1. “Triết gia” Máctinô, Khát Vọng Tìm Kiếm Thiên Chúa

25-10-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 965 lượt xem
LTS: Nhân dịp mừng 50 năm tuyên phong hiển thánh Máctinô (1962-2012), quý thầy Học viện Đa Minh đã biên soạn cuốn Gõ nhịp theo tấm lòng vàng, gồm 160 trang. Sau đó, sách có thêm 2 lần tái bản. Chuẩn bị mừng lễ thánh Máctinô (3/11), chúng tôi trích đăng 9 bài viết về thánh Máctinô trong tập sách này. Ước mong độc giả sẽ có thêm chất liệu để suy tư, cầu nguyện và gia tăng lòng mộ mến Vị Thánh được mệnh danh là “Máctinô Bác Ái”

Có lẽ khi đọc tiêu đề trên, nhiều người sẽ phì cười, bởi ai cũng biết thánh Mác-ti-nô là một tu sĩ Dòng Đa Minh và có đời sống đơn sơ rất giản dị. Thánh nhân không nghiên cứu hay trước tác bất kỳ một tác phẩm thần học hoặc triết học nào, để người đời có thể dựa vào đó suy tôn ngài là triết gia hay thần học gia. Quả thật, nhìn vào cuộc đời thánh Mác-ti-nô, nếp sống của thánh nhân đã làm cho muôn người cảm phục. Phải chăng thánh nhân đã kín múc được “một kho tàng tốt” nào đó và đã thể hiện nó ra trong nếp sống bình dị? Trả lời cho câu hỏi này, một cách nào đó, cho thấy thánh Mác-ti-nô được xem là một “triết gia” hành động, nghĩa là “triết gia” ấy khát khao tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi hành động của mình.

Triết Gia: Người Thiên Tài Hay Kẻ Lập Dị?

Thường thì hai chữ “triết học” dễ làm cho nhiều người cảm thấy sợ. Bởi khi đụng vào đó, họ sẽ liên tưởng đến những câu hỏi cực kỳ phức tạp như: Vật chất là gì? Ý thức là gì? Con người tri thức thế giới xung quanh như thế nào? Bản chất của thế giới này là gì?…; hay những hạn từ đầy bí hiểm, nghe rất xa lạ như: tiên thiên, hậu nghiệm, siêu hình, hữu thể, chất thể, mô thể, yếu tính,..; hoặc là những pho sách dày cộm, mà ngay cả tựa đề của nó cũng đủ làm cho người ta “dội” chứ chưa nói đến việc đọc để hiểu, như “Phê bình lý trí thuần túy”, “Hiện tượng luận tinh thần”, “Hữu thể và thời gian”,… . Do đó, với nhiều người, triết học là một thế giới riêng, chỉ dành cho một số ít người “đặc biệt” theo hai nghĩa: thứ nhất là thiên tài, hay ít ra thì cũng phải thuộc loại cực kỳ thông minh; thứ hai là những người sống trên mây trên gió, thích biến cái đơn giản thành cái phức tạp, rối rắm!

Thật sai lầm khi nghĩ như vậy! Bởi vì tất cả mọi người, ở mọi thời đều có khả năng suy tư và lý luận trước một vấn đề nào đó của xã hội và của nhân sinh, để từ những suy tư ấy, hình thành các suy nghĩ riêng về thế giới, về xã hội, về con người và về chính bản thân. Nói cách đơn giản, khi con người đặt ra cho mình những câu hỏi: Thế giới này từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Cuộc sống của con người có ý nghĩa gì? Tự do là gì? Công bình là gì? Có phải chết là hết?… và tìm những lý lẽ để giải đáp, thì con người đã bắt đầu mon men đi vào trong lãnh vực triết học rồi. Bởi vì triết học có khởi đầu là từ những sự ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên này là động lực khiến con người suy tư và khám phá chân lý. Như vậy, theo giải thích trên thì ai cũng có thể trở thành người làm triết học, hay “siêu” hơn, là trở thành triết gia.

