Mục Lục
“Lòng khát khao được sống và ở lại với Đấng mà ta suốt đời yêu mến, đó là niềm vui ngọt ngào nhất khiến những người sống đời dâng hiến đánh đổi tất cả mà chẳng thấy thiệt thòi gì.”
Gioakim Phạm Đức Quỳnh
Trên hành trình tận hiến, gương sáng của những người đi trước có ảnh hưởng lớn đến thế hệ sau. Với chúng tôi, những người đang nung nấu niềm khát khao trở thành những nhà giảng thuyết, đức hạnh của các Thánh trong Dòng là mẫu gương mà chúng tôi phải học hỏi. Chân phước Giôđanô, vị Tổng quyền đầu tiên kế vị Thánh phụ Đa Minh, đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi, không chỉ với sự khôn ngoan mà còn là lòng nhiệt huyết và hăng say với việc loan báo Tin Mừng. Dựa trên những sử liệu về ngài, xin được đóng góp một vài suy tư ngắn gọn dưới đây.
Tổng quyền đầu tiên kế vị thánh Đa Minh
Chân phước Giôđanô Xaxônia chào đời vào khoảng thế kỷ XII tại Bôtêga, nước Ðức. Ngay từ tấm bé, cậu Giôđanô đã có nếp sống đạo hạnh, nhất là có lòng thương mến những người đau khổ, nghèo túng. Ngày 12-2-1220, Giôđanô được chân phước Rêginanđô trao tu phục tại Paris. Chỉ 2 tháng sau khi gia nhập Dòng, Giođanô được cử đi Bologna tham dự Tổng hội đầu tiên của Dòng. Trong Tổng hội kế tiếp vào năm 1221, cha Giođanô được cắt cử làm giám tỉnh Tỉnh dòng Lombardia. Khi thánh phụ Ða Minh qua đời, anh em đã chọn cha Giôđanô làm vị Tổng Quyền thứ nhất kế vị cha thánh.
Suốt 15 năm trong cương vị người đứng đầu Dòng, ngài trở nên thật gần gũi với anh chị em trong Dòng qua lời nói, gương sáng, thư từ, việc soạn thảo hiến pháp, đặc biệt là các cuộc viếng thăm anh em, chị em. Ðặc biệt, sự dịu dàng, đời sống chính trực và tài lợi khẩu của cha đã giúp ích cho Dòng rất nhiều. Cha cho thiết lập nhiều tu viện mới và thu hút nhiều người thuộc giới trí thức gia nhập Dòng. Với việc làm cho rất nhiều người xin gia nhập Dòng, cha Giôđanô đã được anh em trong Dòng qua các thế hệ tôn kính là vị bảo trợ cho các ơn gọi Đa Minh.
Dù bận bịu công việc, cha không bao giờ lãng quên việc giảng thuyết. Ngoài ra, Cha Giôđanô có lòng yêu mến Ðức Mẹ cách riêng, hết lòng mến yêu cậy trông như con thảo mến yêu mẹ hiền. Ðể tôn kính Ðức Mẹ, cha đã truyền cho anh em phải hát kinh “Salve Regina” sau giờ kinh tối và thói quen ấy vẫn còn được duy trì cho tới ngày hôm nay.
Trở về từ chuyến đi Giêrusalem trong chuyến thăm viếng anh em Tỉnh dòng Ðất Thánh, khi qua vùng biển Acôn, tàu của ngài gặp một cơn bão lớn, bị vỡ và bị đắm, cha Giôđanô và hai tu sĩ cùng đi đã thiệt mạng, hôm đó là ngày 13-2-1237. Từ khi cha qua đời, anh em và các tín hữu đã tỏ lòng tôn kính bằng nhiều cách. Ngày 10-5-1826, cha được Đức Giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong lên bậc chân phước.
Niềm vui đời dâng hiến
Những kinh nghiệm đời tu mà chân phước Giôđanô để lại quả thực là những điều vô giá. Nó như chìa khóa để mỗi người có thể mở và khám phá ra niềm vui đích thực của lí tưởng đời dâng hiến mà bản thân đang theo đuổi.
Mỗi phút giây, ngày tháng trôi qua là chuỗi thời gian hồng phúc nhất, bởi nhờ đó tôi có thêm cơ hội để sống yêu thương, có thêm cơ hội để làm chứng cho Nước Trời. Dựa trên những ý tưởng đã trình bày về chân phước Giôđanô, xin được gợi nên những suy tư cắt ngang về tình bạn, đặc biệt với người bạn Giêsu dưới cái nhìn của một người mới chập chững bước vào đời sống dâng hiến.
