Mục Lục
__Phêrô Trịnh Quốc Huy__
Tôi luôn hài lòng với những gì đã đến trong đời mình vì tôi biết rằng trong mỗi cộng đoàn tôi sống, Thiên Chúa vẫn luôn ở ngay đó, là trung tâm và là cùng đích của đời tôi.
Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi,
Đâu phải ai xa lạ mà là người đang đứng bên tôi.
Thế giới này không ai là một hòn đảo,
Vườn hoa này không có loài hoa lạc loài.
Thuở khai nguyên, khi dựng nên con người theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18b). Do đó, tự bản chất, con người được dựng nên là để sống thành cộng đoàn. Con người chỉ thực sự là người khi sống với người khác. Khi sống tương quan với tha nhân, chúng ta cũng sống tương quan với Thiên Chúa, Đấng đã yêu chúng ta bằng mối ân tình muôn thuở. Thật, cuộc sống thật tươi đẹp biết bao khi chúng ta biết sống yêu thương nhau, học hỏi lẫn nhau và cùng thăng tiến trong cuộc sống. Chắc hẳn, mỗi chúng ta ít hay nhiều cũng đã học được nhiều điều quý giá từ những người xung quanh. Cách riêng đối với tôi, từ nhỏ đến giờ khi đã trải qua 23 mùa xuân, tôi đã học được nhiều điều nhiều từ người khác nơi những cộng đoàn tôi thuộc về. Và giờ đây, tôi muốn kể lại những kinh nghiệm cộng đoàn tôi đã trải qua.
Gia đình: Nơi được sinh ra
Bố mẹ tôi chính là những nhà giáo đầu tiên của tôi trong lớp học cộng đoàn. Giáo trình bố mẹ dùng để dạy tôi là những mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình và tương quan với hàng xóm láng giềng. Bố mẹ tôi còn dạy tôi cách cầu nguyện, mến Chúa và yêu người. Bố mẹ còn dạy chị em tôi nhiệt thành với việc nhà Chúa. Chị gái là thành viên ca đoàn, còn tôi thì trở thành một cậu giúp lễ. Nhưng có lẽ điều khiến chị em tôi và hàng xóm láng giềng ngưỡng mộ nhất đó là tình yêu vợ chồng của bố mẹ tôi, một tình yêu thiêng liêng được Thiên Chúa chúc lành. Lời cam kết sống chung thuỷ và giáo dục con cái theo luật Hội thánh của bố mẹ dường như là lời truyền rao Tin Mừng rất hữu hiệu. Ngay từ nhỏ, ngoài việc dưỡng dục tôi sống lễ phép, chăm chỉ, vâng lời theo bổn phận của một người con thảo trong gia đình, bố mẹ còn khơi gợi ơn gọi cho tôi, hầu giúp tôi cũng nhận ra và sống theo ơn gọi Thiên Chúa ban. Từ trong gia đình, tôi đã được dạy sống thân tình với Thiên Chúa, với mọi thành viên trong gia đình và với người ngoài. Chính cộng đoàn gia đình này mà tính cách của tôi dần được hình thành, đức tin của tôi được nuôi dưỡng. Tất cả trở thành hành trang mai sau tôi mang theo khi bước vào đời.
Giáo xứ: Nơi đức tin được nuôi dưỡng
Khi đến độ tuổi mầm non, tôi được bố mẹ gửi đến một cộng đoàn mới là giáo xứ nơi gia đình tôi sinh sống. Tại giáo xứ, tôi được học hỏi Kinh Thánh, giáo lý để hiểu rõ hơn về Thiên Chúa, Người hằng yêu mến tôi. Tôi còn được gặp gỡ Người thường xuyên qua việc tham dự Thánh Lễ, viếng Thánh Thể, lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hoà Giải và Thánh Thể. Nhờ đó, tôi cảm nhận được rằng linh hồn tôi đang lớn mạnh từng ngày, niềm tin của tôi mãnh liệt và nồng cháy hơn. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ngày đầu tiên tôi được rước Mình Máu Thánh Chúa. Đó là giây phút thiêng liêng và hạnh phúc nhất đời mình khi lần đầu được Chúa chạm lòng mình. Tôi tin chắc rằng chẳng có khoảnh khắc nào trên đời này quý hơn lúc ấy cả. Tôi như được nhận thêm nhiều sức mạnh nơi linh hồn, nhờ vậy tôi đã sẵn sàng đón nhận một sứ mạng cao cả, đó là đem Chúa đến mọi nơi, ở nhà, ở trường, nơi khu xóm hay ngoài đường phố để tất cả cũng đều cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Cuộc đời của mỗi chúng ta còn là một Thánh Lễ nối dài. Chính Thiên Chúa còn muốn tôi và bạn phải sống đạo giữa đời chứ không chỉ đơn thuần giới hạn nơi nhà thờ. Người đòi hỏi ta nên men trong bột, nên muối trong thức ăn, nên ánh sáng trong đêm tối, nghĩa là để Lời Chúa thấm nhuần hồn xác, từ đó chúng ta đem chính bản thân mình “ướp” vào đời. Tuy nhiên ở thời đại này để đem Chúa Kitô vào đời thật sự không dễ dàng chút nào.
