[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 11. Kinh Tin Kính

26-06-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4092 lượt xem

Edward Sri

Kinh Tin kính là bản tuyên bố tóm tắt về đức tin được sử dụng trong Giáo hội sơ khai như là một quy tắc hoặc tiêu chuẩn cho niềm tin Kitô giáo. Khởi đầu, kinh này là một phần của nghi thức rửa tội, để những người dự tòng tuyên xưng đức tin của Giáo hội; sau đó kinh Tin kính được dùng như phương thế đảm bảo giáo thuyết đúng đắn và hạn chế lạc thuyết.

Nhưng bởi vì chính kinh Tin kính không xuất phát từ Kinh Thánh, nên người ta có thể tự hỏi “Tại sao bản văn không thuộc về Kinh Thánh này lại được xếp vào Phụng vụ Lời Chúa?” Để trả lời, chúng ta nên chú ý rằng kinh Tin kính tóm lược câu chuyện Sách Thánh. Khởi đi từ công cuộc sáng tạo đến mầu nhiệm nhập thể, chịu chết và sống lại của Chúa Kitô, tới việc gửi Thánh Linh, thời đại của Giáo hội, và cuối cùng là cuộc giáng lâm lần thứ hai, kinh Tin kính đưa chúng ta qua toàn bộ lịch sử cứu độ. Trong một phát biểu ngắn gọn về đức tin, chúng ta rút ra một chuỗi trình thuật từ sách Sáng thế đến sách Khải huyền: tạo dựng, sa ngã, cứu chuộc. Và chúng ta làm như thế với cái nhìn sâu sắc về Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng là tác giả chính trong vở kịch này: Cha, Con và Thánh Linh. Một nhà thần học chú giải: “Những gì Sách Thánh nói chi tiết, kinh Tin kính nói tóm tắt.”[1]

Kinh “Tin kính” Cựu Ước

Thói quen đọc kinh Tin kính trong khi cầu nguyện có nguồn gốc sâu xa từ Kinh Thánh. Ítraen cổ xưa được mời gọi tuyên xưng đức tin của mình bằng lời phát biểu (mang tính tín điều) được gọi là kinh Shema. Tiếng Do Thái có nghĩa là “Nghe”, lấy từ chữ đầu tiên trong kinh này. “Nghe đây, hỡi Ítraen! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6,4-5). Những lời thánh thiêng này, dân chúng phải ghi lòng tạc dạ, phải dạy cho con cái, phải đọc đều đặn suốt ngày: vào buổi sáng khi thức dậy, vào buổi tối khi đi ngủ, khi ở trong nhà, khi ra ngoài đường (x. Đnl 6,6-10).

Kinh Shema nói đến một loại câu chuyện khác về thế giới không giống như quan niệm thông thường nơi các dân xung quanh Ítraen. Hầu hết các dân tộc cận đông cổ đều có một thế giới quan đa thần: Họ tin có nhiều vị thần, và mỗi bộ tộc hay quốc gia đều cần một nhóm các thần minh để các vị này khuyên giải và giúp họ hạnh phúc. Theo cái nhìn này, một cách điển hình, tôn giáo có tính bộ tộc, dân tộc, quốc gia.

Trong môi trường đa thần bao quanh Ítraen, những lời “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” là sự bày tỏ niềm tin độc thần của dân Ítraen một cách dũng cảm và trái ngược văn hoá. Nhưng đối với người Do Thái cổ xưa, đây không chỉ là một quan niệm trừu tượng về việc có bao nhiêu vị thần (chỉ có một). Thuyết độc thần của người Do Thái có một khía cạnh mang tính lật đổ. Thuyết này tuyên bố không chỉ có một Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa duy nhất này có giao ước đặc biệt với Ítraen. Nói cách khác, Thiên Chúa của Ítraen không chỉ là một vị thần giữa rất nhiều thần linh trong thế giới, nhưng là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, trên mọi nước mọi dân. Vì vậy, thuyết độc thần của người Do Thái vạch mặt các vị thần của dân Ai Cập, Cananan, Babylon, chẳng hạn cho thấy các vị thần này thực sự là gì: là các thần hư ảo, chẳng có chút nào là thần thánh! Thiên Chúa của Ítraen là Thiên Chúa duy nhất.

