Gr 1,17-19; Mc 6,17-29
Thánh Gioan Tẩy giả là vị Ngôn sứ; “đi trước Chúa, mở lối cho Người.”1 Thánh nhân loan báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế bằng lời rao giảng và bằng chính cái chết của mình. Như trình thuật của Máccô, những gì đã xảy trong phòng tiệc mừng sinh nhật vua Hêrôđê thật là rùng rợn. Đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm do một thiếu nữ đem vào giữa phòng tiệc trước mặt thực khách. Vua Hêrôđê biết rõ lấy bà Hêrôđia – vợ của anh ông, là trái luân thường đạo lý, vì thế mà lương tâm ông bối rối trước lời can ngăn của ông Gioan. Hẳn là ông cũng biết rất rõ, giết người là sai trái, huống hồ lời hứa mà ông sẽ thực hiện lại liên quan đến mạng sống của một vị Ngôn sứ.
“Con xin gì ta cũng cho, dù là nửa nước,” Hêrôđê hứa như thế với thiếu nữ, trước mặt thực khách. Giữ lời hứa là giữ chữ ‘tín’. Trong trường hợp này, trước yêu cầu phải giết ông Gioan, vua Hêrôđê có phải giữ lời hứa không? Thưa: KHÔNG!
Tại sao vậy? Bản chất của con người là hướng đến sự thiện và hành động theo sự thiện. Do đó, khi hứa làm điều này hoặc điều kia – có thể theo ý muốn của người khác, thì phải hiểu rằng, người đó hứa làm điều thiện, chứ không phải thực hiện điều ác. Con người không thể hứa với ai đó, ngay cả hứa với Chúa – vì như thế là phạm thượng, để làm một điều ác, điều trái luân lý như hứa giết người, hứa ăn cắp, v.v. Hứa với chủ tâm làm điều ác, thì lời hứa ấy không có ý nghĩa gì cả. Thêm nữa, trừ phi tự nguyện hy sinh quyền lợi của mình, không thể vì thực hiện một điều thiện theo lời hứa mà làm hại đến quyền lợi của người khác. Luân lý Kitô giáo nêu nguyên tắc “mục đích không được biện minh cho phương tiện.” Hứa giúp người nghèo thì tốt. Tôi có thể nhịn ăn để giúp người nghèo, nhưng không thể đi ăn cắp để giúp họ – đó cũng không phải là giữ lời hứa.
Dù biết rõ giết Gioan Tẩy giả là xấu, nhưng Hêrôđê vẫn hành động với một vỏ bọc giữ lời hứa – ‘vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc’, và trốn tránh trách nhiệm khi gây sự ác với lý do là phải làm theo ý muốn người khác. Khi không muốn theo đuổi sự thiện, thì người ta có muôn vàn cách để che đậy tội lỗi, lấp liếm hành động gian ác của mình. Lại cũng có những ‘mạch ngầm’ nối kết những người có chủ mưu và đồng loã dẫn đến cái chết của ông Gioan – bà Hêrôđia chủ mưu, con gái hợp tác, Hêrôđê ra lệnh, thị vệ ra tay, thực khách hoan hô tán thành hoặc sợ hãi im lặng để sự ác diễn ra trước mắt mình.
Những ngày qua, dư luận bàn tán nhiều về chuyện toà án xử vụ nhập thuốc giả. Lại cũng có những tiếng nói rằng, bản án chưa tương xứng, có bao che, lách tội nhập thuốc giả, thành tội buôn lậu . Khi một xã hội không được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức nhằm bảo vệ con người và phẩm giá con người – thực ra, những tiêu chuẩn này chỉ có tôn giáo mới có thể đưa ra được, thì người ta sẽ dễ hướng chiều về điều ác, xâm phạm quyền lợi người khác, bất chấp lương tri. Câu chuyện nhập thuốc giả này còn cho thấy ‘mạch ngầm’ tăm tối của sự kiện, đó là cả một mối những dây nhợ chằng chịt của những tham nhũng, móc ngoặc, bao che, v.v., để trục lợi. Hẳn là trong câu chuyện này đã có những ‘lời hứa’ để những kẻ làm điều ác được thoát thân.
Ý thức của con người hướng về sự thiện là nền tảng làm thay đổi xã hội. Nhưng nói cho cùng, dù con người có ý thức về sự thiện, nhưng để chọn lựa làm điều thiện thì không phải là điều dễ dàng. Người tín hữu xác tín rằng chỉ có ân sủng phát xuất từ Thập giá Đức Kitô mới có thể cho con người sức mạnh chiến thắng cám dỗ và sống theo sự thiện. Thánh Gioan Tẩy Giả đã lấy mạng sống của mình để loan báo và làm chứng cho Đức Kitô. Những ai có thiện tâm thì sẽ gặp được Đức Kitô – Đấng là Thiên Chúa thánh thiện và là nguồn mạch cho mọi điều thiện hảo của trần gian này.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho thánh Gioan Tẩy Giả báo trước mầu nhiệm Con Chúa sinh ra và chịu chết. Xưa thánh nhân đã anh dũng hy sinh vì chân lý và chính đạo thế nào, nay xin Chúa cũng cho chúng con biết xả thân làm chứng cho Tin Mừng như vậy. Amen.2