[Ngày 18 tháng 7] Thánh Batôlômêô Các Vị Tử Đạo (1514 – 1590)

18-11-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3092 lượt xem

Vị Giám mục thánh thiện của Công đồng Trentô

Ngày 10/11/2019 vừa qua, Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ tế thánh lễ phong thánh cho chân phước Batôlômêô Fernandes (còn gọi là Batôlômêô Các Vị Tử ĐạoBartholomew of the Martyrs), một giám mục Dòng Đa Minh, tại Braga, Bồ Đào Nha. Trước đó, ngài được Đức Grêgôriô XVI nâng lên bậc Tôi Tớ Chúa ngày 23/3/1845 và được Đức Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước ngày 04/11/2001. 

Nhân dịp này, trang op.org đăng tải lời của cha Gerard F. Timoner, OP., Bề trên Tổng quyền về sự kiện đặc biệt này : Canonization of Bro Bartholomew De Los Martires:

“Ngày 10 tháng 11 năm 2019, lễ tuyên thánh (theo thể thức tương đương)[1] cho Đức cha Batôlômêô Các Vị tử đạo, một người anh em trong Dòng Giảng thuyết, sẽ diễn ra tại Braga (Bồ Đào Nha).

Dòng chúng ta thật diễm phúc khi có thêm một vị thánh mới được chính thức nhìn nhận, đó là thánh BATÔLÔMÊÔ CÁC VỊ TỬ ĐẠO (1514-1590), tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Bồ Đào Nha, Tổng Giám mục Braga, cũng được gọi là “vị giám mục thánh thiện của Công đồng Trentô”

Để anh em Thỉnh sinh biết thêm về vị thánh mới của Dòng, Ban Văn hóa xin giới thiệu Tiểu sử tóm tắt của ngài do cha Gianni Festa, OP., Tổng Cáo thỉnh viên các án vụ phong thánh của Dòng Đa Minh, biên soạn.

Đức cha Batôlômêô Fernandes chào đời ngày 3-5-1514 tại Lisbon. Ngài lấy tên hiệu là “các vị tử đạo” để ghi nhớ nhà thờ Santa Maria dei Martiri (Đức Maria của các vị tử đạo), nơi ngài được rửa tội và là nơi ông của ngài đưa ngài đến cầu nguyện mỗi ngày.

Sau khi được trao tu phục ngày 11-11-1528, ngài bắt đầu giai đoạn tập viện tại tu viện Lisbon và hoàn thành việc theo học triết học và thần học năm 1538. Ngài thi hành tác vụ đọc sách tại tu viện Lisbon và sau đó là các tu viện Batalha và Évora (1538 -1557).

Cuối cùng, ngài được bầu làm bề trên tu viện “de Benfica” tại Lisbon (1557-1558). Ngài được Tổng hội Salamanca 1551, một tổng hội rất quan trọng, bổ nhiệm làm Tôn sư Thần học. Bởi trong số tám Tôn sư Thần học bấy giờ, có cha Bartolomé Carranza de Miranda[2], người được chính cha Batôlômêô đứng ra biện hộ tại Công đồng Trentô trước lời kết tội của Toà dị giáo Tây Ban Nha.

Năm 1559, cha Batôlômêô được chọn làm Tổng giám mục Braga nhờ sự tiến cử của Catherine thành Habsburg và theo lời khuyên của người tôi tớ của Chúa, Luis de Granada, cũng là người anh em, người bạn và người chép tiểu sử sau này .

Từ năm 1561 đến 1563, ngài tham dự Công đồng Trentô, tại đó, ngài trở thành một trong những nhân vật chính, đặc biệt liên quan đến việc canh tân hàng giáo sĩ và giám mục.

Khi trở về lại Braga, mặc dù bị hàng giáo sĩ địa phương chống đối mạnh mẽ và liên tục, ngài vẫn dốc tất cả nhiệt tâm để canh tân giáo phận theo tinh thần các sắc lệnh của Công đồng Trentô, khi triệu tập Công nghị giáo phận năm 1564 và Công nghị giáo tỉnh năm 1566.

Năm 1571 hoặc 1572, việc xây dựng Chủng viện theo mô hình của Công đồng bắt đầu ở Campo Vinha. Ngày 23-2-1582, ngài từ chức Tổng giám mục và “Giáo trưởng Tây Ban Nha”[3], và lui về nghỉ hưu tại tu viện Santa Cruz ở Viana do Castelo (tu viện do chính ngài đã thành lập năm 1561) để trong sự khiêm nhường và khó nghèo, ngài dành phần đời còn lại cho việc học hành, cầu nguyện, và giảng thuyết.

Chính tại đây, ngày 16-7-1590, trong khi cả thành phố đã nhìn nhận ngài như một vị giám mục thánh thiện, cha của kẻ nghèo khó và bệnh tật, thì ngài lại qua đời như một người tu sĩ giản dị. Phần mộ của ngài hiện đang ở trong nhà thờ Santa Cruz ở Viana do Castelo.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho ngài vào ngày 4-11-2001, vào đúng ngày lễ thánh Carôlô Bôrômêô, người là bạn và là học trò của cha Batôlômêô. Cuộc gặp gỡ của họ tại Rome mang tính quyết định đối với vị Hồng y trẻ người thành Milan. Vị Hồng y này sau đó đã thực hiện cuộc canh tân giáo phận theo nghi lễ Ambrôsiô này, không chỉ vì ngài đã dứt khoát chọn rời khỏi Giáo triều và đến Milan thi hành tác vụ giám mục, mà còn nhờ vào lời khuyên và gương mẫu của cha Batôlômêô.

