__Giuse Đinh Quang Nghĩa__
Để có thể khám phá ý nghĩa đích thực của mùa Chay, không gì tốt hơn là chúng ta nên hòa mình vào những biến cố, những sự kiện đã xảy ra trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô bằng cách đặt mình trong vị trí của những nhân vật trong những biến cố năm xưa.
Nếu có ai hỏi rằng, trong năm bạn thích mùa nào nhất, thì bạn sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ nhiều người sẽ trả lời là mùa Xuân. Bởi lẽ, mùa xuân là thời gian quý giá để chúng ta có thời gian nghỉ ngơi và hơn hết là được trở về sum họp bên gia đình, hưởng những phút giây ấm áp bên những người thân yêu. Nhưng đó là xét theo quan niệm của người đời. Còn đối với chúng ta là những Kitô hữu, nếu ai đó hỏi như thế thì câu trả lời của chúng ta phải là mùa Chay. Vì đây là mùa để chúng ta quay về với Thiên Chúa, quay về với căn tính của mình là một Kitô hữu để được hưởng ơn cứu độ. Chính việc quay về ấy là thời điểm tuyệt vời để chúng ta đánh dấu một cột mốc mới trong cuộc đời. Nhưng, quay về bằng cách nào?
“Sống để làm gì và chết đi về đâu?” Chắc hẳn ai cũng đã từng băn khoăn suy nghĩ và tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Như chúng ta đã biết, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, sống và chết dường như chỉ cách nhau “một tích tắc”. Không ai biết trước được khi nào sự sống của mình sẽ chấm dứt. Đó chính là lý do tại sao mỗi chúng ta cần phải tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình trước khi nó chấm dứt trong vô nghĩa. Trong một xã hội đề cao giá trị vật chất như hiện nay, nhiều người dễ cho rằng sống là để hưởng thụ những thú vui trần tục hoặc sống là để tận hưởng phú quý, giàu sang,… Đối với họ, như thế là quá đủ cho hạnh phúc của một đời người. Họ suy nghĩ như vậy liệu có phải là vì họ không biết Chúa nên họ không có niềm hy vọng về hạnh phúc viên mãn mai sau? Còn chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta có chung một niềm hy vọng về đời sống viên mãn và hạnh phúc mãi mãi trên thiên đàng sau khi cuộc đời ngắn ngủi ở trần thế này kết thúc. Nhưng trước khi nghĩ đến chuyện này, chúng ta đừng quên còn một nơi khác mà chúng ta có nguy cơ rơi vào, và nơi ấy cũng không có kết thúc. Đó chính là hỏa ngục, một nơi đáng sợ với những hình phạt khủng khiếp. Nó sẽ là quê hương của bất cứ ai dù là Kitô hữu hay không là Kitô hữu nếu họ không sống ăn năn hối cải và tin vào Tin Mừng của Đức Kitô. Vì thế, truyền thống Giáo Hội đã dành ra mùa Chay để giúp hối nhân có thời gian hối cải, gồm việc chuẩn bị tâm hồn – sống tâm tình ăn năn, sám hối – và chuẩn bị đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh.
Để sống tâm tình mùa Chay cho đúng ý nghĩa thì việc chuẩn bị tâm hồn, tức ăn năn sám hối là điều không thể thiếu. Đó là nền tảng cho việc chuẩn bị một đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh. Truyền thống Giáo hội dành ra thời gian 40 ngày chay thánh cho hành trình quay về của hối nhân. Đây là thời gian để chúng ta từ bỏ con người cũ cùng đời sống tội lỗi của mình. Việc chuẩn bị tâm hồn không giống như việc chúng ta chuẩn bị lên sân khấu biểu diễn, hay chuẩn bị diễn thuyết mà là việc chúng ta dành ra thời gian để hồi tâm nhớ về những gì đã trải qua trong đời sống để nhận ra những lỗi lầm chúng ta đã phạm đến Chúa, đến anh em và chính bản thân. Chuẩn bị tâm hồn giúp chúng ta có thời gian thinh lặng để lắng đọng tâm hồn và có thể lắng nghe sự thúc giục của lương tâm. Việc chuẩn bị tâm hồn không thể là việc làm của cá nhân mỗi người bởi tự sức chúng ta không thể làm được việc này. Chúng ta không đủ sức chống lại những cám dỗ của ma quỷ và những thú vui xác thịt. Mà sâu xa, chính Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong tâm hồn để trợ giúp chúng ta. Chính Người là sức mạnh, là động lực cho việc chuẩn bị tâm hồn của mỗi người chúng ta. Bởi đó là điều Thiên Chúa muốn: “Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23). Như thế, yếu tố chính để chúng ta có thể chuẩn bị tâm hồn là ở sự cộng tác của chúng ta. Thánh Augustino đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần đến sự cộng tác của con”. Thiên Chúa không cần chúng ta phải làm những việc to lớn quá sức để cộng tác với Người. Thiên Chúa chỉ yêu cầu chúng ta một việc hết sức đơn giản đó là ý muốn ăn năn để được sống. Đây chính là nền tảng cho giai đoạn thực hành sống tâm tình ăn năn, sám hối.