Có lẽ, sống trên đời, ai cũng khao khát cho mình được sống một cuộc sống đong đầy niềm vui. Khi không còn niềm vui, thì cuộc sống này sẽ trở nên vô vị, tầm thường. Niềm vui tựa như món quà tuyệt vời mà Tạo Hóa đã ban tặng cho nhân loại. Có niềm vui, con người ta thêm yêu đời, yêu người và trên hết, khi có niềm vui, con người ta thấy được ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân. Cuộc sống này sẽ ra sao khi con người ta vắng bóng niềm vui, cuộc sống này sẽ thế nào khi con người ta không còn cảm giác hạnh phúc? Tuy nhiên, con người ta không chỉ dừng lại ở việc tìm đến những nơi, những người mang lại cho họ niềm vui qua những tiếng cười bên ngoài nhưng còn là sự bình an thẳm sâu nơi cõi lòng.
Với những người đang theo Đức Giêsu trên con đường tận hiến, việc từ bỏ tất cả để sống trong tu viện, chủng viện kín cổng cao tường có phải là một niềm vui không? Những thanh niên trai tráng khoác lên mình bộ tu phục thay vì những bộ đồ hàng hiệu, đó có phải là niềm vui? Những thiếu nữ phải che đi mái tóc óng mượt, là nét duyên dáng của người con gái, bằng lúp vải đậm màu, đó phải chăng là hạnh phúc? Từ bỏ những phút giây tự do bên ngoài để đi vào khuôn khổ nơi nhà tu, liệu có phải là sung sướng? Có lẽ nhiều người có thể nhìn vào đời tu như nhìn một cái gì đó thánh thiêng. Nhưng chắc là đã không ít lần chính những người ấy tự hỏi: một đời sống bỏ mình, giản dị và âm thầm như thế liệu có niềm vui nào không? Thiết nghĩ, niềm vui của đời dâng hiến đó là có những người bạn cùng lí tưởng.
Cha Giôđanô và tình bạn trong đời dâng hiến
Nói đến tình bạn, chắc hẳn cha Giôđanô có nhiều kinh nghiệm. Đó là tình bạn giữa cha Giôđanô và anh Henry. Câu chuyện đẹp về tình bạn này được bắt đầu với bài giảng của Cha Rêginanđô đã khiến Giôđanô nhận ra Dòng Đa Minh là “con đường chắc chắn dẫn đến ơn cứu độ”. Tuy nhiên, người bạn Henry của anh không muốn điều đó. Dù vậy, Giôđanô vẫn quyết tâm cùng với người bạn thân nhất của mình đi vào con đường thánh thiện, nhưng Henry đã phản đối. Rồi một đêm nọ, cả hai tìm được một nhà thờ được dâng hiến cho Đức Trinh Nữ Maria và đang khi hai người cầu nguyện ở đó, anh và Henry nhận được một thị kiến và ân sủng để gia nhập Dòng. Cuối cùng, vào Thứ Tư Lễ Tro, họ đã cùng nhau đến nhà Dòng Đa Minh ở Paris và gia nhập vào Dòng. Họ có lẽ là đôi bạn đầu tiên gia nhập Dòng cùng nhau. Tình bạn giữa ta và những người cùng lý tưởng, với những anh/chị em trong cộng đoàn mình, ngay cả với vị đồng hành thiêng liêng, là những mối tương quan tốt, giúp ta có thêm động lực, thêm người đồng hành để tiến bước. Tuy nhiên, khi sống đời dâng hiến, mỗi người phải làm sao vun đắp cho tình bạn với “người bạn” Giêsu được triển nở.
Sống đời dâng hiến chính là lúc ta nhận về cho mình những khoảnh khắc thinh lặng nơi những giờ cầu nguyện trong ngày. Những lúc ấy, một mình ta với Chúa, chẳng kể lúc buồn hay vui, có khi chẳng có gì để trò chuyện, chẳng có tâm trạng để thân thưa, nhưng quan trọng nhất là luôn hiện diện bên “người bạn” ấy. Ngọn đèn chầu leo lét cháy sáng, ta thấy phận người nhỏ bé và chập chờn như chú đom đóm ngoài kia, nhưng lại được diễm phúc trở nên bạn hữu của Chúa. Chính lúc ấy, ta thấy được bình an, sự bình an không theo kiểu thế gian ban tặng, sự bình an mà những ngôn từ hoa mĩ nhất không thể nào diễn tả được.
