Cv 5,13-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn người, tôi chẳng có tin.” Câu nói của ông Tôma đã khiến ông nổi tiếng! Câu chuyện cứng lòng của ông đã trở thành điển tích. Nếu người nào có tính hay hoài nghi, không dễ tin điều người khác nói, thì ta hay nói: “cứng tin như Tôma!”
Tin nhờ các dấu chỉ
Ông Tôma thật sự có cứng lòng tin không? Tại sao ông không tin vào lời các tông đồ khác quả quyết: Chúa phục sinh? Tôma đòi phải có một dấu chỉ nào đó cụ thể, thậm chí một sự kiểm chứng rõ ràng: xỏ ngón tay vào dấu đinh và thọc tay vào cạnh sườn Chúa để ông có thể tin. Ông Tôma đòi dấu chỉ để tin có lẽ cũng là bình thường, bởi vì con người thì có các giác quan và thông qua các giác quan, con người tiếp xúc và nhận biết thế giới xung quanh mình. Những môn đệ khác khi gặp Đấng Phục Sinh, họ đều có những dấu chỉ để nhận ra Người. Có thể điểm qua một vài trường hợp:
– Bà Maria Mađalena, người đầu tiên được Chúa Phục sinh tỏ mình ra cho. Gặp Người, thoạt bà tưởng đó là người xa lạ, người làm vườn. Nhưng khi nghe tiếng gọi “Maria” bà liền quay và thưa: Ráp-bu-ni – lạy Thầy. Chỉ là người thân quen mới có thể gọi đúng tên mình. Đó là dấu chỉ để bà Maria nhận ra Thầy Giêsu đã phục sinh.
– Người Môn đệ Chúa yêu – người cùng với ông Phêrô chạy ra mộ Chúa khi được báo tin ngôi mộ trống. Thánh Gioan viết: “Ông đã thấy và ông tin.” Ông không tận mắt thấy Chúa sống lại, nhưng ông có thể thấy dấu chỉ của sự trật tự nơi chôn cất Người và nhờ đó mà tin vào lời Kinh Thánh. Ông nhận ra Chúa Phục sinh khi nhớ lại và suy gẫm những lời Thầy đã loan báo về cái chết và sự phục sinh, theo như Sách Thánh báo trước. Lời Thầy dạy là chỉ dẫn tối cần thiết cho môn đệ này nhận ra Chúa Phục Sinh.
– Hai môn đệ trên đường Emmau. Thoạt đầu họ đã không nhận ra Chúa suốt dọc đường. Nhưng sau khi đã nghe “người bộ hành” giải thích và nhất là qua dấu chỉ bẻ bánh, họ đã nhận ra Người. Dấu chỉ bẻ bánh quen thuộc của Thầy, dấu chỉ ấy Thầy thường làm vào mỗi bữa ăn, Thầy đã làm khi hoá bánh ra nhiều và nhất là Thầy đã làm trong bữa Tiệc Ly.
– Các môn đệ trên bờ Biển hồ. Họ nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người chuẩn bị bữa ăn (đã có sẵn lửa, bánh và cá) và cùng ăn, cùng uống với các ông. Sự chăm sóc ân cần Thầy vẫn làm với các ông trước đây là dấu chỉ để các ông nhận ra Người.
– Và đặc biệt, ông Tôma, người môn đệ này muốn thấy một dấu chỉ cụ thể hơn – các dấu đinh trên tay Người và vết thương nơi cạnh sườn Người. Chúa đến lần thứ hai giữa các tông đồ, lần này có ông Tôma, và Chúa đã cho người môn đệ “cứng lòng tin” được thấy điều ông muốn được nhìn thấy. Hơn nữa, Người còn đề nghị ông Tôma hãy “xỏ ngón tay vào dấu đinh và thọc tay vào cạnh sườn Thầy”. Qua các dấu vết liên quan đến cuộc Khổ nạn – dấu chỉ mạnh mẽ nhất của Đấng “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”, ông Tôma nhận ra Chúa Phục Sinh.
