[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 23. Agnus Dei: Bẻ Bánh, Hoà Lẫn Mình Và Máu Thánh, Và Kinh “Chiên Thiên Chúa”

25-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1701 lượt xem

Phần này gồm ba nghi thức, bây giờ chúng ta sẽ xem xét: bẻ bánh, hoà lẫn Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, và đọc (hay hát) kinh Chiên Thiên Chúa. Ở đây, linh mục chủ tế bẻ bánh thánh qua một hành động mang tính biểu tượng được gọi là “việc chia nhỏ bánh” hay “bẻ bánh”. Đối với những người Do Thái xưa, thành ngữ “bẻ bánh” biểu thị nghi thức khi bắt đầu bữa ăn, đó là người chủ nhà cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và chia cho những người hiện diện. Thành ngữ này mang tầm quan trọng đặc biệt đối với các Kitô hữu sơ khai, khi họ liên kết với Thánh Thể.

Các Tin Mừng đều thuật lại bốn trường hợp chính Chúa Giêsu bẻ bánh. Hai trường hợp đầu tiên diễn ra trong hai trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu thực hiện phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông 1. Đặc biệt, Tin Mừng Mátthêu giúp chúng ta nhận ra rằng phép lạ hoá bánh ra nhiều này tiên báo Thánh Thể. Khi nuôi dưỡng đám đông, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông 2. Sau đó, thánh Mátthêu sử dụng cùng bốn động từ này khi thuật lại việc thiết lập Thánh Thể trong bữa Tiệc ly – tức là trường hợp thứ ba, đối với việc Chúa Giêsu bẻ bánh 3. “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói…”4 Cùng với các mối liên hệ của những động từ này, thánh Mátthêu nhấn mạnh việc hoá bánh ra nhiều tiên báo phép lạ lớn hơn, đó là Thánh Thể. Trong đoạn trước, Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Ở đoạn sau, Người ban bánh siêu nhiên, Bánh Thánh Ban Sự Sống, để nuôi số người đông hơn nữa, là vô số các Kitô hữu hiệp lễ khắp nơi trên thế giới, và qua mọi thời đại.

Trường hợp thứ tư, Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu bẻ bánh trong một cảnh khác, với những hàm ý về Thánh Thể: Đó là trình thuật phục sinh, khi Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Đầu tiên, các ông không biết người đang đồng hành với mình là Chúa Giêsu, nhưng các ông đã nhận ra Người khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho các ông” 5

Việc bẻ bánh trong Giáo hội sơ khai

Sách Tông đồ Công vụ mô tả Giáo hội sơ khai tập họp để bẻ bánh. Như đã thấy, đây là một thuật ngữ được nối kết với Thánh Thể trong các Tin Mừng và các thư thánh Phaolô. Rất lâu trước khi xây dựng các giáo xứ, các thánh đường, nhà thờ chính toà, các Kitô hữu thế hệ đầu tiên ở Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa khi cùng nhau quy tụ ở Đền thờ, và tập họp để bẻ bánh tại tư gia 6. Tương tự như thế, những năm sau đó và không chỉ có ở Giêrusalem, các Kitô hữu theo thánh Phaolô ở Troa cũng tập họp với ông vào ngày thứ nhất trong tuần để “bẻ bánh” 7. Việc tập họp để “bẻ bánh” quá quan trọng đến nỗi sách Công vụ liệt kê vào một trong bốn đặc tính chính yếu trong đời sống các Kitô hữu tiên khởi, kèm với chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, và cầu nguyện 8.

Thánh Phaolô không chỉ sử dụng thành ngữ “bẻ bánh” để mô tả Thánh Thể, nhưng còn nhận ra tính biểu tượng phong phú của nghi thức này là nhiều người chia sẻ cùng một tấm bánh. Theo thánh Phaolô, điều này cho thấy sự hiệp nhất thâm sâu mà các Kitô hữu chia sẻ khi thông phần cùng một Thân Thể Chúa Kitô: “Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy.” 9. Vì thế, khi linh mục chủ tế bẻ Bánh Thánh Thể trong Thánh lễ, nghi thức này nhắc nhở chúng ta truyền thống cao cả này là: việc bẻ bánh – khởi đi từ dân Do Thái trong Cựu Ước, đến cách thực hành của Chúa Giêsu, qua các Tông đồ và Giáo hội sơ khai, rồi mãi đến ngày nay.