Khi Cha Giôđanô và Henry đến một tu viện của Dòng nhằm Thứ tư lễ Tro, cả hai lắng nghe các tu sĩ Đa Minh hát bài Thánh ca đến câu Immutemus habitu – chúng ta hãy thay áo. Tất nhiên, họ đã thấu hiểu được ý nghĩa thực sự của lời ca ấy có nghĩa là: thay đổi lối sống của mình. Cha Giôđanô kể lại sự kiện diễn ra lúc ấy rằng: “Chúng tôi đã len lỏi vào giữa anh em, tuy bất ngờ, nhưng lại rất đúng lúc, lập tức chúng tôi cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới ngay tại chỗ ; như vậy điều anh em hát bằng lời ca đã được thực hiện bằng việc làm nơi chúng tôi.” Nếu không có người bạn Giêsu thì làm sao những khao khát dấn thân ấy có thể bừng cháy nơi cha Giôđanô và người bạn của mình? Lòng khát khao được sống và ở lại với Đấng mà ta suốt đời yêu mến, đó là niềm vui ngọt ngào nhất khiến những người sống đời dâng hiến đánh đổi tất cả mà chẳng thấy thiệt thòi gì.
Cha Giôđanô và nhiệt huyết giảng thuyết
Tựa cánh chim bằng bay lượn trên bầu trời tự do, người sống đời dâng hiến có lẽ cũng học cách trở nên thanh thoát và nhẹ nhàng. Người dâng hiến sẵn sàng ra đi, không phải đi nghỉ dưỡng hay đi du lịch mà là đi đến bất cứ nơi nào mà Tin Mừng cần được rao giảng. Với Cha Giôđanô, ngài luôn thao thức lên đường, lên đường để viếng thăm anh em, chị em trong Dòng, và lên đường để rao giảng và tiếp nhận những ơn gọi mới; và hành trang Ngài mang theo đó là những chiếc áo Dòng. Một tập truyện kể lại rằng cha Giođannô đã so sánh các tu viện Đa Minh như những tổ ong. Đó là cách mô tả việc ơn gọi Dòng Giảng Thuyết bùng nổ trong khoảng thời gian đầu. Cha Giôđanô, với tư cách là Tổng quyền Dòng, đã đặt niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trước khi viếng thăm Paris, ngài đã cho chuẩn bị nhiều bộ áo dòng, vì ngài tin rằng, nhờ Chúa, ngài sẽ tiếp nhận được thêm nhiều anh em mới. Năm đó, trong ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, 21 sinh viên tại Paris đã nhận áo dòng. Và mặc dù Giôđanô đã chuẩn bị trước, nhưng số áo cha mang theo không đủ. Cuối cùng, mỗi anh em đã lấy một phần từ chiếc áo của mình: áo dài, áo các phép,… để người anh em cuối cùng cũng có được một chiếc áo dòng. Phải chăng đó là một cảm giác được lên đường, lên đường cùng “người bạn” Giêsu, đến những nơi mà có lẽ không ai muốn đến để nhóm lên ngọn lửa yêu thương, để mọi người được sống an vui trong an bình và thịnh vượng? Khi mọi thứ đã ổn định, những người ấy âm thầm cất bước ra đi khi mặt trời còn đang say giấc, để tiếp tục tung bay đến miền đất mới, với cùng một nhiệt huyết và hăng say, mà chẳng cần chi một lời cảm ơn, cứ đi và đi mãi, như người bạn Giêsu đã đi cho đến khi đôi bàn chân bị ghim chặt vào cây thánh giá mới thôi. Mệt mỏi đấy, vất vả đấy… nhưng với những người theo đời dâng hiến, đó lại là niềm vui!
Nhìn vào gương sáng của chân phước Giôđanô, chúng ta cũng được nhắc nhở về tâm tình của chúng ta đối với Chúa. Đó là tâm tình của người con luôn biết gắn kết cuộc đời dâng hiến của mình với tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, luôn cậy trông vào Chúa mỗi khi gặp đau khổ, gian truân, thử thách, lầm lạc. Và cùng với đó là tâm tình luôn hướng nhìn lên Đức Maria. Hãy cất cao lời kinh “Salve Regina” mỗi ngày để cùng với Mẹ tạ ơn Chúa và cùng với Mẹ sẵn sàng thưa xin vâng theo Thánh Ý Chúa, dâng hiến cho Chúa trọn cả xác hồn, ý chí, tự do.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước Giô-đa-nô nhiệt tâm cứu rỗi các linh hồn và biệt tài làm cho Dòng chúng con phát triển. Nhờ công đức của người, xin cho chúng con trung thành loan truyền ơn cứu độ, và không ngừng mở rộng Vương quốc của Đức Ki-tô. Amen.(Lời Tổng nguyện Lễ Chân phước Giôđanô).
Xem thêm: Bài đọc 2 Kinh sách, Phần riêng Dòng Đa Minh, kính nhớ Chân phước Giođanô