Đây là giai đoạn quyết định cho sự thành bại của chúng ta, vì trong cuộc chiến đức tin, ma quỷ sẽ không bao giờ dễ dàng buông tha cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cần phải có những bước tiến thật sự chậm rãi trên hành trình này. Sống tâm tình ăn năn, sám hối không bao giờ là việc dễ thực hiện bởi nó đòi hỏi nơi chúng ta sự từ bỏ. Không chỉ từ bỏ những thứ bên ngoài thuộc về vật chất mà hơn hết còn phải từ bỏ chính những thứ bên trong con người chúng ta. Đó là những đam mê tội lỗi, những thói quen xấu đã ăn sâu vào tận tâm hồn chúng ta. Để có thể bước đi trên hành trình này, chúng ta cần chuẩn bị cho mình một tinh thần kiên cường, sự chê ghét tội lỗi, và đặc biệt là sự phó thác vào ơn trợ giúp của Chúa, đặt trọn niềm tin vào lời hứa của Người: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Để có thể khám phá ý nghĩa đích thực của mùa Chay, không gì tốt hơn là chúng ta nên hòa mình vào những biến cố, những sự kiện đã xảy ra trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô bằng cách đặt mình trong vị trí của những nhân vật trong những biến cố năm xưa. Rất có thể chúng ta là một Giuđa đã bán Chúa hay một Phêrô đã chối Thầy. Nhưng, nhờ ơn Chúa chúng ta sẽ khám phá ra phương cách để ăn năn như thánh Phêrô đã làm, hoặc như người trộm lành đã được ơn tha thứ ngay trước khi chết. Còn nếu chúng ta đã quen sống trong tội lỗi và cảm thấy hành trình sám hối quá khó khăn thì hãy thử học theo cách người con hoang đàng đã làm trong Tin Mừng Luca 15,11-32. Sau khi anh ta đòi cha chia gia tài, anh đã ăn chơi phung phí, đến khi hết tiền thì cũng là lúc cuộc đời anh rơi vào tình trạng đói khổ khủng khiếp và anh đã mạnh dạn quyết tâm quay về. Trên đường về anh ta không thể hình dung được rằng khi quay về anh lại được người cha đối xử như thế. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa và là giá trị khi chúng ta được làm con cái của Người.
Chỉ nhìn nhận lỗi lầm thôi chưa đủ, chúng ta còn cần phải tiến thêm một bước nữa đó là đi thú nhận tội lỗi. Đến đây, chúng ta có thể nhận ra điểm chung nơi những nhân vật trên là họ đều đi thú nhận tội lỗi của mình để được tha thứ. Việc đi giao hòa với Chúa qua bí tích Hòa giải là điểm mấu chốt giúp chúng ta bước qua giai đoạn khó khăn này. Khi qua giai đoạn khó khăn này thì hành trình quay về của chúng ta sẽ trở nên dễ hơn khá nhiều. Và đã đến lúc chúng ta sẵn sàng cho một đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh.
Đời sống mới không phải là việc chúng ta được sinh ra một lần nữa ở trần gian này, cũng không phải là chuyện chết đi sống lại. Nó cũng không hứa hẹn cho chúng ta một đời sống hạnh phúc mà không có đau khổ, đúng hơn là nó giúp chúng ta sống đau khổ trong hạnh phúc với sự trợ giúp của Thần Khí Thiên Chúa. Thần Khí sẽ biến đổi và làm mới cuộc đời chúng ta. Nhờ sự trợ giúp của Thần Khí Thiên Chúa, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để chống lại những cơn cám dỗ của quá khứ và sẵn sàng chấp nhận đau khổ để thực hành việc đền bù tội lỗi. Nhưng chúng ta luôn phải nhớ rằng: đây là hành trình cứu độ linh hồn của chính chúng ta chứ không phải ai khác. Thế nên, chúng ta cần phải mang trong mình một tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì để luôn cộng tác với ơn Chúa. Cho đến khi đi hết chặng đường, chúng ta có thể cất cao lời hoan hỷ như thánh Phaolô đã từng tuyên xưng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2 Tm 4,7-8). Thánh Phaolô đã hoàn thành cuộc thi đấu của mình bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ và niềm hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa, và đây cũng là việc chúng ta cần thực hiện. Mỗi người cần học cho mình một cách cầu nguyện riêng. Nhưng đời sống cầu nguyện cần phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Để việc cầu nguyện được lâu bền và có hiệu quả, chúng ta nên thực hành chậm rãi, bắt đầu từ những lời kinh đơn giản, đọc từ ít đến nhiều, kẻo nếu vội vàng, chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc vì chán nản.
Đức Kitô và Giáo hội của Người luôn rộng tay đón chờ mọi hối nhân quay về. Đó là một sự mong chờ đặc biệt không ép buộc cũng không gượng ép, nhưng là chờ đợi trong tâm tình mong mỏi của người cha luôn đứng đợi con cái về và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của nó. Vì thế, chúng ta có thể quay về bất cứ lúc nào chúng ta muốn, nhưng đừng quá trễ, kẻo khi thời gian không còn thì mọi thứ cũng sẽ chấm dứt, không gì có thể cứu được linh hồn của ta nữa. Sự sống hay cái chết mai hậu, tất cả tùy thuộc vào sự tự do chọn lựa của mỗi người. Bởi nếu chúng ta không muốn ăn năn thì Thiên Chúa cũng không thể làm gì hơn.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
(Tv 51,12)