là suy gẫm lời trối long trọng nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” 

BÀI ĐỌC 1     Xh 12,1-8.11-14

Sách Xuất Hành đưa ra những chỉ thị về bữa ăn Vượt Qua, trong đó người Ít-ra-en ăn thịt con chiên và lấy máu nó bôi lên khung cửa; nhờ máu này, các con đầu lòng của họ được thoát chết, trong khi các con đầu lòng người Ai-cập bị tàn sát. Từ đó, hằng năm họ ăn bữa tiệc Vượt Qua, để tưởng niệm ơn Chúa đã cứu họ khỏi ách nô lệ Ai-cập, và để Thiên Chúa hoàn thành ơn cứu thoát ấy.  

BÀI ĐỌC 2     1Cr 11,23-26 

Đoạn thư gửi tín hữu Côrintô là bản tường thuật xưa nhất về việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Trong bữa ăn sau hết cùng với các môn đệ, vào chính dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giê-su ban Mình và Máu Người cho các môn đệ như con Chiên Vượt Qua thật, hy sinh vì loài người mỗi khi cử hành thánh lễ, và đặc biệt chiều nay, chúng ta cũng tưởng niệm cái chết của Chúa Giê-su và được hưởng nhờ ơn cứu chuộc Người thực hiện cho chúng ta. 

TIN MỪNG    Ga 13,1-15 

Trong bữa ăn sau hết, trước khi đi qua từ trần gian về với Cha, Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Đây là một hành động tượng trưng nói lên ý nghĩa của cuộc thương khó: Chính vì yêu thương mà Chúa Giê-su hạ mình xuống như một đầy tớ, để phục vụ đến hoàn toàn từ bỏ bản thân. Người cũng muốn chúng ta noi gương Người trong tình yêu phục vụ đó. 

THỨ SÁU TUẦN THÁNH TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, các Ki-tô hữu trên hoàn cầu đều ăn chay: đây là ngày chay Vượt Qua kỷ niệm Chúa đã chịu Thương Khó, và Giáo hội khuyên chúng ta tiếp tục giữ cho tới đêm thánh.

Vào buổi chiều hoặc tối hôm nay, có nghi lễ về cuộc Thương Khó của Chúa. Bắt đầu là phụng vụ lời Chúa, với bài Thương Khó theo thánh Gio-an. Sau bài diễn giảng là những lời cầu đặc biệt long trọng cho toàn thể Giáo hội và thế giới, cho hết mọi hạng người, vì ơn cứu độ do Đấng Cứu Thế đã đổ máu ra để thực hiện, cần phải đạt tới khắp nơi trên mặt đất. Sau đó linh mục đưa thánh giá ra cho cộng đoàn tôn kính, rồi mọi người thông hiệp với Mình Thánh Chúa Ki-tô.

Trong buổi họp mừng này, điều nổi bật hơn cả không phải là các đau khổ nhục nhằn của cuộc Thương Khó, nhưng là vinh quang của thánh giá, vì mỗi lần Giáo hội tưởng niệm Chúa đã chịu chết thì đồng thời cũng tuyên xưng Người đã Phục Sinh. Vì thế, các bài ca hôm nay đầy những lời tung hô Chúa Ki-tô hiển thắng: “Lạy Thiên Chúa chí thánh ! Lạy Thiên Chúa oai hùng ! Lạy Thiên Chúa muôn đời hằng hữu ! Xin thương xót chúng con” (Dân Ta hỡi). “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính vì bởi cây thập giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu” (điệp ca).

BÀI ĐỌC 1     Is 52,13-53,12

Bài ca thứ tư về người tôi tớ Chúa, nói người tôi tớ bị sỉ nhục, hành hạ và sau cùng bị giết, mà vẫn hiền lành như con chiên, không mở miệng kêu ca. Người tôi tớ chịu như vậy, là vì đền tội thay cho kẻ khác, và mang lấy hình phạt kẻ khác đáng chịu. Chính vì thế mà người tôi tớ Chúa làm cho muôn người nên công chính, và đem lại cho họ phúc bình an. Các tác giả Tân ước thấy rằng: những lời sách Isaia đây đã thực hiện nơi Chúa Giê-su và giúp ta hiểu hơn ý nghĩa và hiệu lực của cái chết của Chúa Giê-su, đem lại ơn cứu chuộc cho ta.