Cần phải xem kinh Tin kính đọc trong Thánh lễ như là kinh Shema của chúng ta. Giống như kinh Shema Cựu Ước, kinh Tin kính ngày nay có một sứ điệp đối nghịch văn hoá. Kinh Tin kính cho chúng ta biết một loại chuyện khác về cuộc sống hơn là những gì chúng ta thường được dạy trong thế giới hiện đại tục hoá. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của chủ nghĩa tương đối, với quan niệm không có chân lý luân lý hoặc tôn giáo, cũng chẳng có đúng đắn và sai lầm. Thế giới quan tương đối xem việc tin vào Chúa hoặc chọn làm điều gì trong cuộc sống thì không quan trọng. Bởi vì, cuộc sống không có ý nghĩa thực, mọi người nên tự tạo lập các giá trị luân lý và đạo đức cho bản thân và làm bất cứ điều gì mình muốn trong cuộc đời.

Cuộc chiến vũ trụ

Trong môi trường văn hoá “bất cứ điều gì có thể xảy ra” này, kinh Tin kính đặt chúng ta vào thực tại và nhắc nhở rằng đức tin và chọn lựa là những vấn đề quan trọng. Khi thuật lại từ công cuộc tạo dựng đến công trình cứu chuộc của Chúa Kitô và cho tới sứ vụ thánh hoá của Giáo hội ngày nay, kinh Tin kính được coi như một khung chuyện về lịch sử loài người. Nói cách khác, kinh Tin kính thừa nhận có một kế hoạch cho cuộc sống và chúng ta hiện hữu ở đây vì có lý do. Kinh Tin kính cho thấy vũ trụ không ngẫu nhiên mà có, nhưng được làm cho hiện hữu bởi Thiên Chúa chân thật và duy nhất, “Đấng tạo thành trời đất”, và vũ trụ ấy đang vận hành phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Kinh Tin kính cũng giả định là kế hoạch thần linh này được mặc khải trọn vẹn nơi Con Thiên Chúa, “Chúa Giêsu Kitô”, Đấng “đã trở nên người phàm” để chỉ cho chúng ta con đường tới hạnh phúc và đời sống vĩnh cửu.

Kinh Tin kính còn cho thấy Chúa Giêsu xuống thế “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, đồng thời mang đến cho chúng ta “ơn tha tội”. Việc thừa nhận chúng ta cần được cứu độ và được tha thứ tội lỗi cho thấy một điều gì đó sai lầm khủng khiếp đã xảy ra trong cuộc sống loài người trước khi Chúa Kitô đến. Kinh Tin kính chỉ ra cuộc nổi loạn nguyên thủy của Satan và kẻ theo nó chống lại Thiên Chúa, đồng thời cũng cho biết chúng đã thuyết phục Ađam và Eva trong vườn địa đàng làm sao, và những người khác trong gia đình nhân loại tham gia vào cuộc nổi loạn này bằng cách sa ngã phạm tội thế nào. Vì thế, câu chuyện trong kinh Tin kính ngầm kể về một cuộc chiến dữ dội đã diễn ra từ lúc bắt đầu thời gian. Đó là cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và con rắn (St 3,15; Kh 12,1-9), giữa “Đô thành Thiên Chúa” và “Đô thành nhân loại” theo cách nói của thánh Âu Tinh, và giữa điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “văn minh tình thương” và “văn hoá sự chết”.