Hoà trộn Mình và Máu Thánh: Sau khi bẻ bánh thánh, linh mục chủ tế bỏ một mẩu bánh nhỏ vào chén thánh, trong khi đọc thầm: “Xin cho việc hoà Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời.”

Nghi thức này – gọi là nghi thức hoà lẫn Mình và Máu Chúa, trước đây được sử dụng để diễn tả sự hiệp nhất của Giáo hội. Ở Rôma, Đức Giáo hoàng gửi một chút bánh đã được truyền phép, được gọi là fermentum, tới các linh mục trong thành phố. Các linh mục này sẽ đặt chút bánh thánh ấy vào trong chén thánh của mình như một dấu chỉ hiệp thông với Giám mục Rôma. Một số người đã giải thích nghi thức này như một biểu tượng tái hiện sự phục sinh của Chúa Kitô. Theo quan điểm này, vốn bắt nguồn từ Syria trong thế kỷ VIII, việc truyền phép bánh và rượu tách rời trong Thánh lễ tượng trưng cho sự tách rời giữa Mình và Máu Chúa Kitô khi Người chịu chết, còn nghi thức hoà trộn giữa Mình và Máu Thánh, diễn tả sự tái hiệp nhất Mình và Máu Chúa Kitô khi Người phục sinh.

Kinh Agnus Dei: Trong khi linh mục chủ tế thực hiện nghi thức bẻ bánh và hoà trộn Mình và Máu Thánh, )cộng đoàn hát hay đọc kinh nguyện sau đây, được gọi là kinh Agnus Dei (kinh “Chiên Thiên Chúa”)

“Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian:
xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian:
xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian:
xin ban bình an cho chúng con.”

Kinh “Chiên Thiên Chúa” là một kinh nguyện khác đưa chúng ta lên trước ngai Thiên Chúa. Khi đọc những lời này, chúng ta hợp với muôn vàn thiên thần đang thờ lạy Chúa Giêsu, Đấng là Con Chiên chiến thắng, trong phụng vụ thiên quốc mà thánh Gioan đã mô tả trong sách Khải huyền: “Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô: ‘Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc’” 10. Thánh Gioan cũng thấy mọi loài thụ tạo thờ lạy Con Chiên: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: ‘Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!’”11. Chúng ta hợp với ca đoàn trên trời dưới đất để thờ lạy Con Chiên khi hát bài Agnus Dei trong Thánh lễ.

Thật là thích hợp khi chúng ta ngỏ lời với Chúa Giêsu bằng cách nói: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”, vì Tân Ước mặc khải Chúa Giêsu là Chiên Vượt qua mới, chịu sát tế vì chúng ta. Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là “Chiên Vượt qua của chúng ta”, Đấng đã “chịu sát tế” 12. Sách Khải huyền cũng ám chỉ Chúa Giêsu là Con Chiên đã bị giết 13, mà máu của Con Chiên ấy giặt sạch và tẩy trắng y phục của các thánh 14, và chiến thắng cả Satan nữa 15.

Đặc biệt, Tin Mừng Gioan nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu, nhờ cái chết trên thập giá, phải được nhìn nhận là Chiên Vượt qua đã bị sát tế thay cho chúng ta. Khi kể lại việc những người lính đưa miếng bọt biển nhúng dấm lên miệng Chúa Giêsu, thánh Gioan cho biết miếng bọt biển được đặt trên một nhành hương thảo. Tại sao thánh Gioan lại đề cập đến chi tiết nhỏ nhặt như thế? Bởi vì, cùng một loại nhánh cây này đã được sử dụng trong lễ Vượt qua đầu tiên ở Ai Cập. Ông Môsê chỉ thị cho các kỳ mục Ítraen sát tế Chiên Vượt qua, ngâm nhành hương thảo vào máu chiên và dùng cành hương bài dính máu để bôi máu chiên lên khung cửa 16. Thánh Gioan viết chi tiết này để chúng ta có thể nhận ra cái chết của Chúa Giêsu là hy tế Vượt qua. Như cành hương thảo được sử dụng trong hy tế Vượt qua đầu tiên, bây giờ cành cây ấy lại được sử dụng trên đồi Canvê với Chúa Giêsu, Chiên hy tế mới.