Đức Kitô phục sinh không phải là trở về với cuộc sống cũ, cuộc sống tại thế trước đây, khi Người nhập thể. Sự phục sinh đã đưa Người đi vào cuộc sống mới, một cuộc sống tràn đầy và vĩnh cửu. Sự phục sinh này hoàn toàn khác với việc anh Ladarô sống lại. Anh Ladarô được Chúa cho sống lại, nhưng anh sẽ phải chết. Đức Giêsu phục sinh, Người đã chiến thắng sự chết. Tác giả sách Khải Huyền trong một thị kiến đã được chiêm ngưỡng Đấng tuyên phán “Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữa chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,18). Đấng ấy chính là Đức Kitô Phục Sinh.
Với cuộc sống mới, Đức Giêsu phục sinh cũng không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Tin Mừng thuật lại cả hai lần Chúa đến giữa các Tông đồ, khi “cửa đều đóng kín.” Chúa Giêsu với thân xác phục sinh, tức là đã được biến đổi, Người có thể hiện diện bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Chính trong một cuộc sống mới và tràn đầy quyền năng của Người, Chúa Phục Sinh trao ban bình an và Thần Khí cho các Tông đồ: “Bình an cho anh em” và “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Đồng thời, Người cũng sai các các môn đệ ra đi – “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, để làm chứng cho Tin Mừng phục sinh.
Sự phục sinh của Chúa Giêsu với tất cả những chiều kích rộng lớn, đầy sức mạnh và quyền năng như thế chắc hẳn đã vượt quá lý trí của con người. Tông đồ Tôma không thể tin ngay lời của các tông đồ khác đã làm chứng, nhưng qua các dấu chỉ, nhất là những dấu chỉ liên quan đến cuộc Khổ Nạn, ông Tôma không chỉ tin Chúa Phục Sinh, mà còn tuyên xưng thần tính của Người, tuyên xưng Đức Kitô đã trở về với vinh quang của Chúa Cha: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.”
Chúng ta tin Chúa Phục Sinh thông qua lời chứng các Tông đồ để lại. Các Tông đồ đã làm chứng bằng lời rao giảng, bằng việc tuyên xưng “Đức Kitô là Chúa”, và nhất là bằng một đời sống gắn bó với Đấng Phục Sinh, đến độ dám chết cho Người, như tường thuật của sách Công vụ Tông đồ chúng ta được nghe trong suốt Mùa Phục sinh này. Hơn nữa, đời sống của toàn thể Hội thánh nói chung, và của mỗi Kitô hữu nói riêng, là dấu chỉ loan báo và làm chứng cho sự phục sinh của Chúa. Đó chính là sứ mạng chúng ta được mời gọi dấn thân trong thế giới hôm nay.
Ơn sủng tuôn tràn từ cạnh sườn bị đâm thâu
“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Qua người môn đệ “cứng lòng tin”, Chúa Giêsu đã chỉ cho ta thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Người: Đức Kitô phải trải qua đau khổ rồi mới bước vào trong vinh quang. Lát nữa, trong phần cử hành Thánh Thể, cộng đoàn phụng vụ đồng thanh tung hô: “chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho đến khi Chúa lại đến.”
Hôm nay, Chúa Nhật thứ hai Phục sinh được dành để tuyên xưng Lòng Thương xót của Chúa. Bức hình quen thuộc diễn tả Lòng Thương Xót Chúa do thánh nữ Faustina để lại là hình ảnh giải thích sống động cho chúng ta về mời lời gọi của Chúa Phục Sinh hôm nay: Hãy đến với Đức Kitô để lãnh nhận sức sống phục sinh được tuôn trào nơi cạnh sườn bị đâm thâu của Người. Hình ảnh Chúa Phục sinh gắn liền với dấu chỉ của cuộc Khổ Nạn. Sự tuôn trào ơn phục sinh nơi trái tim, đúng hơn là cạnh sườn của Người, được diễn tả qua hai tia sáng: Ánh sáng màu đỏ tượng trưng cho tình yêu và cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và ánh sáng màu trắng tượng trưng cho sự phục sinh của Chúa và sự thanh tẩy dành cho chúng ta. Màu đỏ ám chỉ bí tích Thánh Thể và màu trắng ảm chỉ bí tích Thánh Tẩy. Đó là hai bí tích quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, mà trong tuần Bát nhật Nhục sinh, chúng ta được nghe các giáo phụ giải thích cho các tân tòng trong các bài đọc Kinh sách.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Lời Tổng nguyện Chúa Nhật II Phục Sinh