Vì thế, kinh Tin kính nhắc nhở rằng đời sống nhỏ bé của chúng ta được cuốn vào trong câu chuyện rộng lớn hơn này. Mỗi chúng ta có vai trò quan trọng để diễn vai của mình trong vở kịch đó. Câu hỏi được đặt ra là: “Làm sao để tôi có thể diễn vai của mình tốt được?”. Kinh Tin kính không cho phép chúng ta ở lại trong câu chuyện thần thoại dựa trên chủ nghĩa tương đối hiện đại, vốn khẳng định chẳng có chọn lựa đúng sai, hay việc chúng ta tin hay làm điều gì trong cuộc sống thì không phải là vấn đề quan trọng. Kinh Tin kính nhắc nhở rằng khi kết thúc cuộc đời, chúng ta sẽ đứng trước Chúa Giêsu Kitô, Đấng “sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Và lúc này, tất cả những gì chúng ta chọn lựa trong cuộc sống sẽ được cân trên bàn cân trước vị thẩm phán thần linh, và mỗi người sẽ nhận lấy phần thưởng hay hình phạt theo cách mình đã sống.

Do vậy, kinh Tin kính sẽ không cho phép chúng ta làm những khán giả thờ ơ trong cuộc chiến vũ trụ này, nhưng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa thuộc về phe nào trong cuộc chiến đó. Phải chăng chúng ta sẽ theo hoàng tử thế gian, kẻ muốn chúng ta nghĩ rằng chẳng có đúng cũng chẳng có sai? Hoặc chúng ta sẽ theo Vua trời đất, Đấng dẫn chúng ta tới hạnh phúc trong vương quốc vĩnh cửu của Người? Khi tuyên xưng đức tin trong Thánh lễ qua kinh Tin kính, chúng ta đứng công khai trước toàn thể cộng đoàn và Thiên Chúa toàn năng, đồng thời cùng với Chúa Giêsu giương lên ngọn cờ. Chúng ta trang trọng tuyên bố rằng chúng ta sẽ cố gắng không sống như những kẻ thuộc về thế gian, nhưng hết lòng trung thành với Chúa: “Tôi tin kính một Thiên Chúa…”

Hai mặt của niềm tin

Nhưng tại sao chúng ta cần lặp lại cùng lời tuyên xưng đức tin ấy hết tuần này qua tuần khác? Tại sao chúng ta cần trở lại vào mỗi Chúa nhật và nói rằng: “Vâng, tôi vẫn tin điều này”? Từ ngữ chính bắt đầu kinh Tin kính hợp nhất rất nhiều khẳng định về đức tin sẽ soi sáng cho chúng ta khi đọc kinh Tin kính hằng tuần trong Thánh lễ. Từ này là “Tin”.

Theo sách Giáo lý, đức tin có hai khía cạnh. Một đàng, đức tin là một điều gì đó thuộc về lý trí. Đó là “tự nguyện chấp nhận toàn bộ chân lý được Thiên Chúa mặc khải”.[2] Khía cạnh này được thể hiện rõ ràng nhất trong kinh Tin kính. Chúng ta khẳng định đức tin của mình là: “có một Thiên Chúa”, Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” và Người đã chết và sống lại vào ngày thứ ba. Chúng ta cũng tin “Chúa Thánh Thần”, tin “Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” và đồng thuận với tất cả những gì Giáo hội chính thức dạy.

Mặt khác, điều căn bản hơn đối với đức tin là “gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa.”[3] Hạn từ trong tiếng Hípri chỉ đức tin (‘aman), mà từ đó chúng ta có từ Amen, cho thấy điều này. Hạn từ này được hiểu với nghĩa là dựa vào một cái gì khác.[4] Nói cách khác, theo quan niệm Cựu Ước, đức tin vào Thiên Chúa không chỉ là, nhờ lý trí, diễn tả niềm xác tín Thiên Chúa hiện hữu, mà còn trao phó cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Đức tin ấy cho thấy Thiên Chúa thực sự là nền tảng cho cuộc sống tôi ra sao.