Thánh Batôlômêô Các Vị Tử Đạo là một trong người giữ vai trò quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội trong giai đoạn tiền hiện đại[4]. Với tư cách là Tổng Giám mục của Braga, ngài đã tham dự Công đồng Trentô, với sự hiện diện và can thiệp của ngài, Công đồng đã phê chuẩn sắc lệnh về canh tân hàng giám mục.

Ngài là mẫu gương của một vị giám mục sinh ra từ việc canh tân Giáo hội, và một mục tử theo mẫu gương truyền giáo của thánh Batôlômêô tông đồ, người trổi vượt về sự thánh thiện giữa những người cùng thời.

Nhưng sự thánh thiện này, điều đã được nhìn nhận rộng rãi, không thể bị giới hạn trong phạm vi thi hành thừa tác vụ mục tử nhiều năm tại giáo hội địa phương Braga ở Bồ Đào Nha và chỉ được thể hiện cách toàn vẹn và mạnh mẽ tại Công đồng Trentô; sự thánh thiện ấy phải được thấu hiểu và biểu lộ dưới các khía cạnh khác trong cuộc sống trần gian của ngài: một người con khiêm nhu và nghèo khó của thánh Đa Minh; một thầy đọc Sách Thánh cần mẫn và một học giả thành thạo thần học và tâm linh; một giáo sư uyên bác, sẵn sàng chia sẻ giáo lý, cũng như những gì ngài học được từ việc nghiên cứu và cầu nguyện, với sự rõ ràng và thuyết phục; một tu sĩ vừa chiêm niệm vừa hoạt động tông đồ, là lời chứng hoàn hảo cho ý niệm nổi tiếng và truyền thống của thánh Tôma Aquinô về người linh mục tu sĩ “contemplari et contemplata aliis tradere” trong đặc sủng Đa Minh.

Việc phong thánh cho ngài, điều mà Giáo hội tại Bồ Đào Nha và Dòng Giảng thuyết thỉnh nguyện liên lỉ trong quá khứ, dựa trên niềm tin rằng, Dòng và toàn thể Giáo hội cần một vị thánh như vậy: việc nhớ lại mẫu gương đời ngài rất quan trọng để đào sâu thêm linh đạo Đa Minh, chức tư tế thừa tác, giám mục và tinh thần phục vụ và từ bỏ, tất cả những điều này luôn là những đức tính riêng biệt trong sự cam kết của ngài với Giáo hội và đoàn dân được giao phó cho ngài.

Tầm quan trọng của thông điệp mà ngài dành cho các mục tử trong Giáo hội, điều không bao giờ bị mờ nhạt nhưng mãi trường tồn qua nhiều thế kỷ, đã được nhìn nhận trong hành động của thánh Phaolô VI vào kỳ họp cuối Công đồng Vatican II, khi ngài tặng mỗi nghị phụ tham dự Công đồng một bản sao cuốn “Stimulus Pastorum” (Sự khích lệ cho các mục tử” của cha Batôlômêô.

Ngày nay, thật đáng ngạc nhiên khi nhận thấy sự gần gũi không thể phủ nhận giữa nội dung các bài viết về sứ vụ giám mục của thánh nhân, lối sống trước và sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Braga, thái độ kiên cường với việc truyền giáo, với việc canh tân và với huấn quyền của Đức Thánh cha Phanxicô, người mà từ những tuyên bố và phát biểu đầu tiên, đã có cơ hội nán lại với những điểm nhấn mới cũng như những hình ảnh nguyên bản về phong cách mục vụ của mỗi linh mục, mà theo ngài, họ phải tự phỏng theo hình ảnh Người Mục Tử luôn bảo vệ và hướng dẫn đoàn chiên đã được ủy thác cho họ và họ đã tận hiến đời mình cho vị mục tử ấy.

[1] Canonisatio aequipollens (Phong thánh theo thể thức tương đương): thể thức này cho phép tôn phong một vị chân phước lên hàng hiển thánh với các điều kiện: đã được tôn kính từ lâu, có danh tiếng vì những phép lạ đã thực hiện, và được các sử gia đáng tin cậy lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Thể thức này được ấn định trong văn kiện De Servorum Dei Beatificatione et Beatorum Canonizatione của Đức Biển Đức XIV. Xt. Giáo hội Công giáo có thêm ba vị thánh mới (Mọi chú thích đều của Người dịch)

[2] Đức cha Bartolomé Carranza là một nhà thần học Đa Minh, từng là Giám tỉnh Castile (1547), Giám tỉnh Palencia (1550), được bổ nhiệm Tổng giám mục Toledo năm 1557. Ngài bị Tòa Dị giáo Tây Ban Nha kết án là lạc giáo. Vào thời điểm đó, thánh Batôlômêô Các Vị Tử Đạo và Hồng y Michele Ghislieri, OP. (sau này là thánh Giáo hoàng Piô V) đã đứng ra bênh vực Đức cha Bartolomé

[3] Giáo trưởng (Latin: primatus): vị giám mục đứng đầu các giám mục trong một quốc gia (thường là giám mục giáo phận được thành lập xưa nhất) hay một Giáo hội (chẳng hạn Anh giáo) (x. BGL 438) – Theo Thuật ngữ Thần học Anh – Việt, Học viện Đa Minh, 2014

[4] Giai đoạn tiền hiện đại của châu Âu bắt đầu từ sau thời Trung Cổ (khoảng năm 1500) đến trước khi bắt đầu giai đoạn các cuộc cách mạng (cuối thế kỷ XVIII, mở đầu là cuộc cách mạng Pháp 1789)

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com