Triết Gia: Người Yêu Mến Sự Khôn Ngoan

Nguồn gốc từ “triết học” có nguyên ngữ Hy-Lạp cổ là “Phi-lo-so-phi-a” nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan”. Hạn từ này được ghép bởi hai từ: Phi-le-o (yêu mến) + So-phi-a (sự khôn ngoan, thông thái). Ở đây, sự khôn ngoan của triết học không chỉ dừng lại ở danh từ, hay đơn thuần chỉ là sự hiểu biết lý thuyết thuần tuý, mà còn bao hàm cả việc “cảm nghiệm” qua thực hành nữa. Thật vậy, khôn ngoan ở đây là biết, nhưng không phải là cái biết thuần túy chữ nghĩa, mà là cái biết qua kinh nghiệm, và đây mới chính là điều quan trọng nhất của triết học. Chính vì thế, theo các triết gia Hy-Lạp cổ đại, người khôn ngoan là người tìm những điều chân thật soi sáng cho cuộc đời mình và áp dụng trong cuộc sống. Nói cách khác, khôn ngoan triết học phải biến đổi con người mình trở thành hữu ích cho tha nhân, nghĩa là suy tư phải đi đến thực nghiệm, lý thuyết phải đi với thực hành. Đó mới là điều cần thiết nhất của một triết gia. Theo nghĩa này, trở nên triết gia không bắt buộc phải là thầy dạy dân chúng hay những nhà sư phạm lỗi lạc; nhưng là sự mới mẻ có sức biến đổi cuộc sống, có một cái nhìn khác về cuộc đời. Hiểu như thế, ta thấy thánh Mác-ti-nô đúng là một triết gia mẫu mực theo lối hiểu cổ điển này, một con người luôn khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và không ngừng thể hiện sự khôn ngoan ấy qua chính nếp sống khó nghèo của mình.

Mác-ti-nô: Triết Gia Tìm Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa

Có một thực tế là khi đọc tiểu sử về thánh Mác-ti-nô, ai cũng thấy rằng, suốt cuộc đời, ngài chưa từng viết một trang sách triết học và thần học nào cả, cũng chưa từng đứng lớp trong tư cách một giáo sư hay như một nhà giảng thuyết lỗi lạc. Quãng thời gian học nghề thuốc của ngài chỉ vỏn vẹn hai năm ở trường, và vài năm đi giúp việc cho một bác sĩ. Với thời gian ngắn ngủi như thế thì ngài cũng chỉ học biết cách băng bó vết thương, chữa trị một vài bệnh đơn giản, biết đọc biết viết hay làm một vài phép tính đơn giản mà thôi. Nhưng không vì thế mà ngài không suy tư, tìm kiếm hay giảng dạy. Thật ra, tất cả những yếu tố suy tư, truy tìm chân lý, học hành và giảng dạy đã được thánh Mác-ti-nô thể hiện cách tinh tế và thống nhất trong đời sống ơn gọi Đa Minh của mình. Thánh nhân đã thực hiện rất tốt điều mà triết học bàn về sự khôn ngoan, khi để cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa hướng dẫn đời sống, hành vi, lời nói của ngài. Bởi Mác-ti-nô đã khám phá ra rằng: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (Kn 6,12-13).

Thật vậy, với đời sống đơn sơ, thanh bần, Mác-ti-nô thoát ra khỏi những ham muốn và ràng buộc bởi của cải vật chất. Ngài đoan chắc rằng, muốn tìm kiếm Thiên Chúa thì phải làm cho cuộc đời mình bớt cồng kềnh, vướng bận. Mà có lẽ điều đầu tiên phải làm trong hành trình tìm kiếm là trở nên đơn sơ và nghèo khó. Mác-ti-nô hiểu rằng, từ bỏ ở đây không phải là ghét bỏ khinh chê, nhưng là để con tim được tự do và thênh thang hơn trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa. Kinh nghiệm về Thiên Chúa của thánh nhân là dấn thân phục vụ các thụ tạo khốn cùng đau khổ, vì đó là nơi duy nhất, thụ tạo thấp hèn nhận ra Đấng Sáng Tạo là Tình Yêu.

