[Tìm Hiểu Thánh Lễ ] Phần III:  Phụng Vụ Lời Chúa

25-05-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2062 lượt xem
Giáo Hội thường sử dụng hình ảnh “hai bàn tiệc” để diễn tả tính liên tục giữa hai phần chính của Thánh lễ: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Trước tiên, dân Chúa được nuôi dưỡng từ bàn tiệc Kinh Thánh, được công bố trong phụng vụ Lời Chúa. Sau đó, họ được nuôi dưỡng bằng Thân Mình Chúa chúng ta tại bàn tiệc Thánh Thể.

Trong khi Thánh Thể thực sự là Mình và Máu Chúa Giêsu và là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Kitô giáo, thì Kinh Thánh dẫn chúng ta tới sự hiệp thông thâm sâu với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI lưu ý rằng hai phần của Thánh lễ không chỉ được đặt kề nhau, nhưng có sự thống nhất bên trong, đến nỗi cả hai tạo nên “một hành vi thờ phượng duy nhất”.

Khi lắng nghe Lời Chúa, đức tin được sinh ra hoặc được tăng cường (x. Rm 10, 17); trong Bí tích Thánh Thể, Lời trở thành xác phàm tự hiến cho chúng ta làm lương thực thiêng liêng. Như thế, “từ hai bàn tiệc: Lời Chúa và Mình Chúa, Giáo hội đón nhận và trao ban cho các tín hữu bánh sự sống. Do đó, cần phải luôn ghi nhớ rằng Lời Chúa được Giáo hội đọc và công bố trong phụng vụ dẫn đến Bí tích Thánh Thể như kết điểm đương nhiên vậy.1

Chỉ tham dự một trong hai bàn tiệc này mà thôi thì được coi như chưa tham dự. Chúng ta cần cả lời Chúa được linh hứng trong Kinh Thánh và Lời Thiên Chúa nhập thể hiện diện trong bí tích Cực thánh. Vào những năm 1500, trong tác phẩm tâm linh kinh điển Gương phúc, Thomas à Kempis đã cho thấy linh hồn mong mỏi được nuôi dưỡng bằng cả hai bàn tiệc này như thế nào:

Thiếu hai bàn tiệc này, con không thể sống lành mạnh, vì Lời Thiên Chúa là ánh sáng của linh hồn, và Thánh Thể Chúa là Bánh nuôi sống con. Hai bàn tiệc này cũng được gọi là hai bàn tiệc trong kho tàng của Giáo hội. Một bên là bàn thờ, nơi đó có Bánh Thánh là Thân Mình vô giá của Chúa Kitô, một bên là luật Thiên Chúa, chứa đựng giáo lý thánh thiêng, khai sáng đức tin ngay chính, và dẫn đi vững chắc qua màn che mà vào nơi cực thánh.2

Lời Thiên Chúa nói với bạn

Bây giờ, chúng ta hãy chú ý đến bàn tiệc thứ nhất, Phụng vụ Lời Chúa. Các bài đọc từ Kinh Thánh không chỉ đem đến cho chúng ta những lời khích lệ trong đời sống luân lý và những suy tư về đời sống thiêng liêng. Kinh Thánh không chỉ nói về Thiên Chúa, nhưng còn là chính Lời Thiên Chúa. Vì thế, trong phụng vụ Lời Chúa, chúng ta gặp gỡ những lời của chính Thiên Chúa nói riêng cho mỗi người chúng ta.

Điều này không có nghĩa là Sách Thánh chẳng dính dáng đến con người. Các Sách Thánh được con người viết ra, cho những cộng đồng con người riêng biệt, tại một thời điểm lịch sử nào đó. Mỗi cuốn trong bộ Kinh Thánh chứa đựng thể loại văn chương, tính cách, quan điểm thần học, và những mối quan tâm mục vụ của tác giả. Nhưng các Sách Thánh cũng được Thiên Chúa linh hứng. Thuật ngữ “linh hứng” dịch từ theopneustos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Thiên Chúa thổi hơi”(2Tm 3,16). Trong các sách được linh hứng thuộc bộ Kinh Thánh, Thiên Chúa thổi lời thần linh của Người ngang qua lời con người của các tác giả thánh. Vì thế, Sách Thánh giống như chính Chúa Kitô – Đấng vừa hoàn toàn là Thiên Chúa vừa hoàn toàn là con người. Công đồng Vatican II giải thích:

Nhưng để viết các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi.3

Lắng nghe lời Chúa là một vấn đề quan trọng. Tại núi Sinai, dân Ítraen chuẩn bị chính mình ba ngày trước khi Thiên Chúa phán với họ những lời giao ước. Trong Thánh lễ, qua nghi thức mở đầu – gồm dấu Thánh giá, kinh Thú nhận, kinh Thương xót, và kinh Vinh danh – chúng ta chuẩn bị bản thân mình để bước vào cuộc gặp gỡ thánh thiêng với Lời Thiên Chúa. Sau khi làm dấu Thánh giá, thú nhận sự bất xứng trước nhan Chúa, cầu xin Người thương xót và ca hát chúc tụng Người, bây giờ chúng ta ngồi xuống để chăm chú lắng nghe điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua những lời do chính Người linh hứng trong Sách Thánh. Và đây là một cuộc gặp gỡ riêng tư, vì như công đồng Vatican II dạy: “Thực thế, trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến, đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.”4

Để hiểu được bản chất sâu xa điều gì thực sự đang xảy ra trong Phụng vụ Lời Chúa, hãy suy nghĩ về vai trò lớn lao của người đọc Sách Thánh. Người đọc sách không chỉ là người đọc Kinh Thánh công khai. Trong Thánh lễ, Chúa dùng người đọc sách như là khí cụ, để qua họ, Người công bố lời Người cho cộng đoàn. Hãy nghĩ về điều này tựa như người đọc sách cho Thiên Chúa mượn tiếng nói nhân loại của họ, để Lời Thiên Chúa có thể được nói với chúng ta trong Thánh lễ. Được đọc Lời Thiên Chúa quả là một danh dự và đặc ân đáng kinh ngạc! Và cũng thật có phúc cho chúng ta khi nghe Lời ấy! (x. Kh 1,3).5

Lớp học Kinh Thánh vĩ đại nhất trên trần gian

Ý tưởng về một chu kỳ các bài đọc Sách Thánh bắt nguồn từ cách thực hành của người Do Thái xưa. Trong thế kỷ thứ nhất, Sách Luật và Các ngôn sứ thường được đọc trong khung cảnh phụng tự hội đường.6 Các Rápbi trong đầu thế kỷ III xác nhận một mẫu cố định các bài đọc từ sách Luật và Các ngôn sứ dành cho phụng tự hội đường. Điều này phản chiếu những gì được thực hành trong thời Chúa Giêsu. Một số bằng chứng rápbi thậm chí chỉ ra khả năng người ta đã sử dụng chu kỳ ba năm cho các bài đọc.7

Tương tự như vậy, việc chọn lựa các bài đọc Kinh Thánh cho phụng vụ Chúa nhật ngày nay được xác định bằng chu kỳ ba năm gồm các bài đọc từ nhiều phần của bộ Kinh Thánh: bài đọc Cựu Ước, Thánh vịnh, bài đọc Tân Ước, và sau đó là bài Tin Mừng. Ngay trật tự các bài đọc cũng có ý nghĩa, bởi vì cách thức này phản chiếu trật tự trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhìn chung, các bài đọc chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước, nghĩa là từ Ítraen tới Giáo hội. Việc công bố Tin Mừng là đỉnh cao, khi suy tư về Chúa Giêsu, Đấng là tâm điểm của lịch sử cứu độ mà tất các Sách Thánh hướng về.

Theo nghĩa nào đó, Thánh lễ là lớp học Kinh Thánh vĩ đại nhất trên trái đất. Đơn giản bởi vì khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật, các tín hữu Công giáo được dẫn đi một vòng lớn quanh các Sách Thánh, thường nêu bật mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Các Thánh lễ ngày thường theo chu kỳ bài đọc hai năm, cung cấp một phạm vi rộng hơn về các bài đọc Kinh Thánh trong phụng vụ. Các bài đọc này không được chọn lựa từ các phần Kinh Thánh theo ý thích của vị mục tử hay cộng đoàn. Đúng hơn, linh mục và cộng đoàn được đòi hỏi nhiều hơn về tính trọn vẹn của Lời Thiên Chúa, bao trùm tất cả các phần chính của bộ Kinh Thánh, không dựa vào sở thích hoặc ý kiến của cộng đoàn.

Năm phụng vụ

Các bài đọc Sách Thánh cũng tương ứng với nhiều mùa cũng như các lễ mừng khác nhau của Giáo hội. Trong mức độ nào đó, Giáo hội dẫn dắt chúng ta rảo qua đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu nhờ các mùa trong năm phụng vụ. Qua bốn tuần mùa Vọng, chúng ta nhớ lại giai đoạn Cựu Ước của nhân loại đang mong đợi Đấng Cứu Thế. Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta vui mừng vì sự ra đời của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Trong bốn mươi ngày mùa Chay, chúng ta dự phần vào lời cầu nguyện và việc chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc, cũng như chuẩn bị bước vào cuộc cuộc Vượt qua của Chúa Kitô trong Tuần Thánh. Suốt 50 ngày mùa Phục sinh, chúng ta cử hành chiến thắng phục sinh và biến cố thăng thiên của Chúa Giêsu, đạt đến đỉnh điểm vào ngày thứ 50 khi Người gửi Thánh Linh đến trong lễ Ngũ Tuần. Phần còn lại của năm phụng vụ – được gọi là mùa Thường niên – hướng chúng ta đến sứ vụ công khai của Chúa Giêsu.