Trong một nối kết khác với Chiên Vượt qua, Tin Mừng Gioan ghi nhận rằng trước khi Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá, những người lính đã không đánh dập ống chân Người như người ta thường làm để đảm bảo rằng tội phạm chắc chắn đã chết 17. Thánh Gioan chỉ ra điều này bởi vì chiên Vượt qua được đòi hỏi phải là một con chiên không bị gãy một khúc xương nào 18. Một lẫn nữa, cái chết của Chúa Giêsu được miêu tả như việc sát tế một con chiên Vượt qua.

Lạy Chiên Thiên Chúa

Tuy nhiên, những lời trong kinh Chiên Thiên Chúa trực tiếp xuất phát từ thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh Gioan là người đầu tiên ám chỉ Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” 19. Trong lúc đang thi hành sứ vụ làm phép rửa ở sông Giođan, khi thấy Chúa Giêsu, ngài kêu lên: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian!” 20.

Có nhiều điều được gói ghém trong lời phát biểu ngắn gọn này. Bằng những lời như thế, thánh Gioan đang nhận ra Chúa Giêsu là Tôi Trung Đau Khổ vĩ đại đã được ngôn sứ Isaia tiên báo. Ngôn sứ Isaia tiên báo rằng một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ sai một người đến để cứu Ítraen khỏi tội lỗi, và người này sẽ thực hiện bằng cách chịu đau khổ “như chiên bị đem đi làm thịt” 21. Hơn nữa, người Tôi Trung này của Đức Chúa sẽ mang lấy tội lỗi nhân loại và “hiến thân làm của lễ đền tội” 22. Và hy lễ của Người sẽ có sức mạnh cứu độ. Nhờ hy lễ này, nhiều người sẽ được nên công chính 23. Tất nhiên, việc đề cập đến một con chiên bị sát tế, nhắc nhớ những con chiên Vượt qua. Nhưng yếu tố mới được đưa vào trong sách ngôn sứ Isaia là ý niệm về một người dâng đời sống mình như hy tế đền tội. Do vậy, khi thánh Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là Con Chiên “Đấng xoá tội trần gian,” ông đồng hoá Người không chỉ với chiên Vượt qua, nhưng còn là người Tôi Trung đau khổ đã được chờ đợi từ lâu mà sách Isaia chương 53 đã đề cập – Con Chiên dâng hiến đời sống làm hy lễ đền tội.

Thật là thích hợp khi chúng ta đọc kinh Chiên Thiên Chúa vào giây phút đặc biệt này trong Thánh lễ! Trong khi linh mục chủ tế bẻ bánh, cộng đoàn hợp với thánh Gioan Tẩy Giả nhận ra Chúa Giêsu là Con Chiên và Tôi Trung trong sách Isaia chương 53, Đấng đã hiến dâng đời sống mình làm hy lễ đền tội. Chúa Giêsu là Chiên đã bị dẫn đi làm thịt. Chúa Giêsu là Đấng mà hy lễ của Người làm cho nhiều người nên công chính. Vì thế, chúng ta gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” và thưa với Người rằng, nhờ sự chết của Người, “Người xoá bỏ tội lỗi trần gian.”

Kinh nguyện này thường được lặp lại ba lần: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian…” Điều này vọng lại những kinh nguyện khác được lặp lại ba lần trong Thánh lễ. Trong kinh Thú nhận, mỗi người chúng ta thừa nhận lầm lỗi của mình ba lần khi nói: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Sau đó, trong kinh Thương xót, ba lần chúng ta kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa. Bây giờ, sau khi tung hô Đức Chúa ba lần thánh trong kinh Sanctus và ngay trước khi hiệp lễ, chúng ta xin lòng thương xót và bình an từ Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi – Chiên Thiên Chúa, Đấng dâng hiến đời sống mình vì chúng ta, thế nên “đã xoá bỏ tội trần gian”.

Lưu ý cuối cùng: Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa cũng bao gồm một lời kêu cầu được lặp lại, “xin thương xót chúng con” tương tự như kinh Thương xót. Lần cuối cùng Đức Chúa Giêsu được ngỏ lời là “Chiên Thiên Chúa”, lời xin ơn thương xót chuyển thành lời kêu cầu ơn bình an. Điều này liên kết kinh Chiên Thiên Chúa với dấu bình an vừa được thể hiện, và tiên báo sự hiệp nhất sẽ được thành hình khi đón nhận Thánh Thể.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com