Như thế, tìm kiếm Thiên Chúa hiện diện nơi mình là mỗi ngày khám phá thêm sự gần gũi giữa mình với bụi đất, là một thái độ khiêm nhường, chấp nhận thân phận bụi đất để nhận ra mình được yêu thương; đồng thời cũng biết yêu thương anh chị em đồng loại bằng tình yêu của Đấng đã yêu thương mình. Bởi vì Mác-ti-nô vẫn một lòng phó thác và tin tưởng rằng, Thiên Chúa là cha nhân lành sẽ làm mọi điều Mác-ti-nô cầu xin. Chính vì thế, nơi Mác-ti-nô, sự khôn ngoan của Thiên Chúa không ngừng được thể hiện.

Mác-ti-nô và “Học Thuyết” Về Tình Yêu

Ngay từ khi còn bé, Mác-ti-nô đã cho thấy cậu là một người có lòng trắc ẩn. Mác-ti-nô thường tỏ ra xúc động khi thấy một người nghèo, một người ăn xin cần sự giúp đỡ, và cậu sẽ không yên tâm khi chưa thể làm được một điều gì có ích cho họ. Tình yêu thương nồng nhiệt ấy của Mác-ti-nô mỗi ngày được hun đúc thêm nhờ sự kết hợp với Chúa trong từng ngày sống. Cho đến khi trở thành một tu sĩ Đa Minh, tình yêu ấy càng trở nên sống động hơn nữa.

Thật vậy, khởi đi từ việc khiêm nhường tìm kiếm một ý nghĩa cuộc đời đến chỗ đón nhận một thực tế, Mác-ti-nô đã tiến một bước thật dài trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa. Nhờ đó, Mác-ti-nô không những có được cái nhìn sắc bén để nhận ra những dấu chỉ quan phòng của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày, mà còn biết khám phá một tình yêu vĩ đại đang hiện diện trong các thực tại hàm hồ, thậm chí cả trong những biến cố tang thương của khổ hình thập giá. Đó là con đường mà Mác-ti-nô đã đi, con đường mà Tin Mừng chỉ dẫn “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Lc 9,23). Thật vậy, dù sống trong tu viện, với công việc ban đầu là cắt tóc cho anh em trong cộng đoàn, vậy mà đôi khi, Mác-ti-nô cũng gặp những “khách hàng – tu sĩ” khó tính, và vẫn bị xem là “một thằng bé da đen chỉ có thể làm những công việc ở vựa lúa và chăm sóc súc vật mà thôi” . Nhưng với lòng khiêm nhường yêu mến, và nhất là lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Mác-ti-nô đã vượt qua tất cả, dần dần trở thành niềm vui và sự bình an cho mọi người. Lòng Mác-ti-nô không từ chối giúp đỡ ai bao giờ. Bóng dáng Mác-ti-nô ở đâu là ở đó tràn ngập niềm vui và bình an. Ai gặp Mác-ti-nô cũng đều cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đang hiện diện với mình.

Ngoài công việc cắt tóc, chăm sóc bệnh nhân, phân phát lương thực cho người nghèo, Mác-ti-nô còn đảm nhận công việc làm vườn. Đây là một công việc nặng nhọc nhưng Mác-ti-nô rất thích bởi có lòng yêu quý thiên nhiên. Tôn sư Eckhart O.P. từng nói: “Bông hoa đẹp chẳng vì sao”. Nghĩa là bông hoa ấy đã vượt lên trên phạm trù hữu ích và vô ích. Bông hoa có mặt nơi đây trong tất cả sự duyên dáng cho con người chiêm ngắm, chỉ thế thôi và cuối cùng, bông hoa chẳng đòi hỏi chúng ta điều gì cả. Ngoài ra, bông hoa còn là dấu chỉ cho biết sự hiện diện của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh 19 đã nói: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2).