BÀI ĐỌC 2     Hr 4,14-16; 5,7-9

Đức Giê-su cũng là người như chúng ta. Vì thế, trước đau khổ và cái chết Người cũng cảm thấy khắc khoải, mặc dầu bị xâu xé trong tâm hồn và thể xác, Người đã vâng phục chấp nhận thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật hy sinh đem lại ơn cứu độ cho mọi người.

BÀI THƯƠNG KHÓ      Ga 18,1 – 19,42

Bài Thương Khó theo thánh Gio-an mô tả việc Đức Giê-su đi từ trần gian này đến với Chúa Cha, và những lợi ích thiêng liêng phát xuất từ đó. Đức Giê-su chính là Con Chiên Vượt Qua bị sát tế, để nhờ Máu Chiên đó mà dân được cứu. Thánh Gio-an không nhấn mạnh đến những đau khổ, sỉ nhục Đức Giê-su chịu, nhưng nhấn mạnh đến tính cách hoàn toàn tự nguyện của Người. Người biết mình đi đến cái chết, và Người tự ý hoàn toàn tất cả những gì Chúa Cha muốn. Giờ Đức Giê-su chịu treo cao trên thập giá, chính là giờ Người đánh bại Sa-tan, Người được tôn vinh và lôi kéo mọi người lên với Người. Khi trút hơi thở, Người trao thần khí lại cho Hội Thánh. Từ cạnh sườn Người máu và nước chảy ra, tượng trưng cho hai bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể thành lập Hội Thánh.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm cuộc Thương Khó và sự chết của Người, nên bàn thờ không trải khăn, không cử hành thánh lễ, cũng không có phụng vụ Lời Chúa, cho đến sau đêm Canh Thức Vượt Qua, nghĩa là đêm mong chờ Chúa sống lại, sau đó mới hưởng niềm vui phục sinh, một niềm vui tràn trề trải dài suốt 50 ngày. Hôm nay chỉ có thể cho rước lễ như Của Ăn Đàng.

Ngày hôm nay chỉ có các Giờ Kinh Phụng Vụ. Tuy vậy hôm nay không phải chỉ là ngày chờ mong đại lễ. Chúng ta không hội họp nhau mà chỉ hồi tâm nhớ đến Chúa Ki-tô chôn trong mồ, nhưng chúng ta cũng đặt niềm tin vào một mầu nhiệm như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô xuống ngục tổ tông.” Mầu nhiệm Chúa Ki-tô xuống ngục tổ tông (hoặc âm phủ, nơi ở của người chết) ở trung tâm mầu nhiệm Vượt Qua. Việc Chúa đi xuống tiếp nối việc Người tự hạ khi chết trên thập giá, và cho thấy rõ Người thực sự đã chết: linh hồn Người đã thực sự lìa khỏi xác và đến với linh hồn các người công chính khác. Nhưng việc Chúa xuống âm phủ cũng biểu lộ tính cách lớn lao của cuộc chiến thắng của Người: Người đã từ đáy vực thẳm bước lên sự sống. Đồng thời mầu nhiệm này cũng khai mào cho cuộc chiến thắng ấy: Chúa Ki-tô xuống với những kẻ đang mong đợi Người đến báo tin họ sắp được giải phóng. Việc xuống âm phủ là khởi điểm của cuộc đi lên, sẽ đưa Chúa Ki-tô tới vinh quang phục sinh và thăng thiên: “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao” (Ep 4,10).

Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện như sau: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất, nhưng đã chiến thắng tử thần và khải hoàn trỗi dậy. Vậy tất cả chúng con là những tín hữu đã cùng được mai táng với Người khi lãnh nhận phép rửa, xin cũng được nhờ ơn Người phục sinh mà đạt tới nguồn sống muôn đời.”

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – CANH THỨC VƯỢT QUA

Việc tưởng niệm Chúa Ki-tô chịu chết và sống lại đạt tới điểm cao nhất trong Đêm Vượt Qua, là đêm thánh của người Ki-tô hữu. Theo như lời thánh Âu-tinh nói, cuộc họp mừng đêm nay là mẹ của hết mọi buổi canh thức phụng vụ. Chúa Ki-tô đã dạy môn đệ phải canh thức để đợi chờ Tân Lang đến (Mt 25,13), vì thế người Ki-tô hữu có dành một phần ban đêm để cầu nguyện thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng không có đêm nào thích hợp cho một cuộc họp mừng phụng vụ bằng đêm Vượt Qua: đây là đêm dân Ít-ra-en ăn thịt chiên và được cứu thoát, là đêm họ đi bộ qua Biển Đỏ; đây là đêm Chúa Ki-tô đập tan xiềng xích tử thần và từ âm phủ khải hoàn đi lên; đây còn là đêm Giáo Hội, ngay từ buổi đầu, vẫn chờ mong Chúa trở lại.

Đêm nay, cộng đoàn Ki-tô hữu, trước tiên, nghe đọc lời Thiên Chúa, để ôn lại tất cả lịch sử cứu độ, từ buổi khai thiên lập địa và việc dân Ít-ra-en ra đi khỏi đất Ai-cập, cho đến việc Chúa Giê-su sống lại và được tôn dương trên trời. Trong khi nghe đọc Sách Thánh, cộng đoàn được Nến phục sinh soi sáng: nến này tượng trưng đám mây sáng xưa đã dẫn dân Ít-ra-en trên đường về đất hứa, và đặc biệt tượng trưng Chúa Ki-tô là ánh sáng soi thế giới.

Tiếp đó cử hành các bí tích Vượt Qua: phép Rửa, nhờ đó con người cùng chết với Chúa Ki-tô để cùng sống sự sống mới với Người (Rm 6,8); phép Thêm Sức ghi ấn tích Chúa Ki-tô vào người Ki-tô hữu và ban Thánh Thần cho họ; phép Thánh Thể là tiệc thánh của Giao Ước Mới, trong đó các môn đệ nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người bẻ bánh trao cho họ (Lc 24,35).

Trong đêm Vượt Qua, người Ki-tô hữu được nếm trước niềm vui của thành Giê-ru-sa-lem mới. Vì thế đêm nay vang dội tiếng hát Ha-lê-lui-a.

BÀI ĐỌC 1     St 1,1 – 2,2

Chương này không phải là một bài tường thuật lịch sử hay một bản nghiên cứu khoa học về nguồn gốc vũ trụ và loài người. Đây là một bài ca phụng vụ, mượn những quan niệm bình dân thời xưa về vũ trụ, để tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng dùng lời quyền năng và Thần Khí của Người mà sáng tạo muôn loài. Đêm nay Giáo Hội đọc đoạn văn này để nói rằng: trong mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm thương khó và phục sinh, Chúa Ki-tô đã khai mào một tạo thành mới còn tốt đẹp hơn nữa. Người đã dùng nước Thánh Tẩy và ơn Thánh Thần, để đưa chúng ta vào tạo thành mới đó.

BÀI ĐỌC 2     St 22,1-18

Lòng tin của tổ phụ Áp-ra-ham đạt tới điểm cao nhất khi ông sẵn sàng hiến tế dâng Thiên Chúa đứa con một là I-xa-ác, vì tin rằng Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại, và dù thế nào đi nữa, lời hứa của Chúa cũng sẽ thực hiện. Do đó, ông Áp-ra-ham đã trở thành cha của mọi kẻ tin, của hết thảy chúng ta. Ông I-xa-ác vác củi lên núi cũng tiên báo Đức Ki-tô, người Con Một mà Thiên Chúa đã không ngần ngại phó nộp, vì yêu thương chúng ta.