Hôn nhân và phương trình toán học

Sự khác biệt giữa hai khía cạnh của đức tin – riêng tư và lý trí – giống như sự khác biệt giữa một phương trình toán học và một cuộc hôn nhân. Nếu ai đó khẳng định: “Tôi tin 2 + 2 = 4”, thì anh ta nói rằng anh ta nghĩ khẳng định này là đúng. Tuy nhiên, khi người chồng nói với vợ “Em yêu quý, anh tin em”, thì anh ta không chỉ khẳng định niềm tin là vợ anh hiện hữu, mà còn đang nói rằng “Anh tin em… Anh trao bản thân cho em… Anh hiến dâng cuộc đời cho em.”

Tương tự như vậy, khi đọc “Tôi kính tin một Thiên Chúa” chúng ta đang diễn tả một điều gì đó hoàn toàn riêng tư, không chỉ khẳng định Thiên Chúa hiện hữu – mặc dù chắc chắn chúng ta làm như thế – mà chúng ta còn nói rằng mình trao phó toàn bộ cuộc đời cho Đấng làm nên mọi sự khác biệt cho chúng ta. Đây là một lý do cho biết tại sao chúng ta đọc kinh Tin kính trong mọi Thánh lễ Chúa nhật. Giống như cặp vợ chồng có thể khẳng định sự tin tưởng và phó thác cho nhau và thường xuyên nói với nhau “Anh yêu em… Em yêu anh”, chúng ta cũng nhắc lại việc phó thác cho Chúa mỗi tuần trong Thánh lễ, âu yếm nói đi nói lại với Người rằng chúng ta trao phó toàn thể cuộc sống cho Người – tức là chúng ta “tin” vào Người.

Dựa trên ý nghĩa Kinh Thánh về đức tin như thế, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng kinh Tin kính không chỉ đơn thuần là danh sách các đạo lý trên một trang giấy cần được kiểm tra. Mệnh đề “Tôi tin” trong kinh Tin kính mời gọi chúng ta dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa mỗi tuần hơn nữa. Điều này thách thức chúng ta đặt vấn đề: “Ai thực sự là trung tâm của cuộc đời tôi? Tôi thực sự tín thác vào ai? Khi đối diện với những lời trong kinh Tin kính, chúng ta tự hỏi: “Tôi đã thực sự tìm kiếm thánh ý Chúa cho cuộc đời tôi chưa? Hay đang tìm kiếm ý riêng, đang chạy theo những khát vọng, ước muốn, và kế hoạch của riêng mình? “Tôi có thực sự trao phó đời mình cho Chúa? hoặc có những “khoảng nào đó” trong đời không phù hợp với con đường của Chúa Giêsu?” “Tôi có trao phó những lo âu của tôi cho sự chăm sóc quan phòng của Người? hoặc sợ phải từ bỏ sự kiểm soát đời mình, cũng như không còn tin cậy vào Thiên Chúa?” Mặc dù không ai trong chúng ta có đức tin hoàn hảo, nhưng khi đọc kinh Tin kính, chúng ta diễn tả khao khát tăng trưởng trong niềm tin vào Thiên Chúa – tức là phó thác cuộc đời cho Người nhiều hơn nữa. Hoàn toàn phó thác vào bất cứ điều gì hoặc vào bất cứ ai khác – như vào khả năng, kế hoạch, của cải, nghề nghiệp, nhà chính trị, hoặc bạn bè – sẽ là dại dột và rơi vào thất vọng. Chỉ Thiên Chúa mới đáng cho ta hoàn toàn phó thác bản thân. Sách Giáo lý dạy về điều này: “Bởi vừa là gắn bó bản thân với Thiên Chúa, vừa là chấp nhận chân lý do Thiên Chúa mặc khải, nên đức tin Kitô giáo khác với việc tin một người phàm. Thật là tốt đẹp và phải đạo khi hoàn toàn tin tưởng ở Thiên Chúa và tuyệt đối tin điều Người đã nói. Thật là vô ích và lầm lạc khi đặt niềm tin như vậy vào một thụ tạo”.[5]

“Đồng bản thể với Đức Chúa Cha”

