(Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11)
Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật màu hồng. Nó được gọi như thế bởi vì hôm nay màu hồng được phép sử dụng trong phụng vụ thay cho màu tím. Nếu màu tím tượng trưng cho sự sám hối, chung thuỷ, thì màu hồng lại diễn tả niềm vui. Một nửa thời gian của Mùa Vọng đã trôi qua, hôm nay các bài đọc Lời Chúa đưa chúng ta tiến gần đến mầu nhiệm Giáng Sinh, và như thế, niềm vui của Đại Lễ cũng đang đến gần hơn. Đối với các Kitô hữu, niềm vui của Lễ Giáng Sinh không chỉ dừng lại ở những lễ hội trang hoàng rực rỡ, những cánh thiệp chúc mừng, những món quà Noel trao tặng cho nhau. Sâu xa hơn, niềm vui Giáng sinh là niềm vui của ơn cứu độ, của sự giải thoát và sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tâm hồn mỗi người.
Trước hết, những hình ảnh trong Bài đọc thứ nhất cho ta cảm nhận niềm vui và hy vọng đang đến. Vị ngôn sứ loan báo cho dân Israel đang trong cảnh lưu đày ở Babylon, một viễn cảnh huy hoàng sắp đến: Đức Chúa không những sẽ dẫn đưa dân trở về cố hương, mà Người còn giúp họ xây dựng lại đất nước và tái thiết Đền thờ. Vị ngôn sứ mời gọi toàn dân hãy hân hoan, hãy can đảm và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa:
– Với đất trời: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng dất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ…”;
– Với những cá nhân: “bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, …kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”;
– Và với toàn dân Israel: “những người được Đức Chúa giải thoát trở về, tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu…”
Lời loan báo của vị ngôn sứ không lâu sau đã thành hiện thực. Vua Ba tư là Kyrô, sau khi chinh phục Babylon, đã cho dân Israel hồi hương; chính ông vua này còn trợ giúp cho Isrel xây dựng lại Đền thờ. Không chỉ dừng lại ở cuộc giải phóng dân tộc khỏi cảnh lưu đày, những lời tiên báo của Isaia còn dẫn dắt dân tộc của ông đến một niềm vui sâu xa hơn, một niềm hy vọng vĩ đại hơn: Đấng Cứu Thế, một vì Thiên Chúa làm người sẽ thực hiện công cuộc giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết để đưa con người đến “niềm vui vĩnh cửu.”
Bài Tin Mừng của thánh Mátthêu khởi đầu với lời tường thuật: “Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù…” Có thể ngay lập tức ta cảm thấy một không khí ảm đạm khi nghe những lời này. 700 năm sau Isaia, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện và long trọng kêu gọi toàn dân sám hối để đón gặp Đấng Cứu Thế: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Vì lên tiếng bảo vệ cho công lý, đả phá lối sống vô luân của vua Hêrôđê, ông Gioan đã phải ngồi tù. Trong hoàn cảnh thử thách này, có lẽ tâm trí ông có phần giao động khi Đấng ông loan báo và làm chứng đã không hành động để lời của ngôn sứ Isaia về “ngày báo phục, ngày Thiên Chúa sẽ thưởng công phạt tội” được nên ứng nghiệm. Ra như Đức Giêsu đã không mấy quan tâm đến sứ mạng tiền hô của ông, ra như Đức Giêsu đã không ra mặt lên tiếng bênh vực cho ông!
Ông Gioan sai các môn đệ của mình đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Các môn đệ của Gioan đến gặp Đức Giêsu vào chính lúc Người đang giảng dạy dân chúng, chữa lành bệnh tật và trừ khử ma quỷ, v.v.. Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông Gioan, Người chỉ đơn giản bảo các môn đệ hãy trở về thuật lại cho ông Gioan những điều tai nghe mắt thấy và nhắc lại cho ông những lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay: “…Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng…”
Như thế, chính lời giảng và hành động của Đức Giêsu đã làm chứng cho sứ mạng cứu độ của Người. Lời các ngôn sứ loan báo đã nên ứng nghiệm. Con Thiên Chúa đến trần gian không phải để kết án và luận phạt, nhưng là để thi ân giáng phúc, để mang tin mừng đến cho kẻ nghèo, để tha thứ cho tội nhân, v.v.. Ngôi Lời Thiên Chúa ở với loài người, để dạy cho con người tinh thần của các mối phúc: sống khiêm nhường và hiền lành, biết an ủi những người sầu khổ, biết xót thương người đồng loại và xây dựng bình an, luôn khao khát sống chính trực và trung thành tìm kiếm Nước Thiên Chúa cho dù có gặp phải chống đối, bách hại, v.v..