Bên cạnh việc học hỏi đức tin, tôi còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí chứa đựng nhiều bài học bổ ích. Qua đó, tôi có thêm nhiều kĩ năng sinh hoạt, biết cách tổ chức, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và củng cố kiến thức giáo lý đã được học. Những hoạt động ngoại thường ấy giúp chúng tôi biết sống tương quan với nhau nhiều hơn, can đảm trình bày ý kiến cá nhân, cũng như tập làm việc nhóm cùng nhau. Tất cả bài học ấy đã giúp tôi chuẩn bị hành trang bước vào đời không chỉ với một đức tin bền vững mà còn biết sống tương quan mật thiết với người khác nữa.
Xã hội: Nơi làm chứng cho đức tin
Sống trong một xã hội phức tạp như hiện nay, thì việc làm chứng cho đức tin thực sự là một thách đố rất lớn. Trong gia đình, bố mẹ đã dạy tôi phải luôn làm dấu Thánh giá trước và sau khi làm một việc nào đó, ngay cả lúc dùng bữa. Việc làm dấu ấy chính là lời cầu nguyện ngắn gọn và súc tích nhất dâng lên Thiên Chúa để tạ ơn Người. Nhưng khi đến trường, có một thời gian dài tôi e ngại khi phải làm dấu, vì ai cũng xem tôi như là một người kì quặc. Họ không làm vậy tại sao tôi phải làm? Tôi còn nhớ câu chuyện về một bài kiểm tra cuối kì của mình. Dù lo sợ và có nhiều áp lực, nhưng khi ngồi trong phòng thi, làm dấu thánh và đọc một kinh Sáng Soi, tôi như được Thiên Chúa tiếp sức và kì lạ thay tôi đã vượt qua kỳ thi đó với kết quả khiến ông bà và cha mẹ tôi rất vui. Họ vui không phải vì điểm số của tôi cao nhưng họ vui và hài lòng khi tôi đã ý thức được việc sống đạo của mình ngay từ khi còn là một em học sinh nhỏ.
Nhưng, sau khi rời xa gia đình, giáo xứ hay lưu xá sinh viên, tôi như không còn nhiệt tâm với Chúa nữa. Tôi chọn cách xa lìa Người, không còn đặt Người là trung tâm đời mình mà thay vào đó là đồng tiền. Tôi chạy theo những công việc có thể giúp mình kiếm thật nhiều tiền. Tôi làm việc bất chấp ngày tháng. Nhưng dần tôi cảm thấy đây không phải là cùng đích đời mình. Mỗi ngày, tôi đều thức dậy với thân xác nặng nề vì buồn sầu mà chẳng hiểu lí do vì sao. Khi đến Chúa nhật, tôi phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc nên đến nhà thờ hay ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng không biết điều gì vẫn khiến tôi phải lết thân xác mệt nhọc này đến ‘xem lễ’. Ấy vậy mà khi đến nhà thờ tôi cảm thấy bình an hơn. Chính cảm giác bình an này làm tôi giật mình, ngẫm lại những việc tôi làm, và tôi nhận ra, khi tôi được bình an nơi nhà thờ là lúc Chúa đến bên và thủ thỉ: “Con là một Kitô hữu, con hãy sống tốt”. Từ lúc đó, tôi hăng say đi dự lễ hơn là chỉ đi xem lễ.
Tôi thấy rằng, việc được đào tạo trong hai cộng đoàn trên giữ một vai trò quan trọng với tôi. Nếu gia đình giáo dục đạo đức và nhắc nhở tôi giữ đạo, thì Giáo xứ giúp đào sâu đức tin còn non yếu của tôi. Hai cộng đoàn ấy giúp tôi biết sống tương quan với Chúa và với tha nhân.
Dòng tu: Nơi giúp nên hoàn thiện
Đối với Công giáo, người đi tu không phải là người đang ‘chán đời’, nhưng là người đã dám từ bỏ mọi sự thế gian để sống cuộc đời dâng hiến hầu đạt tới đức ái trọn hảo. Thật, chính sự khao khát đức ái trọn hảo đã làm nên đời sống tu trì bằng việc tự hiến dâng đời mình cho Chúa, trở nên cây bút chì bé nhỏ để chính Thiên Chúa là hoạ sĩ tô vẽ đời ta.