Trong suốt năm phụng vụ, Giáo hội cũng thúc đẩy chúng ta chú ý đến nhiều mầu nhiệm khác nhau về đức tin. Chẳng hạn, đại lễ Corpus Christi (nghĩa đen, “Mình Máu Chúa Kitô”), mừng kính hồng ân Thánh Thể. Đại lễ Chúa Ba Ngôi nhấn mạnh đến mầu nhiệm Thiên Chúa là Ba Ngôi. Đại lễ Các thánh ca ngợi Thiên Chúa vì kỳ công siêu việt Chúa đã thực hiện khi biến đổi những con người yếu đuối, tội lỗi thành thánh nhân và nhắc chúng ta về ơn gọi nên thánh của chính mình. Các lễ kính và lễ nhớ dành cho nhiều vị thánh, những người là gương mẫu cho chúng ta bước theo trong việc noi gương Chúa Kitô, cũng rải rác trong suốt năm phụng vụ. Đức Trinh Nữ Maria đứng đầu trong các vị, và là vị thánh thường được tưởng nhớ trong năm phụng vụ, như chúng ta cử hành các lễ: Đức Mẹ Vô Nhiễm, Sinh Nhật Đức Mẹ, Đức Mẹ lên trời và các khía cạnh khác về cuộc đời và sứ vụ của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Chắc chắn, chúng ta phải ca tụng Chúa Kitô vì mọi phương diện của cuộc đời Người, nhất là sự chết và sự sống lại của Người, mọi ngày trong năm. Và chúng ta phải không ngừng tạ ơn vì các mầu nhiệm đức tin và vì các thánh Người ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta là phàm nhân và không thể thấu hiểu đầy đủ toàn bộ mầu nhiệm Chúa Kitô cùng lúc được. Đây là lý do giải thích tại sao Giáo hội chọn lựa những ngày đặc biệt để chú ý, tạ ơn, ca ngợi vì một phương diện đặc biệt của cuộc đời Chúa Giêsu hay của đức tin Công giáo. Một học giả về phụng vụ diễn tả điều này như sau: “Mỗi năm [Giáo hội] chiêm ngắm Chúa Giêsu là một bé thơ trong hang đá, ăn chay trong sa mạc, dâng chính mình trên thập giá, sống lại từ nấm mộ, thành lập Giáo hội, thiết lập các bí tích, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, và gửi Thánh Linh xuống trên con người. Ân sủng của tất cả các mầu nhiệm thánh thiêng này được lặp lại cách mới mẻ trong Giáo hội.”8

Trong suốt cuộc đời, việc hành trình qua năm phụng vụ của Giáo hội cũng giúp chúng ta hiểu biết Chúa Kitô và công trình cứu độ của Người thêm nữa. Điều này cũng tương tự như các gia đình tổ chức những ngày sinh nhật, những ngày kỷ niệm, những ngày và sự kiện quan trọng khác. Ví dụ, trong gia đình tôi, chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa mỗi ngày vì ân phúc được sống cùng nhau. Nhưng chúng tôi cũng tổ chức những ngày sinh nhật, điều này giúp chúng tôi cùng nhau họp mặt để mừng riêng một người con và để dâng lời tạ ơn đặc biệt vì hồng ân sự sống của người này. Tương tự như thế, mặc dù tôi cầu nguyện cho vợ mình và cuộc hôn nhân của chúng tôi mỗi ngày trong năm, nhưng việc tổ chức kỷ niệm ngày cưới là một cơ hội hằng năm để chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa cách đặc biệt hơn vì ân phúc được sống cùng nhau và vì mối dây bí tích chúng tôi chia sẻ.

Như một gia đình của Thiên Chúa, Giáo hội có lý để chọn lựa những ngày đặc biệt nhằm cử hành ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm, và khía cạnh then chốt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng với gia đình siêu nhiên này, chính Chúa Kitô hiện diện trong các cuộc cử hành thường niên. Đức Giáo hoàng Piô XII dạy:

Vì thế, được Chúa Kitô tận tình khuyến khích và đồng hành, năm phụng vụ không phải là việc tái hiện cách lạnh nhạt và thiếu sinh động của các sự kiện trong quá khứ, hoặc là những kỷ niệm đơn giản và nghèo nàn về một thời xa xưa. Đúng hơn, đó là Chúa Kitô, Đấng luôn sống trong Giáo hội Người. Ở đó, Người tiếp tục hành trình thương xót vô tận, hành trình Người đã âu yếm khởi đầu trong cuộc sống trần thế, đồng thời lưu tâm làm điều thiện, với ý định giúp con người nhận biết các mầu nhiệm và, theo cách nào đó, sống nhờ các mầu nhiệm này. Các mầu nhiệm trên vẫn luôn hiện diện và hoạt động.9

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com