Khi các môn đệ của ông Gioan đi rồi, Đức Giêsu đã khen ngợi vị Tiền hô: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông.” Với những lời này, Đức Giêsu nhìn nhận sứ mạng của ông Gioan, đồng thời Người cũng cho biết thời Cựu Ước đã chấm dứt cùng với ông Gioan. Thời đại của Nước Thiên Chúa, thời đại bình an và hoan lạc Isaia loan báo, giờ đây đang khai mở và thành toàn nơi chính bản thân Người.
Chắc hẳn ông Gioan sẽ rất vui mừng khi được nghe những lời thuật lại của các môn đệ về Đức Giêsu. Đấng ông đã gặp gỡ và nhảy lên vì vui sướng khi còn trong lòng bà Êlisabét, Đấng ông có sứ mạng đi trước mở đường, đích thật là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi. Câu trả lời gián tiếp của Đức Giêsu chắc hẳn đã giúp ông Gioan hiểu được rằng, với vai trò làm tiền hô, ông không chỉ công bố bằng lời mà con đang làm chứng cho Đức Kitô bằng chính đời sống của mình. “Phúc cho ai bị bách hại vì Thầy và vì Tin Mừng…” Như thế, ngay trong chính hoàn cảnh tù đày, ông Gioan đã được diễm phúc đụng chạm đến niềm vui của việc thực hành các mối phúc, niềm vui của Tin Mừng, của Nước Trời đang đến.
Bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một điểm chung: Trong những hoàn cảnh bi đát nhất nếu ta biết kiên trì cậy trông nơi Chúa, thì ta sẽ gặp được ơn cứu độ đời mình. Niềm vui của sự giải thoát được loan báo cho Israel ngay trong chính hoàn cảnh lưu đày của họ, cũng như niềm vui của ơn cứu độ đến với ông Gioan khi ông đang ngồi tù. Ý nghĩa này giúp củng cố niềm xác tín: ta có thể thực sự đụng chạm đến niềm vui của ơn cứu độ, của mầu nhiệm Giáng Sinh ngay trong chính những sự nỗ lực không ngừng để hoàn thành ơn gọi đời mình.
Thời gian của lễ hội Giáng Sinh sẽ qua đi, và ta phải đối diện với những bổn phận thường nhật trong gia đình, nơi làm việc, giữa xã hội. v.v.. Niềm vui của lễ Giáng sinh sẽ được nối dài vào cuộc đời người tín hữu, khi họ kiên trì sống căn tính Kitô hữu của mình và trung tín với giáo huấn của Tin Mừng, trong khi vẫn mong chờ Người đến lần thứ hai. Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai khuyên nhủ cho các tín hữu đang khi đối diện với những thử thách ở đời này, thì đừng phàn nàn kêu trách nhau, nhưng hãy kiên tâm bền chí. Con đường của thế gian là con đường dẫn người tín hữu về quê trời vĩnh cửu. Con đường tiến đến “niềm vui vĩnh cửu” này lại khởi đi từ trần gian. Trong chính nhịp sống thường ngày, người tín hữu đụng chạm đến mầu nhiệm Đức Kitô trong cử hành phụng vụ, trong cầu nguyện với Thiên Chúa, trong thực hành bác ái với anh chị em, trong nỗ lực xây dựng một xã hội hoà bình, văn minh, thịnh vượng, v.v., như tinh thần của các mối phúc.
Lạy Ngôi Lời Nhập Thể, Chúa đã đến trần gian và mời gọi chúng con bước đi theo Ngài. Giữa những thử thách của trần gian này, xin Ngài đồng hành và ra tay nâng đỡ, để chúng con có thể hân hoan và trung tín đến cùng trên hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu của mình. Amen.