Trước đây tôi từng nghĩ rằng dòng tu là một nơi hoàn hảo vì nơi đó có những người hoàn hảo, thánh thiện. Nhưng qua một vài tháng được trải nghiệm sống tại Thỉnh viện, tôi thấy rằng mỗi chúng tôi vẫn còn nhiều thiếu sót. Trong phút chốc tôi nghĩ ngay đến một câu trong Tin Mừng Máccô:“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Thật, tuy chúng tôi là những mảnh ghép không hoàn hảo nhưng khi được Thiên Chúa ghép lại thì chúng tôi sẽ là một bức tranh hoàn mỹ. Nhận ra sự bất toàn của con người, chúng tôi sống thông cảm và hiểu cho nhau nhiều hơn, qua đó mỗi người chúng tôi sẽ có cách giúp đỡ nhau thăng tiến trong đời tu. Vì thế mà cộng đoàn dòng tu có sự khác biệt rất lớn so với những cộng đoàn tại gia đình, giáo xứ và xã hội. Nếu sống trong những môi trường trên, tôi thường có xu hướng sống theo cảm tính, chỉ quan tâm những gì tôi muốn, tôi thích. Nhưng, khi sống trong đời tu, đặc biệt là trong cộng đoàn Đa Minh, tôi cần phải chấp nhận những điều tôi vốn không thích, tôi không được sống theo ý riêng của mình, mà trái lại tôi phải hoà mình vào cộng đoàn vì lợi ích chung của mọi người chứ không của riêng tôi.
Chính cộng đoàn tu trì đã mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích. Điều mà tôi cảm thấy rõ nhất đó là sự trưởng thành của bản thân. Vốn là một người chỉ thích sự riêng tư cá nhân nhưng khi sống trong đời tu, tôi lại sợ cô đơn, và rất cần người để sẻ chia, để chính mình không rơi vào trạng thái tiêu cực. Vốn là người sống thiên về cảm xúc nhưng khi bước vào đời tu, tôi học được cách sống quân bình khi biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi người. Mỗi người đều có quyền nói lên tâm tư suy nghĩ của mình để cùng nhau tìm hướng giải quyết tốt nhất. Các cha anh còn chia sẻ với chúng tôi rằng: tất cả thành viên trong gia đình Đa Minh đều là một lời giảng thuyết, dù là trợ sĩ hay tư giáo. Điều đó thầm nhắc tôi phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa để làm chứng cho lời giảng của mình bằng việc chu toàn trách nhiệm và bổn phận của một người Thỉnh sinh, qua việc siêng năng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể qua mỗi Thánh Lễ, giờ nguyện kinh hay những phút giây lắng đọng cầu nguyện chung với cộng đoàn.
Bên cạnh việc lớn mạnh hơn về phần hồn, thì việc lớn mạnh về tinh thần, mở rộng kiến thức và khoẻ mạnh về thể xác cũng không kém phần quan trọng: những buổi cà phê sáng ngồi bàn luận tin tức sôi nổi và giải đáp cho nhau những bài học hóc búa, hay những buổi học ngoại thường mà thầy giáo là những người anh em của tôi đã giúp cho tôi mở rộng kiến thức, nắm bắt kịp những bài học trên lớp; những buổi lao động tuy có chút nắng nóng, nhưng hầu như tôi vẫn cảm thấy thoải mái vì chính mình cũng góp phần giữ gìn và làm cho ngôi nhà Thỉnh viện được trở nên đẹp hơn mỗi ngày; sau cùng là những giờ chơi thể thao vui nhộn làm cho đời sống cộng đoàn thêm phong phú và nhộn nhịp hơn.
Càng gắn bó với cộng đoàn này, tôi càng trân quý từng phút giây trôi qua hơn, vì tôi đã tìm được niềm hạnh phúc đích thực của đời mình tại nơi đây bằng việc sống hiệp thông với cộng đoàn. Tôi không làm những việc ấy cho riêng mình như khi còn sống ngoài xã hội, nhưng tôi cùng với anh em sống tình huynh đệ và đều nhắm đến lợi ích chung của cộng đoàn.
Tạm kết
Dù trong cộng đoàn nào, thì Thiên Chúa vẫn phải ở trung tâm. Vì Thiên Chúa ở trung tâm gia đình, nên bố mẹ tôi là những người thầy truyền giáo đầu tiên và tuyệt vời nhất trước hết là cho chính chị em tôi, sau là hàng xóm láng giềng. Vì Thiên Chúa ở trung tâm giáo xứ, nên tôi đã được thấm nhuần giáo lý đức tin, được đón nhận các bí tích, và được mài giũa kỹ năng sống. Vì Thiên Chúa ở trung tâm xã hội, nên tôi không cảm thấy cô đơn khi làm chứng cho đức tin của mình. Vì Thiên Chúa ở trung tâm cộng đoàn tu trì, nên tôi dám đón nhận người anh em của mình trong tình huynh đệ yêu thương và hiệp nhất. Tôi luôn hài lòng với những gì đã đến trong đời mình vì tôi biết rằng trong mỗi cộng đoàn tôi sống, Thiên Chúa vẫn luôn ở ngay đó, là trung tâm và là cùng đích của đời tôi.