Thứ nhất, bản dịch Kinh Tin kính liên kết chúng ta nhiều hơn với thế giới Tây phương khi sử dụng ngôi thứ nhất số ít “Tôi” để mở đầu kinh này: “Tôi tin kính một Thiên Chúa”. Tuy nhiên, đại từ số ít “Tôi” làm cho kinh Tin kính mang tính riêng tư hơn và đòi hỏi mỗi cá nhân nội tại hoá đức tin. Sách Giáo lý giải thích: “‘Tôi tin’ diễn tả đức tin của Giáo hội được mỗi tín hữu tuyên xưng.”[6] Đây là điều chúng ta thực hiện khi lặp lại lời hứa vào ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội hoặc trong đêm vọng Phục sinh. Mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về mình. Giám mục, linh mục hoặc phó tế hỏi: “Anh (chị em) có từ bỏ Satan không?” và chúng ta trả lời: “Thưa, từ bỏ” (Con từ bỏ).

Thứ hai, thay vì nói Thiên Chúa là Đấng tạo thành “tất cả những gì được thấy và không được thấy”, bây giờ chúng ta tuyên xưng Người là Đấng tạo thành “trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”, điều này phản ánh chính xác ngôn từ của thánh Phaolô, người đã quy về công trình tạo dựng mọi sự “trên trời và dưới đất, hữu hình và vô hình” (Cl 1,16).

Thứ ba, một số thuật ngữ chuyên môn, mang tính Kitô học được tìm thấy trong Bộ lễ La Tinh bây giờ được giữ lại trong bản kinh này. Bản dịch trước đây ám chỉ Chúa Giêsu là “Đấng hiện hữu cùng với Chúa Cha”, nhưng bây giờ chúng ta nói về Chúa Giêsu là Đấng “đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Điều này phản ánh chặt chẽ hơn ngôn ngữ thần học của công đồng Nixêa (325). Công đồng này nói rõ rằng Chúa Con “có cùng một bản thể” (Tiếng Hy Lạp homoousios) như Chúa Cha và kết án giáo thuyết của ông Ariô. Ông Ariô dạy rằng “Con Thiên Chúa đến từ hư vô” và có “một bản thể khác với Chúa Cha”.[7] Việc sử dụng thuật ngữ này trong kinh Tin kính chính xác hơn, và đem đến một cơ hội cho việc suy tư thêm về bản tính thần linh của Chúa Kitô và Ba Ngôi.

Một thuật ngữ thần học quan trọng khác bây giờ được duy trì trong lời tuyên xưng của kinh Tin kính về việc thụ thai Chúa Giêsu cách lạ lùng. Bản dịch cũ nói về Chúa Con như thế này: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người được trinh nữ Maria sinh ra và đã làm người”. Bản dịch hiện thời phản ánh chính xác hơn bộ lễ La Tinh, với thuật ngữ thần học incarnatus (Nhập thể) để gợi lại “sự kiện Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính nhân loại, nhằm thực hiện việc cứu độ chúng ta trong bản tính ấy.”[8] Theo ngôn từ của Tin Mừng Gioan: “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14). Vì thế, bây giờ chúng ta nói rằng Chúa Con “nhờ Chúa Thánh Thần, đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Cách dịch này không chỉ đúng hơn, nhưng còn bắt kịp hơn với quan điểm thần học được trình bày trong kinh Tin kính. Con Thiên Chúa không chỉ được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Con Hằng Hữu của Thiên Chúa, Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, thực sự đã mặc lấy xác phàm nhân loại!


[1] Nicholas Lash, Believing Three Ways in One God: A Reading of the Apostle’s Creed (London, England: SCM Press, 1992), 8, as cited in Gerard Loughlin, Telling God’s Story: Bible, Church and Narrative Theology (New York: Cambridge University Press, 1996), p. 50.

[2] GLCG 150.

[3] Ibid.

[4] X. Joseph Ratzinger, Introduction to Christianity (San Francisco: Ignatius Press, 1990), p. 39.

[5] GLCG 150.

[6] GLCG 167.

[7] X. GLCG 465.

[8] GLCG 461.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com