BÀI ĐỌC 3     Xh 14,15 – 15,1a

Bằng thể văn anh hùng ca, sách Xuất hành quảng diễn và đề cao việc Thiên Chúa giải thoát dân Người, khi Người cho họ đi bộ qua Biển Đỏ. Biến cố này tiên báo cuộc xuất hành mới, mà Thiên Chúa cho chúng ta thực hiện: khi đi qua nước Thánh Tẩy, chúng ta cũng được giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, và được trở thành dân Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cũng có thể hát bài ca chiến thắng: Vang lên luôn lời ca!

BÀI ĐỌC 4     Is 54,5-14

Chương 54 sách I-sai-a trích từ sách Yên ủi Ít-ra-ren, viết trong thời lưu đày Ba-by-lon. Dân Ít-ra-en được Chúa coi như bạn trăm năm, nhưng họ đã phải bội. Dầu vậy, tình yêu của Chúa vẫn trung thành và bất diệt, không hề thay đổi. Vì thế Chúa sẽ cho họ trở về, và sẽ xây dựng lại Giê-ru-sa-lem. Đó cũng chính là tình yêu của Chúa đối với chúng ta, nhờ đó mà ta được cứu chuộc.

BÀI ĐỌC 5     Is 55,1-11

Lương thực mà Chúa cung cấp miễn phí, tương trưng cho những hồng ân Chúa ban, vì tình thương của Người. Đặc biệt, đó là Lời Chúa, là nước Thánh Tẩy, là bánh rượu Thánh Thể mà ta nhận được trong giao ước mới, giao ước vĩnh cửu thiết lập nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô.

BÀI ĐỌC 6     Br 3,9-15.32 –4,4

Lời sách Ba-rúc bảo cho dân Ít-ra-en biết: họ bị lưu đày là vì họ đã bỏ nguồn mạch sự khôn ngoan. Thiên Chúa đã cho Đức Khôn Ngoan đến ở với loài người. Tân Ước cho ta biết: Đức Ki-tô chính là Đức Khôn Ngoan nhập thể, đem sự thật và sự sống đến cho chúng ta. Đức Ki-tô chịu đóng đinh, là điều mà loài người cho là yếu đuối và điên rồ, nhưng Người lại tỏ mình là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC 7     Ed 36,16-17a.18-28

Vì tội lỗi của mình, dân Chúa đang phải sống lưu vong tản mác giữa các dân ngoại. Nhưng Thiên Chúa không quên giao ước của người, Người hứa sẽ quy tụ họ về, thanh tẩy họ, ban cho họ một trái tim mới, đặt Thần Khí của Người trong họ. Chúa Ki-tô phục sinh thực hiện hoàn toàn lời hứa đó: Người kêu gọi ta từ khắp muôn dân, dội nước Thánh Tẩy trên ta, để tha tội và ban ơn thánh Thần, nhờ đó ta được một trái tim mới, để có thể gọi Thiên Chúa là Cha.

THÁNH THƯ             Rm 6,3-11

Đây là một trong những đoạn văn căn bản về Bí tích Thánh Tẩy, Thánh Phao-lô nói: trong phép rửa, chúng được liên kết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô. Thậy vậy, khi được dìm vào nước Thánh Tẩy, ta cùng chết, cùng được mai táng với Đức Ki-tô; và khi ra khỏi nước, ta cùng sống lại với Người và bước vào cuộc sống mới.

TIN MỪNG    Mt 28,1-10 [A]      Mc 16,1-8 [B]        Lc 24,1-12 [C]

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ mang dầu thơm ra mộ, nhưng không thấy thi hài Đức Giê-su. Các bà được sứ giả của Thiên Chúa cho biết là Đức Giê-su đã phục sinh, và được sai đi báo tin cho các môn đệ.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com