Chúng con tôn thờ thánh giá Chúa
hát mừng ngài sống lại hiển vinh;
ấy chính vì bởi cây thập giá,
niềm hân hoan tràn ngập địa cầu.1
(Ds 21,4b-9; Pl 2,6-11; Ga 3,13-17)
Hôm nay Giáo hội cử hành lễ Suy tôn Thánh giá. Vào thứ Sáu Tuần thánh, Giáo hội còn có một nghi thức Suy tôn Thánh giá long trọng khác, với trình thuật Tin Mừng về cuộc thương khó của Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay thì đơn giản, ngắn gọn hơn. Thánh Gioan nhắc nhớ chúng ta về công trình cứu độ Đức Giêsu thực hiện nhờ thập giá.
Tại sao Con Thiên Chúa quyền năng lại chọn cứu độ con người bằng con đường Thập giá? Và việc suy tôn Thánh giá có ý nghĩa gì đối với người Kitô hữu? Vâng, đó có thể là những câu hỏi chợt đến trong tâm trí khi chúng ta khi cử hành ngày lễ hôm nay.
Thánh Phaolô từng nói với các tín hữu thành Côrintô: Thập giá với Đấng chịu đóng đinh là điều ô nhục, không thể chấp nhận đối với người Do Thái, và là điên rồ đối với dân ngoại (x. 1Cr 1,23). Còn trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô mô tả Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng ta đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự (Pl 2,7-8).
Phải chăng khi cứu độ con người bằng con đường Thập giá, Đức Kitô đã lập nên một tôn giáo tôn vinh đau khổ? Không! Đức Giêsu không đề cao đau khổ. Người không tìm kiếm thập giá. Những kẻ thù nghịch và chống đối đã chất thập giá lên vai Người. Đức Giêsu không tự tìm cái chết. Sự gian ác của những kẻ chống đối đã kết án và đóng đinh Người.
Thập giá là kết cục không thể tránh khỏi khi Người đứng về phía sự thật, khi Người lên án những bất công, khi Người tố cáo lối sống giả hình, vụ luật, khi Người lên tiếng bênh vực những người cô thân cô thế, khi Người ra tay cứu chữa kẻ bất hạnh, tha thứ cho tội nhân, trước bao cặp mắt thù nghịch, phản đối.
Đức Giêsu chấp nhận bị khai trừ, bị làm nhục và chịu chết trên thập giá vì bênh vực cho con người và phẩm giá làm người. Điều mang lại ý nghĩa cho thập giá không phải là đau khổ, nhưng là tình yêu. Đức Giêsu đón nhận thập giá bởi vì Người yêu mến Chúa Cha và yêu thương con người. Người tự nguyện vác lấy thập giá và chết trên thập giá để cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Bằng tình yêu, Người đã biến thập giá – dụng cụ hành hình gây đau khổ, trở thành Thánh giá sinh ơn cứu độ.
Trong Cựu Ước, hình ảnh con rắn đồng được giương cao để Dân Thiên Chúa một khi nhìn lên đó và tin vào quyền năng Thiên Chúa thì sẽ được cứu. Giờ đây, trong thời Tân Ước, Đức Giêsu được giương cao trên thập giá vì ơn cứu độ của cả nhân loại, điều mà thánh Gioan đã nói trong bài Tin Mừng:
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).
Do đó, các Kitô hữu tôn vinh thập giá thì không có nghĩa là để cao đau khổ, nhưng là tán dương tình yêu Đức Kitô được biểu lộ nơi Thập giá. Đó cũng chính là lý do Thập giá đã trở thành biểu tượng của Kitô giáo. Chúng ta nhìn thấy Thánh giá khắp nơi. Thánh giá được thờ kính trong nhà thờ. Thánh giá được đặt nơi trang trọng trong các gia đình Công giáo. Thánh giá được Kitô hữu làm dấu nhiều lần trên thân thể mỗi ngày. Thánh giá hiện diện nơi các nghĩa trang, trên các nấm mồ như một lời tuyên xưng cuộc chiến thắng sự chết của Chúa Kitô Phục sinh.
Đức Giêsu cứu độ con người bằng Thập giá đã mang lại cho những người tin một ý nghĩa rất lớn lao. Vì con Thiên Chúa đã thực sự chia sẻ kiếp nhân sinh với chúng ta. Người đã nhận lấy thân phận làm người với tất cả những giới hạn, yếu đuối, khổ đau của kiếp người. Với phận người, chắc chắn không ai có thể thoát được đau khổ. Đức Giêsu cũng đã chấp nhận hoàn cảnh làm người như thế, “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi.” (Hr 4,15)
Mang ơn cứu độ đến cho nhân loại qua con đường thập giá không có nghĩa rằng Đức Giêsu lập tức làm cho chúng ta thoát khỏi mọi đau khổ. Chính khi trải qua những đau khổ của kiếp người và chính nơi Thập giá, Người dạy chúng ta biết sống ơn gọi của một thụ tạo với những giới hạn. Người mời gọi những ai tin đón nhận ân sủng phát sinh từ thập giá cứu độ của Người, nhờ đó con người có thể vững bước trong hy vọng đang khi phải đối diện với muôn vàn khổ đau.
Kinh Phụng vụ ban chiều của thứ Sáu tuần III kết thúc với những lời cầu nguyện rất có ý nghĩa như sau:
Biết bao người đang âu sầu phiền muộn,
– xin nhớ lại giờ Chúa hấp hối.
Biết bao người còn phải mang thương tích,
– xin nhớ lại những cực hình Chúa chịu.
Biết bao người bị nhạo báng chê bai,
– xin nhớ lại vòng gai Chúa đội đầu.
Biết bao người đang chán ngán cuộc đời,
– xin nhớ lại tiếng kêu than của Chúa.
Biết bao người ngày hôm nay lìa thế,
– xin nhớ lại cái chết nhục nhằn của Chúa trên thập tự.
Biết bao người gặp thử thách mà vẫn cậy trông,
– xin cho họ được ánh sáng phục sinh soi chiếu.
Lời cầu nguyện của toàn thể Hội thánh hướng đến những ai đang chịu đau khổ, lẽ dĩ nhiên trong đó có cả chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta tìm được sức mạnh trợ giúp mỗi khi ngước nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, nhất là khi đang phải đối diện với những thử thách, đau khổ của cuộc đời.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Amen.2