Mác-ti-nô quả đã cảm nghiệm rất rõ điều đó. Không những yêu thiên nhiên, Mác-ti-nô còn yêu tất cả mọi thú vật nữa. Từ những chú chim nho nhỏ, đến những chú chó xinh xinh hay thậm chí là những con chuột đen lùi lũi… tất cả đều được Mác-ti-nô quan tâm, săn sóc. Đối với Mác-ti-nô, chúng là “những người bạn nhỏ”, là những thụ tạo của Thiên Chúa nên đáng được trân trọng, yêu thương. Làm được điều ấy, hẳn là vì Mác-ti-nô đã nhận ra rằng: mình được Thiên Chúa đón nhận cách nhưng không, thì cũng biết mở lòng ra yêu thương và gần gũi với hết mọi người cách vô điều kiện như vậy. Đó là bí quyết xây dựng tình huynh đệ cũng như thúc đẩy con người hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải với nhau, và với tất cả mọi loài thụ tạo. Vì thế, dù không sáng tác một bài ca nào như “Bài ca ngợi các thụ tạo” của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, nhưng chắc chắn, thánh Mác-ti-nô cũng có cùng một cảm nhận như vị thánh thi sĩ hèn mọn này.

Mác-ti-nô và Kinh Nghiệm Về Thiên Chúa

Trong chiều hướng của thần học phủ định, người ta thường nói Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác với những gì mà con người nhận thức hay diễn tả, vì thế, chúng ta chẳng có thể nói gì được về Thiên Chúa, ngoại trừ việc đưa ra một vài công thức theo chiều hướng loại suy. Từ quan niệm đó, nhiều người đi đến kết luận cho rằng, muốn tìm Chúa thì phải vượt ra khỏi những giới hạn của ngôn từ, thoát khỏi những hữu thể giới hạn, để một lòng một ý, toàn tâm toàn trí hướng về Đấng Siêu Việt. Trong một chiều hướng khác, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa phiếm thần, người ta lại để Thiên Chúa bị nuốt chửng ngay trong thế giới này. Họ đồng hóa Thiên Chúa với những quy luật tự nhiên, những trật tự vĩnh cửu của các chuyển động tuyệt vời, trong đó, chẳng có gì mất mà cũng chẳng có gì được tạo ra, tất cả chỉ nằm trong những giai đoạn kế tiếp nhau của một dòng lịch sử, mà thật ra cũng chỉ là ảo ảnh mà thôi.

Đối với Mác-ti-nô, không có kinh nghiệm nào về Thiên Chúa ngoài kinh nghiệm được diễn ra trong lịch sử, trong ơn gọi làm người mà thánh nhân đảm nhận lấy với tất cả trách nhiệm trước vũ trụ và cộng đoàn nhân loại. Nói cách khác, Mác-ti-nô đã gặp Chúa khi dám đảm nhận những trách nhiệm của cuộc đời bằng cách sống liên đới với tha nhân và với vũ trụ. Quả thật, thánh Gio-an định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu, đó không chỉ là một lời tuyên xưng Thiên Chúa tốt lành, nhưng sâu xa hơn, lời đó diễn tả một sự chia sẻ. Thật vậy, bản chất của tình yêu là gì nếu không phải là tiếp nhận, chia sẻ, và cho đi? Chính vì tình yêu ấy mà Thiên Chúa không ngừng sáng tạo và yêu thương. “Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian để biểu lộ và truyền thông vinh quang của Người. Sự vinh quang mà vì đó Thiên Chúa đã tạo dựng các thụ tạo của Người, là để chúng được dự phần vào sự chân thiện mĩ của Người.” (x. GLHTCG, 319). Do đó, sống trong kinh nghiệm tình yêu về Thiên Chúa cũng chính là hiến dâng sự sống mình cho Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn cho Người, đồng thời cũng học từ nơi Thiên Chúa để biết sẵn sàng như tấm bánh được bẻ ra và chia cho mọi người.

Mác-ti-nô Tình Thương

Tóm lại, nói về thánh Mác-ti-nô, người ta chỉ có thể nói nhiều hay ít, chứ khó có thể nói cho đủ! Và nói gì thì nói, dù nhìn Mác-ti-nô dưới lăng kính nào đi chăng nữa, chẳng hạn như triết gia, nhà thần bí, tu đức, v.v. Nhưng sâu xa hơn cả, có lẽ danh hiệu thích hợp nhất mà dân chúng dành cho vị thánh này, đó là “Mác-ti-nô tình thương”. Chỉ cần thế thôi cũng đủ nói lên tất cả về con người đặc biệt ấy. Đó là con đường tìm kiếm sự khôn ngoan Thiên Chúa, và hướng đến hành động là thực thi đức ái cho muôn người.




Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com